Những tấm gương anh hùng trong chiến thắng Điện Biên Phủ
Để góp phần vào sự thành công của chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) đã có biết bao tấm gương anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn xuân xanh. Họ, những người chiến sỹ mang trên mình một tình yêu Tổ Quốc, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc như: Bế Văn Đàn lấy vai làm giá súng, Tô Vĩnh Diện dùng thân chèm pháo, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Trần Can hiên ngang dẫn đầu tiểu đội vượt qua lô cốt tiền duyên để xông vào sở chỉ huy, rồi cắm cờ lên lô cốt Him Lan…
Anh hùng Phan Đình Giót
Phan Đình Giót sinh năm 1922 ở xóm Tam Quang, thôn Vĩnh Yên, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, trong một gia đình rất nghèo đã mấy đời chịu cảnh cày thuê, cuốc mướn. Bố mất sớm, hai anh em sống cùng mẹ trong một ngôi nhà tranh dột nát, siêu vẹo. Đói quá, không có cái ăn Phan Đình Giót và em trai phải đi ở cho địa chủ từ lúc lên 6, lên 7.
Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, cùng với bạn bè cùng trang lứa anh xin tham gia tự vệ chiến đấu. Đến năm 1950 thì anh xung phong đi bộ đội chủ lực. Những trận đánh có Phan Đình Giót đều lập được chiến công, có lần anh chích máu viết bản quyết tâm thư gửi lên đại đoàn, thể hiện chí khí hiên ngang của một con người đã giác ngộ và đi theo cách mạng. Chí khí đó, lòng dũng cảm đó của Phan Đình Giót đã được ghi nhận.
Sống tập thể trong một môi trường quân đội, Phan Đình Giót luôn tự giác gương mẫu về mọi mặt, hết lòng yêu thương giúp đỡ đồng đội và sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ khó khăn về mình, anh được các đồng đội rất quý mến. Phan Đình Giót tham gia rất nhiều các chiến dịch lớn như: Trung Du; Hòa Bình; Tây Bắc và chiến dịch Điện Biên Phủ…
Phan Đình Giót lấy thân mình bịt lỗ châu mai
Mùa đông năm 1953, đơn vị anh được lệnh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Hành quân gần 500km, vượt qua nhiều đèo dốc, mang vác nặng, nhưng Anh vẫn kiên trì giúp đồng đội về đến đích. Trong nhiệm vụ xẻ núi, mở đường kéo pháo lên đèo xuống dốc vào trận địa rất gay go gian khổ, anh đã nêu cao tinh thần gương mẫu, bền bỉ và động viên anh em chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trên.
Chiều 13/3/1954, quân ta nổ súng tiêu diệt Him Lam. Cả trận địa rung chuyển mù mịt sau nhiều loạt pháo. Các chiến sĩ đại đội 58 lao lên mở đường, đã liên tiếp đánh đến quả bộc phá thứ tám. Phan Đình Giót đánh quả thứ chín và bị thương ở đùi, nhưng vẫn xung phong đánh quả tiếp theo. Quân Pháp tập trung hỏa lực trút đạn như mưa xuống trận địa ta, đồng đội bị thương rất nhiều.
Lòng căm thù quân giặc lên cao, Phan Đình Giót lao lên đánh liên tiếp hai quả nữa phá toang hàng rào cuối cùng, mở thông đường để đồng đội lên đánh sập lô cốt đầu cầu. Lợi dụng thời cơ địch hoang mang, anh lao lên bám chắc lô cốt số 2, ném thủ pháo, bắn kiềm chế cho đơn vị tiến lên. Anh bị thương ở vai và đùi, máu chảy rất nhiều. Thế nhưng bất ngờ từ hỏa lực lô cốt số 3 của địch bắn rất mạnh vào đội hình của ta. Lực lượng xung kích bị ùn lại, anh cố gắng nhích mình lên gần lại lô cốt số 3 với ý nghĩ cháy bỏng duy nhất là dập tắt lô cốt này. Anh đã dùng hết sức còn lại nâng tiểu liên lên bắn mạnh vào lỗ châu mai và hét to: “Quyết hy sinh vì Đảng, vì dân”, rồi dướn người lấy đà lao cả tấm ngực thanh xuân vào bịt kín lỗ châu mai địch. Hỏa điểm lợi hại nhất của quân Pháp bị dập tắt, toàn đơn vị ào ạt xông lên như vũ bão, tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam, giành thắng lợi trong trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.
Phan Đình Giót hy sinh lúc 22h30p ngày 13/3/1954 ở tuổi 34. Phan Đình Giót được nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân ngày 31/3/1955. Khi hy sinh, anh là Tiểu đội phó bộ binh Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312, là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, được tặng Huân chương Quân công hạng nhì.
Anh hùng Tô Vĩnh Diện
Video đang HOT
Tô Vĩnh Diện sinh năm 1924, ở xã Nông Trường, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Anh sinh ra trong một gia đình nghèo, lên 8 tuổi đã phải đi ở cho địa chủ, suốt 12 năm đi ở đợ anh luôn phải chịu bao cảnh áp bức, bất công. Năm 1946 anh tham gia dân quân ở địa phương, đến năm 1949 anh xung phong đi bộ đội.
Tháng 5/1953, quân đội ta thành lập các đơn vị pháo cao xạ để chuẩn bị đánh lớn. Tô Vĩnh Diện được điều về làm tiểu đội trưởng một đơn vị pháo cao xạ. Trong quá trình hành quân cơ động trên chặng đường hơn 1.000km tới vị trí tập kết để tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, anh luôn nhận những nhiệm vụ khó khăn, nặng nhọc, động viên giúp đỡ đồng đội kéo pháo đến nơi an toàn.
Trong lúc kéo pháo qua những chặng đường nguy hiểm, cũng như nghỉ dọc đường, anh luôn nhắc nhở đồng đội chuẩn bị chu đáo và tự mình đi kiểm tra tỉ mỉ dây kéo pháo, xem xét từng đoạn đường, từng con dốc rồi phổ biến cho anh em để tránh những bất ngờ xảy ra.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Vĩnh Diện
Qua 5 đêm kéo pháo ra đến dốc Chuối, đường hẹp cong và rất nguy hiểm, anh cùng đồng chí pháo thủ Lê Văn Chi xung phong lái pháo. Đến nửa chừng, dây tời bị đứt, pháo lao nhanh xuống dốc, anh vẫn bình tĩnh giữ càng lái cho pháo thẳng đường. Nhưng một trong bốn dây kéo pháo lại bị đứt, pháo càng lao nhanh, đồng chí Chi bị hất văng ra. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn đó, Tô Vĩnh Diện hô anh em “Thà hy sinh quyết bảo vệ pháo”, và anh buông tay lái xông lên phía trước, lấy thân mình chèn vào bánh pháo, nhờ đó các anh em đồng đội kịp ghìm giữ pháo lại. Tấm gương hy sinh vô cùng anh dũng của anh đã cổ vũ mạnh mẽ toàn đơn vị vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu thắng lợi. Khi hy sinh anh là Tiểu đội trưởng pháo cao xạ 37 ly, thuộc Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367.
Anh được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Ngày 7/5/1955, Tô Vĩnh Diện được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhì và được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh hùng Bế Văn Đàn
Bế Văn Đàn sinh năm 1931, ở xã Triệu Ẩu, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng. Anh sinh ra trong một gia đình nghèo có truyền thống cách mạng, cha làm thợ mỏ, mẹ mất sớm, tham gia hoạt động du kích từ ngày còn nhỏ tuổi. Năm 1948 anh xung phong vào bộ đội giữa lúc cuộc chiến tranh Đông Dương đang diễn ra quyết liệt.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân dân ta lúc bấy giờ đang ở giai đoạn quyết liệt, Đảng cộng sản Đông Dương quyết định mở chiến dịch Đông Xuân 1953 – 1954, đơn vị hành quân đi chiến dịch, anh được phân công làm liên lạc tiểu đoàn. Một đại đội của tiểu đoàn được giao nhiệm vụ bao vây giữ Pháp ở Mường Pồn. Lúc đó khi thấy lực lượng của Việt Minh ít, quân Pháp tập trung hai đại đội có phi pháo yểm trợ liên tiếp phản kích, nhưng cả hai lần chúng đều bị quân Việt Minh đánh bại. Cuộc chiến đấu diễn ra căng thẳng và quyết liệt, quân Pháp liều chết xông lên, quân Việt Minh kiên quyết ngăn chặn chốt giữ.
Bế Văn Đàn lấy vai làm giá súng
Nhận lệnh cho đại đội quyết tâm giữ ở Mường Pồn bằng bất cứ giá nào, tạo điều kiện các đơn vị khác triển khai lực lượng, thực hiện các chủ trương của chiến dịch. Mặc dù Bế Văn Đàn vừa đi công tác về nhưng khi thấy chỉ huy thông báo, anh đã xung phong lên đường làm nhiệm vụ. Anh vượt qua lưới đạn dày đặc của Pháp, xuống truyền đạt mệnh lệnh cho đại đội kịp thời, chính xác. Trận đấu càng ngày càng diễn ra ác liệt hơn, anh được lệnh ở lại đại đội chiến đấu cùng đồng đội.
Quân Pháp phản kích lần thứ ba, mở đường tiến, đại đội Việt Minh bị thương vong nhiều, chỉ còn 17 người, bản thân Bế Văn Đàn cũng bị thương, nhưng anh vẫn tiếp tục chiến đấu. Một khẩu trung liên của đơn vị không bắn được vì xạ thủ hy sinh. Khẩu trung liên của Chu Văn Pù cũng không bắn được vì không có chỗ đặt súng. Trong tình thế hết sức khẩn trương, anh không ngần ngại chạy lại cầm hai chân khẩu trung liên đặt lên vai mình và hô đồng đội bắn. Pù còn do dự thì Bế Văn Đàn nói: “Kẻ thù trước mắt, đồng chí có thương tôi thì bắn chết chúng nó đi”. Trong lúc lấy thân mình làm giá súng, anh bị thêm hai vết thương nữa và hy sinh, hai tay vẫn còn ghì chặt súng trên vai mình. Sự hy sinh của Bế Văn Đàn đã trở thành tấm gương tiểu biểu trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Khi hy sinh, anh là tiểu đội phó, Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Trong đại hội mừng công của đơn vị Bế Văn Đàn được truy tặng danh hiệu Huân chương Chiến công hạng Nhất và được bình bầu là chiến sĩ thi đua số một của tiểu đoàn. Ngày 31/8/1955, Bế Văn Đàn được Quốc hội nước Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Quân công hạng Nhì.
Anh hùng Trần Can
Trần Can sinh năm 1931 ở xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ngay từ khi còn nhỏ Can đã rất thích vào bộ đội để được cầm súng giết giặc cứu nước. Khi lớn lên anh đã ba lần viết đơn xin tình nguyện đi bộ đội, nhưng vì sức khỏe yếu nên đến lần thứ tư, năm 1951, mới được chấp thuận.
Từ khi vào bộ đội, Trần Can chiến đấu rất dũng cảm, mưu trí, chỉ huy hết sức linh hoạt. Trong mọi hoàn cảnh khó khăn ác liệt, anh đều kiên quyết dẫn đầu đơn vị vượt lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đã hai lần anh bị thương nhưng vấn tiếp tục chiến đấu, chỉ huy đơn vị kiên quyết tiến công tiêu diệt địch. Tấm gương Trần Can đã thiết thực cổ vũ phong trào thi đua giết giặc lập công sôi nổi trong toàn đơn vị.
Anh hùng Trần Can
Trong trận đánh đồi Him Lam mở đầu cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Trần Can được giao nhiệm vụ chỉ huy tiểu đội thọc sâu diệt sở chỉ huy và cắm lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của Hồ Chủ Tịch giao cho quân đội, lên đồn Pháp. Khi nổ súng mặc cho hỏa lực quân Pháp bắn ra dữ dội, anh dẫn đầu tiểu đội vượt qua lô cốt tiền duyên, chọc thẳng vào sở chỉ huy như một mũi dao nhọn cắm vào giữa tim gan địch, rồi nhảy lên lô cốt cắm lá cờ. Sau đó anh chỉ huy tiểu đội diệt lính Pháp còn lại trong hầm ngầm, bắt sống 25 tên và tịch thu nhiều vũ khí.
Trong trận đánh điểm cao 507, anh dũng cảm dẫn đầu tiểu đội xông lên áp đảo quân Pháp, chiếm mỏm cột cờ. Lính Pháp bắn đạn dữ dội và cho quân địch chiếm lại. Ta với Pháp giành giật nhau từng thước đất hết sức quyết liệt. Anh cùng đồng đội kiên quyết giữ vững và tiến công đánh bại 4 đợt phản kích của địch, chúng xông lên trong đợt công kích thứ năm, chúng ném lựu đạn tới tấp trước khi xung phong. Trần Can nhặt lựu đạn ném lại và chỉ huy đơn vị nhảy lên bờ hào đánh ráp lá cà. Cán bộ đại đội bị thương vong hết, bản thân Trần Can cũng bị thương nhưng anh vẫn quyết tâm thay thế cán bộ đại độ chỉ huy bộ đội chiến đấu suốt đêm.
Sáng hôm sau anh tập trung thương binh nhẹ lại, động viên bộ đội, chấn chỉnh tổ chức, củng cố trận địa. Quân Pháp lại phản kích dữ dội, mong đánh bại quân ta, giành cửa ngõ tiến vào Mường Thanh. Trần Can chỉ huy đơn vị đánh tan đợt pháo kích của chúng, kiên quyết giữ vững trận địa, tạo thế cho đơn vị tiến vào Mường Thanh. Anh đã hy sinh anh dũng sáng ngày 7 tháng 5 năm 1954, ngày kết thúc chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Khi hy sinh Trần Can là Đại đội phó bộ binh thuộc Trung đoàn 209, Đại đoàn 312, là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Liệt sĩ Trần Can được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì.
Theo ANTD
Ký ức kéo pháo vào chiến dịch Điện Biên Phủ
Là chiến sĩ lái xe kéo pháo, kỷ niệm đi suốt cuộc đời ông là những ngày tháng gắn bó cùng chiếc xe G.M.C.
Căn nhà nhỏ của gia đình Đại tá Trương Vĩnh Thăng, nguyên chiến sĩ lái xe kéo pháo trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, ở phố Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) những ngày này luôn rộn rã tiếng cười nói của ông cùng đồng đội năm xưa. Họ đang cùng nhau ôn lại kỷ niệm "56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm," cách đây 60 năm.
Với giọng nói hào sảng, hóm hỉnh của người lính lái xe năm xưa, những kỷ niệm "vào sinh ra tử" cùng đồng đội trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã được ông tái hiện lại bằng nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Ông Thăng bồi hồi nhớ lại: Tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ từ năm 1953, ban đầu ông được phân công lái xe chở máy hàn vào chiến dịch. Sau đó, ông được lệnh lái xe kéo pháo vào chiến trường. Nghề lái xe đến với ông cũng thật tình cờ. Bởi, nhiệm vụ chính của ông là kiểm tra, sửa chữa các loại pháo, đạn cho đơn vị. Tuy nhiên, do kế hoạch tác chiến, ông và một số chiến sĩ được đơn vị cử đi học lái xe để phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Bộ đội kéo pháo vào trận địa.
Mở ngăn tủ lấy ra chiếc hòm sắt đã rỉ sét, ông Thăng hồ hởi khoe: Đây là chiếc hòm đựng dụng cụ sửa xe được mang về từ chiến dịch Điện Biên Phủ. Tất cả kỷ niệm về Điện Biên đều được ông nâng niu, gìn giữ như báu vật của cuộc đời. Tấm chân dung tự họa về Bác Hồ, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ông ghi lại bằng những nét vẽ đơn sơ, giản dị, chân thực; những chiếc hộp đựng huy hiệu, huân chương, huy chương kháng chiến được xếp ngăn nắp; những bài thơ ông viết trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã nhòe nét mực...
Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ khi vừa tròn đôi mươi, cái tuổi tràn trề nhựa sống và hừng hực khí thế, với ông, những con đường đã từng qua, những địa danh đã từng đến, những vui, buồn, nhớ mong, chờ đợi, những mất mát, hy sinh... đều là những kỷ niệm ông nâng niu, trân trọng suốt cuộc đời. Để hôm nay, khi lật giở lại những vần thơ, nhìn lại những nét vẽ, kỷ niệm một thời "vào sinh ra tử" cùng đồng đội lại ùa về chân thực, sống động như những thước phim quay chậm. Đó là những vần thơ ghi lại cảm xúc về một lần gặp nữ dân công hỏa tuyến xinh đẹp nơi cửa rừng, về tình cảm gắn bó của người chiến sĩ Điện Biên với những chiếc xe, khẩu pháo trên đường vào chiến dịch.
Là chiến sĩ lái xe kéo pháo, kỷ niệm đi suốt cuộc đời ông là những ngày tháng gắn bó cùng chiếc xe G.M.C. Trong chiến dịch Biên giới 1950, ông được giao phụ trách một kho lương thực, đạn dược để chuẩn bị tiếp tế cho các mặt trận đường 18. Khi đó, chiếc xe G.M.C là chiến lợi phẩm ta thu được trong chiến dịch Biên giới, làm nhiệm vụ chở lương thực, vũ khí, đạn dược. Vào một buổi trưa nhàn rỗi, ông trèo lên buồng lái và khắc tên mình lên vô lăng làm kỷ niệm. Không ngờ, sau này ông nhận lại chính chiếc xe năm nào nhờ vào chữ ký trên vô lăng. Nghĩ người và xe có duyên phận với nhau, dù chiếc xe đã quá cũ, già nua, hỏng hóc nhiều bộ phận, ông cảm thấy rất vui khi tiếp nhận chiếc xe này. Chiếc xe G.M.C được ông và các chiến sĩ trong đơn vị gọi bằng cái tên thân mật "Con trâu già một mắt." Giải thích về cái tên này, ông Thăng cho biết: Sở dĩ đơn vị gọi như vậy vì tất cả các bộ phận của chiếc xe đều cũ và móp méo, duy nhất một chiếc đèn pha là còn lành lặn.
Tháng 12/1953, ông đã viết bài thơ với tựa đề "Xe G.M.C." Ôn lại những kỷ niệm về "Con trâu già một mắt," ông kể: Vào một đêm thượng tuần tháng 1/1954, khi chiếc xe G.M.C đang lên đèo, do bám quá sát xe trên nên đã va vào nòng pháo của xe trên làm bẹp két nước, một số ống bị dập khiến nước chảy mạnh, máy nóng, xe không chạy được. Nhiệm vụ cấp bách, ông đã nghĩ ra nhiều cách như pha nước xà phòng đổ vào két, vót tăm cắm vào những chỗ ống dập cho kín, dùng can nước treo trên đầu ôtô rồi bắt ống xuống cho nước chảy vào két, lấy thuốc lá, thuốc lào thả vào két nước... tất cả đều không phát huy tác dụng. Cái khó ló cái khôn, chợt nghĩ người dân thường dùng phân trâu để trát vào các loại thuyền mà không bị ngấm nước. Nghĩ là làm, ông đã dùng phân trâu thả vào két nước và cho máy chạy chậm.
Khi máy khởi động, nước trong két nóng lên làm tan phân trâu. Chất xơ trong phân trâu gặp hơi nóng bỗng chốc trở thành chất keo kết dính những chỗ bị thủng, giúp chiếc xe chạy êm tiếp tục những đêm hành quân thâu đêm suốt sáng. Trong lần kéo pháo đến Tuần Giáo, chiếc xe G.M.C của ông gặp nạn giữa đường, cả đoàn xe phía sau đều phải dừng lại, nguy cơ tắc đường rất cao. Có ý kiến đề nghị hất chiếc xe xuống vực để thông đường cho đoàn xe. Trong thời điểm đó, phương tiện phục vụ chiến dịch thiếu thốn, Chỉ huy đơn vị quyết định điều một đơn vị công binh đến bạt một con đường khác bên cạnh cho đoàn xe đi tiếp. Chiếc xe G.M.C đành nằm lại giữa rừng. Đêm hôm đó, máy bay địch phát hiện được mục tiêu của ta nên ném bom ồ ạt.
Để bảo vệ xe, ông đã cùng lái phụ tháo hết các bộ phận quan trọng của xe như: Bình ắc quy, máy phát điện, lốp... dấu ở nơi an toàn, sau đó kéo bạt che kín và dùng xẻng xúc đất đỏ phủ kín chiếc xe. Nhờ đó, chiếc xe được bảo đảm an toàn. Sáng hôm sau, đơn vị đưa máy đến cẩu chiếc xe ra khỏi vị trí gặp nạn. Ông lại cùng lái phụ hì hụi lắp lại các bộ phận của xe, tiếp tục cuộc hành trình vào chiến trường đầy gian nan, hiểm trở. Đó cũng là lần cuối cùng ông gắn bó cùng "Con trâu già một mắt". Bởi, sau đó, do quá cũ nát, Chỉ huy đơn vị quyết định tháo dời từng bộ phận của xe để thay thế cho những chiếc xe khác... Đúng dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông đã xuất bản tập thơ "Điện Biên ngày ấy."
Đó là những vần thơ mộc mạc, chân thực ghi lại kỷ niệm trên những nẻo đường; phản ánh không khí tươi vui, hừng hực khí thế của bộ đội, dân công hỏa tuyến tuổi đời mới mười tám đôi mươi trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Tập thơ là món quà nhỏ ý nghĩa ông dành tặng bạn bè, đồng đội trong thời khắc ý nghĩa này.
Theo TTXVN
Bài 2: Hồn đất Điện Biên lưu danh Đại tướng Võ Nguyên Giáp Hai chữ "Đại tướng" vừa kính trọng, vừa giản dị đã gắn bó mật thiết với nhân dân, cho dù những người con sinh sau đẻ muộn chưa từng một lần được vinh dự gặp nhưng trong lòng luôn dành cả sự tôn kính cho vị Đại tướng của nhân dân. Từ lâu, những chiếc cột mốc bên con đường trở về Mường...