Những “siêu anh hùng”áo trắng – Họ là có thật
Trong những giờ phút bên bờ vực của hiểm nguy, điều duy nhất mà họ – đội ngũ y bác sĩ nhân viên y tế – nghĩ tới không phải là con virus chết người, là mạng sống mà là nghĩ tới người bệnh, nghĩ đến ngày hết hạn cách ly để được trở lại chăm sóc sức khoẻ cho người dân. họ là có thật – những “ siêu anh hùng” áo trắng.
TRONG NHỮNG GIỜ PHÚT BÊN BỜ VỰC CỦA HIỂM NGUY, ĐIỀU DUY NHẤT MÀ HỌ – ĐỘI NGŨ Y BÁC SĨ NHÂN VIÊN Y TẾ – NGHĨ TỚI KHÔNG PHẢI LÀ CON VIRUS CHẾT NGƯỜI, LÀ MẠNG SỐNG MÀ LÀ NGHĨ TỚI NGƯỜI BỆNH, NGHĨ ĐẾN NGÀY HẾT HẠN CÁCH LY ĐỂ ĐƯỢC TRỞ LẠI CHĂM SÓC SỨC KHOẺ CHO NGƯỜI DÂN. HỌ LÀ CÓ THẬT – NHỮNG “SIÊU ANH HÙNG” ÁO TRẮNG.
“Những ngày liên tục khám sàng lọc, điều trị cho bệnh nhân dương tính COVID-19 – hành trình liên tục trong khu cách ly ấy, những bác sĩ đã không một bữa cơm nhà. Chúng tôi không biết gì về anh ngoài những thông tin này, nhưng thấy cổ họng nghèn nghẹn, mắt chợt cay.
Anh là một trong những người mang bộ áo trắng, áo xanh hết lòng chăm sóc bệnh nhân kể từ những ngày đầu bùng phát dịch bệnh. Giờ đây, con virus vô tình không trừ một ai, khiến anh đã thấm mệt. Hãy tạm nghỉ ngơi và tiếp tục kiên cường chiến đấu với virus nhé. Sẽ có những đồng nghiệp tận tâm chăm sóc anh và có những người dân như tôi chỉ biết cầu mong anh và đồng nghiệp của anh ở tuyến đầu khoẻ mạnh, kiên cường để tiếp tục chiến đấu! Chúng ta nhất định phải thắng!”
Đó là một trong số hàng triệu triệu những lời nhắn gửi của người dân sau khi nghe tin bệnh nhân thứ 116 – nam bác sĩ 29 tuổi tham gia chống dịch ngay từ những ngày đầu ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – cũng là vị bác sĩ đầu tiên của Việt Nam mắc COVID-19.
Rồi sau đó, tin không vui lại đến khi thêm 1 nữ bác sĩ 29 tuổi tại bệnh viện này dương tính SARS-CoV-2 và trước đó là 2 nữ điều dưỡng tại Bệnh viện Bạch Mai. Như vậy, đến thời điểm này đã có 4 cán bộ, nhân viên y tế của Việt Nam mắc COVID-19.
Đội ngũ nhân viên y tế luôn luôn là những người chiến đấu nơi đầu sóng ngọn gió nhiều nguy cơ lây nhiễm nhất. Họ lo lắng nhưng không bất ngờ khi đồng nghiệp nhiễm bệnh bởi khi gắn bó với chuyên ngành truyền nhiễm, có lẽ đó cũng là một phần trong những hiểm nguy mà họ chấp nhận đối mặt.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương – vị “thuyền trưởng”, người chỉ huy chống dịch ngay từ những ngày đầu bộc bạch, nhân viên y tế bị nhiễm là điều đã được xác định trước. Chúng tôi hiểu và chấp nhận nguy cơ nhiễm bệnh nên đã sẵn sàng tinh thần và không do dự khi tiếp nhận bệnh nhân.
“Sau khi một bác sĩ ở bệnh viện mắc COVID-19, các bác sĩ đã tiếp xúc với người bệnh thay phiên nhau trực. Bệnh viện chính là ngôi nhà của bác sĩ, thậm chí chúng tôi ăn, ngủ ngay tại bệnh viện để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh cho cộng đồng. Tinh thần chung của chúng tôi luôn vững vàng, bình tĩnh đối mặt và quyết tâm cao hơn nữa khi dịch ngày càng phức tạp.” – bác sĩ Cấp trải lòng.
Đồng hồ điểm 3h sáng, các bác sĩ ở khu cách ly Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vẫn đang gấp gáp lấy thêm chăn, ga, gối, đệm vì lo bệnh nhân bị lạnh khi gió mùa về. Kết thúc công việc, tháo trang phục bảo hộ, những vết hằn khẩu trang, vành tai mẩn đỏ sau cả ngày dài. Cả ngày nay thậm chí họ còn chưa được uống nước, chưa đi vệ sinh vì “tiếc” bộ đồ bảo hộ. Thế nhưng đó chưa phải là điều khó khăn nhất mà những bác sĩ ở đây phải đối diện.
“Mẹ ơi bao giờ mẹ về? Con muốn nghe mẹ kể chuyện, sao mẹ chưa về?” – Bác sĩ Trần Thị Hải Ninh (Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) nghe điện thoại mà tim thắt lại. Đã quá lâu bác sĩ chưa về nhà nhưng biết giải thích làm sao để con hiểu được.
Để động viên con, bác sĩ phải đau đầu nghĩ cách tạo trò chơi trao phần thưởng. “Nếu hôm nay con ngoan, con làm bài tập tốt, ông bà khen, mẹ sẽ cho con 5 dấu sao, con sẽ được thưởng một quyển sách, được mua lego”. Nhưng nói theo cách của nữ bác sĩ nay, đây chỉ là một hình thức để phân tán nỗi nhớ của các con dành cho mẹ.
Video đang HOT
Thế nhưng khi được hỏi về “phần thưởng” mà bản thân muốn nhận được sau “cuộc chiến” này, bác sĩ Ninh xua tay: “Khi đã chọn công việc này, chúng tôi không cần phần thưởng. Bác sĩ mà sợ thì ai cứu bệnh nhân. Phần thưởng mà chúng tôi có đôi khi chỉ là những dòng tin nhắn động viên từ những người hoàn toàn xa lạ. Là những thùng sữa, những gói mỳ tôm để y bác sĩ bồi dưỡng trong đêm trực mà thôi” – bác sĩ Ninh tâm sự.
Ở một điểm nóng khác – Bệnh viện Bạch Mai, nữ bác sĩ Đoàn Thu Trà, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai kể về chặng đường 25 năm gắn bó với chuyên ngành truyền nhiễm, gắn bó với những đợt chống dịch của mình.
“Lúc làm việc chỉ nghĩ đến người bệnh thôi chỉ khi về nhà mới thấm mệt và có chút lo lắng thoáng qua, không phải lo cho mình mà lo rằng liệu mình có mang bệnh về cho chồng, cho con và cho những người thân yêu không. Nghĩ vậy thôi nhưng ngày mai lại tiếp tục lao đến bệnh viện. Tôi muốn nói rằng, nghề y đằng sau những nụ cười, sự sống của người bệnh là biết bao những vất vả lo toan của chính bản thân tôi và những người thân yêu bên cạnh” – bác sĩ Trà xúc động không ngăn nổi dòng nước mắt đã chực trào tự bao giờ.
Và chắc hẳn trong chặng đường 25 năm ấy của bác sĩ Trà không thể tránh khỏi những nỗi buồn “đặc thù” của chuyên ngành truyền nhiễm chính là kì thị.
“Kể cả dịch COVID-19 hay các vụ dịch trước, điều buồn nhất mà y bác sĩ phải trải qua đó là sự kì thị. Mọi người nghĩ rằng mình là nguồn lây, là mầm bệnh. Những đồng nghiệp của chúng tôi còn bị chủ các nhà trọ không cho thuê. Có em phải tiếp tục vác quần áo về lại bệnh viện ngủ để tiếp tục công việc mà hoàn toàn không được nghỉ ngơi” – bác sĩ Trà ngậm ngùi.
Cách đây hơn 1 tháng, Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà – một phòng khám nhỏ ở tuyến huyện – Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) bỗng chốc phải “gồng mình” trở thành tuyến đầu trong trận dịch “không mời mà đến”. Đó hẳn là điều không dễ dàng gì!
Khi họ chữa khỏi nhiều ca bệnh COVID-19 và lấy lại được tin yêu của người dân thì những bác sĩ ở miền quê yên bình đó chưa một lần xưng danh. Hơn cả sự kì thị, những gì họ đã đánh đổi trong trận dịch là điều mà không phải ai cũng làm được.
Bác sĩ Nguyễn Minh Đức (Bệnh viện đa khoa Phúc Yên) được điều động về Phòng khám Quang Hà để tăng cường công tác chống dịch COVID-19 từ ngày 7.2. Dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng, sự cố bất ngờ xảy ra, bố anh gặp tai nạn bị chấn thương nặng, phải chuyển lên bệnh viện cấp cứu. Vì không muốn con trai lo lắng, gia đình đã giấu, mãi sau này anh mới biết bố bị tai nạn.
Là bác sĩ, bố lại nằm điều trị ở đúng bệnh viện mình đang công tác, vậy mà người làm con như anh không thể chăm sóc cho bố những ngày bố gặp nạn. Y đức, trách nhiệm và tình thân, mấy ai dám làm phép so sánh. Thế nhưng chính các bác sĩ đã phải đặt lên bàn cân trong trận dịch này.
Bệnh viện Bạch Mai lúc này đang là ổ dịch COVID-19 bị phong tỏa hoàn toàn. Điều đó hẳn là một việc không dễ dàng gì đối với tinh thần và ý chí của đội ngũ bác sĩ nhân viên, y tế nơi đây.
“Chống dịch như chống giặc, cho nên sự căng thẳng khó khăn bao giờ cũng dồn lên những người ở tuyến đầu. Không chỉ ở Bệnh viện Bạch Mai mà cả hệ thống y tế đều đang căng mình chống dịch. Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị y tế rất lớn và khi dịch thì bệnh viện chúng tôi sẽ là nơi tổn thương đầu tiên cũng là điều dễ hiểu” – TS Hùng phân tích.
Thế nhưng, theo TS Hùng tồn tại lớn nhất ở Bạch Mai không phải nguy cơ lây nhiễm mà là sự nhìn nhận của cộng đồng.
“Việc cách ly đại trà cán bộ y tế ở Bạch Mai khiến ở một số khu vực, chính quyền không cho nhân viên y tế làm việc tại Bạch Mai khám dịch vụ chăm sóc bệnh nhân. Thậm chí, có 1 bác sĩ dù có kết quả xét nghiệm âm tính, nhưng khi bà nội mất, cả dòng họ không cho về chịu tang bà. Chạnh lòng quá!” – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai trải lòng.
Điều đáng buồn là ngay trong những ngày Bạch Mai đang bị “tổn thương” và cần nhất sự tiếp sức của cộng đồng, nhưng điều họ nhận lại là sự tránh né, xa lánh.
“Chúng tôi chấp nhận tất cả những khó khăn về mặt vật chất nhưng xin đừng tạo cho nhân viên y tế Bạch Mai nói riêng và toàn bộ hệ thống y tế nói chung một áp lực không đáng có. Bởi chính chúng tôi là những người đang làm nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân và tham gia chống dịch. Toàn thể đội ngũ nhân viên, cán bộ y tế Bạch Mai chỉ cầu mong ngày hết cách ly để cùng anh em đồng nghiệp “đuổi” COVID-19, chữa bệnh cho đồng bào” – Đó là tiếng lòng của vị bác sĩ đang ở tuyến đầu, điểm nóng của dịch bệnh COVID-19.
Hơn cả siêu anh hùng, họ là có thật. Họ hiện hữu trong từng thời khắc đất nước cần, nhân dân cần!
Những nỗ lực kiên cường của các y bác sĩ Bạch Mai đã chạm đến trái tim của người dân cả nước. Cả nước hướng về Bạch Mai – và những “tâm thư”, những lời sẻ chia, những lời thơ, tiếng hát… của nhân dân chính là món quà tinh thần quý giá với những bác sĩ nơi “tiền tuyến”.
0h ngày 12.4, Bệnh viện Bạch Mai vỡ oà trong cảm xúc khi chính thức được tháo lệnh cách ly sau khi thực hiện đủ cách ly y tế 14 ngày và đáp ứng đủ các yêu cầu như quyết định của Bộ Y tế. Thế nhưng, trước trong và sau khoảng thời gian 14 ngày đằng đẵng đó, lo lắng và áp lực vẫn hiện hữu đè nặng lên vai những “chiến sĩ” áo trắng ấy. Và một lần nữa, họ chỉ hướng về người bệnh.
Tập thể cán bộ nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân Bệnh viện Bạch Mai hân hoan giờ phút tháo cách ly đêm 12.4
“Chúng tôi lo khi hết thời hạn cách ly không có được những biện pháp thực sự tốt để cách ly cho người bệnh, người nhà bệnh nhân. 10 ngày nay chúng tôi mất ăn mất ngủ chỉ bàn bạc kế hoạch hoạt động của bệnh viện sau giờ tháo cách ly. Thật sự cảm xúc rất hỗn độn! Chúng tôi xác định rất khó có thể kiểm soát lây nhiễm từ cộng đồng. Vì thế có chuẩn bị kế hoạch thì nguy cơ chỉ thể thấp nhất chứ không thể bằng không được. Vì thế lo lắng vẫn hiện hữu” – Tiến sĩ Dương Đức Hùng trải lòng trong giờ phút bệnh viện được gỡ chốt phong toả.
Bối rối trong thời khắc cách ly, ông Hùng trải lòng: “Chúng tôi mừng cho mình ít mà mừng cho bệnh nhân thì nhiều. Mừng cho các bệnh nhân bệnh nặng có thể tiếp cận hoạt động khám chữa bệnh y tế chuyên sâu của Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân mong mỏi lắm ngày được trở về. Có những trường hợp sinh con mẹ tròn con vuông chẳng có lý do gì để nằm viện nhưng vì lệnh cách ly, họ phải ở đây đến 14 ngày. Họ được về đoàn viên đón thành viên mới với gia đình, họ quá mừng rỡ”.
Sau chặng đường cách ly đầy rẫy những khó khăn, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn- Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định các y bác sĩ bệnh viện Bạch Mai rất vững tâm. Tuy nhiên, thời gian tới, khi đi vào hoạt động trở lại trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, rất nhiều nguy cơ bệnh dịch COVID-19 sẽ tái nhiễm trở lại bệnh viện. Vì vậy cần thời gian để củng cố lại toàn bộ hệ thống chống nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm ở trong bệnh viện.
“Đến đầu tháng 5 chúng tôi mới hoạt động bình thường trở lại. Khi nào hoàn thiện toàn bộ quy trình, để người dân, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đến bệnh viện tham gia khám chữa bệnh, nhân viên y tế sẽ được bảo vệ an toàn nhất, chúng tôi sẽ trở lại”- Giáo sư Tuấn bộc bạch.
Chặng đường 14 ngày ở Bạch Mai là chặng đường quả cảm, nhiệt thành của đội ngũ y bác sĩ và cũng chính là chặng đường cho thấy sự đồng lòng của người dân. Dịch bệnh chưa qua đi nhưng chúng ta đã tìm ra được loại “vắc-xin” ban đầu mang tên “đoàn kết”!
Siêu anh hùng cũng phải thán phục y bác sĩ chống dịch tuyến đầu. Nguồn: Josef Lee
8 bệnh nhân Covid-19 nặng, phi công người Anh tình trạng nguy kịch
Chiều 12/4, Bộ Y tế cho biết tình hình sức khỏe của các bệnh nhân đang điều trị Covid-19, trong đó bệnh nhân số 91, phi công người Anh đang được dùng ECMO, tình trạng nguy kịch.
Theo Bộ Y tế, hiện Việt Nam có 260 ca mắc Covid-19 trong đó 144 ca đã được công bố khỏi bệnh (chiếm 55%).
Hiện còn 116 người bệnh (gần 44%), đang điều trị tại 14 cơ sở khám chữa bệnh. Có 73 ca (61%) đang được điều trị tại các bệnh viện tuyến trung ương, có 39 ca (35%) đang điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh và 4 ca (4%) đang điều trị tại các bệnh viện tuyến huyện.
108 ca có sức khỏe ổn định.
Hiện có 8 bệnh nhân Covid-19 có bệnh nặng. Ảnh minh hoạ.
Còn 8 bệnh nhân (BN) khác đang có bệnh nặng, trong đó 1 ca chạy ECMO, 2 ca thở máy, 5 thở ô xy.
Cụ thể, BN20 (64 tuổi, bác bệnh nhân 17 đã xuất viện) đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang thở máy, tiến triển tốt hơn.
BN161 (88 tuổi, bị tai biến mạch máu não, thở máy), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có tiên lượng nặng.
BN91 (43 tuổi, phi công người Anh) đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, chuyển sang thở máy xâm nhập và chạy ECMO, tình trạng nguy kịch.
Trước đó, nói riêng về bệnh nhân 91 tuy mới 43 tuổi nhưng diễn tiến bệnh nặng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, ngoài vấn đề liên quan độc tính virus, bệnh nhân có yếu tố béo phì (cao 1m83, nặng 100kg), chỉ số khối cơ thể (BMI) khoảng 30,1, cao hơn mức bình thường.
"Đây có thể là nguyên nhân đưa vào nhóm nguy cơ khiến bệnh nhân có diễn biến nặng, phù hợp các nghiên cứu khác trên thế giới", Thứ trưởng Sơn nói.
Theo Thứ trưởng Sơn, hiện Việt Nam chưa có ca Covid-19 tử vong nhưng đã có những ca bệnh nặng và rất nặng. Chúng ta đã căng sức tập hợp các đội ngũ cán bộ chuyên gia giỏi nhất thông qua các cuộc hội chẩn từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM trong các trường hợp dùng ECMO hay lọc máu.
Tính đến 18h ngày 12/4, Việt Nam còn 12 ca bệnh xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 đã 2 lần, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh trong vài ngày tới.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 72.508 ca. Trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 1.198; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 17.519; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 53.791.
Hiện các ổ dịch Covid-19 chỉ còn ổ dịch tại Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội) còn phát hiện ca bệnh. Hiện ổ dịch này đã có 8 người mắc Covid-19. Toàn bộ thôn Hạ Lôi với hơn 2700 hộ dân (hơn 11.000 người) đã được khoanh vùng cách ly.
Ổ dịch tại Hà Nam có 1 ca và không phát hiện ca mới.
Ổ dịch tại quán bara Buddha (TP.HCM) có 18 ca, ngày thứ 12 không phát hiện ca bệnh mới.
Ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai có 45 ca và hiện không phát hiện ca bệnh mới. Từ 0h ngày 12/4, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã hết thời gian cách ly y tế.
Diệu Linh
Nữ điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai mắc Covid-19: Tôi đã phải cố bò dậy ăn cốc cháo nguội Được điều trị khỏi bệnh Covid-19 sau 23 ngày, bệnh nhân B.T.H (BN86), nữ điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ ở thời điểm không ăn, không thở được, nhưng thấy bệnh nhân người nước ngoài phải đặt ống bà đã cố gắng bò dậy ăn cốc cháo nguội để có sức khỏe chống chọi bệnh tật. Nữ điều dưỡng B.T.H....