Những thân phận bi đát ở “vựa” thuốc phiện
Từ ngày chính quyền cấm trồng cây thuốc phiện, để có thuốc phiện hút, mỗi năm bà Cứ Thị Xớ (75 tuổi) ở bản Phiêng Cành, xã Tân Lập (Mộc Châu, Sơn La) vào rừng khoảng 6 tháng để trồng cây thuốc phiện.
Người đàn bà 30 năm nghiện
Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND xã Tân Lập, năm 2012 trên địa bà xã có 157 người nghiện, tái nghiện. Trong đó, người nghiện lâu năm (trên 70 tuổi) với khoảng 20 người không bỏ được, do đó vào mùa họ vào rừng sâu dựng lán trại để trồng thuốc phiện. Số người này chủ yếu là người dân tộc Mông tập trung ở bản Tả Phình và Phiêng Cành.
Ông Hà Văn Huynh, Trưởng công an xã Tân Lập, cho biết: Trong số người nghiện lâu năm ở xã có bà Xớ là đặc biệt nhất; bà thường vào rừng lén lút trồng thuốc phiện, xã đã phá bỏ nhiều lần nhưng vẫn tái diễn. Ngoài bà Xớ hút thuốc phiện còn có hai người con trai nghiện lâu năm; cả hai người được đi cai nghiện nhưng rồi lại tái nghiện. Cũng vì thế, vào mùa, bà lại trốn vào núi lén lút trồng, phần thì để bà hút, phần cho con hút.
Căn nhà xiêu vẹo của bà Xớ
Chúng tôi rời ủy bản xã Tân Lập trời đã về chiều, cũng là lúc bà con dân bản Phiêng Cành từ nương kéo nhau về bản. Gặp người dân nơi đây hỏi nhà bà Xớ, ai cũng biết, họ còn bảo: Bà ấy “sở hữu” nhiều cái nhất. Nào là nghèo nhất, mấy đứa con nghiện hết. Nhà bá Xớ nằm giữa bản, vào đó, thấy nhà nào xiêu vẹo, trong nhà trống huếch chính là nhà bà ấy đấy.
Chúng tôi tìm đến nhà cũng là lúc bà Xớ đang vật vã trên giường. Sau chừng 15 phút bà tỉnh táo, cuộc chuyện trò mới bắt đầu.
Bà Xớ đã nghiện hơn 30 năm, chồng bà chết do nghiện thuốc phiện. Hoàn cảnh gia đình bà Xớ vô cùng nghèo khổ. Bà có 4 người con, ba trai, một gái.
Bà Xớ bên điếu hút thuốc phiện
Đứa con trai đầu là Hờ A Tếnh cũng vì hút thuốc phiện đã qua đời. Hiện bà sống với người con trai Hờ A Chu (30 tuổi) dưới mái nhà hai gian được Nhà nước hỗ trợ xây dựng. Chu cũng chẳng khác gì mẹ, đã nghiện hơn 10 năm. Người con đầu bà Xớ là Hờ A Dua (41 tuổi) cũng nghiện hơn 15 năm nay. Năm 2009, Dua được xã cho đi cai tại Trung tâm Lao động xã hội tỉnh Sơn La. Cắt nghiện được một thời gian, ấy vậy mà khi trở về địa phương, Dua lại tái nghiện. Giữa năm 2012, xã lại đưa Dua đi cai nghiện tại Trung tâm Lao động tỉnh Sơn La.
Mỗi năm bà Xớ “tu” ở rừng sâu từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau mới về. Bà ăn uống qua ngày nhờ vào việc tiếp tế của con, cháu. Nhưng do gia đình con cái cũng nghèo nên cả tháng trời người thân mới mang cho được vài kg gạo và ít muối trắng, mì chính nấu canh rau rừng. Tôi hỏi bà: Ăn uống như vậy làm sao sống được? Bà Xớ cười: “Vào đó trồng thuốc phiện mình có thuốc hút không cần ăn cũng được mà. Già rồi ăn ít lắm, mình có thuốc hút là sống thôi!”.
Video đang HOT
Cầm điếu thuốc phiện trên tay, bà Xớ nói: Năm này mình trồng được một nương ở khu vực núi Bãi Lau, mới chích lấy nhựa được một lần thì cán bộ xã vào phá rồi. Năm nay chỉ hút được vài tháng là hết, không có thuốc hút nữa chắc mình chết thôi. Mình già chết cũng được nhưng thằng con mình đang còn trẻ mà không có thuốc, nó dễ chết theo tôi lắm.
Thuốc phiện hết, bà Xớ dùng xái hút đi hút lại
Thuốc phiện khan hiếm, để có hút lâu dài, mỗi ngày bà Xớ hút đi, hút lại xái thuốc nhiều lần. Nhìn vào điếu thuốc của bà Xớ là một đống xái màu đen nhưng bà không vứt đi. Tôi nói: Sao không dọn cho sạch sẽ, bà cười: Không dọn đâu, cứ để vậy, khi nào lên cơn mình lại lấy hút, mình hút rồi con mình nữa.
Sống dật dờ
Giống mẹ, người con út của bà Xớ là Hờ A Chu cũng không thể thiếu thuốc phiện. Năm 2010, Chu được đưa lên Trung tâm Lao động tỉnh Sơn La cai thuốc. Tại đây các bác sĩ phát hiện Chu bị suy thận mãn tính, sức khỏe yếu, nếu cai nghiện, sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, Chu được trả về địa phương để chữa trị bệnh, khi nào bệnh khỏi thì mới cai được.
Hờ A Chu nghiện thuốc phiện nhưng sức khỏe yếu nên không thể cai được
Tôi hỏi Chu, thế có trồng thuốc trong núi không? Chu cười: Em không dám đâu, trồng bị công an bắt bỏ tù. Tôi hỏi tiếp: Thế lấy thuốc đâu để hút? Chu không trả lời.
Sao không chữa bệnh để cai nghiện?, tôi hỏi. Vợ Chu, chị Vàng Thị Nụ, nói: Có tiền đâu cán bộ, nhà có hơn 100 gốc mận thì nó (Chu) đã bán lấy tiền hút thuốc phiện rồi. Có hơn 1 ha nương ngô, nó cũng bán để mua thuốc hút. Đất không có, cuộc sống qua ngày hai vợ chồng đi làm thuê, ở bản có nhà nào thuê cuốc đất, làm cỏ thì có gạo ăn, còn không ăn rau rừng thôi.
Được xếp vào danh sách con nghiện lâu năm, chúng tôi tìm đến nhà ông Tráng A Páo (80 tuổi) ở bản Phiêng Cành. Tìm đến nhà ông Páo, trước nhà có mấy người, chúng tôi hỏi: Ông Páo có nhà không, ai cũng trả lời “chí pâu” (không biết), trong khi chúng tôi nhìn qua cửa thì thấy một người già ở trong nhà. Biết người thân của ông nói dối, chúng tôi quay lại nhà trưởng bản Tráng A Cơ nhờ ông dẫn đến. Khi trình bày câu chuyện, trưởng bản Cơ cho hay: Các chú là người lạ, họ tưởng công an đến bắt ông ấy mà. Ông Páo hiện vẫn trốn vào núi trồng thuốc phiện để hút nên con cháu nói dối đó.
Đồ nghề hút thuốc phiện
Ông Hà Văn Huynh, Trưởng công an xã Tân Lập, cho biết: Với những đối tượng nghiện lâu năm, xã cũng bất lực. Việc tái trồng cây thuốc phiện chủ yếu là những đối tượng này lén lút trồng lấy thuốc hút. Để phát hiện được nơi trồng rất khó, có những nơi đi 4 – 5 ngày đường mới đến nơi, trong khi lực lượng cán bộ xã ít, công việc nhiều nên không thể phá hết.
Nhờ sự có mặt của trưởng bản Cơ, chúng tôi tiếp xúc với ông Páo, cuộc trò chuyện bằng tiếng Mông, ông Cơ làm phiên dịch. Tôi hỏi: Ông nghiện lâu chưa, có trồng thuốc phiện nữa không? Ông Páo nói: Mình nghiện lâu rồi, không nhớ nữa đâu. Mình được Nhà nước cho đi cai nghiện mà không cai được. Giờ không có thuốc là chết! Mình phải lên núi trồng thuốc phiện thôi.
Tôi hỏi tiếp, thế trồng ở đâu? Ông Páo đáp: Không nói đâu, nói cho cán bộ đến phá à! Cán bộ về đi, đừng hỏi mình nữa! Phá cây rồi lấy gì mà hút?
Thấy ông Páo già yếu như thế, tôi đem những thắc mắc hỏi ông Cơ: Ông Páo đi lại khó khăn, ông ở trên rừng ăn cái gì? Ông Cơ bảo: Con cháu ông đem lương thực mà, cứ vài tuần họ lại mang gạo, mắm muối cho ông. Những người như ông Páo thì cần gì ăn, có thuốc phiện là họ sống à! Đã nhiều lần cán bộ xã, bản đến vận động, khuyên bảo nhưng ông ấy không bỏ được, còn đi cai như Páo thì không đủ sức khỏe để chống chọi lúc lên cơn. Do đó, họ trả ông về không chết mất.
Rời xã Tân Lập, rời nhà bà Xớ, thấy bữa ăn chỉ có rau rừng, ngô độn cơm khiến chúng tôi xót xa. Chúng tôi gửi cho bà ít tiền làm quà. Cầm tiền trên tay, bà Xớ cười: Cảm ơn cán bộ, từng này mua thuốc được mấy lần hút. Già rồi ăn ít lắm, có thuốc là sống mà.
Theo 24h
Đột nhập "vựa" cây thuốc phiện ở Tây Bắc
Sau nhiều đêm hầu rượu dân anh chị có số má ở thị trấn Nông trường Mộc Châu, chúng tôi được mách lối để tìm ra "thủ phủ" trồng cây thuốc phiện. Họ bảo rằng, mùa này dùng ngâm rượu là tốt nhất, bởi cây có đủ thân, rễ, lá, hoa và quả.
Phóng viên mạo hiểm vào vai người đi mua cây thuốc phiện về ngâm rượu bán, đã đột nhập được vào vựa cây thuốc phiện ở Mộc Châu (Sơn La). Tận thấy những vạt hoa thuốc phiện tím ngắt, quả được chích nhựa ngả mầu nâu đen mới thấy chính sách cấm trồng cây thuốc phiện của chính quyền chưa thể vượt qua được những vách cao, vực thẳm nơi cao nguyên này.
Cậy nhờ "dân 06"
Từng lên công tác vùng Tây Bắc nhiều lần, chúng tôi đã biết về rượu ngâm cây thuốc phiện. Mỗi lần như vậy, chúng tôi đi truy tìm nguồn gốc xuất xứ đều nhận được một câu trả lời: Cây trồng trong núi sâu, đi lại rất khó khăn. Còn hỏi đường vào họ khuyên rằng: Đừng dại mà vào những nơi đó, đường đi vào thì dễ nhưng ra rất khó, thậm chí mất mạng.
Đường vào thung lũng Nà Ka
Sau nhiều lần dò hỏi, chúng tôi tìm ra được khu vực trồng cây thuốc phiện có thể đột nhập. Như đã hẹn với Gi (một người bản địa nắm rõ nơi trồng thuốc phiện) ở huyện Mộc Châu. Có mặt tại đây, tôi đặt vấn đề: "Anh đang cần mua cây thuốc phiện về ngâm rượu bán nhưng phải lấy cây đang trồng tại vườn, chú tìm mối giúp. Chỗ anh, em tiền công trả sòng phẳng".
Nghe vậy, Gi bảo: "Tưởng gì, chuyện này em lo được. Tối nay, em họp "anh em 06" làm bữa rượu thì chuyện gì cũng ra hết. Nhưng em cũng nói trước, bọn em chỉ lối, mách đường cho anh vào, còn việc anh mua thế nào do anh tính toán, em không động đến. Như anh đã biết, dính đến "món" này, ít thì vài tháng, nhiều vài năm ngồi trong trại giam".
Để vào được nơi trồng thuốc phiện trên đỉnh Nà Ka phải vượt qua những vách đá dựng đứng
Tôi vờ hỏi Gi: "Anh em 06" nghĩa là sao? Gi giải thích: "06 viết tắt của Trung tâm 06 thuộc Trung tâm Giáo dục Lao động tỉnh Sơn La. Họ là những người từng nghiện thuốc phiện, ma tuý được cai ở đây ra".
Nhờ sự sắp đặt của Gi, đêm hôm đó, chúng tôi hầu hầu rượu "dân 06" ở thị trấn Nông trường Mộc Châu gần đến sáng. Cuộc nhậu tàn canh, chúng tôi có được một số địa điểm hiện đang trồng cây thuốc phiện tại huyện Mộc Châu như bản Phiêng Cành, Tả Phìn xã Tân Lập và bản Pa Khen (thị trấn Nông trường Mộc Châu).
Sáng hôm sau, từ thị trấn Nông trường Mộc Châu, Gi làm "hoa tiêu" dẫn chúng tôi theo con đường vào xã Tân Lập chừng 20 km. Tại đây, Gi dẫn chúng tôi vào "ra mặt" Tr (đại ca một thời ở Mộc Châu nhưng nay đã quy ẩn), nhờ Tr đứng ra "bảo kê". Khi nghe tôi đặt vấn đề, Tr mắng luôn: "Các chú có bị điên không đấy? Tìm được chỗ mua cây thuốc phiện đã khó, đừng nói đến chuyện vào nơi trồng đưa nó ra. Các chú toàn người lạ, mọi người ở đây không ai nhận lời dẫn đường đâu, còn tự đi tìm thì giữa rừng sâu biết đâu mà lần. Thôi ăn bữa cơm, uống chén rượu với anh rồi cuốn gói về Hà Nội cho sớm".
Mặc cho Tr ngăn cản, chúng tôi quyết tâm vào "thủ phủ" trồng cây thuốc phiện bằng được. Ngăn mãi không xong, Tr đành mách lối: "Việc đầu tiên, các chú vào bản Phiêng Cành, xã Tân Lập. Từ trước đến nay, nơi đây trồng cây thuốc phiện nhiều, tình trạng buôn bán để ngâm rượu thường diễn ra. Vào đó tìm gặp những tay thợ săn và mạnh tay "vung tiền" may ra có người nhận lời".
Bẫy và chết chóc rình rập
Sáng hôm sau, chúng tôi lên đường vào bản Phiêng Cành. Chúng tôi hỏi mua cây thuốc phiện, trăm người như một nói "chí pâu" (không biết). Lân la đến chiều, chúng tôi cũng tìm đến nhà H (một tay thợ săn). Khi hỏi về cây thuốc phiện, H lắc đầu. Tôi bảo với H muốn mua một ít về chữa bệnh, mong anh làm ơn giới thiệu chỗ. H liền nói: "Tôi không biết đâu, các chú đi nơi khác mà hỏi".
Hoa thuốc phiện vào mùa vẫn nở trên đỉnh núi Nà Ka
Mặc dù chúng tôi đã nói đủ cách nhưng H không mách lối. Nhớ lời Tr dặn, chúng tôi liền ngã giá. Nghe vậy, H bảo: "Mỗi ngày dẫn đi 500.000 ngàn đồng, tôi sẽ đưa vào nơi trồng rồi các chú ăn trộm đưa về. Chỗ gần nhất cả đi, cả về gần 2 ngày, còn chỗ xa đi 3-4 ngày, hôm nay nghỉ lại ngày mai lên đường".
Từ sáng sớm, H đã đánh thức chúng tôi dậy chuẩn bị lên đường, vừa bước ra khỏi nhà, H dặn: "Trên đường đi có gặp ai hỏi thì bảo lấy phong lan, đừng tiết lộ là vào vườn trồng thuốc phiện".
Một điểm trồng thuốc phiện ở thung lũng Nà Ka xen lẫn với rau cải
Trước những năm 90 thế kỷ trước, cây thuốc phiện trồng để xuất ra nước ngoài làm dược liệu. Mộc Châu nói chung và các tỉnh Tây Bắc nói riêng trồng thuốc phiện chỉ có lấy nhựa. Nhưng nay, ngoài nhựa ra, cây thuốc phiện được sử dụng ngâm rượu. Theo người dân tại bản Phiêng Cành, xã Tân Lập cho biết, thương lái thường lén lút về đây thu mua với giá 150.000 đồng/kg gồm rễ, thân, lá, hoa và quả.
Sau 4 giờ đồng hồ, hết lên rồi xuống qua những vách đá cheo leo, chúng tôi có mặt tại thung lũng Nà Ka. H dẫn chúng tôi về phía Tây thung lũng, đi chừng gần 1 km ngay dưới đỉnh núi cùng tên xuất hiện một vườn cây thuốc phiện rộng chừng 200 m2 trồng xen với rau cải.
Tuy nhiên, cây đã ra quả hết, trên quả những vết chích nhựa đang đóng thành cục màu nâu đen. Thấy vậy, tôi bảo H: "Bọn em muốn lấy loại cây có đủ thân, lá, rễ, hoa và quả, ở đây không còn hoa lấy làm gì. Bài thuốc bắt buộc phải đủ vị thì mới chữa khỏi bệnh". H liền giải thích: "Bữa nay cuối mùa rồi, hầu hết cây đã cho quả, như loại này đã lấy nhựa hai lần rồi. Muốn lấy loại có hoa, vậy đi tiếp thôi".
Vừa đi, H nói: "Quãng đường tiếp theo sẽ leo lên đỉnh trời, độ cao thì không ai biết nhưng để leo đến đỉnh sẽ mất hết 6 giờ đồng hồ". H nói tiếp: Núi Nà Ka theo tiếng Mông có nghĩa núi đầu lợn, đỉnh núi là nơi phân cách giữa bản Phiêng Cành, xã Tân Lập và tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu. Từ chân núi, chúng ta sẽ men theo con đường độc đạo một bên là những vách đá dựng đứng, một bên vực sâu. Do đó, tay phải bám thật chặt, chân trụ thật vững, nếu sảy là chỉ có nhặt xác mang về. Đặc biệt dọc đường sẽ không tránh khỏi những người trồng thuốc phiện đặt bẫy. Ở những điểm nguy hiểm, bọn chúng sẽ gác cây cưa gần đứt, nếu mình không để ý khi đi trên sẽ gãy và rơi xuống vách đá. Có những bẫy bọn chúng làm bằng dây rồi treo đá trên cao, mình dẫm phải sẽ rơi trúng người.
Quãng đường với cái chết luôn rình rập nhưng chúng tôi chinh phục xong. Tại đây, có một thung lũng rộng chừng 2000 m2 trồng cây thuốc phiện xen lẫn với rau cải. Có những cây đang ra hoa, cây cho quả được chủ nhân chích nhựa.
Theo 24h
Nỗi đau nơi đàn ông nghiện nhiều vô kể Một thời các bản làng vùng cao Xứ Thanh được ví như thủ phủ của cây thuốc phiện, từ đó đến nay nó vẫn đang tiềm ẩn "cơn bão" của căn bệnh HIV/AIDS hoành hành xóm bản. "H" khắp mọi nơi Theo con số thống kê của trung tâm y tế huyện Mường Lát, Thanh Hoá từ năm 2001 đến nay trên địa...