Những thời điểm nên tiêm vắc xin HPV
Vắc xin HPV giúp ngăn chặn nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung và một số bệnh đường sinh dục do vi rút HPV. Tuy nhiên, cần lưu ý đến các chỉ định để tiêm chủng đạt hiệu quả tốt nhất.
Tiêm vắc xin HPV cho trẻ 9 – 14 tuổi sẽ có hiệu quả cao nhất – ẢNH: SHUTTERSTOCK
HPV thuộc nhóm vi rút rất phổ biến
Theo Hội Y học dự phòng VN, Human papillomavirus (HPV) là nhóm vi rút rất phổ biến trên thế giới. Các nhà khoa học hiện đã phân lập được trên 100 týp vi rút này, trong đó có các týp (16, 18, 31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59, 68, 73 và 82) gây ung thư (UT): cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn, hoặc vùng hầu họng (bao gồm mặt sau của cổ họng, đáy lưỡi và amiđan). Đáng lưu ý, týp 16, 18 là hai loại thường gặp nhất liên quan đến khoảng 70% trường hợp UT cổ tử cung ở nữ giới.
PGS-TS Nguyễn Thị Thi Thơ, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh không lây nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Hà Nội), cho biết hiện nay có 3 loại vắc xin HPV: HPV 2 týp, 4 týp và 9 týp. Cả ba đều phòng được UT cổ tử cung; riêng vắc xin 9 týp phòng được những bệnh UT khác như: UT hậu môn, âm đạo, âm hộ và mụn cóc sinh dục. Chỉ định của 3 loại vắc xin này gần như tương tự nhau cùng cho những người 9 – 26 tuổi.
Ai nên tiêm vắc xin HPV?
Trước các thắc mắc của nhiều gia đình như: “Tiêm sớm nhất ở tuổi nào?”, “Vì sao còn bé chưa biết gì mà đã tiêm?”, “Có phải chờ con có kinh nguyệt mới tiêm không?”… Bác sĩ Nguyễn Thị Cúc (công tác tại Trung tâm tiêm chủng VNVC Hoàng Văn Thụ, TP.HCM) cho hay, tiêm chủng trước khi nhiễm vi rút HPV thì hiệu quả bảo vệ được tốt nhất. Vi rút HPV không chỉ lây khi đã quan hệ tình dục mà có thể lây ngay khi có tiếp xúc sinh dục, do đó để phòng nhiễm vi rút hiệu quả thì tiêm sớm, chứ không phải chờ cho đến khi đã có quan hệ tình dục mới tiêm.
“Tiêm vắc xin HPV cho các trẻ 9 – 14 tuổi đáp ứng miễn dịch tốt nhất vì tuổi này chưa có quan hệ tình dục nên phơi nhiễm với HPV rất thấp, do đó tiêm chủng cho hiệu quả cao nhất. Trẻ gái hoàn toàn có thể tiêm theo lứa tuổi được chỉ định mà không chờ đến giai đoạn có kinh nguyệt”, bác sĩ Nguyễn Thị Cúc tư vấn.
Video đang HOT
Vẫn có thể tiêm dù từng nhiễm HPV
Bác sĩ Nguyễn Thị Cúc chia sẻ, mặc dù tiêm tốt nhất trước khi có nguy cơ nhiễm HPV nhưng ngay cả khi từng nhiễm HPV rồi vẫn có thể tiêm vắc xin được vì vi rút dễ tái nhiễm sau khi cơ thể đã đào thải. Khi nhiễm rồi nó ngủ lại, và sẽ tăng tác hại của vi rút này khi miễn dịch của cơ thể yếu đi. Trong khi miễn dịch tự nhiên của cơ thể không đủ để phòng được tái nhiễm thì vắc xin lại có thể bảo vệ.
“Bên cạnh đó, HPV có nhiều týp khác nhau. Việc bạn đã từng bị nhiễm một týp HPV nào trước đây thì vẫn nên tiêm phòng vắc xin để được bảo vệ tránh lây nhiễm những týp HPV khác”, bác sĩ Cúc lưu ý.
Phản ứng sau tiêm vắc xin HPV
Các chuyên gia khuyên trước tiêm chủng cần được khám sàng lọc tư vấn. Các trường hợp mắc bệnh cấp tính, đang ốm sốt hoặc một số bệnh lý chống chỉ định, có dị ứng với thành phần trong vắc xin sẽ được bác sĩ khám và tư vấn phù hợp.
Sau tiêm vắc xin HPV, có thể sốt, sưng đỏ đau tại vị trí tiêm. Nếu sưng đỏ thì có thể chườm mát, khó chịu hơn có thể dùng thuốc giảm sốt giảm đau. Một số người có thể mệt mỏi, nhức đầu, buồn nôn nhưng ít gặp và cũng mau qua.
“Tiêm vắc xin HPV cho người trong lứa tuổi được chỉ định (9 – 26 tuổi) mà không phụ thuộc vào đã có hay chưa quan hệ tình dục, nhưng tốt nhất tiêm cho trẻ từ 9 – 14 tuổi. Những người đã nhiễm HPV, đã quan hệ tình dục vẫn có thể tiêm vắc xin HPV. Vắc xin HPV không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hay tình dục. Hiện tại, vắc xin này có chỉ định tiêm 3 mũi trong 4 – 6 tháng.”
PGS-TS Nguyễn Thị Thi Thơ (Trưởng khoa Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Hà Nội)
Theo Thanh niên
Điều trị viêm nhiễm phụ khoa: Tuyệt đối không dùng thuốc tùy tiện
Viêm nhiễm phụ khoa là tình trạng mà các chị em phụ nữ hầu như không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, nhiều người còn chủ quan đối với bệnh này và chưa nắm được nhiều thông tin về bệnh. Đồng thời, với thói quen sử dụng thuốc tùy tiện làm bệnh không khỏi mà còn gây nguy hiểm...
Dấu hiệu và cách nhận biết
Viêm nhiễm phụ khoa dùng để chỉ tình trạng viêm nhiễm ở âm hộ, âm đạo và các phần phụ, vùng xung quanh bộ phận sinh dục nữ. Bệnh có thể xảy ra ở phụ nữ đã lập gia đình hoặc đã có quan hệ tình dục và cả những người chưa có quan hệ tình dục.
Viêm nhiễm phụ khoa cần được điều trị kịp thời, không chỉ để giảm sự khó chịu mà còn ngăn ngừa các biến chứng hay bệnh lý nghiêm trọng hơn có thể xảy ra ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe sinh sản.
Một số triệu chứng dễ nhận thấy khi bị viêm nhiễm phụ khoa như: Vùng kín ngứa rát; huyết trắng ra nhiều, huyết trắng có mùi hôi tanh, có màu hoặc tính chất bất thường (trắng, bột như bã đậu hoặc dính, đặc); vùng kín đau, rát, đặc biệt khi quan hệ tình dục; đau bụng dữ dội khi hành kinh; ra máu âm đạo...
Một số có thể gây sốt, mệt mỏi, đau lưng hoặc tiểu đau, tiểu buốt, mụn nước ở vùng kín. Nếu gặp các triệu chứng trên, chị em cần đi khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.
Khi dùng thuốc, cần sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Ảnh: TM
Các thuốc điều trị viêm nhiễm phụ khoa thường gặp
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra viêm nhiễm phụ khoa là do virut, vi khuẩn, nấm, kí sinh trùng hay do nguyên nhân không nhiễm khuẩn mà các bác sĩ sẽ có thuốc điều trị phù hợp.
Thuốc kháng sinh: Nếu nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn thì các bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh cho bệnh nhân. Kháng sinh có thể được lựa chọn dựa trên kinh nghiệm hoặc dựa trên vi khuẩn được phân lập. Bệnh nhân cần lưu ý dùng thuốc đúng và đủ liệu trình, không tự ý dừng khi thấy đã hết triệu chứng. Bác sĩ có thể phối hợp cả dạng uống và dạng bôi ngoài. Các kháng sinh thường dùng như metronidazole, tinidazole, clindamycin,... Kháng sinh metronidazole hoặc tinidazole cũng được chỉ định đối với nhiễm trùng roi sinh dục. Thuốc có thể gây chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy và vị kim loại ở miệng. Thuốc còn có tác dụng phụ trên thần kinh gây chóng mặt, đau đầu. Cần lưu ý không uống rượu trong thời gian dùng thuốc và 2 - 3 ngày sau khi ngừng thuốc vì dễ gặp phải hội chứng cai rượu do thuốc.
Thuốc kháng nấm: Nấm âm đạo là bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa thường gặp nhất, gây ra bởi một loại nấm tên là Candida. Trong trường hợp này bác sĩ sẽ kê đơn cho bệnh nhân các loại thuốc chống nấm dạng bôi hoặc đặt âm đạo như clotrimazole, miconazole hoặc dạng uống như fluconazole. Đối với dạng bôi hoặc viên đặt âm đạo, dùng thuốc vào buổi tối trước khi đi ngủ. Dạng dùng tại chỗ này ít gây tác dụng phụ toàn thân. Các tác dụng phụ có thể gặp gồm ngứa, kích ứng, cảm giác nóng bừng. Fluconazole đường uống thường chỉ dùng một liều duy nhất, có thể uống liều thứ hai sau 72 giờ đối với bệnh nhân có bệnh nền, nhiễm nấm tái phát hoặc có triệu chứng nặng. Thận trọng đối với bệnh nhân có bệnh gan, thận, phụ nữ có thai và cho con bú. Thuốc có thể gây chóng mặt, co giật do đó thận trọng khi lái xe hay vận hành máy móc. Ngưng sử dụng nếu xuất hiện ban da, bỏng nước trên da.
Thuốc kháng virut: Loại virut gây viêm nhiễm phụ khoa thường gặp là virut Herpes simplex sinh dục. Bác sĩ sẽ kê đơn các loại thuốc kháng virut như acyclovir, famciclovir, valacyclovir để điều trị. Các thuốc này được dùng đường uống. Các tác dụng phụ thường gặp là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, đau đầu nhẹ. Thuốc có tính an toàn cao, ít gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Trong số các thuốc trên, acyclovir là loại thuốc được kê đơn nhiều nhất, nhưng thuốc này có sinh khả dụng thấp và thời gian bán thải ngắn, nên thường phải dùng liều khá cao và dùng lặp lại nhiều lần trong ngày.
Trong một số trường hợp bác sĩ sẽ kê đơn các biệt dược phối hợp cả kháng sinh và kháng nấm. Các thành phần thường gặp trong các loại biệt dược này bao gồm neomycin là kháng sinh, nystatin là kháng nấm và metronidazole là một kháng sinh có thể điều trị trùng roi. Một số thuốc sẽ có thêm thành phần chống viêm là prednisolone. Thuốc này được dùng khi chưa xét nghiệm phân biệt hoặc nghi ngờ bội nhiễm.
Đối với viêm âm đạo không nhiễm trùng, cần phải xác định nguồn gây kích ứng như xà phòng, bột giặt, giấy vệ sinh, băng vệ sinh, dung dịch vệ sinh, sau đó ngưng sử dụng.
Bệnh thường lành tính nhưng có thể tái phát nhiều lần trong năm, cần điều trị đúng, đủ và càng sớm càng tốt. Để điều trị đạt hiệu quả, bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ, dùng thuốc đủ liệu trình và có chế độ ăn uống, vệ sinh phù hợp. Bên cạnh đó, cần hạn chế quan hệ tình dục trong thời gian điều trị và kết hợp điều trị cho cả chồng bởi vì bệnh có thể lây nhiễm qua đường tình dục.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra viêm nhiễm phụ khoa là do virut, vi khuẩn, nấm, kí sinh trùng hay do nguyên nhân không nhiễm khuẩn mà các bác sĩ sẽ có thuốc điều trị phù hợp. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc tùy tiện.
DS. Lê Thị Quỳnh
TheoSức khỏe & Đời sống
Phụ nữ mang thai có thể giảm gần 13 lần nguy cơ rách tầng sinh môn khi sinh con chỉ nhờ phương pháp này Một nghiên cứu cho thấy thể dục nhịp điệu dưới nước làm giảm nguy cơ bị rách tầng sinh môn khi chuyển dạ. Những phụ nữ có thai tham gia việc tập thể dục dưới nước từ tuần 20 đến tuần 37 của thai kỳ có khả năng có đáy chậu nguyên vẹn gấp 13 lần sau khi sinh con so với những...