Những sai lầm khi dùng thuốc hạ sốt
Thuốc dùng để hạ sốt hiện nay rất phong phú, đa dạng, dễ kiếm, dễ sử dụng nhưng đối tượng người dùng cũng vô cùng phức tạp.
Điều quan trọng là dùng thuốc sao cho đúng và an toàn, đạt hiệu quả chữa bệnh tối ưu… Trên thực tế vẫn gặp nhiều trường hợp bị ngộ độc thuốc do việc tự ý dùng thuốc chưa đúng của người dân.
Tâm lý dùng cho chắc
Nhà bên có cháu nhỏ mới 5 tháng tuổi, vừa đi tiêm phòng vaccin về cháu hâm hấp sốt. Đây cũng là phản ứng rất bình thường của cơ thể. Nhưng vì quá lo lắng nên khi cặp nhiệt độ cho con thấy 37,5oC, chị Thúy (mẹ của cháu) vội cho con dùng ngay thuốc hạ sốt để ngăn chặn sốt có thể tăng cao.
Chị cho rằng, sốt nhẹ thì dùng phương án nhẹ nhất là dán cao. Bởi theo chị dùng thuốc viên thì phải sốt nặng hơn, trên 38oC và thuốc đạn là nặng nhất (39 – 40oC). Nếu con sốt cao trên 38oC thì chị sẽ cho uống thuốc hoặc viên đạn nhét hậu môn.
Qua đó có thể thấy rằng nhiều người dùng thuốc hạ sốt mà chưa hiểu về bản chất của sốt và công dụng của các loại thuốc.
Chườm mát kết hợp với thuốc hạ sốt khi trẻ bị sốt cao
Sự thật như thế nào?
Video đang HOT
Sự thật là các thuốc hạ sốt đều có chung hoạt chất giống nhau, chúng chỉ khác nhau ở dạng bào chế. Hiện nay, có hai loại thuốc hạ sốt cơ bản thông thường là acetaminophen (paracetamol) và axít acetylsalicylic (aspirin). Các loại thuốc khác như bạc hà chỉ tạo ra cảm giác lạnh, hydrogel chỉ là dạng tinh thể ngậm nước (như trong miếng dán lạnh) không phải là thuốc hạ sốt. Các thuốc chỉ khác nhau ở dạng bào chế là thuốc dạng viên nén, viên sủi, dạng viên đạn nhét hậu môn, dạng gel bôi, dạng bột trong gói và dạng cao dán.
Quan điểm của chị Thúy sai thứ nhất về phản ứng sốt. Thực ra sốt là một phản ứng cấp tính của hệ miễn dịch, tạo ra các chất trung gian hóa học của viêm, mà người ta cho rằng, các chất này chịu trách nhiệm tạo ra sốt bao gồm: các prostagladin, các cytokin và intereukin. Những chất trung gian này là chất làm sai lạc nhận cảm của hệ dưới đồi về thân nhiệt. Lẽ ra cơ thể đang ở nhiệt độ bình thường thì chúng lại cảm nhận là nhiệt độ thấp và tăng tốc tạo ra phản ứng sinh nhiệt nhằm nâng nhiệt cơ thể lên. Ngay lập tức, cơ thể sốt cao. Nhưng ngoài tác dụng không có lợi là gây ra sốt, các chất trung gian này rất có ích về mặt miễn dịch. Chúng là các chất hóa ứng động (thu hút) bạch cầu hiệu quả. Chúng thu hút và hấp dẫn bạch cầu (các tế bào có thẩm quyền miễn dịch) đến vị trí nhiễm khuẩn và thực hiện phản ứng. Hoạt động này như là một quá trình tập luyện cho hệ miễn dịch khỏe thêm. Vì thế, khi trẻ sốt không cao, bạn không cần phải can thiệp gì. Bạn cần để cho cơ thể tập chống chọi với các phản ứng sinh học bất lợi. Có thể nói rằng, trong trường hợp trên, phản ứng sốt nhẹ sẽ tập cho cơ thể bé khả năng chống đỡ. Nếu dùng ngay khi nhiệt độ mới tăng nhẹ lên như trên, thực không thu được lợi ích lớn.
Sai lầm thứ hai ở quan điểm chọn thuốc. Thuốc nặng nhẹ khác nhau ở liều của thuốc chứ không ở dạng bào chế. Quan điểm cho rằng thuốc dán thì nhẹ hơn thuốc viên, thuốc viên thì không mạnh bằng thuốc đạn là phi thực tế. Dù là thuốc dán, thuốc viên, thuốc bột hay thuốc viên đạn thì chúng đều được bào chế dưới công nghệ sao cho chất chính (là thuốc hạ sốt) có thể ngấm dễ dàng và đi vào cơ thể. Chất thuốc từ miếng dán sẽ ngấm qua da và vào trực tiếp hệ thần kinh. Thuốc đạn và thuốc viên sẽ đi qua thành ruột, vào máu rồi cũng lên hệ thần kinh. Khả năng hạ sốt hoàn toàn phụ thuộc vào lượng thuốc tồn trong máu chứ không phụ thuộc vào việc bạn chọn miếng dán hay gói bột, gel bôi.
Dùng cho đúng
Vậy dùng đúng thuốc hạ sốt thế nào cho đúng để vừa tránh được những tai biến do thuốc gây ra và đạt được hiệu quả.
Thứ nhất, dùng đúng thời điểm: Bạn chỉ nên dùng khi em bé có nhiệt độ sốt cao từ 38,5 độ C trở lên. Từ 37,1 độ C – 38,4 độ C là mức độ sốt nhẹ, an toàn với trẻ và mang tính kích thích miễn dịch.
Thứ hai, dùng đúng loại thuốc: Bé bị trớ thì dùng thuốc cao dán, thuốc viên đạn. Bé bị tiêu chảy thì dùng thuốc cao dán và thuốc uống. Nếu bé có phát ban ở da thì không dùng miếng dán hạ sốt.
Thứ ba, dùng đúng liều: Không nên dùng quá 2.000mg/ngày (4 viên 500mg) với người lớn và 1.000mg/ngày (4 gói 250mg) với trẻ em. Khi dùng cho trẻ em phải tính toán liều lượng (hoặc theo sự chỉ định cụ thể của bác sĩ hoặc là phải tính toán theo cân nặng trong hướng dẫn sử dụng thuốc để tính liều).
Thứ tư, kết hợp đúng cách: Trước hết, nên hạ sốt bằng các biện pháp vật lý như chườm mát (nước từ 25 độ C trở lên), lau nước mát. Sau đó nếu bé vẫn sốt thì cho uống thuốc hoặc kết hợp uống thuốc và lau mát. Nhớ là chỉ lau tối đa 3 lần trong cơn sốt. Lau lần 1 khô thì mới lau tiếp lần 2, lần 3.
Theo Eva
Ngộ độc vì lạm dụng thuốc giảm đau, hạ sốt
Từ sáng tới trưa, 4 lần cho con uống thuốc giảm sốt mà bé vẫn 39 độ C, chị Kim đưa con đến phòng khám gần nhà và cậu nhóc 6 tuổi lại được nhét 2 viên eferalgan, đồng thời chích thuốc.
Sau đó, bé nôn ra máu và phải đi cấp cứu ngay. Tại bệnh viện, kết quả xét nghiệm máu của con trai chị Kim (Gia Lâm, Hà Nội) cho thấy, nồng độ Acetaminophen (paracetamol) trong máu của bé rất cao, vượt ngưỡng cho phép. Bé được rửa dạ dày và sử dụng thuốc giải độc.
Tiến sĩ Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết,mỗi năm Trung tâm chống độc tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân bị ngộ độc paracetamol, trong đó có trường hợp do dùng thuốc quá liều, còn lại là bệnh nhân uống thuốc với mục đích tự tử.
Theo bác sĩ, paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt thông thường và phổ biến nhất hiện nay, được bán mà không cần sự kê đơn của bác sĩ. Người bệnh thường có tâm lý sử dụng ngay paracetamol khi có triệu chứng sốt và cảm cúm. Tuy nhiên, do không cẩn trọng và thiếu hiểu biết nên không ít ca bị ngộ độc do sử dụng quá liều.
"Đây là loại ngộ độc thường gặp nhất ở các nước đang phát triển, khi việc quản lý thuốc còn lỏng lẻo và kiến thức của người dân về an toàn dùng thuốc còn thiếu", ông Duệ nói.
Chăm sóc bệnh nhân tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh minh họa: MT.
Bác sĩ cho biết, một trong những lý do khiến tỷ lệ ngộ độc loại thuốc được coi là "lành" này cao là hiện nay, có quá nhiều biệt dược với tên gọi khác nhau, nhưng cùng hoạt chất paracetamol, mà người dùng không biết.
"Một phụ nữ bị cảm cúm, đau đầu, sáng, trưa mỗi lần uống 2 viên Eferalgan 500 mg, chiều thấy chưa đỡ ra hiệu thuốc hỏi thuốc khác, người bán đưa cho một vỉ paradon (cũng chứa paracetamol) dặn uống từ giờ tới tối 2 lần. Ngày mai chưa đỡ, lại đi truyền thuốc, trong đó cũng chứa hoạt chất giảm đau trên. Ngộ độc là đương nhiên", bác sĩ dẫn một trường hợp điển hình từng điều trị tại trung tâm chống độc.
Ông Duệ cho biết, hiện có hàng trăm biệt dược, có loại chỉ chứa paracetamol nhưng cũng có loại phối hợp với một hoặc vài dược chất khác. Trong đó, biệt dược có thêm thành phần phenobarbital sẽ làm tăng độc tính của paracetamol với gan; những chế phẩm có thêm thành phần phenylpropanolamin, phenylephrin thì không nên dùng cho người có bệnh cường giáp, huyết áp cao, đau thắt ngực, huyết khối, mạch vành, đái tháo đường, tiền sử tai biến mạch máu não.
Bên cạnh đó, loại thuốc này còn có nhiều dạng bào chế, thuốc viên thì có nén thường, nén bao phim, nén nhai, rồi viên sủi, thuốc bột, thuốc cốm, thuốc đạn, dạng siro... với hàm lượng khác nhau, từ 80 mg, 150 mg, 250 mg... đến 500 mg.
Hiện phần lớn người dân có thói quen tự dùng thuốc. Hễ cảm cúm, đau đầu, cúm, hắt hơi, sổ mũi... là ra ngay hiệu thuốc mua và thường được cho thuốc chứa paracetamol. Một số người đi viện thì nhân viên y tế không hướng dẫn đầy đủ, quên kiểm tra trước đó bệnh nhân đã dùng thuốc có chứa paracetamol hoặc các loại thuốc có tương tác bất lợi với paracetamol chưa.
Bác sĩ cho biết, với trẻ em dưới 12 tuổi, liều paracetamol được khuyến cáo là 10-15 mg/kg uống hoặc đặt hậu môn mỗi 4-6 giờ, tối đa không vượt quá 5 lần dùng mỗi ngày. Trẻ em dưới 2 tuổi hoặc cân nặng nhỏ hơn 11 kg nên dùng paracetamol theo chỉ định của thầy thuốc. Với người lớn, liều khuyến cáo là 60-80 mg/kg/ngày và không được quá 4 gam một ngày. Tuyệt đối không nên uống rượu khi dùng thuốc và uống nhiều loại thuốc cảm cúm cùng một lúc. Khi dùng với liều cao hơn kéo dài có thể gây ngộ độc. Những người bị sốt do virus, sốt do nhiễm trùng, có men gan tăng... khi sử dụng thuốc quá liều càng dễ nhiễm độc gan.
Người dùng thuốc sau vài giờ có cảm giác buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi. Trong vòng 18-72 giờ có thể đau bụng kèm theo gan sưng to, sờ thấy gan đau. Nếu không cấp cứu kịp thời thì sẽ dẫn đến suy gan. Người bị suy gan sẽ vàng da, hôn mê, đông máu nội mạch rải rác, chảy máu, hạ đường huyết, dẫn tới tử vong.
Tiến sĩ Phạm Duệ cho biết, ngay khi biết uống quá liều paracetamol cần tìm cách xử lý, có thể là gây nôn. Ngoài ra, có thể dùng than hoạt hoặc thuốc tẩy muối hay nước chè đặc để làm giảm hấp thu lượng độc cho gan. Với các trường hợp có triệu chứng rõ ràng của nhiễm độc, cần được đưa đến cơ sở y tế. Tại đây, bệnh nhân có thể được xét nghiệm độc chất trong máu, sử dụng thuốc giải độc, kết hợp biện pháp điều trị toàn thân. Với trường hợp nhiễm độc gan, đã bị vàng da, vàng mắt, cần phải lọc máu, thay huyết tương, khả năng cứu chữa khó khăn hơn và tỷ lệ tử vong lên tới 50%.
Bác sĩ Duệ cho rằng, paracetamol là thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt tạm thời, chỉ chữa được triệu chứng, không phải thuốc chữa bệnh. Vì vậy người dân không nên lạm dụng. Khi bị cảm cúm, đặc biệt là trẻ em không nên dùng paracetamol để tự điều trị quá 5 ngày, đối với người lớn không quá 10 ngày. Những người bị bệnh gan, suy dinh dưỡng, nghiện rượu, những người đang bị mất nước (do sốt cao kéo dài), người đang dùng các thuốc chống co giật (điều trị động kinh) phải thận trọng và chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ.
Theo bác sĩ, trong trường hợp bị sốt, cảm, nên sử dụng các biện pháp vật lý trước khi dùng thuốc. Những người cảm cúm, sốt cao có thể hạ nhiệt bằng cách uống nhiều nước, dùng khăn ướt lau, tắm nhanh nước ấm 38 độ C. Nếu phải sử dụng đến paracetamol, nên dùng viên nén bình thường, không nên dùng viên sủi vì viên sủi có thể giúp hạ nhiệt nhanh nhưng tác dụng ngắn, khiến phản ứng cơ thể kích lên nhiệt độ cao hơn. Ngoài ra, có thể uống oserol pha đúng tiêu chuẩn để bù nước và các chất điện giải mất đi khi sốt cao kéo dài.
"Thực tế, thuốc cảm cúm uống vào gây giãn mạch, mồ hôi túa ra, làm hạ nhiệt. Nếu uống thuốc nhưng không uống đủ nước, không có mồ hôi ra, thì cũng không thể hạ nhiệt. Vã mồ hôi là cách làm bay hơi nước, thải nhiệt. Nếu sốt 38 độ C, uống 1 lít dịch oserol, 39 độ C uống 2 lít, 40 độ C dùng 3 lít", bác sĩ chia sẻ kinh nghiệm.
Theo VNE
Những lưu ý khi dùng thuốc 'bổ thận tráng dương' Thuốc Tây y công hiệu nhanh, mạnh nhưng "như con dao hai lưỡi", thuốc thảo dược an toàn, hiệu quả lâu dài song tác dụng chậm... là băn khoăn của nhiều quý ông khi chọn sản phẩm bổ thận tráng dương lúc tuổi xế chiều. Thấy "khả năng nam giới" của mình ngày một giảm sút, ông Nguyễn Đức Thanh, 50 tuổi ở...