Những sân bóng ‘kỳ dị’ ở V-League
Sân Ninh Bình chứa hơn 20.000 người nhưng quá ít nhà vệ sinh. Có thể nhìn thấy cả cầu thủ, nhân viên y tế… ‘giải quyết’ ngay ở tường rào.
Sân Vinh có lẽ đứng “đầu bảng” về các vụ lùm xùm. Cứ khi nào có trận cầu tâm điểm diễn ra ở đây, lực lượng an ninh của ban tổ chức phải hoạt động mệt nghỉ. Có quá nhiều CĐV muốn xem trận đấu, vượt quá sức chứa của sân. Không chấp nhận thực tế, để được vào theo dõi cầu thủ đá bóng, các CĐV bất chấp nguy hiểm trèo tường, leo thang, miễn sao vào được phía trong sân. Ở mùa giải 2013, sân Vinh suýt vỡ bởi cánh cửa sắt, hàng rào sắt khán đài bị đạp tung. Rồi ở trận chia tay tiền đạo Công Vinh sang Nhật Bản, hàng chục CĐV ở phía khán đài B ngã nhào từ khán đài vì hàng rào sắt bung ra. Nhiều fan phải đi viện trong tình trạng sứt đầu mẻ trán, thậm chí gãy răng, gãy tay…
Cảnh dùng thang leo tường rào sân Vinh diễn ra từ cả chục năm nay. Ảnh: KL.
Sân Thanh Hóa từng chứng kiến nhiều sự cố vỡ. Ở mùa giải 2007, hàng nghìn CĐV trèo qua hàng rào ngồi kín đường piste gây áp lực cho tổ trọng tài và đội khách. Có những trận, khán giả xứ Thanh còn chạy thẳng vào sân làm loạn. Mùa giải vừa qua, để tránh tình trạng lộn xộn trên khán đài, bầu Đệ đã ra quy định vô tiền khoáng hậu, thưởng 20 triệu đồng cho người phát giác kẻ đốt pháo sáng.
Sân Lạch Tray, ngoài “đặc sản” pháo sáng, cũng nổi tiếng với hình ảnh mặt sân lầy lội chẳng khác nào ruộng cày. Nhiều người cho rằng, sân Lạch Tray cố tình làm mặt sân như vậy để chơi khó đội khác. VPF đã nhiều lần nhắc nhở đội bóng đất Cảng phải thường xuyên cải tạo mặt sân, đáp ứng đủ tiêu chuẩn mới được tổ chức các trận đấu.
Năm tới, một địa điểm khác cũng có khả năng lọt vào top sân có mặt sân xấu là Cửa Ông – sân nhà của Quảng Ninh – đội vừa lên hạng V-League. Mới đây, VPF tới kiểm tra sân bãi của đội bóng vùng mỏ và đưa ra những yêu cầu về sân bãi. Thời gian tới, Quảng Ninh không chỉ chạy đua để chuẩn bị lực lượng, mà còn phải đầu tư tiền của để tu sửa mặt sân.
Ngược lên thủ đô, sân Hàng Đẫy – từng là sân vận động quốc gia – có cơ sở vật chất khá đẹp, ở ngay trung tâm Hà Nội. Tuy vậy, Hàng Đẫy lại là một điểm đen về số lượng CĐV ít ỏi tại V-League. Đó cũng là nỗi đau lớn với ban tổ chức sân, với các đội bóng chọn Hàng Đẫy làm sân nhà, trong đó có nhà vô địch 2013 Hà Nội T&T.
Hầu như sân nào tại V-League cũng có chuyện này, chuyện nọ về sự thiếu chuyên nghiệp. Ở Ninh Bình, một sân vận động có sức chứa hơn 20.000 người, được đầu tư hàng chục tỷ đồng để phục vụ cho SEA Games 22, nhưng lại có quá ít… nhà vệ sinh. Ở khu vực khán đài A, chỉ có hai WC đặt tại những vị trí rất khó tìm, khiến các CĐV và cả các đội khách tới đây hay rơi vào cảnh bức bí. Nhiều lần, người ta chứng kiến cả cầu thủ, nhân viên y tế… “giải quyết” ngay ở khu vực tường rào sân.
Các sân phục vụ trận đấu ở giải quốc gia đều không đủ tiêu chuẩn do AFC quy định, như thiếu phòng chức năng, phòng họp báo sơ sài, hệ thống âm thanh, ánh sáng yếu… Sân Đồng Nai ở đầu mùa giải năm nay không có cả dàn đèn. Phải đến khi mùa giải trôi đi quá nửa, sân mới hoàn thiện khâu ánh sáng. Những sân như Kiên Giang, cánh báo chí còn nhiều phen khiếp vía vì khư vực dành cho phóng viên bị CĐV chiếm mất.
Hồi Đồng Tháp còn đá ở V-League, sân Cao Lãnh cũng từng nổi tiếng khi luôn có chiêu trò chơi khó đội khách. Chẳng là ban tổ chức sân thường để trận đấu diễn ra vào lúc 15h chiều, lúc trời nắng gắt nhất. Các đội đến đây dù mạnh cỡ nào, cũng sớm kiệt sức vì không quen với thời tiết nắng nóng lên tới 40 độ C. Đó là chưa kể trước khi trận đấu diễn ra, các CĐV Đồng Tháp thường gõ trống, thổi kèn để “quấy” giấc ngủ đội khách.
Khi V-League chưa chuyên nghiệp thực sự, khi người hâm mộ còn thiếu ý thức, các đội bóng không tôn trọng khán giả, sẽ còn tồn tại nhiều sân bóng “kỳ dị” ở Việt Nam.
Theo VNE