Những thánh đường Hồi giáo ở An Giang
Nằm lặng lẽ bên bờ sông Hậu, làng Châu Giang với các thánh đường trắng như một chốn yên bình bên sự nhộn nhịp của thành phố vùng biên Châu Đốc.
Làng người chăm Châu Giang thuộc huyện An Phú, là nơi sông Mekong đổ vào đất Việt và chia tách thành hai nhánh sông Tiền, sông Hậu. Đây cũng là nơi tập trung cộng đồng người Chăm lớn nhất ở An Giang. Từ thành phố Châu Đốc, chỉ mất hơn 5 phút đi phà là bạn đã có mặt tại xã Châu Giang.
Với cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi lớn, An Giang có rất nhiều thánh đường và tiểu thánh đường; nổi bật nhất trong số đó là thánh đường Mubarak được công nhận là di sản quốc gia. Từ bến phà Châu Giang, bạn rẽ tay trái là có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của công trình này.
Trên đường, bạn có thể bắt gặp rất nhiều người dân địa phương mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt hàng ngày. Nam giới thường mặc xà rông, nữ giới mặc abaja và quấn khăn hijab.
Phần lớn nhà thờ Hồi giáo được sơn màu xanh và trắng. Huyện An Phú và Châu Giang còn là nơi tập trung của nhiều cơ quan, trung tâm giáo hội, trường học của người theo đạo Hồi.
Video đang HOT
Chiều đến, du khách có thể bắt gặp các hàng rong với món ăn đặc trưng của An Giang. Đó là những thức quà vặt dân dã như bánh tằm, chuối hấp, xôi sắn.. Bạn có thể mua một bọc 3.000 – 5.000 đồng để thưởng thức trên đường khám phá.
Masjid Jamiul Azhar là một trong những thánh đường lớn nhất tại An Giang, thuộc địa phận xã Châu Phong. Được xây dựng từ năm 1959, thánh đường trải qua nhiều đợt trùng tu và lớn nhất là vào năm 2012. Với mái vòm, biểu tượng trăng lưỡi liềm và các kiến trúc rõ nét Hồi Giáo, công trình này được coi là một trong những thánh đường Hồi giáo đẹp nhất Việt Nam.
Người đàn ông trong trang phục truyền thống sau buổi lễ chiều. Với người Hồi giáo, một ngày có 5 thời điểm làm lễ: trước khi mặt trời mọc, trước giữa trưa, xế chiều, tối và trước khi đi ngủ.
Một trong năm điều răn với người Hồi giáo là phải hành hương tới thánh địa Mecca một lần trong đời. Tuy nhiên, với cộng đồng Hồi giáo tại Việt Nam, nhiều người chọn những chuyến hành hương tới các nhà thờ Hồi giáo lớn tại An Giang.
Điểm độc đáo của thánh đường Jamiul Azhar là trước cửa có một nghĩa trang. Theo người dân địa phương, đây là nơi an táng của nhiều người Hồi giáo trên khắp Việt Nam.
Theo VNExpress
Rừng tràm Trà Sư thời khắc giao mùa
Đầu tháng 10 hàng năm, nước sông Mekong bắt đầu đổ về, mang đến cho rừng tràm Trà Sư một sức sống mới.
Rừng tràm Trà Sư thuộc địa phận huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Từ Châu Đốc, bạn chạy về phía bắc, tới thị trấn Nhà Bàng thì rẽ hướng đi Tri Tôn. Từ tỉnh lộ 948 sẽ có biển dẫn vào khu vực rừng Tràm. Sau đó, chạy hết quãng đường dài khoảng 5 km, hiện ra trước mắt bạn là bến tắc ráng (loại tàu sử dụng tại miền sông nước) đưa du khách tham quan rừng tràm.
Tắc ráng sẽ đưa du khách khám phá những cánh rừng thưa với nhiều loài động thực vật khác nhau, rồi tiến vào khu vực rừng tràm. Khi trời nắng, mặt nước như tấm gương lớn phản chiếu khu rừng và mây trời. Thời điểm thích hợp cho du khách đến tham quan Trà Sư là tháng 8 - 11, khi các cánh rừng tràm mênh mông nước.
Sau khi cập bến, bạn sẽ được chuyển qua ghe chèo tay để du ngoạn tiếp những vạt rừng tràm xanh rì. Cả không gian ngập tràn sắc xanh của lá tràm, bèo hoa hòa vào màu trời biếc.
Rừng là nơi cư trú của nhiều loại chim quý như giang sen hay điên điển. Trước mùa lũ, những đàn chim di trú vẫn còn thưa thớt nhưng chỉ sau vài tháng nữa, cánh rừng sẽ bạt ngàn cò trắng, diệc xanh, cồng cộc, già đẫy...
Du khách thích thú chụp ảnh với chiếc tắc ráng đặc trưng của miền sông nước.
Sau khi đi ghe, bạn sẽ tiếp tục lên tắc ráng trở về điểm đầu tiên - trạm vé của khu du lịch. Tới Trà Sư, bạn có thể đi theo nhóm hoặc một mình với giá vé 65.000 đồng một khách (cho nhóm 2 - 3 người) hoặc 45.000 đồng (cho nhóm 10 người).
Trước mùa lũ, mực nước trong rừng tràm còn thấp, để lộ một đoạn gốc rễ của các cây tràm. Những vạt thân tràm nhiều chất dầu bong ra khỏi cây, rơi xuống đất tạo thành các mảng dày.
Leo lên đài quan sát, du khách có thể phóng tầm mắt vượt qua những cánh rừng tràm Trà Sư và cảm nhận vẻ đẹp mê hoặc của thiên nhiên miền Tây.
Sau giờ phút dạo chơi quanh Trà Sư, bạn có thể dừng lại tại nhà hàng giữa rừng và thưởng thức những món ăn truyền thống của vùng sông nước. Nổi bật nhất là món lẩu cá linh bông điên điển. Cá linh rất phổ biến tại An Giang và thường chỉ xuất hiện vào mùa nước nổi.
Ngoài lẩu, canh chua, cá lóc nướng trui cũng là món ăn ưa thích cho các thực khách. Bạn có thể ngồi xem người đầu bếp chế biến cá tại chỗ và thưởng thức khi còn nóng hổi.
Thưởng thức đặc sản miền Tây tại Trà Sư và ngắm nhìn không gian ngút ngàn màu xanh của rừng tràm sẽ đem lại cho bạn cảm giác thực sự hòa mình với thiên nhiên.
Theo VNExpress
Những điểm dừng chân ở miền biên giới Châu Đốc Đến với Châu Đốc, An Giang, mảnh đất nằm trong vùng biên giáp với Campuchia, du khách không thể bỏ qua rừng tràm Trà Sư, chợ Tịnh Biên, hay miếu Bà Chúa xứ núi Sam. Tháng 10 là thời điểm thích hợp để bạn phượt về miền sông nước An Giang, đặc biệt là Châu Đốc. Dưới đây là một số nơi cho...