Những sai sót nào của Nga giúp không quân Ukraine tiếp tục tung cánh?
Vị tướng hàng đầu của Lực lượng Không quân Mỹ tại châu Âu mới đây nêu những thiếu sót của Nga giúp máy bay quân sự Ukraine vẫn duy trì hoạt động dù bị quân đội Nga tấn công.
Báo Business Insider hôm nay 16.9 đưa tin trong 18 tháng bị quân đội Nga tấn công, Không quân Ukraine vẫn duy trì hoạt động của các máy bay bằng cách di chuyển chúng liên tục. Thành công này một phần là do những thiếu sót của lực lượng Nga trong việc tìm kiếm và tấn công các mục tiêu, theo tướng James Hecker, Chỉ huy Lực lượng Không quân Mỹ tại châu Âu.
“Nếu bạn nhìn vào những gì Ukraine đang làm hiện nay, họ rất hiếm khi (cho máy bay) cất cánh và hạ cánh tại cùng một sân bay. Họ cất cánh rồi hạ cánh ở một sân bay khác. Do đó, họ có rất ít máy bay chết trên mặt đất”, tướng Hecker nói với các phóng viên tại hội nghị của Hiệp hội Lực lượng Không quân và Không gian, được tổ chức gần Washington D.C, trong tuần này.
Tướng James Hecker, Chỉ huy Lực lượng Không quân Mỹ tại châu Âu. Ảnh Không quân Mỹ
Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2.2022, với một lực lượng không quân lớn hơn và tiên tiến hơn. Một đánh giá của Anh được xuất bản hồi tháng 7 cho rằng dù mất 86 máy bay có cánh cố định, Nga vẫn còn 96% phi đội của mình, trong khi Ukraine mất 68 máy bay và còn 78%.
Những thiếu sót đáng chú ý của Nga?
Ukraine đã được hưởng lợi từ việc nhận vũ khí do phương Tây sản xuất, bao gồm bom dẫn đường và tên lửa hành trình. Những vũ khí này đã được sửa đổi cho phù hợp với các máy bay phản lực thời Liên Xô của Ukraine và cho phép chúng tấn công các mục tiêu mặt đất của Nga ở khoảng cách xa hơn. Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành không kích, máy bay Ukraine phải di chuyển liên tục từ căn cứ này sang căn cứ khác trước khi lực lượng Nga có thể đuổi kịp, theo ông Hecker.
“Họ luôn thay đổi các vị trí của máy bay và đang thực hiện việc này trong chu kỳ nhắm mục tiêu của Nga. Và việc đó đã rất thành công”, ông Hecker đánh giá, đề cập đến quá trình xác định, theo dõi và tấn công các mục tiêu của Nga.
Theo Business Insider, nhắm mục tiêu kịp thời và chính xác, đặc biệt là chống lại các mục tiêu có thể di chuyển, là một trong những thiếu sót đáng chú ý nhất của lực lượng không quân Nga trong cuộc xung đột với Ukraine và phản ánh sự bất lực chung của lực lượng này trong việc tiến hành những chiến dịch phức tạp.
Dù đã tổng hợp danh sách mục tiêu chi tiết và chính xác, tập trung vào hệ thống phòng không của Ukraine trong những tháng trước khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2.2022, Nga đã không thể tiêu diệt được nhiều vũ khí phòng không di động của Ukraine. Nguyên nhân là trong tình huống khẩn cấp và được các đối tác nước ngoài cảnh báo, Kyiv đã có thể bố trí lại các vũ khí phòng không trước khi các cuộc tấn công của Nga bắt đầu, theo Business Insider.
Nhân viên Ukraine điều khiển chiếc MiG-29 tại căn cứ không quân gần Kyiv vào tháng 11.2016. Ảnh Chụp màn hình Business Insider
Sau những cuộc tấn công mở đầu, quy trình phát hiện mục tiêu, theo dõi và giao nhiệm vụ tấn công mục tiêu của Nga có thể mất ít nhất 48 giờ, không thể bắt kịp các lực lượng phòng không Ukraine đã được phân tán và di dời sau khi khai hỏa, theo Business Insider.
Trong một báo cáo được xuất bản vào tháng 4, chuyên gia về không chiến Justin Bronk tại Viện Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh nhận định tuy “tiếp tục gây thiệt hại” cho các mục tiêu cơ sở hạ tầng và hậu cần của Ukraine, lực lượng không quân Nga không thể phá hủy hệ thống phòng không di động của Ukraine hoặc thực hiện hỗ trợ trên không một cách hiệu quả.
“Cả hai thiếu sót này làm giảm khả năng tìm kiếm, điều chỉnh, xác định và tấn công chính xác các mục tiêu di động một cách linh hoạt trong môi trường trên không có tranh chấp” và ngăn cản lực lượng không quân Nga “phát huy tác dụng quyết định chống lại Ukraine vào năm 2022″, theo ông Bronk.
Nhờ đâu không quân Ukraine giảm tổn thất trước Nga?
Ngoài ra, chuyên gia Dara Massicot tại Tổ chức Carnegie vì Hòa bình quốc tế (Mỹ) cho rằng việc lực lượng không quân Nga không nhắm được mục tiêu là vì “những lý do liên quan cấu trúc”, bao gồm “những hạn chế nghiêm trọng” trong các hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát của họ, cả bằng máy bay lẫn khí tài trong không gian”.
Cũng theo ông Massicot, một chuyên gia về quân đội Nga hồi tháng 4 đánh giá các chỉ huy Nga đã “đưa ra những quyết định đáng ngờ về việc nhắm mục tiêu vào các căn cứ không quân của Ukraine ngay từ đầu cuộc chiến”.
Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Nga đối với nhận định trên của tướng Hecker và giới chuyên gia.
Bài học cho Mỹ?
Tướng Hecker nhận định thành công của Không quân Ukraine trong việc di chuyển linh hoạt các máy bay cho thấy Không quân Mỹ cần phải tập trung vào cách tiếp cận chiến dịch phân tán, được gọi là Triển khai Chiến đấu linh hoạt (ACE). Theo khái niệm ACE, Không quân Mỹ đang huấn luyện để phân tán một số lượng nhỏ máy bay đến các căn cứ trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mục đích của chiến lược mới là khiến Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong việc tiêu diệt các máy bay Mỹ nếu xung đột xảy ra.
Trong khi Nga gặp khó khăn trong việc tấn công các mục tiêu ở Ukraine, tướng Hecker và các quan chức khác cho rằng việc phổ biến vũ khí chính xác, như tên lửa hành trình hoặc máy bay không người lái (UAV) “tự sát” cũng đồng nghĩa Mỹ và các đồng minh không thể tập trung tại một số căn cứ lượng lớn đạn dược, nhiên liệu và nhân sự vì dễ bị tấn công hơn. UAV tự sát, còn có tên gọi là UAV một chiều, thường là các hệ thống UAV được lập trình sẵn để bay mà không cần sự điều khiển của người vận hành.
“Chúng tôi đã thực hiện tốt khái niệm ACE này trước khi xung đột Ukraine bắt đầu, nhưng cuộc chiến đã chứng minh những gì chúng tôi đang cố gắng làm là đúng và tất nhiên, chúng tôi phải di chuyển những chiếc máy bay này trong chu kỳ nhắm mục tiêu của kẻ thù”, tướng Hecker nhấn mạnh.
Quân nhân không quân Mỹ điều khiển một chiến đấu cơ F-16 trong một cuộc tập trận ở Lithuania vào tháng 8. Ảnh Không quân Mỹ
Lực lượng Không quân Mỹ ở châu Âu đã tiến hành một cuộc tập trận ACE lớn vào tháng 8 ở châu Âu, Trong cuộc tập trận đó, các máy bay của đồng minh hoạt động từ các căn cứ xa lạ ở Latvia và Phần Lan.
Tướng Hecker cho hay mệnh lệnh của ông là “chọn những địa điểm khác nhau” để thực hiện ACE và đặt thiết bị tại những địa điểm đó để hỗ trợ các hoạt động như thế, “và chúng tôi đang thực hiện các thỏa thuận dịch vụ chéo, theo đó các quốc gia khác có thể cung cấp cho bạn nhiên liệu và những thứ như thế tại những căn cứ khác nhau”.
“Chúng tôi cần đảm bảo máy bay và tài sản của mình không bị thiệt hại trên mặt đất và thông qua việc triển khai chiến đấu linh hoạt, chúng tôi có thể đảm bảo điều này sẽ diễn ra”, Business Insider dẫn lời tướng Hecker.
Tư lệnh không quân Ukraine nói về thông tin tên lửa siêu vượt âm Kinzhal của Nga bị bắn rơi
Tư lệnh không quân Ukraine nói khác về thông tin bắn rơi tên lửa siêu vượt âm Kinzhal của Nga, so với tuyên bố trước đó của người phát ngôn lực lượng không quân.
Tư lệnh không quân Ukraine đứng bên cạnh một hệ thống phòng không Patriot.
Trung tướng Mykola Oleshchuk, tư lệnh không quân Ukraine ngày 6/5 đã phản hồi thông tin quân đội nước này bắn hạ tên lửa siêu vượt âm Kh-47 Kinzhal, một trong những loại tên lửa uy lực nhất của Nga.
"Tôi chúc mừng người dân Ukraine về sự kiện lịch sử này. Đúng, chúng tôi đã bắn hạ một tên lửa Kinzhal độc nhất của Nga", tướng Oleshchuk tuyên bố.
Tư lệnh không quân Ukraine nhắc đến từ "Patriot" nhưng không trực tiếp đề cập đến hệ thống tên lửa phòng không Patriot.
Ukraine hiện đang vận hành ít nhất hai tổ hợp Patriot, một do Đức và một do Mỹ cung cấp, theo CNN.
"Sự kiện này xảy ra vào đêm ngày ngày 4/5 trên bầu trời vùng thủ đô Kiev. Tên lửa Kh-47 Kinzhal được phóng từ chiến đấu cơ MiG-31K trong lãnh thổ Nga", tướng Oleshchuk cho biết thêm.
Tư lệnh không quân Ukraine nói rằng mình không thể cung cấp thêm các thông tin mà đối phương có thể tận dụng.
Trước đó, vào ngày 5/5, Yurii Ihnat, phát ngôn viên không quân Ukraine, nói các hệ thống phòng không của nước này không bắn rơi bất cứ tên lửa đạn đạo nào của Nga ở Kiev vào đêm 4/5.
Ông Ihnat khi đó nói "Bộ Tư lệnh Không quân không xác nhận thông tin bắn hạ tên lửa Kinzhal", theo Newsweek.
Defense Express là tờ báo Ukraine đầu tiên công bố thông tin về khả năng tên lửa siêu vượt âm Kh-47 Kinzhal của Nga bị bắn hạ, dựa vào kết quả phân tích các bức ảnh cho thấy mảnh vỡ tên lửa giống với tên lửa Kinzhal.
Kh-47 Kinzhal thực chất là tên lửa đạn đạo Iskander được cải tiến để có thể phóng từ chiến đấu cơ và đạt tốc độ siêu vượt âm.
Bộ Quốc phòng Nga hiện chưa lên tiếng bình luận sau tuyên bố của Tư lệnh Không quân Ukraine.
Ukraine nói phi công đang 'chết mòn' vì chờ tiêm kích Mỹ Tướng Serhii Holubtsov của không quân Ukraine tuyên bố phi công nước này có thể lái tiêm kích F-16 chỉ sau 6 tháng đào tạo. "Những phi công giỏi nhất của tôi đang chết dần khi chờ chiến đấu cơ F-16", tướng Holubtsov, chỉ huy các đội bay của không quân Ukraine, nói trong cuộc phỏng vấn với tờ The Times mới đây....