Những sinh viên hàng chục năm không chịu tốt nghiệp tại Bolivia
Sau khi 4 người thiệt mạng trong một vụ giẫm đạp ở trường đại học Bolivia, cuộc điều tra về vai trò của một sinh viên 52 tuổi đã khơi lại tranh cãi về những sinh viên “khủng long” không bao giờ tốt nghiệp.
Sinh viên tại các trường đại học công lập được hưởng lợi từ dịch vụ chăm sóc sức khỏe và những người giữ vai trò lãnh đạo cũng có lương. Ảnh: AFP
Ngày 9/5, một đối tượng đã ném lựu đạn hơi cay, gây ra sự hoảng loạn trong một giảng đường đông đúc tại trường đại học Tomas Frias ở thành phố Potosi, miền Nam Bolivia. Bốn người chết và 70 người bị thương trong vụ giẫm đạp sau đó.
Tuy nhiên, thông tin về lãnh đạo hội sinh viên Max Mendoza đã 52 tuổi đã làm dấy lên tranh cãi.
Trong suốt 33 năm làm sinh viên, Mendoza chưa từng tốt nghiệp. Kể từ năm 1989 cho đến nay, Mendoza thi trượt hơn 200 môn và hơn 100 lần nhận điểm liệt. Tuy nhiên, ông này vẫn đảm nhiệm chức Chủ tịch Liên đoàn Đại học Bolivia.
Trường hợp của Mendoza chỉ là “phần nổi của tảng băng” khi tại Bolivia có tới hàng nghìn sinh viên “khủng long” không bao giờ tốt nghiệp.
Beymar Quisberth, sinh viên xã hội học tại trường đại học San Francisco Xabier ở Sucre, cho biết thuật ngữ sinh viên “khủng long” đã được sử dụng trong nhiều năm ở các trường đại học.
Theo truyền thông địa phương, nhiều nhà lãnh đạo sinh viên kiên trì việc học để duy trì vị trí của họ và giữ các lợi ích liên quan, bao gồm miễn phí theo học tại các trường công lập ở Bolivia và được giảm giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Những sinh viên có chức quản lý còn nhận được tiền lương. Với vai trò là người đứng đầu ủy ban điều hành điều phối các cơ sở giáo dục đại học của Bolivia, ông Mendoza nhận mức lương hàng tháng là 21.869 bolivianos (khoảng 3.150 USD), ngang mức lương của một hiệu trưởng.
Một người khác cũng bị cho là sinh viên “khủng long”, anh Alvaro Quelali (37 tuổi) – thủ lĩnh sinh viên của đại học San Andres. Alvaro Quelali hiện đã có 20 năm ngồi trên ghế giảng đường đại học.
Ở Bolivia, “trở thành một thủ lĩnh ở đại học cũng đem đến nhiều lợi ích. Tại sao phải học và tốt nghiệp”, sinh viên Arce nói.
Nhiều sinh viên đã có công việc và ngành nghề bên ngoài trường đại học song họ chỉ đăng ký làm sinh viên để duy trì lợi ích và không có ý định học tập thực sự. Ngay cả khi trượt kỳ thi cuối kỳ, những sinh viên này có thể tiếp tục học vào năm sau.
Hiệu trưởng trường đại học San Andres, ông Oscar Heredia, nói rằng không chỉ các thủ lĩnh sinh viên mà nhiều sinh viên bình thường cũng kéo dài thời gian ở trường đại học tới nhiều năm.
Video đang HOT
Trong số hơn 81.000 sinh viên của trường, 23% sinh viên đã học hơn 11 năm và 6,7% học hơn 20 năm. 1.000 sinh viên học hơn 30 năm và khoảng 100 người học hơn 40 năm.
“Đó là điều khiến chúng tôi lo lắng, nhưng có những vấn đề lớn hơn cả”, Hiệu trưởng Heredia trả lời hãng tin AFP.
Karen Apaza, sinh viên kỹ thuật tại đại học San Andres, nói rằng cô đang vận động phản đối tình trạng sinh viên “sống tại trường đại học suốt 20 năm”.
Đại học Gabriel Rene Moreno ở thành phố Santa Cruz có 90.000 sinh viên, trong đó 3% học tại đây hơn 10 năm.
Guido Zambrana, Giáo sư y khoa trường San Andres, nói rằng điều quan trọng là “phải nhận ra chúng ta đang hứng chịu một cuộc khủng hoảng sâu sắc”. Ông nhấn mạnh đến lúc phải quét sạch bộ phận này và “phá bỏ toàn bộ cấu trúc tham nhũng, quản lý kém và hệ thống đồng quản lý giữa sinh viên và giáo viên xuống cấp trong nhiều thập kỷ”.
Nữ du học sinh Việt được Facebook mời làm việc với mức lương 9 con số
Kết thúc kỳ thực tập tại Facebook, Tăng Trần Diệu Linh (21 tuổi) nhận được lời mời quay trở lại làm việc sau tốt nghiệp với mức lương hấp dẫn.
Mạnh dạn chuyển từ chuyên ngành Kinh tế sang Khoa học máy tính
Tăng Trần Diệu Linh (21 tuổi) là sinh viên năm cuối tại Đại học Grinnell, Mỹ. Cô học chuyên ngành Khoa học máy tính.
Tăng Trần Diệu Linh (21 tuổi) là sinh viên chuyên ngành Khoa học máy tính tại Đại học Grinnell, Mỹ.
Đối với cô gái này, chuyên ngành Khoa học máy tính không phải là lựa chọn đầu tiên. Trong khoảng thời gian cấp ba, Diệu Linh từng làm thêm ở một số công ty tại vị trí cộng tác viên kinh doanh. Do đó, khi lên đại học năm thứ nhất, Linh đã lựa chọn theo học ngành Kinh tế.
Tuy nhiên, thực tế không như tưởng tượng. Diệu Linh chia sẻ: "Ngành Kinh tế ở trường mình rất nặng về lý thuyết và toán, khiến mình cảm thấy khá hoang mang với lựa chọn của bản thân".
Linh đã tận dụng mô hình đại học khai phóng để trải nghiệm thêm ngành Khoa học máy tính theo lời khuyên của bạn bè. Qua đó, cô khám phá ra ngành học này giúp bản thân khai thác tối đa những điểm mạnh của mình.
Diệu Linh bộc bạch: "Mình chọn theo đuổi ngành này khi mình nhận ra bản thân có thể ngồi trước màn hình 4-5 tiếng để sửa một cái bug (lỗi phần mềm) bé mà không cảm thấy mệt mỏi hay chán nản. Mình chưa dám gọi là đam mê, nhưng mình biết là mình sẽ đủ kiên nhẫn và sức lực để đặt các môn Khoa học máy tính lên hàng đầu".
Diệu Linh (giữa) cùng các bạn trong cộng đồng du học sinh Việt Nam.
Chủ động tìm kiếm cơ hội trải nghiệm ở các tập đoàn lớn
Để chuẩn bị cho việc đi thực tập vào năm thứ 3 đại học, Diệu Linh đã thu thập thông tin ở nhiều nguồn khác nhau. Các kiến thức cơ bản về cơ hội thực tập đều được Linh tìm hiểu thông qua mạng xã hội và trang báo uy tín. Bên cạnh đó, cô bạn cũng tích cực trao đổi với các sinh viên khóa trên để lấy thêm kinh nghiệm.
"Mình thường tìm hiểu qua việc nói chuyện, phỏng vấn con đường mà các anh chị đi trước đã trải qua. Mình hỏi về môi trường làm việc và các cơ hội cho sinh viên ở các công ty đó. Cuối cùng là nhờ tiền bối gửi hồ sơ của mình cho bên tuyển dụng để tìm kiếm cơ hội phỏng vấn", Diệu Linh nói.
Sau khi chuẩn bị kỳ càng, Diệu Linh nhận được hàng loạt các lời mời thực tập đến từ tập đoàn lớn.
Cô cân nhắc và quyết định chọn Facebook làm điểm dừng chân của mình. Nữ sinh sinh năm 2000 cảm thấy văn hóa nơi đây rất phù hợp với tính cách bản thân. Hơn thế nữa, Linh cũng luôn muốn làm việc ở các công ty công nghệ lớn tại California, Mỹ.
Diệu Linh (thứ hai từ trái sang) tham gia chương trình workshop về khoa học máy tính.
Trải nghiệm thực tập trực tuyến tại Facebook
Vì dịch bệnh Covid-19, Diệu Linh thực tập trực tuyến. Ban đầu, cô rất tiếc vì không thể trực tiếp trải nghiệm cơ sở vật chất hiện đại của Facebook. Tuy nhiên, mọi người trong nhóm của Linh cũng làm việc từ xa và thường xuyên tương tác với nhau nên cô an ủi phần nào. Linh cho rằng có thể tìm được cơ hội thực tập trong tình hình dịch bệnh đã là một điều may mắn.
Chia sẻ với Dân trí , Diệu Linh cảm thấy thoải mái trong môi trường làm việc tại Facebook. Khi mới vào làm, văn hóa giao tiếp cởi mở và trao đổi phản hồi là hai điều khiến Linh còn bỡ ngỡ, nhưng với sự trợ giúp của cố vấn cũng như thành viên trong nhóm, cô bạn đã nhanh chóng thích nghi.
Trong thời gian làm việc, Linh luôn thấy bản thân được tôn trọng và được lắng nghe: "Mọi người thường xuyên chủ động hỏi thăm về tình trạng của mình cũng như giúp đỡ để mình có thể cảm thấy thoải mái nhất có thể".
Kết thúc ba tháng thực tập, Diệu Linh cho biết bản thân đã học hỏi thêm nhiều điều mới: "Đầu tiên là cách làm việc từ chính những người trong ngành, cách giao tiếp, nói chuyện, trao đổi thông tin, nêu ý kiến... Thứ hai, vì Facebook là một công ty công nghệ lớn nên mình phải nâng cao tiêu chuẩn cho các sản phẩm của bản thân".
Cô bạn sinh năm 2000 cảm thấy bản thân đã trở thành một kỹ sư máy tính tốt hơn chỉ trong thời gian ngắn ngủi vừa qua.
Nữ sinh Diệu Linh nhận được lời mời vào làm việc tại Facebook.
Facebook mời làm việc với mức lương hấp dẫn
Mọi nỗ lực của Diệu Linh đã được đền đáp xứng đáng khi cô nhận được lời mời làm việc chính thức từ Facebook.
Facebook đưa ra đề nghị mức lương một năm lên đến vài tỷ đồng (quy đổi USD sang Việt Nam đồng) nếu Diệu Linh quay trở lại làm việc sau khi tốt nghiệp đại học. Đối với Diệu Linh, đây chắc chắn là một đề nghị hấp dẫn, đặc biệt là đối với một du học sinh quốc tế mới ra trường. Tuy nhiên, Linh cũng cân nhắc đến các yếu tố khác trong thời gian tới, chưa đưa ra quyết định cuối cùng.
Diệu Linh tiết lộ: "Mình cảm thấy rất hạnh phúc, tự hào cũng như cảm thấy biết ơn vì gia đình, bạn bè, thầy cô đã ủng hộ và tin tưởng vào mình để mình có cơ hội việc làm như hiện tại. Bên cạnh đó, mình cũng tự tin hơn vào các lựa chọn của bản thân, nhất là khi đây không phải là chuyên ngành mình lựa chọn ban đầu".
Diệu Linh mong muốn trở lại Việt Nam sau một thời gian làm việc tại nước ngoài.
Trong năm cuối tại trường đại học, Diệu Linh cũng tiến hành phỏng vấn với một số công ty khác để cân nhắc lựa chọn tốt nhất, tuy nhiên Facebook vẫn luôn là ưu tiên của cô gái này.
Xa hơn, Linh mong muốn trở lại Việt Nam để đóng góp cho công cuộc thay đổi số của nước nhà. Cô cho biết: "Mình nghĩ sau một vài năm học tập và làm việc ở nước ngoài, mình có thể trở lại Việt Nam với tư cách là một Diệu Linh hiểu biết, hữu ích và sáng tạo hơn để cùng những người trẻ khác tạo ra sự thay đổi ở chính quê hương mình".
Trung Quốc tố Mỹ gây khó dễ, trục xuất du học sinh không có lý do chính đáng Bộ giáo dục Trung Quốc đã cảnh báo sinh viên nước này đến Mỹ du học về tình trạng "quấy rối, thẩm vấn" và thậm chí trục xuất không có lý do chính đáng. Sinh viên tại Đại học Boston, Massachusetts. Ảnh: Boston Herald Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), trong thông báo được đưa ra hôm...