Những quy định gây tranh cãi bị ‘tuýt còi’
Cấm ghi hình cảnh sát giao thông, phạt ôtô cá nhân không có bình cứu hỏa hay cảnh sát được trưng dụng phương tiện trên đường… là những quy định gây nghi ngại về tính khả thi.
CSGT được trưng dụng phương tiện trên đường
Giữa tháng 2/2016, Thông tư 01/2016 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ có hiệu lực. Theo đó, cảnh sát được phép trưng dụng bất kỳ phương tiện nào thậm chí cả điện thoại của người tham gia giao thông để chặn tội phạm hình sự, đưa người đi cấp cứu…
Đại diện Cục CSGT cho rằng quy định không có gì mới, nhưng người dân thì không khỏi lo lắng. Nhiều chuyên gia, luật sư phân tích quy định này trái với luật Trưng mua, trưng dụng 2008 và vượt thẩm quyền.
Cục CSGT sau đó ban hành văn bản giải thích, “lực lượng cảnh sát chỉ được trưng dụng phương tiện khi có sự đồng ý của Bộ trưởng Công an, ngoài ra chỉ được huy động để đưa người dân đi cấp cứu, truy bắt tội phạm”.
Xử phạt ôtô dưới 9 chỗ không có bình cứu hỏa
Tháng 1/2016, Thông tư 57 của Bộ Công an có hiệu lực. Thông tư này quy định với ôtô từ 4 chỗ trở lên, rơmoóc, xe chở khách… phải được trang bị bình cứu hoả, nếu không chủ phương tiện sẽ bị phạt đến 500.000 đồng.
Mục đích của thông tư, theo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Bộ Công an là giúp người dân nhận thức rõ, tự trang bị để phòng tránh tổn thất lớn khi cháy nổ. Tuy nhiên, với đặc thù khí hậu Việt Nam, một số bình cứu hỏa mini để trong xe đã phát nổ. Bên cạnh đó, nhiều hãng xe không thiết kế nơi để bình cứu hỏa gây khó khăn…
Trước những tranh cãi và phản ứng trái chiều, Bộ Công an đã chỉ đạo Cảnh sát giao thông không dừng phương tiện để kiểm tra bình cứu hỏa. Đến nay, việc xử phạt chưa được áp dụng với lỗi này.
Thu phí bảo trì đường bộ với xe máy
Năm 2013, quy định của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ với xe máy có hiệu lực. Các loại xe đến 100 cm3 phải đóng phí bảo trì đường bộ 50.000 đồng/năm; xe trên 100 cm3 đóng 100.000 đồng/năm.
Video đang HOT
Từ 1/1/2016 dừng thu phí bảo trì đường bộ với xe máy trên toàn quốc. Ảnh: Phương Sơn.
Bất cập lộ rõ sau một năm triển khai khi mỗi địa phương có một mức phí khác nhau, nơi thu, nơi không thu dẫn đến sự không công bằng. Trong khi đó chế tài xử phạt người không nộp phí lại chưa khả thi. Việc phí chồng phí tiếp tục là chủ đề gây bất bình.
Trước thực trạng này, sáng 30/9/2015 các thành viên Chính phủ đã nhất trí dừng thu phí bảo trì đường bộ trên cả nước từ 1/1/2016.
Phạt người đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn
Cùng năm 2013, liên bộ Khoa học Công nghệ, Công thương, Công an và Giao thông ký thông tư liên tịch số 06/2013 về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe máy, xe đạp máy, xe máy.
Cụ thể, với những người đội mũ bảo hiểm không có cấu tạo đủ ba bộ phận: vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo; có kiểu dáng đáp ứng yêu cầu quy định và đã được chứng nhận hợp quy sẽ bị xử phạt 200.000 đồng.
Quy định này lập tức bị người dân phản đối. Phó chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông quốc gia sau đó lên tiếng việc đội mũ không đủ tiêu chuẩn chỉ bị nhắc nhở. Đại diện Bộ Công an nói thêm, không có chỉ đạo nào liên quan xử phạt người đội mũ bảo hiểm sai quy chuẩn và nhấn mạnh đây chỉ là “hiểu nhầm của dư luận”.
Cấm quay phim, chụp ảnh CSGT
Tháng 4/2013, Cục Cảnh sát giao thông ra văn bản cấm người dân ghi hình lực lượng CSGT làm nhiệm vụ nhằm mục đích “ngăn chặn tình trạng giả danh phóng viên báo đài, chửi bới, lăng mạ và chống đối lực lượng chức năng”.
Văn bản vừa ban hành làm dấy lên tranh cãi. Phần lớn người dân cho rằng đây là quy định trái luật. Theo luật sư, việc phải xin phép trước khi chụp ảnh cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ là bất hợp lý vì vi phạm quyền của công dân và hạn chế trong việc phát hiện tiêu cực.
Văn bản cấm ghi hình cảnh sát làm nhiệm vụ trên đường của Cục Cảnh sát giao thông bị dừng ngay sau khi ban hành. Ảnh minh họa. Phương Sơn.
Gần nửa tháng sau, Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) vào cuộc kiểm tra và kết luận văn bản này có nhiều điểm không đúng quy định của pháp luật và vượt quá thẩm quyền. Bị Bộ Tư Pháp “tuýt còi”, Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ – đường sắt đã huỷ quy định này.
Sơn Dương
Theo VNE
Phải làm gì khi gặp tai nạn giao thông?
Nếu gặp tai nạn giao thông trên đường, bạn phải làm gì? Nếu bỏ mặc, không cứu giúp người bị nạn có bị truy cứu trách nhiệm gì không?
Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản. Điều đáng nói là thái độ, cách ứng xử của những người tham gia giao thông khi gặp vụ tai nạn giao thông còn lảng tránh, ngại liên quan. Dư luận lên tiếng về thái độ bàng quan trong cách ứng xử của những người đi đường khi thấy người bị nạn mà không cứu giúp. Những hành vi bỏ mặc, không cứu giúp người bị nạn không chỉ thể hiện sự vô trách nhiệm của người đi đường biết việc, mà còn do thiếu hiểu biết pháp luật.
Trên thực tế, pháp luật đã có những quy định cụ thể về việc người điều khiển phương tiện giao thông và những người liên quan cần làm gì khi có sự cố về giao thông trên đường.
Theo đó, Điều 3, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định rõ về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông. Trong đó, người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm: Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu; Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất; Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.
Đối với những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm: Bảo vệ hiện trường; Giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn; Báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất; Bảo vệ tài sản của người bị nạn; Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu. Các xe được quyền ưu tiên, xe chở người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự không bắt buộc thực hiện quy định tại khoản này.
Tại Điều 8, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong đó nghiêm cấm hành vi: "Khi có điều kiện mà cố ý không cứu giúp người bị tai nạn giao thông".
Bên cạnh việc tuyên truyền cho người dân tự giác chấp hành quy định của pháp luật, pháp luật cũng quy định những chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi không cứu giúp người bị tai nạn giao thông:
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm: Không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu. (Điểm đ, khoản 3, Điều 11, Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt).
Ảnh minh họa.
Việc không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng khi có đủ các dấu hiệu thỏa mãn sẽ cấu thành tội phạm: Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. (Điều 102 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009): Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Phạt tù từ một năm đến năm năm đối với các chủ thể đặc biệt: người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm; người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Tuy nhiên trong thực tế, việc xử lý người phạm tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng còn nhiều khó khăn bởi lẽ phải xem xét cẩn trọng các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi không cứu giúp và hậu quả chết người. Người có hành động không cứu giúp người khác trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng phải nhận thức được tình trạng nguy hiểm của nạn nhân thì mới phạm tội này. Nếu người đó nhận thức nạn nhân chưa phải trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng hoặc hoàn cảnh khách quan thể hiện điều đó nhưng hậu quả nạn nhân vẫn chết thì không phạm tội.
Nhật Lâm
Theo_VnMedia