Những thói quen “siêu lập dị” của đại gia Việt
Sở hữu khối tài sản hàng nghìn tỷ đồng nhưng họ vẫn thích đi chân đất, xe ôm, thậm chí hút thuốc lào trên…siêu xe.
Nữ giám đốc cả đời đi chân đất
Người mới nghe tưởng đùa nhưng đây lại là câu chuyện có thật của một bà giám đốc thành đạt. Dù ăn mặc đẹp, sở hữu công ty riêng, xe xịn nhưng bất kể xuân, hạ, thu, đông, quần xắn gần tới gối, chân đi đất là hình ảnh khó tách rời khỏi bà Trần Thị Thủy – GĐ công ty TNHH SX VTTM XNK Bích Thủy (Lạng Giang – Bắc Giang).
Thói quen “lập dị” của nữ giám đốc này có từ khi còn cơ hàn nên dù thành đạt, bà vẫn không thể quên được những ngày tháng không có lấy nổi một đôi dép mà đi.
Hiếm người phụ nữ nào cuộc đời lại nhiều thăng trầm như bà Thủy. Lấy chồng từ năm 13 tuổi, bà phải vất vả vật lộn với cuộc sống. Khi đó, bà Thủy có tham gia nhóm đi nhặt rác thuê cho một đơn vị chuyên chế biến các phế phẩm từ rác thải làm thành các vật dụng có ích.
Bà Thủy lúc nào cũng chỉ đi chân đất bất kể xuân, hạ, thu, đông.
Xin vào đơn vị này học nghề, sau 5 năm, bà Thủy đã thành thạo, làm chủ được công nghệ chế biến rác. Không dừng lại ở đó, năm 2000, bà liều lĩnh mở công ty riêng. Tới năm 2006, công ty của bà đã có những thành công nhất định và ngày càng phát triển.
Video đang HOT
Hiện, bà Thủy vẫn không từ bỏ thói quen “chân đất” và điều này mang lại cho bà Thủy nhiều kỷ niệm nhớ đời. Năm 2009, trong một lần lên nhận giải thưởng Cúp vàng Doanh nghiệp do Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng trao, suýt chút nữa bà cũng không đi dép…Bà Thủy cho biết, sau lần đó, mỗi khi đi nhận giải thưởng, vinh danh hay có sự kiện quan trọng, người thân của bà đều phải đi cùng chỉ để nhắc bà…nhớ đi dép.
Thành viên HĐQT ngân hàng thích đi… xe ôm
Nếu nhiều đại gia ngân khác phải sở hữu biệt thự triệu đô, đi siêu xe và giải trí bằng những trò “đốt tiền” như chơi golf thì những thói quen bình dự như ngồi thiền, tập Aikido, xem phim vào cuối tuần, đi làm bằng xe ôm cũng đủ khiến tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, thành viên HĐQT ngân hàng An Bình, bằng lòng và thích thú.
Lịch sinh hoạt một ngày của ông Hiếu bắt đầu tư 5h sáng, tập thể dục, sau đó ngồi thiền khoảng 30 phút rồi đến cơ quan. Buổi chiều, các ngày chẵn là thứ hai, tư, sáu, nếu không quá bận rộn ông đi tập Aikido (Hiệp khí đạo) tại Võ đường Tenshinkai trong khu vực trường THPT Cầu Giấy, quận Cầu Giấy. Ông cũng có thói quen ăn nhiều rau củ quả, uống sữa đậu nành và ăn ít thịt.
Vị thành viên HĐQT ngân hàng An Bình đi làm bằng xe ôm.
Lý giải việc thích ngồi thiền hơn đánh golf, ông Hiếu cho biết, người làm trong ngành ngân hàng cần phải có một số đặc tính quan trọng. Trong số này, tinh thần trong sáng là điều kiện để những người làm quản lý có thể đi đến những quyết định sáng suốt nhất. Vì vậy thiền định là một cách sống phù hợp. Hơn nữa, trong thiền định, ông tìm thấy sự thanh liêm, bình tâm, nhất quán.
Nhiều thói quen khác của vị thành viên HĐQT ngân hàng An Bình phải khiến cho người khác bất ngờ như sau giờ làm, ông thích về nhà và rất ít khi nhậu nhẹt, buổi tối tự nấu ăn, cuối tuần thì đi nhà thờ hoặc xem phim.
Thậm chí, ông Hiếu không có ô tô hay nhà riêng. Mỗi sáng, ông đều đi làm bằng xe ôm hoặc taxi. Các tài sản như bất động sản hay căn hộ dự án ông cũng không sở hữu. “Tôi cho rằng, sự tự do cao nhất là sự tự giải thoát khỏi bản ngã tham lam, vì khi mình có cái gì đó, mình lại bị ràng buộc và luôn tìm cách bảo vệ nó, gây nên sự bất an và mất quân bình trong nội tâm. Hiện tại, tôi không có tài sản, nhà lầu, ôtô, thậm chí gia đình cũng không, tạm gọi là “nhà ngân hàng vô sản tuyệt đối”. Vợ và 3 cô con gái ở hết bên Mỹ, mỗi năm tôi thường về Mỹ một lần, còn gọi điện thì thường xuyên. Vợ tôi là người Mỹ gốc Đức. Ba cháu gái, sinh ở California, khá xinh đẹp và khá thông mình vì có lẽ mang hai dòng máu Việt và Đức”, ông Hiếu tâm sự.
Đại gia bất động sản thích hút thuốc lào trên siêu xe
Vẫn còn rất nhiều người chưa biết đến các tên Lê Thanh Thản cho đến khi dự án Đại Thanh bung hàng với mức giá 10 triệu đồng/m2, khiến giới địa ốc xôn xao, choáng váng.
Ông Lê Thanh Thản là Giám đốc Cty tư nhân xây dựng số 1 Lai Châu, đang sở hữu một khối tài sản khổng lồ với 20 khách sạn lớn từ 2-4 sao ở nhiều tỉnh thành, xây dựng nhiều toà nhà chung cư và khu đô thị lớn, có thể sánh vai với cả những tập đoàn xây dựng của nhà nước.
Đại gia Lê Thanh Thản với thú vui hút thuốc lào.
Sinh năm 1949, ông Lê Thanh Thản vốn là một doanh nhân được xếp hàng “vô danh tiểu tốt” đến từ tỉnh miền núi Lai Châu, lập nghiệp bằng nghề đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở miền núi (công ty tư nhân đầu tiên thành lập năm 1987), sau đó vươn sang Lào.
Ông Thản mở rộng việc làm ăn xuống Hà Nội năm 2000 với việc mua một mảnh đất trong Khu Đô thị Linh Đàm để xây khách sạn Mường Thanh và khu căn hộ nhỏ. Từ đó đến nay, công việc kinh doanh của ông ngày càng “phất”. Số chung cư ông xây tại đất Thủ đô không dưới 30 tòa nhà.
Chưa kể, tại quê hương Diễn Châu, Nghệ An, ông cho xây cả một bệnh viện vài trăm giường với viện phí thấp để phục vụ bà con. Một sở thú rộng 300ha với đủ chủng loại cũng thuộc sở hữu của ông. Ngoài ra, ông còn cho xây một loạt trường cấp 3, cấp 1, 2, làm đường làng, đình làng…Tất cả đều phi lợi nhuận.
Sở hữu khối tài sản khổng lồ nhưng ông Thản lại thích hút thuốc lào vặt, khoái ăn cá trích, đậu phụ chấm mắm tôm. Trên chiếc xe Rolls-Royce bong lộn của ông lúc nào cũng phải có cái…điếu cày. Có lần đi nước ngoài, ông mang theo điếu cày, nhân viên an ninh bắt ông bỏ lại, ông không chịu, cãi nhau một hồi rồi họ cũng hiểu và cho mang theo. Ông bảo: “Không có thứ này là không chịu được”.
Theo Dantri
Ai chi tiền xử lý nợ xấu?
Chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng - TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, sẽ cần huy động một nguồn vốn tổng hợp cho việc xử lý nợ xấu...
Làm thế nào để xử lý nợ xấu ngân hàng.
"Ngủ ngon" với nợ xấu
Không cho rằng nợ xấu lên đến cực điểm vào thời điểm tháng 6-7.2012, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, nợ xấu đang tiếp tục tăng lên sau thời điểm này trong bối cảnh các DN lao đao và ngày càng chết nhiều. Con số nợ xấu theo đó không chỉ dừng lại ở 8-10% như một số công bố trước đây mà hiện có thể lên tới 15%. "Đối chiếu con số này với tổng dư nợ hằng năm khoảng 2,5 triệu tỉ đồng, tôi cho rằng con số nợ xấu hiện nay đâu đó khoảng 375.000 tỉ đồng". Dẫn kinh nghiệm quốc tế, vị chuyên gia tài chính NH từng có nhiều năm làm việc tại Mỹ cho rằng, có khoảng 50% nợ xấu xem như nợ... mất vốn.
So sánh với nguồn dự phòng 70.000 tỉ đồng được các nhà băng trích lập, câu hỏi được đặt ra và có luôn câu trả lời dường như là nguồn dự phòng rủi ro hiện tại đang được trích lập vào hệ thống là không đủ. Đây chính là thời điểm phải tính đến vấn đề thanh lý tài sản và theo như con số được Thống đốc Nguyễn Văn Bình công bố, có 84% các món nợ có tài sản bảo đảm với giá trị tương đương 135% dư nợ.
"Nếu thật sự như thế thì chúng ta có thể ngủ ngon và không cần phải nghĩ đến nợ xấu nữa" - và nếu đúng như thế theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, sẽ không cần phải nghĩ đến việc thành lập một Cty nợ xấu cũng như phải nghĩ đến các vấn đề khác. Song điều gì xảy ra khi mà giá trị BĐS hiện tại lao dốc và có chỗ xuống chỉ còn 30% giá trị trước kia. "Cái con số, tỉ lệ 135% kia có còn là con số thực không?" - TS. Hiếu đặt câu hỏi.
Chưa kể theo kinh nghiệm được đúc rút từ quá trình xử lý nợ xấu của nhiều quốc gia, nếu xử lý toàn bộ các tài sản bảo đảm bao gồm cả bất động sản, kể cả tiền mặt, hàng tồn kho, trang thiết bị và bảo lãnh, số tiền thu về được sẽ không quá 50% dư nợ. Áp vào con số nợ xấu đâu đó khoảng 375.000 tỉ đồng, số nợ mất trắng sẽ khoảng 190.000 tỉ đồng. "Chúng ta chỉ có 70.000 tỉ đồng trích lập dự phòng và như thế cần khoảng 120.000 tỉ đồng lấy từ thế chấp" - TS. Hiếu nhìn nhận đây là con số không hề đơn giản.
Chỗ dựa ngân sách
Nhìn vào con số 375.000 tỉ đồng nợ xấu với khoảng 120.000 tỉ đồng đang còn thiếu, vị chuyên gia nhiều nhiệt huyết không cho rằng tự bản thân các NH hàng có thể xử lý được nợ xấu. Ngoài yếu tố khả năng xử lý khối nợ xấu vượt ra ngoài tầm tay của các NHTM, bản chất vay nợ của thị trường NH trong nước cũng không thể giải quyết được khi trao vấn đề nợ xấu cho các NHTM. "Các NH cho các Cty con của mình vay mượn và nay họ sẽ không bao giờ đem Cty con của mình ra toà án để xử lý nợ và đưa Cty con của mình đến phá sản" - TS. Hiếu đưa ý kiến.
Khi không thể để các NHTM tự xử lý nợ xấu, phương án thành lập một đơn vị hay một ủy ban tái cấu trúc và xử lý nợ quốc gia được cho là lựa chọn chuẩn xác. Song dù có tên gọi thế nào, đơn vị đó cũng phải được sự chủ trì của NHNN. "Tôi không nghĩ trong hệ thống có bất cứ một đơn vị nào hiểu rõ ngọn ngành, hiểu rõ sức khoẻ của các NH bằng NHNN. Họ nắm rõ nợ xấu ở đâu, ai cho vay, ai được vay và vấn đề của nó như thế nào" - dĩ nhiên theo người thành lập NH Việt đầu tiên tại Mỹ, NHNN sẽ cần sự hỗ trợ của Bộ Tài chính, các Cty kiểm toán độc lập cũng như các Cty pháp lý trong và ngoài nước.
Điểm mấu chốt cuối cùng sẽ là đơn vị trên đây hay NHNN sẽ lấy tiền ở đâu chi cho việc xử lý nợ xấu. Quy mô 100.000 tỉ đồng của đơn vị xử lý nợ xấu trên đây, theo như một số ý kiến được cho là con số đáng kể. "Dĩ nhiên chúng ta không phải bỏ luôn 100.000 tỉ đồng lúc này để xử lý nợ nhưng có thể ít nhất 25% trong đó phải có tiền tươi, tiền mặt và tiền ngay lúc này để thành lập Cty, xây dựng hệ thống pháp lý và bắt đầu xử lý nợ xấu".
Cấu phần trong nguồn tiền xử lý nợ xấu cũng là một vấn đề cần được quan tâm. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nguồn tiền một phần có thể từ phát hành trái phiếu. "Song nếu nói cần 100.000 tỉ đồng, tôi nghĩ rằng ít nhất 50% số tiền trong đó phải từ nguồn ngân sách, từ Chính phủ, còn lại 20-30% của các NHTM phải bỏ tiền đóng góp vào và phần còn lại 20- 30% huy động sự hỗ trợ của các tổ chức bên ngoài".
"Nhiều khách hàng gọi đến cho chúng tôi và hỏi, vấn đề nợ xấu là vấn đề của NH, tại sao lại lấy tiền ngân sách để giải quyết. Tôi nghĩ rằng họ có lý, dân chúng có lý và thực sự vấn đề đầu tiên để xử lý nợ xấu là vấn đề của NH. Trách nhiệm đầu tiên trong vấn đề nợ xấu là những người đi vay và trách nhiệm thứ hai thuộc về NH. Tuy nhiên hình như các tác động từ chính sách tiền tệ, chính sách vĩ mô... cũng bổ trợ cho vấn đề nợ xấu này".
Theo laodong
"Đại gia" lại mất điểm Khi đám mây đen bao quanh một số "đại gia" còn chưa tan sau những vụ thâu tóm doanh nghiệp hay liên quan đến các lợi ích nhóm, vụ bị mất cắp sừng tê bạc tỉ của ông Trầm Bê lại khiến cho các "đại gia" càng thêm "mất điểm" trong sự đánh giá của xã hội. Văn hóa hay tầm của các...