Những quốc gia châu Âu sẽ đón khách du lịch ngay trong mùa Hè này
Mỗi quốc gia châu Âu đều đang theo đuổi biện pháp kết thúc phong toả và mở cửa lại biên giới có chút khác nhau, nhưng đều chung mục tiêu là đón khách du lịch quay trở lại ngay trong mùa Hè này.
Người dân chơi đùa trên bãi biển tại Ladispoli, gần Rome, Italy ngày 24/5/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Đức
Một số cửa khẩu biên giới giữa Đức với các nước láng giềng Áo, Thụy Sĩ và Pháp đã bắt đầu mở cửa từ ngày 16/5 trong các điều kiện kiểm soát chặt chẽ, và kể từ 15/6, đường biên giới sẽ được mở cửa hoàn toàn, các lệnh hạn chế du lịch trong Liên minh châu Âu (EU) được dỡ bỏ.
Cùng ngày 15/6, Đức cũng dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt với Luxembourg và đạt thoả thuận tương tự với Đan Mạch, dù thời điểm chưa được công bố.
Một đề xuất chính thức của Chính phủ Đức về mở lại biên giới trước ngày 15/6, được gọi là “Tiêu chí kích hoạt du lịch nội Âu” dự kiến được quyết định trong ngày 27/5. “Phục hồi du lịch rất quan trọng đối với cả du khách và ngành du lịch Đức, cũng như sự ổn định kinh tế của các quốc gia”, đề xuất viết.
Xe chở hàng nối đuôi nhau qua biên giới Đức khi mở cửa trở lại. Ảnh: DW
Áo
Vienna cũng tuyên bố ngày 15/6 sẽ chính thức mở cửa lại biên giới liên EU, mặc dù hiện tại nước này đã mở lại hai cửa khẩu với Hungary từ ngày 13/5. Một số cửa khẩu với Đức cũng đã được mở từ ngày 15/5, mà một lý do là du lịch vùng núi của Áo phụ thuộc rất nhiều vào du khách Đức.
Vienna hy vọng sẽ sớm có thỏa thuận tương tự với Thụy Sĩ và các nước láng giềng phía Đông khác.
Pháp
Những người đến Pháp từ khu vực biên giới mở Schengen, bao gồm Thụy Sĩ, sẽ được miễn cách ly. Tuy nhiên các đường biên giới Pháp chủ yếu vẫn đóng cửa cho đến ngày 15/6, với một số ngoại lệ dành cho những người cần phải ra vào thường xuyên để làm việc.
Người dân xếp hàng bên ngoài một hiệu bánh ở Paris, Pháp ngày 22/5/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Pháp đã ký một thỏa thuận với Anh để cho phép qua lại mà không cần cách ly 14 ngày. Đây được xem là một biện pháp kinh tế thiết yếu do lưu lượng lớn xe giao hàng qua lại giữa hai nước.
Italy
Video đang HOT
Mặc dù Italy, nơi đại dịch bùng phát nghiêm trọng đầu tiên ở châu Âu, chưa bao giờ ra lệnh đóng cửa biên giới về mặt kỹ thuật, nhưng các biện pháp nghiêm ngặt áp dụng tại các sân bay và lệnh đóng cửa biên giới của các quốc gia láng giềng, trên thực tế đã cắt đứt hoạt động đi lại quốc tế của nước này.
Tuy vậy, từ ngày 3/6, công dân các nước EU sẽ được phép trở lại Italy. Các hạn chế về du lịch liên khu vực cũng được dỡ bỏ vào đầu tháng 6.
Người dân được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào một cửa hàng ở Rome, Italy ngày 18/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio hôm 26/5 đã kêu gọi tái khởi động du lịch châu Âu vào giữa tháng 6, đề cập đến ngày biên giới mở cửa trở lại là “D-Day mới”. “Hãy phối hợp cùng nhau để ngày 15/6 châu Âu có thể bắt đầu lại. Ngày 15/6 sẽ giống như D-Day du lịch của châu Âu vậy”, ông Di Maio nói trên truyền hình.
Du lịch là một thành tố then chốt của nền kinh tế Italy. Trong hoàn cảnh bình thường, đây là quốc gia đón nhiều khách du lịch thứ năm trên thế giới. Du lịch chiếm 10% GDP và tạo 5% việc làm tại Italy.
Cũng phụ thuộc rất nhiều vào khách du lịch nước ngoài, Tây Ban Nha đã mở lại biên giới nhưng áp đặt quy định cách ly bắt buộc 14 ngày với bất kỳ ai đến nước này.
Tây Ban Nha kêu gọi du khách quốc tế trở lại vào tháng 7. Ảnh: DW
Tuy nhiên, Tây Ban Nha tuyên bố sẽ dỡ bỏ quy định này kể từ tháng 7, với việc Ngoại trưởng Tây Ban Nha tung dòng tweet kêu gọi du khách nước ngoài trở lại Tây Ban Nha.
“Điều tồi tệ nhất đã ở phía sau chúng ta. Trong tháng 7, chúng tôi sẽ dần mở cửa đón du khách quốc tế, dỡ bỏ cách ly và đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn sức khỏe cao nhất. Chúng tôi mong được chào đón các bạn”, Ngoại trưởng Arancha Gonzalez Laya viết.
Tây Ban Nha thu hút hơn 80 triệu du khách du mỗi năm, du lịch chiếm hơn 12% GDP.
Bồ Đào Nha
Là một điểm đến du lịch hàng đầu châu Âu, Bồ Đào Nha tuyên bố các bãi biển và khách sạn sẽ sẵn sàng chào đón khách du lịch vào giữa tháng 6. Tuy nhiên, nước này vẫn còn lo ngại xung quanh vấn đề kiểm tra những người nhập cảnh đã được xét nghiệm COVID-19 chưa, cũng như có nên duy trì biện pháp giãn cách xã hội tại các bãi biển hay không.
Việc hủy bỏ hoàn toàn mùa du lịch năm nay có thể khiến nền kinh tế Bồ Đào Nha sụt giảm tới 6%.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Barcelona, Tây Ban Nha ngày 2/5/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Na Uy
Mặc dù không phải là một quốc gia thành viên EU, Na Uy là thành viên của Khu vực kinh tế châu Âu và đã có các phản ứng với dịch COVID-19 song song với các nước châu Âu nói chung.
Kể từ ngày 13/5, khách du lịch từ các quốc gia EU (bao gồm Anh) cũng như Iceland và Liechtenstein đã được phép vào Na Uy để làm việc hoặc nếu có thành viên gia đình sống ở nước này. Quyết định của Oslo ít liên quan đến du lịch và tập trung hơn vào việc cho phép các lao động thời vụ vào Na Uy.
Ba Lan
Trong khi các quốc gia đang nới lỏng kiểm soát biên giới, Warsaw tuyên bố biên giới nước này sẽ đóng cửa nghiêm ngặt tới ngày 12/6.
Giống như nhiều quốc gia thành viên EU, Ba Lan đã không đưa ra một dấu hiệu nào cho thấy thời điểm khách du lịch quốc tế từ bên ngoài châu Âu có thể trở lại nước này.
Cảnh sát Bỉ kiểm tra tại khu vực biên giới với Pháp ở Quevy, ngày 19/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Iceland
Mặc dù cũng không phải là thành viên EU, Iceland nằm trong khu vực Schengen cho phép đi lại miễn thị thực và là một điểm đến được khách du lịch ưa thích.
Chính phủ Iceland đã thông báo rằng, giống như nhiều đối tác châu Âu khác, họ sẽ bắt đầu nới lỏng các hạn chế đối với du khách nước ngoài vào ngày 15/6. Tuy nhiên, những người nhập cảnh sẽ phải nộp chứng nhận xét nghiệm âm tính hoặc cách ly 14 ngày.
Croatia
Khách du lịch từ nước láng giềng Slovenia đã có thể đến Croatia vào đầu tháng 5 này, với lý do “các tình huống dịch tễ học của hai nước tương tự nhau.”
Du khách Đức, những người thường xuyên tới các hòn đảo trên biển Adriatic của Croatia sẽ được chào đón muộn nhất vào ngày 15/6 – theo Bộ trưởng Y tế Croatia Gari Cappelli. Ông hy vọng các thỏa thuận tương tự sẽ sớm được thực hiện với nhiều quốc gia EU khác.
Hy Lạp
Hy Lạp cho biết họ đặt mục tiêu mở cửa biên giới với khách du lịch châu Âu trước ngày 15/6, cùng với một số quốc gia EU khác. Tuy nhiên, ngày chính thức chưa được xác nhận.
Hy Lạp là quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm và tử vong do COVID-19 thấp nhất tại châu Âu nhờ áp đặt lệnh phong toả sớm và nghiêm ngặt. Nước này hiện đang “khoẻ mạnh” hơn so với các quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, chính phủ vẫn cảnh giác trước việc mở cửa lại biên giới.
Quán cà phê đã được mở cửa lại ở Hy Lạp. Ảnh: EPA
Slovenia
Mặc dù vẫn ghi nhận các ca lây nhiễm mới, chính phủ Slovenia đã tuyên bố chấm dứt đại dịch này và mở cửa biên giới với người dân EU kể từ ngày 15/5.
Công dân EU nhập cảnh vào Slovenia từ Hungary, Italy và Áo được miễn cách ly 7 ngày, trong khi hầu hết các công dân ngoài EU vẫn phải cách ly bắt buộc 14 ngày khi vào nước này.
Đại sứ quán Bỉ: Không có thay đổi thủ tục cấp visa Schengen với công dân Việt Nam
Lãnh sự Đại sứ quán Bỉ tại Hà Nội, ông Mark Neel, cho biết không có thay đổi gì trong thủ tục cấp visa (thị thực) Schengen với công dân Việt Nam.
Visa đi các nước thuộc không gian Schengen. (Ảnh minh họa: Fotolia)
Mạng xã hội Việt Nam xôn xao thông tin thị thực Schengen trở nên khó khăn hơn với người Việt sau thảm kịch 39 người chết tại Anh.
Trả lời phóng viên VTC News, ông Mark Neel, phụ trách lãnh sự Đại sứ quán Bỉ tại Hà Nội cho biết: "Dù có cảnh giác hơn với nhập cư, chúng tôi chưa có thay đổi gì trong các thủ tục (cấp thị thực Schengen) cũng như danh sách các yêu cầu với công dân Việt Nam."
"Quá trình này vẫn chưa có gì thay đổi. Chúng ta đừng quên rằng phần phần lớn các nạn nhân của nạn buôn bán người chưa từng xin cấp thị thực Schengen."
Khi được hỏi về quy định yêu cầu người xin thị thực của một nước trong nhóm Schengen phải được tất cả các nước còn lại phê duyệt hồ sơ, ông cho biết: "Từ nhiều năm qua, một số nước Schengen yêu cầu được tham vấn về các hồ sơ xin visa gửi đến các nước Schengen khác, đối với công dân một số nước. Quá trình tham vấn này hiện cũng được yêu cầu đối với công dân Việt Nam. Vì vậy quá trình xin thị thực có thể mất nhiều thời gian hơn."
Về những điều cần lưu ý khi xin thị thực Schengen, ông Mark Neel cho biết: "Các cán bộ thị thực là những người được đào tạo và rất có kinh nghiệm. Họ sẽ luôn thực hiện đánh giá nguy cơ và sẽ phát hiện ra nếu người xin visa có những mục đích khác với hồ sơ họ trình báo. Nếu bạn tuân thủ những gì được yêu cầu và không có gì để giấu, bạn sẽ ổn thôi."
Các nước thuộc không gian Schengen bao gồm: Đức, Áo, Bỉ, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Estonia, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Italy, Lettonia, Lituanie, Malta, Luxembourg, Na Uy, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Cộng Hòa Séc, Slovakia, Slovénia, Thụy Điển, Thụy Sĩ.
PHƯƠNG ANH
Theo vtc.vn
Vì sao nam giới dễ mắc Covid-19 hơn nữ giới? Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy cơ sở khoa học lý giải tại sao số trường hợp nhiễm bệnh và thiệt mạng do virus corona chủng mới ở nam giới cao hơn nữ giới. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 70% số người chết do virus corona chủng mới ở các nước Tây Âu (Anh, Đức, Pháp,...