Những thiên thần trả án cùng mẹ
Những đứa trẻ trên, dưới một tuổi, như những thiên thần – cố kiễng chân, tranh nhau ngó qua cửa sổ của nhà trẻ chờ mẹ đón. Chúng còn quá nhỏ để hiểu chúng đang ở đâu và mẹ chúng đang phải làm gì trong trại giam. Còn với những người mẹ, việc phải đưa những đứa con đi trả án cùng mình, đã làm cho họ phấn đấu nhiều hơn, cải tạo tốt hơn, vì bản năng của người mẹ đã được đánh thức để họ hướng tới cái thiện…
Nhói lòng khi con tập nói
Khu giam giữ phạm nhân nữ nằm nép mình sau những rặng cây kín đáo thuộc phân trại 2, trại giam Phú Sơn, tỉnh Thái Nguyên. Những tiếng ru ầu ơ của các bà mẹ đang thụ án nuôi con trong các buồng giam vẫn đều đặn phát ra hàng ngày. Mỗi đứa trẻ được sinh ra và lớn lên tại đây có những hoàn cảnh éo le khác nhau. Mẹ của chúng phần lớn phải chịu án buôn bán, vận chuyển ma túy, buôn bán phụ nữ, chứa chấp mại dâm… Trong số đó, không ít trẻ được khai sinh ngay tại chốn lao tù, có đứa đã đôi ba lần cùng mẹ chuyển đến “nơi ở mới”.
Nhà trẻ đặc biệt trong trại giam Phú Sơn. Ảnh: G.T
Trần Thị Tuyết Mai (SN 1977) nhà ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: “Lúc bị bắt, tôi có thai được 2 tháng, cháu là con thứ 3 và được sinh ra trong trại giam này. Lúc đi trại, 2 con ở nhà mới được 6 và 10 tuổi. Thương nhớ các con, tôi chỉ biết dành tất cả tình cảm cho cậu út trong trại này”. Mai vào trả án 7 năm ở trại Phú Sơn, từ đầu năm 2013 vì tội mua bán trái phép chất ma tuý. Mai kể, có lần, nghe bố các cháu nói: “Mỗi lần bố đánh mắng con, 2 con ở nhà bảo, nếu bố mắng con thì mai con sẽ lên trại mách mẹ… Tôi nghe mà thương các con rơi nước mắt”.
Với Mai, lòng người mẹ đôi lúc phải xé nhỏ. Thương con nhỏ ở nhà thiếu vòng tay mẹ, còn cậu út theo mẹ vào trại từ ngày trong bụng lại mang cho Mai nỗi niềm chua xót khác. “Con út được ở trại cùng mẹ, nhưng tôi lại thương con vì môi trường bị bó hẹp, mẹ con làm gì, ăn, ở ra sao đều có người quản chế. Mới gần 2 tuổi, cu cậu đã biết hét toáng lên: “Mẹ ơi điểm buồng” là những lúc cán bộ quản giáo đi điểm danh phạm nhân mỗi tối; “Mẹ ơi xuất trại rồi” là đến giờ các phạm nhân phải đi làm. Mong cho con biết nói, vậy mà lần đầu tiên nghe con nói những câu ấy, tim tôi như thắt lại” – Mai nói.
Chồng Mai làm công nhân lái xe, giờ 1 mình nuôi 2 con ở nhà, rất chật vật. Mai ân hận: “Giá mà tôi không ham giàu, cứ buôn bán quần áo, giày dép nhỏ lẻ, tằn tiện cũng đủ nuôi gia đình. Nếu có 1 điều ước, tôi chỉ mong đưa con ra khỏi trại càng sớm càng tốt. Nếu được về, tôi chỉ ăn muối trắng cũng được. Giờ tôi mới thấm thía 2 chữ tự do đáng quý đến thế nào”. Nhiều lúc, Mai cũng muốn gửi con về với bố cho đỡ tủi con, có tuổi thơ hồn nhiên, ấm áp của gia đình, nhưng Mai lo chồng không thể chăm nổi 3 đứa con. Vì vậy, Mai không dám than phiền, mà cố gắng đợi con đủ 3 tuổi thì gửi về nhờ ông bà ngoại nuôi giúp đến ngày Mai ra trại.
Không chỉ Trần Thị Tuyết Mai, mà các bà mẹ khác như Thái Huyền Trang (SN 1994, nhà ở Nhật Tân, Hà Nội) thụ án 30 tháng tù, hiện có con trai gần 2 tuổi; Nông Thị Huyền (1987, ở Bắc Kạn) đều cùng án ma tuý, đang nuôi con thứ 2 trong trại cũng đầy nỗi niềm tiếc nuối. Giờ bé lớn của Huyền đã 7 tuổi, ở với ông ngoại. Ôm con trai thứ hai hơn 1 tuổi vào lòng, Huyền nghẹn ngào: “Vì nghèo khổ và thiếu hiểu biết, nghe lời rủ rê của kẻ xấu mà vợ chồng em phạm tội mua bán ma túy. Ngày bị bắt, em còn không biết mình mang thai. Giờ sinh con trong tù, em càng thèm được tự do. Em đã sai, em xin chịu, nhưng chỉ ân hận là làm khổ những đứa con bé bỏng này. Em đang nỗ lực thực hiện tốt nội quy của trại, mong sớm được giảm án, để về với cuộc đời, với con”.
Con – động lực để cải tạo tốt hơn
Hiện trại giam Phú Sơn có 11 cháu nhỏ đang được nuôi nấng, chăm sóc. 11 đứa trẻ trong trại là 11 phận đời gắn liền với những năm tháng tù tội của mẹ chúng. Hàng ngày, có 2 phạm nhân nữ cải tạo tốt được phân công chăm sóc những đứa trẻ cho đến khi mẹ chúng hết giờ lao động trở về. Hàng ngày, các phạm nhân cho con bú được đi làm muộn hơn và về sớm hơn 30 phút để đón con. Bởi đối với các nữ phạm nhân, con cái chính là động lực, niềm an ủi giúp họ quên nỗi đau, sự cô đơn nơi chốn lao tù.
Video đang HOT
Niềm vui của nữ phạm nhân đón con buổi chiều. Ảnh: G.T
Đại úy Phan Văn Hạnh – Phó Giám thị phân trại 2, trại giam Phú Sơn cho biết: “Việc các bà mẹ “lầm đường lạc lối” là điều đáng tiếc nhưng bản năng làm mẹ của họ vẫn rất thiêng liêng. Dựa trên tội trạng của họ, cần phải xử lý một cách nghiêm minh để kịp thời răn đe giáo dục. Tuy nhiên, những đứa trẻ chào đời, dù là con của ai và trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng có quyền được hưởng sự yêu thương, chăm sóc và nâng đỡ. Với tinh thần đó, ngay từ khi biết các phạm nhân nữ mang thai, đơn vị đã lên kế hoạch có chế độ chăm sóc đặc biệt, làm tất cả những gì có thể để đảm bảo cho sản phụ và thai nhi được chăm sóc trong điều kiện tốt nhất. Không chỉ những ngày lễ như Ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu… các cháu mới được ban giám thị trại giam rất quan tâm, mà hàng ngày chúng tôi đều dành những gì tốt đẹp nhất cho các cháu, cán bộ chiến sĩ nhiều người dành thời gian chơi và chăm các cháu như những người thân trong gia đình mình. Nhưng điều chúng tôi trăn trở là nghĩ đến thân phận các bé sau này, bởi không đâu tốt hơn cho trẻ bằng việc được chăm sóc, vui chơi, học hành trong gia đình và môi trường xã hội lành mạnh”.
Vẫn biết, theo chính sách nhân đạo của Nhà nước, những đứa trẻ theo mẹ vào trại giam được chăm sóc, dạy dỗ và được hưởng đầy đủ các chế độ như những đứa trẻ bình thường khác. Nhưng trong môi trường đặc biệt này, hàng ngày chúng phải tiếp xúc với những phạm nhân có đầy đủ thành phần, nhân cách khác nhau, chắc chắn những đứa trẻ này không nhiều thì ít cũng sẽ bị ảnh hưởng đến tâm lý sau này. Chứng kiến những hoàn cảnh, những mảnh đời trẻ thơ nơi này, ai cũng thấy xót xa, thương cảm. Tuy nhiên, đây cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh để mọi người cùng suy ngẫm trước khi có bất cứ hành động gì bất minh, tội lỗi.
Theo quy định của pháp luật, chính sách nhân đạo của Nhà nước cho phép các nữ phạm nhân có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, không người nuôi dưỡng được mang con vào trại. Nữ phạm nhân được phép nuôi con trong tù cho đến khi con tròn 36 tháng tuổi. Qua tuổi này, các bà mẹ còn thụ án phải tìm cách gửi con về địa phương cho thân nhân tiếp tục nuôi dưỡng. Trường hợp những đứa trẻ không còn thân nhân nuôi, bắt buộc những người có trách nhiệm trong trại giam phải lo hồ sơ gửi trẻ vào các trung tâm bảo trợ xã hội, khi nào mẹ mãn hạn tù sẽ quay lại đón con.
Sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ Sống trong trại giam, chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng đến quá trình phát triển tâm lý của trẻ. Bởi 0 – 3 tuổi là giai đoạn phát triển tuyệt vời của não bộ, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của hệ thần kinh. Mọi kích thích từ môi trường bên ngoài sẽ chi phối và hình thành những kiểu dạng ứng phó của đứa trẻ. Hơn nữa, đa phần những người mẹ trong trại giam mang trong mình những tâm lý nặng nề nên hiếm khi có thể vui chơi hoặc dạy con phù hợp; có thể gieo vào đầu trẻ những thù hận, trách cứ hay tâm lý buông xuôi, vô cảm. (Thạc sĩ Lê Quỳnh Quyên – chuyên gia tâm lý thuộc Phòng Giáo dục quận Long Biên, Hà Nội)
Theo Danviet
Đừng chờ đợi, phải đòi hỏi để phục vụ tốt hơn
"Người dân và doanh nghiệp không chờ nhà nước đổi mới mà đòi hỏi phải thay đổi để phục vụ tốt hơn", ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội nghị Triển khai Nghị quyết 19/2016 vừa diễn ra tại Hà Nội.
Môi trường kinh doanh đã thay đổi
Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 19 (2014-2015), bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá: "Chúng ta đã nhìn thấy sự thay đổi".
Đến hết năm 2015, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã được WEF ghi nhận tăng 12 bậc. Đây là mức tăng bậc cao nhất kể từ 2012. Về phía WB, thứ hạng Việt Nam tăng 3 bậc trong bảng xếp hạng. Trong đó có 5/10 chỉ số được cải thiện.
Sau khi thực hiện hai nghị quyết 19, CIEM đánh giá cao sự tích cực của Bộ NNPTNT, Tài Chính, KHĐT. Điều này giúp chỉ số khởi sự kinh doanh, nộp thuế cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, đánh giá môi trường kinh doanh có tới 10 chỉ số khác nhau, và không chỉ liên quan tới một vài bộ ngành như vậy. Quản lý chuyên ngành liên quan tới 14 bộ, nhưng mỗi bộ tham gia với thái độ khác nhau.
Sự kết nối và tham gia tích cực giữa các bộ ngành là cần thiết. Nếu các bộ ngành chưa vào cuộc đồng bộ thì các chỉ số sẽ có mức cải thiện không giống nhau.
Vẫn còn nhiều vướng mắc
"Chính sách và thực thi còn khoảng cách xa, nếu không cải thiện đồng thời cả hai vấn đề thì cải cách không thể đạt được" - bà Thảo khẳng định.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Văn Viết Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần điện tử Tân Bình cho biết môi trường kinh doanh được cảnh thiện nhưng vẫn còn nhiêu khê. Đơn cử chuyện dán nhãn năng lượng cho sản phẩm điện tử của công ty ông, sản phẩm chưa được thị trường chấp nhận nhiều thì cơ quan nhà nước đã bắt doanh nghiệp thực hiện lại quy trình xin phép.
Khi dự định sản xuất, kinh doanh một mẫu máy ở Việt Nam, Viettronics Tân Bình nghiên cứu và làm máy mẫu ở các phòng nghiên cứu ở nước ngoài. Sau đó phải gửi mẫu về Việt Nam để thử nghiệm hoạt động thực địa hay thử nghiệm thị trường. Nếu quyết định sản xuất, công ty phải thêm một lần thử nghiệm và đăng ký lại cho loạt máy sản xuất trong nước. Điều này khiến doanh nghiệp tổn thất chi phí và thời gian gấp 2 lần.
Khi hoàn tất thủ tục đăng ký, Viettronics Tân Bình tiếp tục cử người ra Hà Nội nộp hồ sơ để được cấp giấy phép dán nhãn năng lượng ở Bộ Công thương. Tuy vất vả, nhưng khi nhận quyết định, hiệu lực chỉ kéo dài 1 năm, ngắn hơn nhiều so với các nước ASEAN khác.
"Và chưa đưa ra thị trường được bao lâu, chúng tôi phải thực hiện lại quy trình xin dán nhãn năng lượng như ban đầu." - ông Tuấn chia sẻ.
Hội nghị Triển khai Nghị quyết 19/2016 vùa diễn ra tại Hà Nội.
Đồng cảm với doanh nghiệp và người dân, ông Nguyễn Đình Cung khuyên người dân và doanh nghiệp không nên chờ nhà nước đổi mới mà hãy đòi hỏi để nhận được phục vụ tốt hơn.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, nghị quyết 19/2016 ra đời đã có những nét mới nhằm kế thừa và phát huy từ 2 nghị quyết 19 trước đó.
Thứ nhất, không còn những nhiệm vụ chung chung, khẩu hiệu. Lần này nghị quyết 19 giao nhiệm vụ rất cụ thể cho từng bộ: Bộ KHĐT 8 nhiệm vụ, Bộ Công thương 10 nhiệm vụ, Bộ Tài chính 6 nhiệm vụ,...
Các nhiệm vụ này gắn với thay đổi những về văn bản quy định cụ thể trong thực tế đã gây những khó khăn, phiền hà, phí tổn, rủi ro cho doanh nghiệp.
Thứ hai, Văn phòng Chính phủ lần đầu được giao nhiệm vụ. Cơ quan này sẽ cùng Bộ KHĐT thường xuyên theo dõi, giám sát, đánh giá và báo cáo trực tiếp với Thủ tướng, để có những chỉ đạo kịp thời, bám sát mục tiêu nghị quyết. Chính phủ sẽ lập đoàn, trực tiếp kiểm tra các bộ, UBND tỉnh và thành phố.
Thứ ba, cấp địa phương phải gắn kết việc thực hiện nghị quyết 19 với Cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh (Chỉ số PCA).
Tất nhiên sự trì trệ và thờ ơ của các bộ ngành, địa phương vẫn là khó khăn lâu nay, cản trở việc thực hiện các nghị quyết. Nhưng ông Cung cam kết với tư cách cơ quan giám sát sẽ theo đến cùng vấn đề, truy đến cùng trách nhiệm để thúc đẩy sự thay đổi của các cơ quan này.
Tinh thần của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là quyết liệt đổi mới, xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Ông Cung kỳ vọng tinh thần đó sẽ được "thấm xuống các bộ ngành, địa phương" và nghị quyết 19/2016 sẽ được thực hiện tốt hơn. Chính phủ Đã liệt kê được 196 văn bản phải sửa đổi. Vì vậy, đến giờ đã biết vướng ở đâu, vấn đề gì, do ai.
Giờ chỉ còn chờ triển khai thực hiện.
DIỆU QUÂN-TRÀ PHƯƠNG
Theo_PLO
Người bị bệnh rối loạn đông máu Hemophilia sẽ được hỗ trợ nhiều hơn TP HCM số bệnh nhân Hemophilia phát hiện mới khoảng trên 80 người mỗi năm. Chi phí thuốc điều trị khoảng từ 50 đến 70 triệu đồng/tháng Sáng 24/3, Bệnh viện Truyền máu và huyết học TP HCM ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với công ty Baxalta có trụ sở tại Singapore về nâng cao công tác chăm sóc bệnh...