Những tài sản khủng 2 “trùm” bài bạc nghìn tỷ bị thu giữ
Cơ quan chức năng thu giữ nhiều tài sản có giá trị lớn từ 2 “trùm” tổ chức đánh bạc nghìn tỷ Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương.
Hai bị cáo Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương
Ngày 13/11, Viện kiểm sát (VKSND) tỉnh Phú Thọ tiếp tục công bố cáo trạng vụ án tổ chức đánh bạc nghìn tỷ trên mạng internet.
Theo cáo trạng được Kiểm sát viên công bố, sau khi thành lập Công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao – CNC), Nguyễn Văn Dương được ông Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục cảnh sát) và ông Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao) tạo điều kiện hoạt động.
Đầu 2015, Dương đã nhất trí tiếp nhận đề nghị của Phan Sào Nam (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Công ty Cổ phần VTC truyền thông trực tuyến – VTC online) để đứng ra phát hành game bài.
Sau đó, Dương chỉ đạo Lưu Thị Hồng (Tông giam đôc Công ty CNC) ký hợp đồng hợp tác với Phan Sào Nam tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng internet bằng hình thức game bài Rikvip/Tip.Club, 23Zdo, Zon/Pen. Từ hoạt động tổ chức đánh bạc trái phép, các đối tượng tổ chức đánh bạc đã thu lời bất chính hàng nghìn tỷ đồng.
Tới nay, cơ quan chức năng đã tạm giữ nhiều tài liệu, đồ vật, tài sản từ Phan Sào Nam. Trong đó có 5 ô tô, gồm xe Ford Mustang, Kia Rondo, Kia Sedona, Audi Q5, 4 chiếc xe này đều có kèm theo giấy tờ đăng ký, chứng nhận bảo kiểm, kiểm định xe. Riêng chiếc xe ô tô còn lại là Landrover màu đen không có giấy tờ.
Video đang HOT
Cơ quan điều tra cũng đã tạm giữ hơn 799 tỷ đồng do Nam tự nguyện giao nộp, 19 tờ tiền nước ngoài mệnh giá mỗi tờ đều có số 3; Phong tỏa số tiền gần 77 tỷ đồng trong các tài khoản ngân hàng;
Phong tỏa 13 hợp đồng mua căn hộ trị giá hơn 139 tỷ đồng, trong đó có 2 tòa nhà do Hoàng Thanh Trung mua nhưng Phan Sào Nam là người thanh Toán và 11 căn nhà tại khu dân cư Villa park đứng tên Phí Quang Hưng nhưng do Phan Sào Nam thanh toán. Ngoài ra, cơ quan điều tra còn kê biên 2 căn nhà có giá trị 12,4 tỷ đồng của Phan Sào Nam.
Khá bất ngờ khi những chiếc điện thoại Phan Sào Nam bị tạm giữ gồm 2 chiếc điện thoại nhãn hiệu Huawei, 1 chiếc nhãn hiệu Oppo.
Cơ quan chức năng đã tạm giữ từ Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch HĐTV Công ty CNC) nhiều tài liệu, đồ vật, tài sản. Trong đó, có 6 điện thoại gồm có 1 chiếc điện thoại Vertu; 3 chiếc điện thoại iPhone…; 1 máy tính xách tay MAC hiệu Apple; 4 xe ô tô, trong đó có 1 xe nhãn hiệu Mercedes Benz S500 màu đen, 1 ô tô Audi A8 màu đen, 1 ô tô Toyota Land Cruiser, 1 ô tô nhãn hiệu Lexus 570.
Ngoài ra, cơ quan chức năng đã tạm giữ, kê biên của Dương 2 sổ tiết kiệm trị giá 150 tỷ đồng; Tạm giữ hơn 95 triệu đồng, 1.327 USD và 32.000 Rup (tiền Nga) khi khám xét; Phong tỏa hơn 8 tỷ đồng trong tài khoản. Dương cũng tự nguyện bán trụ sở Công ty CNC được hơn 61,5 tỷ đồng và nộp khắc phục hậu quả.
Theo Danviet
Vụ đánh bạc nghìn tỉ qua mạng: Tại sao người chơi game bị coi là tổ chức đánh bạc?
Theo cơ quan tố tụng, việc vận hành, phát hành hoặc tham gia chơi game bài Rikvip/Tip.club, 23Zdo, Zon/Pen có việc đổi thưởng đều bị coi là hành vi Tổ chức đánh bạc hoặc đánh bạc trái phép.
Game bài Rikvip. Ảnh: Zing
Ngày 29.10, Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương (Chánh tòa kinh kế - TAND tỉnh Phú Thọ) ký Quyết định đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án: "Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn, rửa tiền, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Vụ án xét xử cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) Phan Văn Vĩnh, ông Nguyễn Thanh Hóa - cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50), 2 chủ mưu Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và các đồng phạm.
Thời gian diễn ra phiên xét xử bắt đầu từ 8h ngày 12.11 đến khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm. Địa điểm mở phiên tòa là trụ sở TAND tỉnh Phú Thọ.
Người chơi game Rikvip bị coi là tổ chức đánh bạc?
Cơ quan tố tụng lý giải căn cứ pháp lý để quy kết các đối tượng trong vụ án phạm tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc bằng nhiều quy định.
Theo đó, hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng trò chơi điện tử trên mạng phải tuân theo quy định 72/2013/NĐ-CP ngày 15.7.2013 của Chính phủ và Thông tư 24/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT).
Trong nguyên tắc quản lý trò chơi điện tử trên mạng, doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ trò chơi G1 (trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau, đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp) khi có giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử và Quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản đối với từng trò chơi điện tử do Bộ TTTT cấp.
Song, trong vụ án này, dịch vụ Win2ll do Công ty CNC phát hành không có Quyết định phê duyệt nội dung kịch bản của Bộ TTTTT.
Khoản 3 Thông tư 24 cấm việc cung cấp, sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo, kinh doanh trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Doanh nghiệp chỉ được khởi tạo các vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng trong trò chơi điện tử theo đúng nội dung, kịch bản đã báo cáo trong hồ sơ được cấp quyết định phê duyệt.
Vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng chỉ được sử dụng trong phạm vi trò chơi điện tử theo đúng mục đích mà doanh nghiệp đã báo cáo. Vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng không phải là tài sản, không có giá trị quy đổi ngược lại thành tiền, thẻ thanh toán, phiếu thưởng hoặc các hiện vật có giá trị giao dịch bên ngoài trò chơi điện tử.
Đặc biệt, thông tư nhấn mạnh: "Không mua, bán vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng giữa những người chơi với nhau".
Như vậy, việc vận hành, phát hành hoặc tham gia chơi game bài Rikvip/Tip.club, 23Zdo, Zon/Pen có việc đổi thưởng đều bị coi là hành vi Tổ chức đánh bạc hoặc đánh bạc trái phép.
Đối chiếu với các quy định trên thì trong vụ án này, chỉ trong 2 ngày (8.8.2016-9.8.2016) đã có 518 tài khoản người chơi có đủ dấu hiệu cấu thành tội Đánh bạc.
Do bị hạn chế bởi thời hạn điều tra theo luật nên trong vụ án này, các cơ quan tố tụng hình sự tỉnh Phú Thọ mới khởi tố, điều tra được 105 bị can, trong đó có 12 bị can trốn, truy nã chưa có kết quả, 1 bị can mắc bệnh hiểm nghèo nên tách ra.
CƯỜNG NGÔ
Theo Laodong
Grab hoài nghi đơn vị thẩm định trong vụ kiện với Vinasun Sáng 17/10, sau 1 tháng tạm hoãn, TAND TP.HCM đưa vụ án vụ kiện giữa Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam và Công ty TNHH Grab Việt Nam ra xét xử. Tài xế taxi Vinasun có mặt trước tòa án để theo dõi vụ kiện Hàng trăm tài xế thuộc hãng taxi Vinasun đã có mặt để lắng nghe kết quả...