Những thói quen gây đau lưng
Một số hoạt động hằng ngày có thể gây hại cho sức khỏe xương sống mà chúng ta không để ý đến:
Ngồi nhiều tác hại trực tiếp đến lưng bạn – Ảnh: Shutterstock
Ngồi nhiều
Nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng ngồi hàng giờ khiến bạn dễ mắc một loạt bệnh tật khác nhau như nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh thận, rối loạn chuyển hóa, đau lưng… Vì vậy, theo hãng tin Times News Network dẫn nguồn từ các chuyên gia sức khỏe, bạn nên đứng lên và đi lại một chút mỗi hai giờ hoặc cũng có thể thực hiện một số bài tập thể dục giúp duỗi tay chân. Nếu không, hãy dành 30 phút để đi dạo sau bữa ăn trưa.
Bạn có thói quen ngủ sấp? Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến bạn bị đau lưng vì nó sẽ tạo áp lực không cần thiết lên cột sống. Cố gắng ngủ ở tư thế nghiêng một bên hoặc nằm ngửa để giảm sức ép lên cột sống. Ngoài ra, bạn cũng không nên sử dụng gối quá dày. Chiếc gối hoàn hảo là có thể giữ cho đầu ở tư thế không quá cao so với cột sống. Bên cạnh đó, nệm nằm cũng không nên quá cứng hoặc quá mềm.
Đi giày cao gót, mang xách cồng kềnh
Một số kiểu thời trang mà bạn lựa chọn có thể làm tổn hại đến lưng, đặc biệt là giày cao gót hoặc túi xách nặng. Không chỉ có phụ nữ, cánh mày râu cũng thường mang theo túi xách đựng máy tính xách tay trên một bên vai, vốn là nguyên nhân chính gây đau lưng. Vì thế, nếu bạn đứng và đi bộ nhiều, không nên đi giày cao gót trên 5 phân, và túi xách tay cũng nên nhẹ hơn khoảng 4 kg.
Huỳnh Thiềm
Video đang HOT
Theo Thanhnien
8 thói quen gây đau lưng
Bạn thường phải chịu đựng những cơn đau lưng rất khó chịu mà không rõ nguyên nhân từ đâu. Hãy chắc chắn rằng bạn đã không phải mắc những sai lầm phổ biến có thể gây ra những cơn đau buốt ở lưng dưới đây.
1. Mang túi xách quá to
Nếu có thói quen mang những túi xách to để đựng được mọi thứ cần thiết (và cả không cần thiết) trên vai, bạn sẽ gây hại cho chiếc lưng của mình. Mang vác quá nặng một bên cơ thể sẽ làm cho đôi vai bị mất cân bằng và vì vậy, cột lống cũng sẽ bị lệch.
Giải pháp: thay đổi thói quen sang những chiếc túi xách nhẹ nhàng hơn là khuyến cáo từ các chuyên gia thuộc Hiệp hội phòng bệnh xương khớp của Hoa Kỳ. Theo đó, trọng lượng của chiếc túi xách mà bạn mang theo bên người không được vượt quá 10% trọng lượng của cơ thể.
Ngoài ra, bạn cũng có thể chia bớt vật dụng từ túi đeo vai to sang túi hoặc thay bằng túi cầm tay để tạo ra sự cân bằng giữa hai bên trên cơ thể.
2. Giày cao gót hoặc đế bằng
Gót giày quá cao sẽ buộc bạn phải tạo áp lực làm phần lưng bị uốn cong khi bước nhằm mục đích giữ thăng bằng cho cơ thể, khiến các khớp xương bị căng thẳng. Nhưng giày đế bằng cũng không tốt cho cơ thể, tùy thuộc vào từng loại chân khác nhau. Những kiểu sandal không có phần gót bọc phía sau có thể làm chân có xu hướng di chuyển sang hai bên (kiểu đi hai hàng) và phân bố trọng lượng cơ thể không đều.
Giải pháp: mỗi người sẽ phải tự lựa chọn và điều chỉnh độ cao của đôi giày mà mình mang cho phù hợp. Nếu không thấy cần thiết phải mang giày cao gót thì những đôi giày đế bằng luôn là lựa chọn tốt nhất dành cho đôi chân và sức khỏe của bạn.
3. Thói quen đố kỵ hay thường xuyên tức giận
Các chuyên gia thuộc trung tâm y khoa của trường ĐH Duke, Hoa Kỳ nhận thấy những người thường xuyên biết tha thứ sẽ ít đối mặt với cảm giác giận dữ, oán hận, trầm cảm và ít bị đau ở xương khớp hơn. Theo giải thích từ tiến sĩ James W.Carson, cảm xúc của chúng ta, những cơn đau ở cơ và suy nghĩ đều ảnh hưởng trực tiếp đến sức mạnh của các tín hiệu về các cơn đau do não bộ nhận và truyền đi.
Giải pháp: không phải mọi cảm giác bực tức, bức bối đều có hại cho cơ thể, tuy nhiên, bạn cũng cần học cách kiềm chế bớt những cảm xúc hay suy nghĩ tiêu cực của mình. Hãy bắt đầu học cách tha thứ bằng cách nghĩ đến những điều có thể khiến bạn căng thẳng hoặc tức giận rồi sau đó, bắt đầu nghĩ đến những cảm giác tha thứ nhỏ nhất, dần dần thay thế bớt những suy nghĩ tiêu cực bằng những thứ tích cực hơn.
4. Ngồi cả ngày
Ngồi cả ngày có thể không làm bạn mệt mỏi về sức lực như các công việc nặng nhọc, phải vận động thể lực nhiều, nhưng phần lớn chúng ta đều không giữ được tư thế đúng khi ngồi trước màn hình máy vi tính cả ngày. Đây là nguyên nhân khiến các cơn đau cơ ở lưng bị yếu do thiếu hoạt động. Ngồi còn khiến cho cột sống phải chịu áp lực nhiều hơn 40% so với tư thế đứng.
Giải pháp: cố gắng tìm kiếm cơ hội để đứng dậy thường xuyên khi bạn phải ngồi làm việc cả ngày. Ngoài ra, cần ngồi đúng tư thế để giữ cho các cơ ở lưng và cột sống được thẳng, hạn chế tạo áp lực lên cột sống. Cuối cùng, cần giữ cho đầu luôn thẳng, hướng về phía trước khi sử dụng máy vi tính.
5. Căng thẳng
Khi bạn bị căng thẳng, cơ thể cũng sẽ bị stress theo, bao gồm cả các cơ ở lưng và cổ. Chúng sẽ co rút và siết chặt lại. Nếu tình trạng căng thẳng về tinh thần kéo dài, những cơ đang siết chặt này sẽ không có cơ hội được thư giãn, gây ra các cơn đau khó chịu.
Giải pháp: có rất nhiều cách đã được chứng minh có thể làm giảm stress hiệu quả như tập thể dục, ngồi thiền hay tắm nước ấm...
6. Không tập thể dục
Tập thể dục là cách để rèn luyện cho các cơ trở nên rắn chắc hơn, nâng đỡ phần lưng tốt hơn. Khi bạn không chú trọng đến việc vận động hay tập luyện thể dục thể thao, các cơ rất dễ bị suy yếu và cứng, thiếu độ dẻo dai, các đốt sống cũng nhanh bị thoái hóa.
Giải pháp: tập thể thao để tăng cường sự khỏe mạnh cho các cơ ở vùng lưng và bụng. Bạn có thể bắt đầu bằng những bài tập vận động nhẹ nhàng như đi bộ rồi nâng dần mức độ và cường độ tập luyện lên theo khả năng chịu đựng của cơ thể.
7. Tiêu thụ quá nhiều đồ ăn vặt
Lượng calo dư thừa và ít chất dinh dưỡng - những đặc trưng của nhóm thức ăn vặt - sẽ làm bạn nhanh chóng bị tăng cân. Cân nặng dư thừa là một trong những nỗi ám ảnh cho chiếc lưng của bạn. Trọng lượng thừa sẽ tạo áp lực lên vùng chậu, gây căng thẳng cho phần phía dưới lưng. Những người thừa cân còn có nguy cơ mắc bệnh loãng xương rất cao.
Giải pháp: chỉ cần giảm từ 5% đến 10% trọng lượng cơ thể là đã đủ để tạo ra những thay đổi tích cực cho sức khỏe của bạn. Hãy chia nhỏ bữa ăn thành 4 đến 5 bữa trong ngày để giảm bớt việc tiêu thụ thức ăn vặt, thay đổi thực phẩm theo hướng lựa chọn những thứ lành mạnh hơn cho sức khỏe và uống trà xanh mỗi ngày.
8. Ngủ trên chiếc nệm đã cũ
Theo Tổ chức chăm sóc giấc ngủ quốc gia của Hoa Kỳ, một chiếc nệm tốt thường có tuổi thọ từ 9 đến 10 năm. Vậy chiếc nệm mà bạn đang nằm đã bao nhiêu "tuổi"? Nếu không thể nhớ được thời gian cuối cùng mình thay nệm mới là bao nhiêu năm thì rất có thể, cơ hội để cột sống của bạn được nâng đỡ tốt trong lúc ngủ sẽ vơi dần theo năm tháng.
Giải pháp: thay thế chiếc nệm đã quá cũ của mình bằng một chiếc mới không quá cứng và cũng không quá mềm. Mặt phía trên của nệm phải đủ cứng để không làm lưng bị cong xuống và phần phía dưới của nệm phải có khả năng nâng đỡ tốt trọng lượng của cơ thể khi bạn nằm.
Theo Care2.com
Ngồi nhiều gây hại tương đương với hút thuốc lá Đôi khi, công việc khiến bạn phải ngồi lỳ một chỗ. Điều này rất có hại cho sức khỏe. Bởi vậy, hãy tập cách rời xa chiếc ghế của bạn nhiều hơn. Ngồi nhiều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tim mạch Một nghiên cứu trênTạp chí Dịch tễ học (Mỹ) dựa trên thông tin của 185.000 người trong 14 năm...