Những sai lầm từ đầu ở Vũ Hán khiến virus corona lây lan rộng
Việc các quan chức tìm cách che giấu tình hình thay vì sớm cảnh báo công chúng trong giai đoạn đi lại đông đúc như Tết là nguyên nhân khiến dịch lây lan mạnh.
Đó là những ngày giáp Tết Nguyên đán và ông Pan Chuntao đang cảm thấy rất vui vẻ.
Ông biết có tin tức về loại virus trong thành phố ông đang sống, Vũ Hán. Song các quan chức địa phương kêu gọi bình tĩnh. Họ nói không có bằng chứng cho thấy virus lây truyền từ người sang người. Họ không báo thêm các ca nhiễm mới trong nhiều ngày.
Vào ngày 16/1, người đàn ông 76 tuổi rời căn hộ hai phòng ngủ của mình để tham dự hội chợ do chính quyền tổ chức.
“Chúng tôi bảo ông đừng đi vì thấy một số tin đồn trên WeChat về việc các bác sĩ bị nhiễm bệnh”, ông Zhang Siqiang nói, con rể của ông Pan, nói. “Nhưng ông cứ khăng khăng đi. Ông bảo ‘chính phủ nói không có vấn đề gì, không có thêm trường hợp nào nữa’”.
Ông Pan và con gái của ông giờ đây có thể nằm trong số hơn 14.000 người bị nhiễm chủng virus corona mới đã làm ít nhất 304 người tử vong ở Trung Quốc. Virus cũng lan sang hơn 20 quốc gia, làm gián đoạn nền kinh tế toàn cầu và đẩy 55 triệu người ở tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc vào tình trạng bị phong tỏa chưa từng thấy.
Bệnh viện Chữ Thập Đỏ Vũ Hán hôm 25/1, 5 ngày sau khi Trung Quốc thừa nhận chủng virus corona mới có thể lây từ người sang người. Ảnh: AFP/Getty.
Ông Pan là một trong hàng triệu người Trung Quốc đã giao du, đi lại và tiếp tục cuộc sống hàng ngày trong giai đoạn nguy cấp từ giữa tháng 12 đến giữa tháng 1.
Đó là thời điểm các quan chức Trung Quốc bắt đầu hiểu rõ mối đe dọa từ căn bệnh truyền nhiễm mới ở Vũ Hán nhưng không thông báo gì với công chúng – ngay cả trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đang cận kề với hàng trăm triệu người Trung Quốc chuẩn bị di chuyển trên khắp cả nước và ra nước ngoài.
Một phân tích về những tuần đầu tiên – từ các tuyên bố chính thức, các câu chuyện được các chuyên gia y tế Trung Quốc tiết lộ, dữ liệu khoa học mới được công bố và các cuộc phỏng vấn với các quan chức y tế công cộng và các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm – cho thấy những gì có thể là sai lầm của các quan chức y tế công cộng bị quá tải ở Trung Quốc
Phân tích cũng cho thấy rõ rằng thói quan liêu đã để cho virus lây lan xa hơn và nhanh hơn như thế nào.
“Rõ ràng là một hệ thống y tế công cộng mạnh hơn đã có thể giúp Trung Quốc tiết kiệm tiền bạc cũng như giữ được tính mạng của nhiều người”, Tom Frieden, cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, cho biết.
Các chuyên gia y tế cố đưa ra cảnh báo đã bị cảnh sát bắt giữ. Truyền thông nhà nước không đề cập đến dịch bệnh trong nhiều tuần.
“Hệ thống y tế công cộng của Trung Quốc đã trở nên hiện đại”, Jude Blanchette, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, cho biết. “Nếu có bất cứ điều gì, thì đó là việc đi lùi”
Không có ca nào
Vào giữa tháng 12, các bệnh nhân ở Vũ Hán cho thấy những gì có vẻ như là sự pha trộn của các triệu chứng cảm cúm: sốt, khó thở, ho.
Căn bệnh giống viêm phổi do virus. Song các bác sĩ ở Vũ Hán, thành phố 11 triệu dân ở Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc, không thể xác định chính xác nguyên nhân. Tin đồn về loại virus bí ẩn bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc, đặc biệt là trong cộng đồng y tế.
Giờ đây, rõ ràng là các quan chức Trung Quốc đã sớm biết có gì đó không ổn.
Một câu chuyện được đăng tải hôm 30/1 trên nhiều trang tin tức Trung Quốc, từ một người ẩn danh cho nói rằng anh là kỹ thuật viên tại một phòng thí nghiệm được các bệnh viện ký hợp đồng, nói rằng công ty anh đã nhận được các mẫu xét nghiệm từ Vũ Hán cho kết quả gây bàng hoàng ngay từ sáng 26/12. Các mẫu này mang một chủng virus corona mới, giống virus SARS (hội chứng suy hô hấp cấp nặng) đến 87%.
Một ngày sau đó, các lãnh đạo phòng thí nghiệm đã tổ chức họp khẩn cấp để báo cáo cho các quan chức y tế Vũ Hán và quản lý bệnh viện, theo kỹ thuật viên trên.
Washington Post không thể độc lập xác thực câu chuyện của kỹ thuật viên này, bao gồm nhiều hình ảnh về kết quả xét nghiệm đi cùng tin nhắn được gửi bởi anh. Các nhà khoa học bên ngoài Trung Quốc sau đó xác nhận trình tự bộ gene của chủng virus mới có sự tương đồng đáng kinh ngạc với SARS.
Bác sĩ Li Wenliang
Đến tối 30/12, thông tin bắt đầu lộ ra.
Vào lúc 17h43, Li Wenliang, bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, đã nói với các bạn học cũ tại trường y trong một cuộc trò chuyện riêng rằng 7 người đã nhiễm virus mà ông tin là SARS, và một bệnh nhân đã bị cách ly tại bệnh viện của ông.
Ông đăng một đoạn phân tích RNA cho thấy thấy “virus corona SARS” và vi khuẩn khu trú khắp trên đường thở của bệnh nhân, theo nội dung một cuộc trò chuyện mà sau đó ông và các thành viên khác trong nhóm đã chia sẻ trên mạng.
Ngay tối hôm đó, cơ quan y tế công cộng Vũ Hán đã hành động
Ủy ban y tế gửi “thông báo khẩn” cho tất cả các bệnh viện về sự tồn tại của “bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân” – nhưng hoàn toàn không đề cập đến SARS hoặc virus corona – và yêu cầu mọi bộ phận lập tức thống kế các trường hợp đã biết và báo cáo lên trên.
27 ca
Tin chính thức đầu tiên về một dịch bệnh bí ẩn ở Vũ Hán xuất hiện vào ngày 30/12, khi nhà chức trách Trung Quốc xác nhận họ đang điều tra 27 trường hợp viêm phổi do virus.
Các quan chức y tế Vũ Hán cho rằng dịch bệnh có liên quan đến chợ bán buôn hải sản Hoa Nam, điểm đến của những người tìm mua mọi loại động vật sống, và họ nhanh chóng đóng cửa nơi này.
Các quan chức Trung Quốc bắt đầu tìm kiếm những người khác có thể bị bệnh, nhưng họ tập trung vào những người bị viêm phổi và có mối liên hệ với chợ hải sản. Họ không tìm kiếm những người mắc các bệnh hô hấp khác.
Chợ bán buôn hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán hôm 11/1. Chợ bị đóng cửa hôm 1/1 để cải tạo, theo truyền thông nhà nước. Ảnh: AFP/Getty.
Sau đó, các nhà khoa học và quan chức mới nghi ngờ nhiều người khác đã nhiễm bệnh. Song họ bị nhẹ hơn và được ra viện sau khi khám y tế, khiến virus lây lan, theo các chuyên gia.
Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học New England, các nhà khoa học Trung Quốc sau đó xác nhận rằng “sự hiện diện rõ ràng của ca lây nhiễm nhẹ” đã đặt ra thách thức trong việc kiểm soát ổ dịch.
Ngày 31/12, Trung Quốc đã thông báo cho văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại nước này về các ca viêm phổi bí ẩn ở Vũ Hán. Các quan chức WHO gửi cho Bắc Kinh một danh sách các câu hỏi về dịch và đề nghị hỗ trợ.
Trong khi các nhà khoa học và chuyên gia y tế công cộng tốc lực thu thập thêm thông tin, các cơ quan công quyền của Trung Quốc đã chặn thông tin.
Vào ngày 1/1, Cục Công an Vũ Hán đã triệu tập 8 người vì đăng tải và lan truyền “tin đồn” về việc các bệnh viện ở Vũ Hán tiếp nhận các ca bệnh giống như SARS.
Tất cả 8 người bị giam giữ ngày hôm đó đều là các bác sĩ, bao gồm Li, bác sĩ nhãn khoa ở Vũ Hán.
Vũ Hán hôm 27/1 sau khi bị phong tỏa. Ảnh: AFP/Getty.
59 ca
Với sự theo dõi của thế giới, các nhà khoa học Trung Quốc chạy đua giải mã virus. Vào ngày 9/1, với 59 ca bệnh được ghi nhận, Trung Quốc tuyên bố đã phân lập và thu được trình tự bộ gene của chủng virus corona mới, xác nhận tin đồn rằng căn bệnh bí ẩn có liên quan đến SARS và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).
Họ đăng tải thông tin trên kho lưu trữ dữ liệu gene cho phép công chúng truy cập, để các nhà khoa học có thể nhanh chóng phát triển các xét nghiệm chẩn đoán và xác nhận sự lây nhiễm ở người.
Nỗ lực của họ đã nhận được lời khen ngợi từ các nhà khoa học và chuyên gia y tế công cộng trên khắp thế giới – nhưng vẫn còn thiếu thông tin.
Các nhà dịch tễ học cần biết chi tiết về thời điểm người ta mắc bệnh, các triệu chứng của họ và các đặc điểm nhân khẩu học khác, chẳng hạn như tuổi tác, giới tính và các bệnh lý nền có thể khiến nguy cơ mắc các bệnh hô hấp cao hơn.
Thông tin đó là cách tốt nhất để các nhà điều tra có thể đánh giá trong giai đoạn đầu đợt bùng phát để xác định mức độ dễ dàng lan truyền của virus và mức độ nguy hiểm của nó.
“Chúng ta cần phải biết từng trường hợp họ bị bệnh khi nào, để chúng ta có thể đưa ra nhận định trong trường hợp xảy ra đại dịch”, Jennifer Nuzzo, nhà dịch tễ học và học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, cho biết.
Thông tin quan trọng về bệnh nhân và thời gian họ mắc bệnh không được công bố cho đến vài tuần sau đó, các nhà khoa học và nhà nghiên cứu cho biết.
Hình ảnh virus corona Vũ Hán bị cô lập qua kính hiển vi. Ảnh: Reuters.
Nghiên cứu của Tạp chí Y học New England, được công bố hôm 29/1, về 425 bệnh nhân đầu tiên ở Vũ Hán bị bệnh từ ngày 10/12 đến ngày 4/1 cho thấy sự chậm trễ kéo dài trong việc đưa bệnh nhân nhập viện.
Theo nghiên cứu, được các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc tiến hành, sự chậm trễ này cho thấy mức độ khó khăn trong việc xác định và cách ly các trường hợp sớm hơn. Trường hợp lây từ người sang người xảy ra sớm nhất là vào giữa tháng 12 và số ca bệnh đã tăng gấp đôi cứ sau 7 ngày.
Tuy nhiên, tại Vũ Hán, các cán bộ địa phương đã tập trung vào một hội nghị nhà nước theo lịch diễn ra từ ngày 11-17/1. Trong thời gian đó, Ủy ban Y tế Vũ Hán mỗi ngày đều tuyên bố không có ca nhiễm mới hay tử vong.
Lúc 0h10 ngày 18/1, ủy ban thông báo về sự tồn tại của bốn ca nhiễm mới. Tuy nhiên, các quan chức hạ thấp nguy cơ lây từ người sang người.
Ngay cả sau khi các ca bệnh đầu tiên được ghi nhận ở Thái Lan và Hàn Quốc, giới chức Vũ Hán vẫn tổ chức các hội chợ mua sắm trong kỳ nghỉ giống như hội chợ mà ông Pan đã đến. Họ cũng tổ chức một sự kiện ẩm thực cộng đồng ở trung tâm thành phố với sự tham dự của hơn 40.000 gia đình. Họ phân phát hàng trăm nghìn tấm vé vào cổng các điểm tham quan ở địa phương.
“Mọi chuyện đều là để không ghi nhận các ca nhiễm mới, không cho công chúng biết”, Dali Yang, học giả nổi tiếng về hệ thống quản trị Trung Quốc tại Đại học Chicago, bình luận.
Không có cảnh báo rõ ràng của chính phủ, mọi người tiếp tục đi lại – cả trong và ngoài Trung Quốc.
Yang Jun, Giám đốc bán hàng nổi tiếng trong lĩnh vực thiết bị quang điện, tham dự một cuộc họp ở Vũ Hán vào ngày 6/1 và trở về nhà một tuần sau đó trên chuyến tàu đến Bắc Kinh có đi qua Thượng Hải.
Một ngày trước khi tự mình vào bệnh viện, anh đã tham dự một sự kiện ở trường với con gái và ngồi trong giảng đường với hàng trăm phụ huynh khác, theo một tuyên bố sau đó của ngôi trường ở Bắc Kinh, yêu cầu tất cả phụ huynh phải tự cách ly.
Anh Yang đã qua đời trong tuần này.
Khu chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Trung Nam thuộc Đại học Vũ Hán hôm 24/1. Ảnh: Xinhua/AP.
221 ca
Vào ngày 20/1, khi hơn 400 triệu người Trung Quốc chuẩn bị về nhà để đón Tết, tâm trạng đã thay đổi.
Lần đầu tiên vào buổi sáng hôm đó, các quan chức y tế công cộng Vũ Hán đã thay đổi cách diễn đạt trong các tuyên bố hàng ngày của họ, không đề cập đến việc “lây từ người sang người một cách hạn chế” như trước đây.
Cuối ngày hôm đó, nhà nghiên cứu phổi nổi tiếng Zhong Nanshan, 83 tuổi, từng tham gia khống chế dịch SARS và được coi là anh hùng dân tộc, đã xuất hiện trên truyền thông nhà nước, cho biết virus này thực sự có thể lây truyền từ người sang người.
Bắc Kinh cuối cùng dường như đã phản ứng.
Nhân Dân Nhật báo lần đầu tiên vào ngày 21/1 đề cập đến dịch bệnh và phản ứng của ông Tập trong một mục trên trang 2.
Nhà lãnh đạo “đưa ra các chỉ thị quan trọng” cho cán bộ, yêu cầu “đặt vấn đề sức khỏe và an toàn của người dân lên hàng đầu”, theo bài viết. Bài viết cũng chỉ ra 224 ca bệnh trên toàn quốc và bệnh đã lan sang Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ngày hôm đó, một ủy ban chính trị hàng đầu của đảng Cộng sản Trung Quốc đã cảnh báo trong một bài bình luận rằng bất kỳ quan chức nào che đậy dịch bệnh sẽ bị “đóng đinh vào cây cột ô nhục đến muốn đời”.
Chính phủ dường như đã nhận ra cuộc khủng hoảng đang cận kề.
Trong vài ngày, toàn bộ Vũ Hán và một số thành phố lân cận – khu vực có tổng dân số hơn 50 triệu người – bị phong tỏa trong nỗ lực chưa từng có để khống chế sự lây lan.
Các quan chức khởi công xây dựng ít nhất 3 bệnh viện dã chiến tại Vũ Hán. Xe buýt liên tỉnh trên toàn quốc bị cấm hoạt động.
Nhiều thành phố kéo dài kỳ nghỉ Tết, lùi lại học kỳ mùa xuân và khuyến khích cư dân không trở lại làm việc ngay. Các bệnh viện trên cả nước đã cử các đội y tế tình nguyện vào khu vực cách ly để hỗ trợ.
Một bệnh viện tạm thời được xây dựng khẩn cấp ở Vũ Hán. Ảnh: AP.
4.500 ca
Khi số lượng ca bệnh được xác nhận lên đến 4.500, các quan chức ở Vũ Hán và những nơi khác bắt đầu công khai thừa nhận trách nhiệm – cũng như đổ lỗi cho người khác.
Trong cuộc phỏng vấn trên truyền thông nhà nước hôm 27/1, Thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng nói ông không được cấp trên cho phép tiết lộ về dịch bệnh trước đó. Ngày 31/1, bí thư đảng ủy Vũ Hán nhận lỗi vì đã không thực hiện “các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt, nghiêm khắc sớm hơn”.
“Tôi đang cảm thấy tội lỗi, xấu hổ và tự trách bản thân”, ông Mã Quốc Cường nói trong cuộc phỏng vấn.
Tòa án Nhân dân Tối cao cũng đưa ra một tuyên bố bất thường cảnh cáo cảnh sát Vũ Hán vì đã bắt giữ 8 nhà khoa học.
Bác sĩ Li Wenliang tại bệnh viện hôm 31/1.
“Nếu xã hội lúc đó tin vào những ‘tin đồn’ đó và đeo khẩu trang, sử dụng chất khử trùng và tránh đi đến chợ bán động vật hoang dã như thể đang có dịch SARS, có lẽ chúng ta sẽ có thể kiểm soát tốt hơn virus corona hôm nay”, tòa án tối cao nói. “Tin đồn chấm dứt khi có sự công khai”.
Li, bác sĩ nhãn khoa bị giam giữ, đã được cảnh sát Vũ Hán thả ra vào ngày 3/1 sau khi ký một văn bản thừa nhận ông đã thực hiện “các hành vi bất hợp pháp”.
Ông nhanh chóng quay lại làm việc để gặp bệnh nhân nhưng chính ông cũng nhiễm virus.
Hiện tại, ông đang được chăm sóc đặc biệt tại nơi làm việc, Bệnh viện Trung ương Vũ Hán.
14.000 ca và vẫn đang tăng
Bên trong khu cách ly, các bệnh viện đã công khai kêu gọi trên mạng xã hội nhờ quyên góp các trang thiết bị cơ bản như khẩu trang và đồ bảo hộ. Rất nhiều người dân Vũ Hán cho biết có sự thiếu hụt nghiêm trọng dụng cụ xét nghiệm, làm tăng khả năng số lượng ca bệnh thực sự lớn hơn nhiều so với số liệu được xác nhận bởi các quan chức.
Sau khi các bệnh viện ở thành phố tràn ngập người đến yêu cầu xét nghiệm virus corona, chính quyền địa phương tuần này tuyên bố các bệnh viện sẽ chỉ kiểm tra những người có triệu chứng nghiêm trọng và được giới thiệu từ các bệnh viện nhỏ hơn.
Bệnh nhân nhập viện nằm chật cứng các phòng bệnh, giường được kê ra ra cả hành lang đông đúc. Một số bệnh nhân qua đời trong các khu vực chờ.
Ông Pan Chuntao trở về nhà từ hội chợ và phát sốt 6 ngày sau đó. Con gái của ông, Pan Xia, bị ốm vào ngày hôm sau và cơn ho của chị ngày càng trầm trọng hơn, theo người con rể Zhang Siqiang.
Trong tuần qua, anh Zhang đã cách ly bố vợ và vợ trong hai phòng ngủ riêng biệt trong khi anh và mẹ chồng ốm yếu ngủ trong phòng khách. Họ để thức ăn ngoài cửa phòng ngủ ba lần một ngày.
Sau khi mạo hiểm ra ngoài vào mỗi sáng, trên những con đường vắng tanh, để xếp hàng tại Bệnh viện Số 7 Vũ Hán, cuối cùng anh Zhang cũng nhận được bộ dụng cụ xét nghiệm virus hôm 1/2.
“Tôi có thể quả quyết rằng những thông tin sai lệch từ đầu đã gây ra tình cảnh của chúng tôi hôm nay”, anh nói. “Việc đó không chỉ gây tổn hại cho gia đình tôi, mà còn cho nhiều người khác nữa”.
Trung tâm thương mại như ‘bỏ hoang’ giữa đại dịch virus corona ở TQ
Trung tâm mua sắm ở thủ đô Trung Quốc như bị “bỏ hoang” vào thứ bảy (ngày 1/2) khi người dân chọn ở trong nhà trong bối cảnh dịch virus corona đang diễn ra.
Theo news.zing.vn
Thái Nguyên: Chủ động phương án sẵn sàng ứng phó dịch virus Corona
Trước diễn biến phức tạp và nguy hiểm của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra trên phạm vi cả nước, sáng 31/1, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức cuộc họp với các cấp, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh này.
Theo đó, Thái Nguyên là địa phương có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao do có vị trí địa lý là đầu mối giao lưu của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước với nhiều trường đại học và cao đẳng, chuyên nghiệp và các khu công nghiệp phát triển... nên số lượng người tập trung rất lớn và thường xuyên biến động.
Trước tình hình đó, để phòng chống dịch bệnh, tỉnh Thái Nguyên đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người của tỉnh do ông Trịnh Việt Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Trưởng ban. Đồng thời, tỉnh còn ban hành Chỉ thị 01/CT- UBND về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
Tỉnh Thái Nguyên họp Ban chỉ đạo về công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp sáng 31/1.
Qua đó, kế hoạch triển khai phòng, chống dịch bệnh virus Corona đã được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người của tỉnh Thái Nguyên khẩn trương xây dựng với 3 tình huống xảy ra gồm: Chưa ghi nhận trường hợp bệnh tại Thái Nguyên; Xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vào tỉnh Thái Nguyên; Dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Với mỗi tình huống, Ban Chỉ đạo đều đưa ra các phương án điều hành ở các cấp từ cấp tỉnh đến cấp xã về việc thông tin, tuyên truyền, cũng như các hoạt động chuyên môn kỹ thuật, sự phối hợp liên ngành của các cơ quan chuyên môn.
Đến thời điểm này, qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm thường xuyên, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chưa ghi nhận trường hợp bệnh dịch virus corona nào. Tuy nhiên, một số địa phương, đơn vị trên địa bàn đã có những động thái chủ động nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên cũng theo dõi sát sao việc công dân nhập cảnh từ Vũ Hán (Trung Quốc) vào địa bàn tỉnh và cho đến nay, không ghi nhận trường hợp mắc bệnh nào.
Cũng tại cuộc họp, ông Trịnh Việt Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cần tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh ở người nói chung và dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra nói riêng. Đặc biệt, công tác tuyên truyền cần được đặt lên hàng đầu để người dân chủ động việc phòng tránh. Ngoài ra, cần thông tin rộng rãi các khuyến cáo của Bộ Y tế cũng như cập nhật các thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, ông Hùng cũng đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên phải quản lý chặt chẽ thông tin, xử lý nghiêm những trường hợp đưa thông tin sai lệch về dịch bệnh này trên mạng xã hội, tránh gây hoang mang trong dư luận.
Cũng trong buổi chiều cùng ngày, Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên đã tổ chức cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gồm 18 người là cán bộ, lãnh đạo và nhân viên y tế của bệnh viện.
Trước đó, ngày 30/1, Bộ Y tế đã ra quyết định thành lập 45 đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona, trong đó, bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên được thành lập 2 đội.
Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên đã tổ chức cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona vào chiều 31/1.
Ông Nguyễn Công Hoàng - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên cho biết, các đội cơ động có nhiệm vụ thường trực sẵn sàng phản ứng nhanh, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện thu dung, điều trị, chăm sóc và kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi có yêu cầu và mức độ dịch; Thực hiện theo lệnh điều động của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh dịch nCoV.
Thành phần của mỗi Đội cơ động bao gồm: 1 lãnh đạo bệnh viện; 1 bác sĩ hồi sức cấp cứu; 1 bác sĩ truyền nhiễm; 1 cán bộ kiểm soát nhiễm khuẩn; 1 điều dưỡng hồi sức cấp cứu hoặc truyền nhiễm; 1 lái xe. Mỗi Đội cơ động sẽ được trang bị 1 xe ô tô cứu thương với đầy đủ phương tiện hồi sức cấp cứu trên xe như máy thở cơ động, oxy, thuốc, dịch truyền, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn, tiệt khuẩn...
Khu vực cách ly người bệnh đã được chuẩn bị sẵn khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.
Các phương án đã được chuẩn bị sẵn sàng để đối phó khi có dịch bệnh xảy ra.
Cũng tại cuộc họp, các ý kiến đều xoay quanh phương án đối phó khi có dịch bệnh xảy ra. Trong trường hợp nếu có dịch bệnh, toàn bộ khoa bệnh viện nhiệt đới sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc điều trị và cách ly người bệnh. Khi đó, bệnh nhân trong khoa sẽ được chuyển đến địa điểm khác để nhường chỗ cho các bệnh nhân nhiễm dịch Corona.
Đồng thời, các nhân viên y tế của khoa bệnh viện nhiệt đới sẽ phải cách ly hoàn toàn với các khoa bệnh khác và tuyệt đối không được trở về nhà trước khi dịch bệnh được dập tắt hoàn toàn. Trong tình hình đó, các phương án hỗ trợ và tiếp ứng về thuốc men, tư trang cho những người trong khu vực cách ly đều được đưa ra bàn bạc, lấy ý kiến và trao đổi cụ thể.
Theo danviet.vn
Xử phạt các đối tượng tung tin thất thiệt về virus Corona Trong ngày 31/1, nhiều đối tượng tung tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận về dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona đã bị xử phạt. Chiều 31/1, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ đã làm việc với đối tượng P.T.M.T (SN 1971, trú tại phường Vân Phú, TP.Việt Trì, tỉnh...