Những quý ông ở tù tại gia
Có nhiều bà vợ vì sợ mất chồng đã vô tình đẩy chồng mình vào chỗ mất tự do tựa như ở “tù” tại gia.
Suốt 10 năm qua, mỗi ngày của anh bắt đầu bằng câu hỏi ngọt ngào của em khi tiễn anh đi làm “Trưa nay anh có về ăn cơm không?” và mỗi lần nghe anh nói “không” vì một lý do nào đó là em sa sầm mặt “trầm tư”. Khổ nỗi, anh biết em mong em về chẳng phải vì lo lắng cho anh mà vì em ngại cái cảnh “cơm trưa văn phòng cùng đồng nghiệp nữ” của mấy ông công chức, mặc dù anh chỉ là một “nhân viên quèn” luôn phải chạy ra ngoài do công việc sếp giao.
Không cần biết anh đang ở đâu dù quận 3, quận 7, Nhà Bè hay Thủ Đức, anh đều phải về ăn trưa. Có những lần phải tiếp khách, anh gọi điện “Trưa nay anh bận tiếp khách, không về được”, em vặn vẹo đủ điều “ăn ở đâu với người nào và cuối cùng “triệt buộc” bằng câu: “Anh tranh thủ rồi về nghỉ trưa cho khoẻ”, khiến anh khóc cười chẳng được.
Giữa giờ làm việc, em gọi điện cho anh với 1.001 lý do. Có khi đang nói, em im bặt để lắng nghe những tiếng động xung quanh, để rồi cuộc thăm hỏi biến thành cuộc phỏng vấn khó chịu nào là “Anh đang ở đâu phải không? Sao có tiếng gì kỳ thế?”. Cuối giờ làm việc chỉ cần kim đồng hồ quá mươi phút là em lại nhắn tin loạn xạ “Chừng nào anh về, anh đi tới đâu rồi?”.
Cuối tháng lĩnh lương anh đưa hết tiền cho em. Bao giờ em cũng ý tứ đút vào ví anh mấy trăm để tiêu vặt. Thế nhưng với món tiền này, anh cũng chẳng được tự do xử lý, bởi tối tối mượn cớ lấy đồ giặt, em lại liếc qua xem nó còn bao nhiêu. Nếu anh lỡ quên khoản chi tiêu nào đó, thì em “buồn thấy rõ” cho đến khi anh nhớ lại cụ thể từng chi tiết thì em mới thủ thỉ “Anh tiêu tiền em không tiếc, chỉ sợ anh sơ sẩy đâu đó thì tiếc công lao động của mình”.
Túi đi làm của anh, dăm ba hôm em lại kiếm cớ đọc từng tờ giấy, còn điện thoại di động thì khó thoát số nào mà em cho là “mới lạ” và bí mật kiểm tra. Nếu điện thoại của anh đổ chuông lúc anh ở nhà, anh phải để cho em đi lấy, nhân tiện liếc xem số gọi đến. Khi trả lời anh phải nói to để em còn nghe và nghe xong có khi em bình phẩm: “Sao hôm nay anh nói chuyện không tự nhiên, có gì phải không?”. Buổi tối khi cần, anh im lặng khoảng 15 đến 20 phút, em đã hỏi: “Anh đang nghĩ gì mà không kể em nghe”. Trời ạ, đến cả ý nghĩ của anh em cũng muốn kiểm soát.
Anh vẫn biết lúc nào em cũng lo lắng nên anh cố gắng rõ ràng mọi chuyện cho em yên tâm, đi đâu hay làm gì cũng thông báo, bởi anh nghĩ rằng chỉ cần một thời gian rồi em sẽ tin anh mà giảm dần sự nghi kỵ. Thế nhưng, việc làm này hình như đã có tác dụng ngược. Hễ có gì thay đổi dù chỉ là chút ít trong nếp sinh hoạt hàng ngày là em nghi ngờ “mọi lần đâu có vậy”. Anh phản ứng thì em lý luận: “Thời buổi này cạm bẫy đầy rẫy, chẳng “phở” với đồng nghiệp thì cũng bồ bịch với người khác. Em thương anh nên mới lo như vậy, chứ nếu không thì anh làm gì mặc anh”. Rồi em hờn dỗi, nước mắt như mưa.
Có bao giờ em nghĩ, chuỵên gì cũng có giới hạn và “già néo đứt dây”. Em có biết rằng càng ngày anh càng cảm thấy ngột ngạt khó thở, mất hết tự do. Anh làm gì cũng ngại, cũng dè chừng bởi không biết em sẽ suy đoán những gì? Hành động ra sao?… Anh biết em nghĩ rằng, cần phải “giữ chồng” để “giữ hạnh phúc”, nhưng em có nghĩ giữ thế thì “càng giữ càng mất”. Em có nghĩ anh có thể bị tổn thương, bị xúc phạm hay không? Tình trạng ngoại giao của anh xấu dần, người thì chọc ghẹo, người thì tránh mặt vì sợ “cái giàn thiên lý” nó đổ lây vào người.
Video đang HOT
Đàn ông khi đã quyết định lấy vợ thường sợ nhất là mất tự do. Em đừng làm cho anh có cảm giác rằng mình đang bị giam lỏng ngay chính trong ngôi nhà của mình – nơi mà lẽ ra anh phải cảm thấy tự do và an toàn nhất sau những giờ phút bon chen ngoài xã hội. Hãy níu giữ anh bằng cách khác, để anh quên đi việc “vượt ngục” một khi sự khao khát tự do nơi anh ngày một lớn dần theo năm tháng…
Theo VNE
Màn kịch đê hèn của người đàn ông bội bạc
Mọi thứ đã quá rõ ràng. Nước mắt tôi cạn khô tới mức không thể khóc được nữa.
Tôi mải miết chạy theo một bóng người giữa con phố đông xô bồ. Bóng dáng tưởng như tôi có thể quên vĩnh viễn. Nhưng không. Vóc người hơi gầy, dong dỏng cao trong chiếc áo màu trứng sáo vội vã hòa vào đám đông chen lấn. Rồi mất hút trong ánh đèn đường nhập nhoạng của điểm lên đèn. Nước mắt tôi chan hòa, mặn chát.
Kí ức không thể dễ dàng rũ bỏ như tôi hình dung. Đúng vậy. Tôi đã chạy trốn khỏi nó 5 năm nay, nhưng một gợn sóng nhỏ không định hình rõ nét của buổi chiều nay lại khiến lòng tôi xáo trộn. Tôi tự hỏi, liệu có phải anh vẫn còn sống hay chỉ là ảo giác của một người đàn bà quá nặng tình, luôn tìm cách chối bỏ sự thật phũ phàng của 6 năm trước đọng lại?
6 năm trước tôi và anh yêu nhau. Một tình yêu nồng nàn và đầy lãng mạn. Khi đó, chúng tôi đều đang là sinh viên năm cuối của một trường Cao đẳng ở Hà Nội. Đều là mối tình đầu của nhau, Huân và tôi vô cùng hạnh phúc khi được sống trong cảm giác yêu đương thành thực. Chúng tôi đã bắt đầu nghĩ tới một tổ ấm hạnh phúc sau khi ra trường, cả hai ổn định công việc.
Nhưng, mọi thứ không hề suôn sẻ như dự định của chúng tôi. Bố mẹ anh chê gia đình nhà tôi nghèo. Trong khi ấy, họ đều cho rằng với một chàng trai khôi ngô, sáng láng như Huân, dư sức để chinh phục một người con gái xinh đẹp, có thân thế hơn tôi. Tủi phận đã đành, nhưng không chịu bỏ cuộc, tôi nhẫn nại, kiên trì chịu đựng những ánh nhìn khó chịu, những lời lẽ khó nọt tai của cha mẹ anh chỉ với ước ao được chung sống với Huân đến cuối cuộc đời.
Ban đầu, Huân cũng có cùng suy nghĩ với tôi. Anh đứng về phía tôi và cùng bảo vệ tình yêu của hai đứa. Nhưng sau ấy, như có điều gì đó thay đổi, Huân thường có những cuộc hẹn đột xuất hoặc thời gian của anh dành cho tôi bị co kéo bất ngờ. Huân lý giải do gia đình gọi về có việc gấp, hoặc công ty anh có cuộc họp đột ngột. Linh cảm của một người con gái mách bảo với tôi, Huân đang đổi thay.
Cũng giống như muôn vàn các cô gái si tình khác, dù láng máng cảm nhận được sự khác lạ của người yêu, nhưng tình yêu mù quáng và cuồng si luôn khiến họ thiếu tỉnh táo. Họ vẫn hi vọng người yêu của mình không xuy xuyển và tự ru vỗ trái tim run rẩy bằng muôn lời ngụy biện ngốc nghếch. Tôi cũng vậy. Có lẽ, lúc ấy, do không muốn làm tổn thương tôi, Huân đã nói dối. Anh bảo vẫn dành tình cảm cho tôi, nhưng mẹ anh bắn tiếng xa gần rằng con trai cưng của bà sắp cưới một người con gái nhà danh gia vọng tộc về làm dâu. Tôi buồn phiền lắm.
Sự phiền muộn càng tăng lên khi Huân báo tin công ty của anh cử anh vào Sài Gòn công tác dài hạn. Có lẽ hơn một năm. Thời gian xa cách và khoảng cách địa lý đối với các cặp đôi yêu nhau giống như một liều thuốc thử. Nếu giả tình yêu đủ mạnh, thời gian ấy chẳng có nghĩa lý gì, nhưng đối với mối tình chưa đủ son sắc, tự nó sẽ đi vào hồi kết. Trong buổi hẹn cuối trước ngày vào Sài Gòn, trước lúc chia tay, Huân kéo tôi vào lòng, thì thầm nói lẫn tiếng gió xào xạc. Nghe như tiếng "xin lỗi" thiết tha và buồn khổ.
Huân vào Sài Gòn và bặt vô âm tín. Chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc. Sài Gòn không quá cách trở với Hà Nội, khoảng cách chỉ là 2 tiếng máy bay, nhưng ngay cả địa chỉ cụ thể của anh ở Sài Gòn tôi cũng không hề hay biết. Tôi van vỉ mẹ anh thương tình cho tôi biết anh đang ở nơi nào giữa thành phố xa lạ ấy, bà lạnh lùng lắc đầu. Cái lắc đầu thờ ơ khiến mỗi khi nhắc lại tôi đều nổi da gà.
Không lâu sau đó, mẹ Huân tìm tới tôi với gương mặt rầu rĩ, thê lương không thể tưởng tượng. Bà khóc lóc trong đau khổ: "Thằng Huân nó chết rồi con ơi!". Giọng bà lạc đi, bà quỵ xuống dưới nền đất và nấc lên từng tiếng thê thiết. Tôi chết lặng. Những gì diễn ra trước mắt tôi là sự thật sao? Huân mới rời xa tôi được 9 tháng. Lẽ nào anh đã vĩnh viễn tuột khỏi vòng tay tôi rồi? Tôi van xin bà cho tôi vào dự đám tang của anh. Mẹ Huân buồn bã lắc đầu. Bà bảo mọi sự đều đã xong xuôi, Huân đã yên nghỉ trên thiên đường và bà mong tôi vượt qua nỗi buồn và kiếm tìm được hạnh phúc mới. Không lâu sau đó, tôi nghe tin cả gia đình anh chuyển vào Sài Gòn sinh sống, mẹ Huân và những người thân thuộc của anh, lặng lẽ bước ra khỏi cuộc đời tôi.
Tình yêu đầu trong trẻo, đầy ắp kỉ niệm và hứa hẹn một tương lai ngọt ngào cuối cùng đi tới một kết quả thê lương. Tôi nhận quyết định của công ty, sang Mỹ tu nghiệp 5 năm. Cả nhà tôi ngăn cản, nhưng chỉ có thời gian và khoảng cách mới có thể xoa dịu vết thương lòng đau đớn của tôi lúc này. Tôi lao vào học tập, nghiên cứu. Những tháng ngày đầu thật khó khăn ở nơi đất khách, rất may có một người bạn luôn ở bên động viên, sát cánh cùng tôi.
Sau hơn 3 năm bền bỉ, nhẫn nại ở bên cạnh, cuối cùng tôi đã chấp thuận lời cầu hôn của anh ấy. Anh biết tất cả về quá khứ của tôi, cả những nỗi đau không dễ liền miệng và những háo hức trong tình yêu đầu. Và anh tôn trọng góc riêng tư đó của tôi.
Trở về Hà Nội, đi tới bất cứ nơi đâu cũng chạm tới nỗi nhớ và kỷ niệm. Chồng tôi muốn tôi và anh ấy cùng vào Sài Gòn sinh sống. "Thuyền theo lái...", tôi gật đầu đồng ý. Nhịp sống gấp gáp, hối hả của Sài Gòn dường như làm tôi không có thời gian để nhớ, để hoài niệm với mảng màu kí ức. Và lạ lùng, tôi cảm thấy Sài Gòn thân thuộc, như thể lẫn khuất đâu đó tôi cảm nhận được hơi ấm của Huân vẫn tỏa đâu đây.
Tôi mỉm cười, có lẽ đó là kết cục đẹp sau những sóng gió, toan tính và lừa gạt tôi suốt thời gian qua... (Ảnh minh họa)
Cuộc sống túc tắc, bình thản trôi đi cho tới một buổi chiều muộn, tôi bắt gặp một bóng dáng quen thuộc trên con đường xào xạc lá. Tôi mải miết chạy theo cho tới khi bóng người ấy biến mất, chỉ còn lại chút dư ảo mơ màng. Tôi nín thở. Nếu là ai khác, tôi có thể nhầm lẫn, nhưng cái bóng ấy là Huân, là người con trai tôi yêu suốt ngần ấy năm, dễ xáo trộn. Trở về nhà trong trạng thái của một người mất hồn, tôi ngơ ngẩn, lơ đãng trước mọi câu hỏi của chồng tôi. Trong nhà tắm hôm đó, tôi đã xả nước thật mạnh để lấn át tiếng khóc nức nở bấy lâu kìm nén.
Những ngày sau đó, tôi tiếp tục lang thang trên con đường quen thuộc sau giờ tan tầm cho tới khi tối mịt mới chịu về nhà. Tôi muốn biết đích xác, hình ảnh kia chỉ là ảo giác hay là Huân của tôi vẫn còn sống. Dẫu biết rằng một người đàn bà đã có gia đình yên ấm, hạnh phúc vẫn nặng lòng với người xưa là điều hoàn toàn không nên, nhưng tôi không muốn có lỗi với cảm xúc của chính mình. Hơn cả, tôi đã kể lại tất cả cho chồng tôi nghe và anh ấy tôn trọng kí ức của tôi.
"Huân!". Giọng ghẹn đục của tôi cất khỏi cuống họng chìm nghỉm giữa tiếng còi xe ồn ã. Bóng người ấy lướt nhanh về phía cuối ngõ. Tôi vội vã chạy theo. Đúng là Huân vẫn còn sống. Bóng một người phụ nữ chậm chạp ra mở cửa. Đó chính là mẹ Huân. Tôi chết lặng đầu ngõ, không dám tin vào đó là sự thật. Hóa ra, tất cả chỉ là vở kịch do anh và gia đình anh dàn dựng để lừa gạt tôi. Họ không chấp nhận một người con gái nghèo khó, chẳng có bất cứ chút tài sản nào trong tay, ngoài lòng nghị lực và tình yêu dành cho con trai họ.
Mà những thứ ấy liệu có thể mài ra để ăn? Những giọt nước mắt của mẹ anh hôm nào, rặt một màu giả dối. Tin anh tai nạn giao thông và vĩnh viễn rời khỏi cuộc đời cũng nằm trong một phần kịch bản xuất sắc của gia đình họ. Và người con gái anh chọn làm vợ kia, chính là con gái yêu của Giám đốc công ty nơi anh làm việc. Nhưng những toan tính của mẹ con Huân không thành. Huân lấy vợ chưa được một năm thì hai người họ ly hôn.
Mọi thứ đã quá rõ ràng. Nước mắt tôi cạn khô tới mức không thể khóc được nữa. Tiếng chó sủa váng phá vỡ không gian im lặng, cả nhà anh nhìn ra ngoài sân, tôi đang đứng lừng lững giữa cổng và chưa kịp quay bước bỏ đi. Tôi nhìn thấy phút giây chết lặng sững sờ trên gương mặt mẹ Huân và Huân. Toan bỏ đi, nhưng những khổ đau của 5 - 6 năm qua tích tụ đòi quyền được lên tiếng, tôi mỉm cười bước tới chào gia đình Huân. Huân lắp bắp không nên lời: "Anh sợ làm em tổn thương".
Tôi gục đầu vào vai chồng và nức nở. Vậy mà 5 - 6 năm nay tôi khóc cho một mối tình lừa dối, khóc cho một người đàn ông bội bạc và hèn hạ. Tại sao anh ta cùng gia đình nhẫn tâm lừa gạt tôi, để tôi ôm một nỗi đau câm lặng hàng bao nhiêu năm trời? Vì tôi nghèo? Cô gái kia quá giàu có hay chăng? Và kết cục, cuộc đời Huân đâu có sung sướng gì.
Chồng tôi rủ rỉ, anh kể, mấy hôm đi ngang qua nhà Huân, anh nghe hàng xóm phong thanh kể mẹ Huân bị ốm nặng, phải nằm viện. Lúc thế này mới biết có con dâu hay con gái tốt biết nhường nào. Tôi vờ như không nghe thấy, nhưng trong lòng tôi nóng như lửa đốt. Chồng tôi động viên tôi qua thăm mẹ Huân. Anh bảo, nếu có thể thứ tha, hãy gạt mọi nỗi buồn đau vào quên lãng. Tôi cùng chồng tôi tới bệnh viện thăm mẹ Huân. Huân ngủ gục trên chiếc ghế sofa góc phòng, rệu rã, mệt mỏi sau nhiều đêm dài thức trắng.
Nhìn những giọt nước mắt trên đôi mắt rạn chân chim của mẹ Huân, tôi vội vã quay đi, lén lau vội những giọt nước mắt đang trào xuống. Rốt cuộc, ai hạnh phúc, ai bất hạnh không cần phải bàn luận nữa. Những chuyện đau lòng cũng nên khép lại sau cánh cửa kí ức. Tôi không trách Huân, không trách mẹ anh nữa. Biết đâu, nhờ vậy mà tôi gặp được người đàn ông tuyệt vời cho cuộc đời mình.
Thi thoảng tôi và chồng tôi tới nhà thăm mẹ con Huân. Bà cầu xin sự tha thứ từ tôi và xin được coi tôi như con gái. Tôi mỉm cười, có lẽ đó là kết cục đẹp sau những sóng gió, toan tính và lừa gạt tôi suốt thời gian qua. Tôi thôi day dứt về mối tình đầu. Hiện, chúng tôi là những người bạn tốt. Bấy nhiêu khiến tôi đủ hài lòng và có thể thanh thản sống giữa mảnh đất náo nhiệt này.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Tôi có bầu khi chồng đưa vợ mới đi khám thai "Hiếm muộn gì nó, vô sinh chắc rồi" - Mỗi khi nghe mẹ chồng nói câu đó, trái tim tôi như bị dao cắt. Tôi không dám "bật" lại bởi sự thật tôi đã chữa hiếm muộn 6 năm mà vẫn chưa có con. Tôi lấy chồng từ năm 18 tuổi, ban đầu hai vợ chồng nghĩ còn trẻ nên chưa có kế...