Những tháng cuối của “người mẹ ung thư sinh con”
Anh Quyết kể, đã chụp hình con bằng điện thoại rồi cho vợ xem. Chị chỉ xem đúng một lần, khuôn mặt chị rất tươi rồi chị ra đi mãi mãi.
Video “Nghẹn ngào khoảnh khắc mẹ từ biệt con trước khi qua đời” tái hiện câu chuyện có thật 3 năm trước, đã được lan truyền đầu tháng 3, gây xúc động mạnh. Đó là câu chuyện cảm động về khoảnh khắc sinh tử của một bà mẹ bị ung thư giai đoạn cuối đang hôn mê và các bác sĩ phải làm mọi cách để cứu sống em bé.
Ngày 28/5/2012, Bệnh viện 175 và Bệnh viện Từ Dũ đã mổ bắt con cho chị Nga (32 tuổi, quận Gò Vấp). Ca mổ thành công nhưng đứa trẻ ngay sau đó được chuyển qua Bệnh viện Từ Dũ hồi sức, còn người mẹ cũng được chuyển vào phòng hồi sức Bệnh viện 175. Đứa trẻ ra đời khi chỉ mới 32 tuần tuổi, cân nặng 1,65 kg và người mẹ đang bị ung thư phổi giai đoạn cuối, nằm thở bằng sự giúp đỡ của máy và tiên lượng rất nặng.
Hình ảnh chị Nga khi đang được điều trị hồi sức sau khi sinh con cách đây 3 năm.
Chỉ vài ngày sau thì chị ra đi mãi mãi, để lại cho người chồng đứa con gái bé bỏng.
Cũng như bao đôi nam nữ yêu nhau, chị Nga và chồng đến với nhau năm 2008. Chồng làm thợ sắt, còn vợ thì giúp người chị bà con trông nom xưởng may, hai vợ chồng ở nhờ nhà họ hàng ở quận Gò Vấp, TP HCM. Đôi vợ chồng trẻ ước mơ có một đứa con bi bô cho vui nhà, vui cửa, thế nhưng sau một năm vẫn chưa có gì.
Hai vợ chồng đã đến khám tại bệnh viện Từ Dũ, kết quả chồng tinh trùng yếu, còn vợ bị đa nang buồng trứng, rơi vào tình trạng hiếm muộn. “Hễ ai chỉ đi đâu là đi đó. Lên Lâm Đồng, xuống Vũng Tàu tìm thầy thuốc nam, thuốc bắc nhưng vẫn không có kết quả gì. Nhưng hai vợ chồng vẫn quyết tâm đi điều trị. Tuần nào cũng đi khám lấy thuốc”, người chồng buồn bã kể.
“Khi bệnh đa nang của vợ đã hết, vợ chồng tôi để tự nhiên nhưng đến tháng 9 vẫn không có gì. Vợ chồng tôi quyết định nhờ đến phương pháp thụ tinh nhân tạo. Chúng tôi đến Bệnh viện An Sinh để làm thủ thuật đưa tinh trùng vào trứng, kết quả thụ thai ngay lần đầu tiên”, anh Quyết kể lại.
Anh nói rằng vợ mình rất khỏe, thỉnh thoảng có ho khan như bao bà bầu khác, vợ anh cứ nghĩ ho là do con hành. Đi khám thì bác sĩ nói viêm họng cấp và cho thuốc về uống nhưng chị thì không dám uống vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi. Khi thai nhi đến tháng thứ 5, chị ho ra máu, anh đưa vợ đến Bệnh viện An Sinh chụp phim và cũng không thấy gì. Rồi chị Nga sang Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch khám, bác sĩ kết luận nặng và chỉ định nhập viện nhưng chị không dám ở lại.
Về nhà được mấy hôm thì chị lại ho ra máu. Anh đưa vợ đi cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Kết quả xét nghiệm, sinh thiết tại đây kết luận chị bị ung thư phổi giai đoạn cuối, di căn gan, xương. Bác sĩ nói nếu như người bình thường mắc bệnh này thì sống từ 3 đến 6 tháng, còn mang bầu thì chưa nói trước được điều gì.
Video đang HOT
Lúc này, gia đình nội – ngoại đã họp bàn và xác định chị đã hết cách cứu. Họ hàng khuyên anh, nếu thương vợ thì phải cố gắng giữ cho vợ cái gì đó làm kỷ niệm, đó là đứa con và anh đã đi đến quyết định không xạ trị – hóa trị cho vợ.
“Gia đình đã đề nghị giấu vợ tôi. Nhưng theo tôi thì cảm nhận vợ tôi đã biết. Có hôm vợ hỏi tôi: “Có phải em ung thư giai đoạn cuối không?” Tôi bảo chỉ bệnh phổi nặng thôi chứ nếu nói ra vợ tôi sẽ suy sụp”, anh tâm sự thêm.
Hơn hai tuần sau, chị xuất viện, anh đã đi tư vấn tại các bệnh viện sản khoa nhưng các bác sĩ trả lời rằng, vấn đề ở đây là bệnh của người mẹ chứ không phải con, nếu xử lý được người mẹ thì mới sinh con được. Cuối cùng anh đã tìm đến Bệnh viện 175 khi thai nhi bước qua tuần 27 và sau 5 tuần thì sinh con.
“Cháu thường được gọi ở nhà là Thiên Phúc, vì đây là đứa con trời ban”, anh nói. Anh khoe đã chụp tấm hình con bằng điện thoại mang vào cho vợ xem và chị chỉ xem đúng một lần, khuôn mặt chị lúc đó rất tươi. Mỗi lần vào thăm bệnh, thấy vợ thở rất khó khăn, anh chỉ cầu cho vợ sống được một hai năm, nếu không được thì kéo dài sự sống của vợ để nhìn được mặt con bên ngoài.
Nói về bệnh tình của bệnh nhân, bác sĩ Trần Văn Thành, phòng Kế hoạch – Tổng hợp, bệnh viện 175 cho rằng đây là sự hy sinh cao cả của người mẹ và là thành công của các bác sĩ trong việc giữ được mẹ và thai nhi trong thời gian 5 tuần trước sinh. “Ung thư có thể xâm nhập vào bất cứ đâu của cơ thể nhưng không xâm nhập vào thai nhi, đó là điều kỳ diệu của tạo hóa”, bác sĩ Thành tâm sự.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Trần Quốc Việt, Chủ nhiệm khoa Hồi sức Tích cực, ngày 20/4/2012, sản phụ nhập viện trong tình trạng suy tim, suy hô hấp, thai kỳ 27 tuần, nặng 0,9 kg. Đặc biệt sản phụ bị ung thư phổi giai đoạn cuối, toàn bộ phổi trái không hoạt động, ung thư di căn vào gan, ổ bụng, tràn dịch… Sau khi hội chẩn, bệnh viện 175 đã mời các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ sang hội chẩn để đánh giá tình hình, hướng điều trị.
Sau đó, sản phụ được chuyển vào khoa Hồi sức Tích cực, được làm các xét nghiệm máu, hỗ trợ thở ôxy, truyền dịch, hỗ trợ ăn qua đường tĩnh mạch (đạm, mỡ)… riêng thai nhi cũng được hỗ trợ thuốc hô hấp.
“Chúng tôi đặt ra mục tiêu là khi thai nhi đến 30-31 tuần thì mổ bắt con, tình huống xấu nhất là người mẹ suy hô hấp thì sẽ đặt nội khí quản cho mẹ để kéo dài bầu thai, vì nếu kéo dài thêm một ngày trong bụng mẹ thì tỷ lệ sống sót của con tăng lên 3%. Thậm chí là dự kiến tình huống người mẹ có thể tử vong trên bàn mổ”, bác sĩ Việt nói.
5 tuần nhập viện, thai nhi ở tuần thứ 32, các bác sĩ đã quyết định chấm dứt thai kỳ và mổ bắt con do người mẹ suy hô hấp cấp, suy tim cấp và thai nhi có dấu hiệu chuyển dạ. Ít ngày sau, chị Nga qua đời. Hiện hai cha con đang sống tại quận 7, TP. HCM.
Theo_2Sao
Gần 16.000 người đang thoi thóp chờ nguồn tạng hiến
Mỗi ngày, trên cả nước có khoảng 16.000 người đang phải sống trong đau đớn, tối tăm vì bị suy tạng, hỏng giác mạc. Họ đang thoi thóp chờ nguồn tạng hiến của cộng đồng để bước vào cuộc ghép thay đổi số mệnh, nhưng thực tế nguồn tạng cho hiện rất khan hiếm.
Nhu cầu ghép tạng rất lớn
Ngày 21/3, tại buổi lễ vinh danh 403 người đã hiến tạng để thực hiện những cuộc ghép tại 3 bệnh viện Chợ Rẫy, Nhi Đồng 2, bệnh viện Nhân Dân 115, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: "Sau 23 năm kể từ khi kỹ thuật ghép tạng được thực hiện tại Việt Nam, đến nay số bệnh nhân đã được ghép trên cả nước còn rất khiêm tốn. Hiện mới chỉ có 1.200 trường hợp được ghép thận, 30 trường hợp ghép gan, 10 trường hợp ghép tim và 1 trường hợp ghép thận tụy."
Bệnh nhân suy thận mạn phải chạy thận nhân tạo tại bệnh viện Phúc An Khang, TPHCM
Với những nỗ lực không ngừng, ngành y tế Việt Nam đã tiếp nhận những chuyển giao kỹ thuật từ các quốc gia đi trước như Pháp, Hàn Quốc, Đài Loan... Đến nay, trình độ ghép tạng trong nước không thua kém các quốc gia khác. Bên cạnh đó, sự ra đời của bộ luật hiến, lấy, ghép mô tạng, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác được Quốc hội thông qua từ năm 2006 đã tạo bước ngoặt cho ngành ghép tạng Việt Nam. Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia cũng đã ra đời để nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển ngành ghép tạng.
Những tiền đề quan trong cho sự phát triển của kỹ thuật hiện đại cứu sự sống của những người bị suy tạng đã được chuẩn bị đầy đủ. Nhưng, việc triển khai đang vấp phải nhiều khó khăn vì thiếu nguồn tạng hiến. Phần lớn những trường hợp đã được ghép tạng từ trước đến nay đều là do người thân hiến tặng, cả nước mới chỉ có 28 người hiến tạng chết não.
Việt Nam đang thiếu nghiêm trọng nguồn tạng hiến khiến 8.000 người bị suy thận mạn giai đoạn cuối phải phụ thuộc vào máy chạy thận nhân tạo; 1.500 người ngày đêm phải vật lộn với đau đớn do suy gan; 6.000 người sống trong tăm tối do hỏng giác mạc; hàng trăm người chờ ghép tim phổi, tụy tạng.
Hãy hiến tạng để chia sẻ sự sống với đồng loại
Theo GS Trần Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội tiết niệu, Thận học, TPHCM nguồn tạng hiến hiện đang chờ đợi từ người hiến tạng còn sống; người hiến tạng chết não; người hiến tạng ngừng tuần hoàn (chết tim, tim ngừng đập). Những rào cản về văn hóa, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh mạng, sợ sử dụng nguồn tạng cho không đúng mục đích... khiến đa số trường hợp đã cho tạng là người có quan hệ huyết thống hoặc người thân thích với người được ghép.
Để khảo sát tiềm năng hiến tạng tại TPHCM trong cộng đồng, GS Trần Ngọc Sinh và các cộng sự đã thực hiện khảo sát kiến thức, thái độ hành vi về việc hiến tạng của 1.028 người thuộc mọi tầng lớp, tôn giáo. Kết quả cho thấy, có tới 95,5% đồng ý với quan điểm hiến tạng là một nghĩa cử nhân đạo cao đẹp. Tỷ lệ đồng ý hiến tạng sau khi chết là 77%; đồng ý hiến tạng người thân sau chết là 63,8%.
Bộ trưởng Kim Tiến tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân cho người hiến tạng
Khẳng định sự ủng hộ của tôn giáo đối với việc hiến tạng, ngày 21/3 Linh mục Phan Khắc Từ, Phó chủ tịch Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam và Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại TPHCM đã đến dự buổi lễ vinh danh người hiến tạng.
Đồng quan điểm với Linh mục Phan Khắc Từ về mục đích cứu người trên tinh thần nhân đạo cao cả, Hòa thượng Thích Trí Quảng nhấn mạnh: "Cho đi một phần cơ thể mình để cứu đồng loại là sự chia sẻ không gì có thể so sánh được bởi đó là chia sẻ sự sống. Hiến tạng khẳng định lòng từ bi bác ái của con người, ngay cả lúc đã nhắm mắt xuôi tay tâm hồn của người hiến tạng cũng sẽ thanh thản, siêu thoát. Tôi tự nguyện xin làm thành viên vận động hiến tạng và mong đồng bào, Phật tử hãy đăng ký hiến tạng để chia sẻ sự sống với đồng loại".
Trước khó khăn kỹ thuật ghép tạng đang gặp phải do thiếu nguồn tạng ghép, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị các cơ quan ban ngành, tổ chức tôn giáo... cùng chung tay với ngành y tế làm công tác tư tưởng để người dân hiểu về tinh thần nhân văn, tầm quan trọng của nguồn tạng hiến đối với sự sống từ đó vận động cộng đồng tham gia hiến tạng cứu người.
Bộ trưởng Kim Tiến cam kết, Bộ sẽ hỗ trợ hành lang pháp lý, hỗ trợ vật chất, kỹ thuật, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển kỹ thuật của ngành ghép tạng Việt Nam. Bên cạnh đó, bộ trưởng yêu cầu, các đơn vị thực hiện ghép tạng cần tổng hợp, nghiên cứu, đánh giá những rủi ro xảy ra trong quá trình ghép và sau ghép để khắc phục những nhược điểm, ngày càng hoàn thiện kỹ thuật ghép tạng.
Vân Sơn
Theo Dantri
Cảm động người mẹ tình nguyện chết để con được sống Trước khi mất, chị kịp để lại cho con gái một cái tên thật dễ thương. Nhưng đến nay cháu bé vẫn chưa thể làm giấy khai sinh bởi người mẹ sinh ra bé có cuộc đời bấp bênh mà đến khi "làm ma cũng không có nơi về". Mái ấm từ những "mãnh vỡ" Trong căn phòng của dãy phòng trọ lập...