Những sắc màu tương phản
Nước Mỹ đang chứng kiến những chuyển động sâu rộng không chỉ trên chính trường sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế số một thế giới.
Các container hàng hóa tại cảng Long Beach, bang California, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Hàng loạt kết quả thăm dò, số liệu kinh tế cập nhật đã cho thấy nhiều gam màu tươi mới và tín hiệu khởi sắc trong bối cảnh Mỹ chờ đón nhiệm kỳ tổng thống sắp tới của ông Donald Trump. Tuy nhiên, cũng có cả gam màu tối với những tín hiệu không mấy khả quan trên thị trường lao động.
Ngày 5/12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cho công bố Sách Beige tháng 11, có tên chính thức là “Tóm tắt các bình luận về tình trạng kinh tế hiện tại” – tập hợp toàn bộ số liệu kinh tế, đi kèm phân tích, đánh giá của giới chuyên gia từ tất cả 12 chi nhánh khu vực trực thuộc Fed về nền kinh tế nước này.
Theo Sách Beige tháng 11, hoạt động kinh tế nhìn chung tăng nhẹ ở hầu hết các khu vực và chỉ có hai khu vực đồ thị tăng trưởng đi ngang hoặc giảm nhẹ. Giới chuyên gia cho rằng một tín hiệu khởi sắc khác của kinh tế Mỹ – đó là việc dù tăng trưởng chưa thật sự bứt phá, song kỳ vọng của các thị trường chủ chốt đều cho thấy tâm lý lạc quan hơn và chi tiêu tiêu dùng, vốn là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế Mỹ, đang tăng đều đặn khi mùa mua sắm tới gần.
Video đang HOT
Lạm phát trong tháng 11 vừa qua có tăng đôi chút nhưng vẫn trong ngưỡng kiểm soát, tăng trưởng tiền lương hợp lý và được kỳ vọng sẽ duy trì ổn định trong những tháng tới.
Tài liệu của Fed cho biết thêm các doanh nghiệp đang duy trì mức tăng lương như dự kiến, thị trường lao động vẫn giữ được đà trong bối cảnh kinh tế Mỹ còn nhiều rủi ro.
Ông Christopher Waller, ủy viên Hội đồng Thống đốc của Fed và là một thành viên Ủy ban thị trường mở liên bang, cho rằng tỷ lệ lạm phát có thể sẽ neo ở mức trên 2% một thời gian nữa. Tuy nhiên, đây không phải là rủi ro và lạm phát về trung hạn sẽ dần giảm xuống mức mục tiêu 2%.
Sách Beige cũng cho thấy những sắc màu tương phản khác của bức tranh kinh tế Mỹ cuối năm 2024. Theo đó, thị trường lao động đang chứng kiến các cơn gió nghịch khi số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới tăng nhẹ trong tuần cuối cùng của tháng 11. Báo cáo công bố ngày 4/12 của Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã tăng thêm 9.000 đơn lên mức 224.000 tính trên phạm vi toàn quốc, cao hơn mức dự báo 215.000 đơn của giới phân tích, và tỷ lệ thất nghiệp có nguy cơ vượt ngưỡng 4%. Hoạt động tuyển dụng không chỉ chậm lại, mà doanh thu của nhiều công ty và thu nhập tiền lương của người lao động cũng “giậm chân tại chỗ”.
Ông Samuel Tombs, kinh tế gia trưởng tại tổ chức tài chính Pantheon Macroeconomics, đánh giá “số đơn xin trợ cấp đã cao tới mức đủ để đẩy tỷ lệ thất nghiệp gia tăng do tình hình tuyển dụng đang khá ảm đạm”. Một “nỗi ám ảnh” khác đang ghìm bước tiến của nền kinh tế Mỹ đó là “bóng ma” thuế quan. Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên bố sẽ tiến hành hàng loạt điều chỉnh thuế doanh nghiệp, thuế cá nhân và thuế nhập khẩu ngay khi ông nhận nhiệm sở ngày 20/1/2025 tới.
Viễn cảnh ấy gây lo ngại cho nhiều doanh nghiệp Mỹ. Theo số liệu của một số chi nhánh Fed, quý IV/2024 vừa chứng kiến tỷ lệ lạm phát tăng từ 3% lên mức 3,3%, và tỷ lệ này có thể còn tăng tiếp một khi các chính sách thuế quan mới gây biến động lớn cho nền kinh tế. Các chuyên gia bày tỏ quan ngại giá cả nhiều mặt hàng sẽ tăng khi chính quyền Tổng thống Trump áp các mức thuế mới, qua đó gây thêm áp lực cho túi tiền của người dân.
Trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng nhẹ song song với nhiều trở ngại như hiện nay, các thị trường và giới đầu tư kỳ vọng vào viễn cảnh Fed sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ vào cuối tháng này, với mức cắt giảm lãi suất là 0,25 điểm phần trăm. Trong bối cảnh lạm phát quay đầu tăng nhẹ, Fed cũng đối mặt với thách thức phải cân bằng giữa đường lối tăng trưởng kinh tế và ổn định giá cả.
Công cụ FedWatch của Sàn giao dịch Hàng hóa Chicago (CME), vốn được coi là “một hàn thử biểu” cho kỳ vọng của thị trường đối với chính sách lãi suất của Fed, cho thấy các thị trường tin (mức độ lên tới 77,5%) rằng Fed sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào cuối tháng 12.
Ấn phẩm Sách Beige đã phác họa bức tranh khá toàn cảnh về kinh tế Mỹ hiện nay. Dù còn không ít khó khăn, song nhìn chung các số liệu cho thấy triển vọng tích cực của nền kinh tế đầu tàu thế giới. Song Fed luôn hoạch định chính sách tiền tệ vì lợi ích chung của cả nền kinh tế Mỹ, chứ không phải chỉ dựa trên số liệu của 12 chi nhánh khu vực như phản ánh trong các ấn phẩm định kỳ của Sách Beige.
Do đó, còn quá sớm để đánh giá các thông tin kinh tế – thị trường trong Sách Beige tháng 11 sẽ ảnh hưởng nhiều tới việc định hình chính sách của Fed trong ngắn hạn hay tác động trực tiếp tới việc ngân hàng trung ương Mỹ tiến hành thêm đợt cắt giảm lãi suất thứ ba liên tiếp sau cuộc họp ngày 17 – 18/12 tới. Theo các chuyên gia, khi đưa ra quyết định lãi suất trong cuộc họp cuối cùng của năm 2024, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Fed sẽ gặp một số khó khăn.
Đó là sự chênh lệch ngày càng gia tăng giữa một bộ phận lớn của nền kinh tế đã trụ vững qua chiến dịch chống lạm phát của Fed và một phần quan trọng khác của bức tranh kinh tế không có được sự vững vàng như vậy. Các quan chức Fed trong các bài phát biểu gần đây tin rằng chi phí vay vẫn còn quá cao, tác động tới những người có thu nhập thấp, điều đó có nghĩa là Fed có thể sẽ thực hiện thêm một vài lần cắt giảm lãi suất để giảm bớt sự kìm kẹp đối với nền kinh tế.
Chiến lược đầu tư dài hạn hậu bầu cử Mỹ: Cơ hội và thách thức
Sự hưng phấn ban đầu của thị trường chứng khoán trước chiến thắng của ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đã lắng xuống.
Các container hàng hóa tại cảng Long Beach, bang California, Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Đây là lúc nhà đầu tư phải phân tích kỹ lưỡng tác động dài hạn từ các chính sách tiềm năng của ông Trump. Mặc dù phản ứng ban đầu của thị trường cho thấy sự lạc quan về các chính sách ủng hộ mở rộng và tăng trưởng kinh tế, nhưng những phân tích sâu hơn cho thấy một bức tranh phức tạp, đòi hỏi nhà đầu tư phải linh hoạt và thận trọng khi đưa ra những quyết định.
Những được, mất từ chính sách thuế và thương mại
Những lời hứa trong chiến dịch tranh cử của ông Trump tập trung vào hai vấn đề chính: Cắt giảm thuế doanh nghiệp từ 21% xuống 15% cho các nhà sản xuất tại Mỹ và áp đặt thuế quan mới đối với hàng nhập khẩu.
Theo ông Dan Coatsworth, nhà phân tích đầu tư tại nền tảng đầu tư trực tuyến AJ Bell, việc cắt giảm thuế có khả năng thúc đẩy lợi nhuận sau thuế, từ đó khuyến khích doanh nghiệp tái đầu tư, mua lại cổ phần và chi trả cổ tức. Những điều này sẽ góp phần đẩy giá cổ phiếu lên cao hơn và kích thích tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, đề xuất áp thuế, có thể lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và 20% đối với các nước khác, đặt ra những rủi ro lạm phát đáng kể.
Mặc dù ông Trump cam kết sẽ kiểm soát được lạm phát, nhưng giới quan sát vẫn còn nhiều lo ngại. Sau khi đạt đỉnh 9,1% vào năm 2022, lạm phát tại Mỹ đang giảm dần và tiến gần mục tiêu 2% do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đề ra. Tuy nhiên, 16 nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel đã cảnh báo vào tháng 6/2024, rằng các đề xuất của ông Trump có thể đẩy lạm phát tăng cao trở lại.
Ông Coatsworth cũng bày tỏ lo ngại này. Theo ông, việc tăng thuế quan đồng nghĩa tăng giá bán đáng kể cho người tiêu dùng, dẫn đến giảm nhu cầu và gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, một cam kết khác của ông Trump về siết chặt quản lý hoạt động nhập cư có thể buộc doanh nghiệp Mỹ phải chi nhiều hơn cho việc trả lương. Điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động, đẩy lương lên cao và góp phần làm tăng áp lực lạm phát.
Tác động từ các chính sách của ông Trump đến lạm phát có thể ảnh hưởng đến chiến lược lãi suất của Fed. Nhiều khả năng, ngân hàng trung ương này sẽ giữ lãi suất chủ chốt ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.
Mặc dù việc Fed cắt giảm lãi suất trong ngắn hạn vẫn có thể xảy ra, ông Coatsworth cho rằng Fed có thể không cắt giảm mạnh tay như kỳ vọng, nếu lạm phát tăng mạnh dưới thời Tổng thống đắc cử Trump. Theo ông, kịch bản này "trái ngược với những gì thị trường chứng khoán đã dự đoán" và nó có thể gây ra sự đảo ngược xu hướng tăng trên thị trường chứng khoán Mỹ nếu có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Fed đang thay đổi hướng đi.
Ngược lại, ở châu Âu, các chính sách bảo hộ của Mỹ có thể thúc đẩy Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đẩy nhanh việc cắt giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, các đề xuất thuế quan của ông Trump đặt ra mối đe dọa đặc biệt đối với các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu hoặc quỹ của Trung Quốc. Ông Coatsworth chỉ ra nhiều công ty Trung Quốc đã kiếm được nhiều tiền từ việc bán hàng hóa sang Mỹ và giờ đây họ phải đối mặt với viễn cảnh lợi nhuận giảm do thuế quan tăng. Châu Âu cũng có thể chịu tác động tiêu cực từ thuế quan của Mỹ.
Nhà phân tích của AJ Bell cảnh báo rằng leo thang căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hoặc Liên minh châu Âu (EU) có thể gây ra biến động đáng kể trên thị trường tài sản.
Những ngành nào hưởng lợi từ chính sách của ông Trump?
Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Ngân hàng Goldman Sachs dự đoán chi tiêu quốc phòng ở châu Âu sẽ tăng trở lại dưới thời ông Trump và khiến EU tốn khoảng 0,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm. Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã tăng mạnh chi tiêu cho quốc phòng và ông được kỳ vọng sẽ tiếp tục hành động trong nhiệm kỳ mới, qua đó tạo điều kiện cho cổ phiếu quốc phòng của Mỹ tăng giá. Ngay sau thông thông tin ông Trump đắc cử, các cổ phiếu nhóm này như BAE Systems, Northrop Grumman và Booz Allen Hamilton, đều phản ứng rất tích cực.
Lập trường ủng hộ dầu mỏ của ông Trump, bao gồm cả những lời hứa về việc tăng cường khoan dầu trên đất liên bang và cấp thêm giấy phép xuất khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG), đã thúc đẩy hoạt động giao dịch cổ phiếu của Chevron và ExxonMobil. Việc nới lỏng quy định có thể thúc đẩy hơn nữa ngành dầu mỏ tại Mỹ.
Ngành ngân hàng cũng được dự đoán sẽ hưởng lợi đáng kể từ một số chính sách dưới thời ông Trump. Lãi suất cao hơn, nền kinh tế nhận được kích thích và khả năng nới lỏng các quy định nghiêm ngặt dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể tạo ra môi trường thuận lợi cho các ngân hàng.
Thị trường tiền điện tử cũng sẽ nằm trong nhóm hưởng lợi. Sau khi đã tăng vọt vào ngày bầu cử 5/11, đồng bitcoin có thể hưởng lợi dài hạn hơn từ tham vọng biến nước Mỹ thành "thủ đô tiền điện tử của hành tinh" do ông Trump nêu ra. Khả năng nới lỏng quy định đối với tài sản kỹ thuật số có thể thúc đẩy hơn nữa sự quan tâm đến tiền điện tử.
Nhìn chung, bức tranh đầu tư dài hạn trong nhiệm kỳ mới của Tổng thống Trump mang đến cả cơ hội và rủi ro. Mặc dù cắt giảm thuế và bãi bỏ quy định có thể kích thích một số ngành nhất định, nhưng mối đe dọa của chiến tranh thương mại và áp lực lạm phát đòi hỏi sự cân nhắc cẩn thận. Các nhà đầu tư nên theo dõi sát sao những diễn biến chính sách, đặc biệt là về thương mại và quy định để điều chỉnh chiến lược cho phù hợp.
Kinh tế Mỹ tăng trưởng ổn định trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Ngày 30/10, Bộ Thương mại Mỹ công bố số liệu cho thấy nền kinh tế đầu tàu thế giới tiếp tục tăng trưởng ổn định trong quý III/2024 nhờ tiêu dùng và chi tiêu của chính phủ. Báo cáo công bố trong bối cảnh các vấn đề kinh tế vẫn là mối quan tâm hàng đầu của các cử tri Mỹ trước thềm...