Những quán hủ tiếu ngon nổi tiếng giữa lòng Sài Gòn
Hủ tiếu bò viên gốc Triều Châu, hủ tiếu mực giòn sần sật hay hủ tiếu ốc lạ miệng là những món ăn đã tạo được thương hiệu mà bạn nhất định phải thử khi đến Sài Gòn.
Hủ tiếu bò viên gốc Triều Châu
Nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3, TP.HCM), quán có tên là Trường Thạnh nhưng nhiều thực khách chỉ biết đến cái tên “hủ tiếu mì bò viên Triều Châu”, bởi đây là quán ăn có chủ là người gốc Triều Châu và nổi tiếng bởi món bò viên nhà làm cực ngon.
Được biết, quán hủ tiếu Trường Thạnh do một người đàn ông gốc Hoa tên Thái Minh Khôn mở bán khoảng 60 năm trước, khi ông cùng vợ con sang Việt Nam sinh sống và lập nghiệp. Sau đó, quán được truyền lại cho các thế hệ con cháu tiếp nối.
Bát hủ tiếu bò viên luôn hấp dẫn thực khách khi tới Sài Gòn. Ảnh: VNE
Theo chủ quán, muốn bò viên được ngon và đảm bảo vệ sinh thì phải lấy ngay bò vừa mới xẻ thịt còn nóng hổi và phải giã nát bằng tay chứ không bỏ vào máy xay chuyên dụng, như vậy thì viên bò khi chín mới dai giòn, gia vị được thấm đều.
Khi khách gọi món, chủ quán sẽ cho giá đỗ, một nắm sợi hủ tiếu, một vắt mì vào cái vá có đục lỗ để trụng qua nồi nước sôi, sau đó cho vào tô rồi nêm nếm gia vị bên trên. Nếu thực khách gọi hủ tiếu mì bò viên thì sẽ có ba viên bò khá to, gọi hủ tiếu mì thập cẩm thì chỉ có một viên bò nhưng lại kèm theo nhiều gân bò, lòng bò và lá sách.
Tiếp đến, chủ quán sẽ chan nước lèo được ninh từ xương ống bò vào tô, rắc thêm ngò gai, hành lá cắt khúc nhỏ và rau húng quế rồi mang ra cho khách thưởng thức. Bò viên và các thành phần của con bò sẽ được chấm kèm với một chén tương đen, đỏ và một ít ớt sa tế cay cay. Một trong những yếu tố điểm xuyết, giúp món hủ tiếu bò viên ở đây được lòng thực khách chính là những miếng cải thảo muối được rắc lên phía tên tô hủ tiếu.
Theo cảm nhận của nhiều thực khách đã từng ăn và “nghiện” hương vị của hủ tiếu mì bò viên nơi đây thì “bò viên phải nói là ngon tuyệt đỉnh, dai nhưng không hề cứng, mềm mềm, sần sật, cắn một phát là ngập răng và mùi bò thật sự rất thơm ngon”. Tuy nhiên, tô hủ tiếu mì ở đây có khá ít nên nếu người nào có sức ăn khỏe thì phải hai tô mới đủ no.
Hủ tiếu mực giòn sần sật
Với thực khách sành ăn ở Sài thành, nhiều người không lạ gì quán hủ tiếu mực ở một quán ăn trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận). Quán mở bán gần chục năm nay, rất đông khách, nhất là những người muốn đổi khẩu vị.
Hủ tiếu mực hấp dẫn với những miếng mực tươi ngon. Ảnh: I.T
Để chế biến món ăn này cần rất nhiều nguyên liệu để tạo nên một hương vị đặc trưng. Củ cải gọt vỏ, rửa sạch, thái khúc vừa ăn, mực tươi rửa sạch, thái miếng, sau đó cho vào chút rượu trắng, gừng, để trong khoảng 15 phút rồi trụng qua nước sôi cho chín tái. Mực khô rửa sạch, thái miếng. Ngoài các nguyên liệu chính ra, còn có thêm các loại rau như cần, hẹ. Hành, tỏi băm nhuyễn, xương heo chần nước sôi, ngâm nước đá để làm nguội, sau đó rửa lại cho thật sạch. Hủ tiếu muối dai sợi chần qua nước sôi rồi cho vào ngâm nước đá làm nguội, vớt ra để ráo. Thịt nạc rửa sạch, thái nhỏ rồi băm cho nhuyễn.
Một tô hủ tiếu đầy đủ có giá 57.000 đồng. Bạn sẽ thấy tô hủ tiếu được trình bày rất bắt mắt với mực, thịt viên, trứng cút và chút hành lá, giá trụng hoặc giá sống, rau tần ô, xà lách đi kèm. Những miếng mực tươi được xắt khoanh vừa ăn, có độ giòn. Nước lèo được nấu từ khô mực nên có vị ngọt và thơm.
Hủ tiếu ốc
Video đang HOT
Được nấu và thưởng thức cùng các loại sò ốc, hủ tiếu ốc được xem là một trong những biến thể của món hủ tiếu quen thuộc của người Sài Gòn.
Hủ tiếu ốc là món dễ ăn ở Sài Gòn nhất là những ngày nắng nóng. Ảnh: Zing
Khuyết điểm của món ăn là phải dùng ốc tươi để nấu, nếu không, nước lèo sẽ không có độ ngọt. Nước lèo của hủ tiếu ốc là hỗn hợp nước hầm xương và nước luộc ốc nên có vị ngọt nhẹ, thoảng hương sả dễ ăn. Các loài sò ốc đi kèm trong món ăn thuộc loại dễ chế biến, giá mềm, như nghêu, sò lông, sò lụa, ốc bươu. Bạn có thể ăn ở vực chợ Lê Hồng Phong, quận 10.
Gánh hủ tiếu sườn gần 3 thập kỷ
Một trong những gánh hủ tiếu nức tiếng ở Sài Gòn là nằm trên đường Nguyễn Thái Học, ngay phía trước cổng trường Minh Đức. Quán nổi tiếng với tô hủ tiếu sườn. Thực khách luôn bị ấn tượng về khúc sườn heo lớn bên trong tô cùng những miếng bò viên tròn xoe. Tô hủ tiếu ngút khói bưng ra với đầy ắp những nguyên liệu bên trong sẽ khiến bạn không khỏi xuýt xoa.
Nhiều người cho biết tô hủ tiếu suốt nhiều năm qua vẫn vẹn nguyên hương vị. Ảnh: Phong Vinh.
Để có được vị ngọt thanh và đậm đà của nước dùng, gánh hủ tiếu đã được bắt bếp từ xế trưa. Vị ngọt thanh có được nhờ xương heo được hầm lâu, cùng với đó là vị thanh đậm đà của củ cải. Ngọn lửa không được quá to cũng không được quá nhỏ mới giữ được hương vị ấy. Món hoành thánh chắc chắn sẽ gây ấn tượng với những ai lần đầu đến quán vì nó to gấp 3 lần so với bình thường. Nhân thịt bên trong cũng được chăm chút và nêm nếm cẩn thận tạo nên vị khác lạ.
Nếu muốn đổi khẩu vị, bạn có thể gọi nui hoặc bánh canh thay cho hủ tiếu. Ngoài sườn heo, bò viên thì quán còn có hủ tiếu phèo khá lạ miệng. Giá cho một phần dao động 35.000 đồng. Giá sẽ còn thay đổi theo yêu cầu của thực khách.
Tuy giá cao hơn so với các quán xá vỉa hè, nhưng chất lượng món ăn kèm theo phong cách phục vụ ở gánh hủ tiếu này sẽ khiến bạn hài lòng. Quán bắt đầu bán cho thực khách từ 6 giờ chiều đến tối muộn, có hôm hết hàng thì nghỉ sớm.
Theo Dân Việt
[Chế biến] - Bữa sáng đậm đà, đủ chất với hủ tiếu hải sản thơm lừng
Món hủ tiếu hải sản ngon, lạ miệng chắc chắn sẽ đem đến cho gia đình bạn một bữa sáng tuyệt vời.
PHẦN 1: CHUẨN BỊ NGUYÊN LIỆU
- 250g tôm
- 300g mực
- 1 lít nước dừa tươi
- 1 muỗng canh tỏi xay nhuyễn
- 1 muỗng canh ớt xay nhuyễn
- 1 muỗng canh sả xay nhuyễn
- 1 muỗng canh hạt điều màu
- 1 muỗng canh dầu ăn
- 300g hủ tiếu khô
- 2 tép hành lá thái khúc
- Gia vị: muối, đường phèn, bột nêm, nước mắm, tiêu...
- Rau sống (xà lách, bạc hà, vạn thọ, diếp cá, ...tùy thích).
PHẦN 2: CÁCH LÀM HỦ TIẾU HẢI SẢN
Bước 1: Tôm cắt bỏ râu và chân, mực móc bỏ túi mực rồi rửa sạch, để ráo nước. Mực thái nhỏ (thái miếng rồi khứa ngang dọc hoặc thái khoanh tròn tùy thích).
Bước 2: Ướp tôm, mực với phần tỏi, ớt, sả xay nhuyễn cùng với muối, đường, bột nêm, tiêu, nước mắm khoảng 20 phút cho tôm mực ngấm gia vị.
Bước 3: Đặt nồi lên bếp, cho dầu ăn vào phi thơm phần tỏi, ớt, sả xay nhuyễn còn lại.
Bước 4: Tiếp đó, cho tôm mực vào xào nhanh tay trên lửa lớn.
Bước 5: Khi tôm mực săn lại thì cho nước dừa vào nấu trên lửa vừa.
Bước 6: Làm nước hạt điều màu: Đun nóng dầu ăn rồi cho hạt điều màu vào xào nhanh tay, khi hạt điều màu tươm hết nước màu ra thì tắt bếp. Lọc nước hạt điều màu qua cái rây, bỏ hạt điều màu chỉ lấy phần nước màu.
Bước 7: Khi nồi tôm mực sôi bùng lên, nêm nếm gia vị vừa ăn thì cho nước điều màu vào và hánh lá thái khúc lên trên thì tắt bếp.
Bước 8: Nấu nồi nước sôi, cho hủ tiếu khô vào luộc sơ, khi cọng hủ tiếu trong thì vớt ra rổ rồi xối qua nước lạnh, để ráo. Tiếp đó, trộn vào hủ tiếu 1 ít đầu ăn để cọng dai, không bị dính vào nhau và bóng đẹp.
Cho cọng hủ tiếu vào tô, gắp tôm, mực để lên rồi chan nước vào, dùng kèm với tương ớt và các loại rau sống (tùy thích). Tô hủ tiếu thanh ngọt, với cọng hủ tíu mềm dai hòa quyện với vị tôm thơm lừng và từng miếng mực mềm giòn rất hấp dẫn.
Lâu lâu đổi khẩu vị cho gia đình với món này chắc chắn mọi người sẽ thích.
Chúc các bạn thành công và ngon miệng với cách làm Hủ tiếu hải sản dễ ăn cho bữa sáng!
Theo Misa
Khám phá
Quán bún bò Huế gần 3 thập kỷ ở giữa trung tâm Sài Gòn Mở từ năm 1989, quán níu chân thực khách nhờ nước lèo đậm đà, béo và thơm lừng mùi ruốc, sả. Quán bùn bò Huế mở cửa từ năm 1989 ở Sài Gòn. Video: Di Vỹ. Nép mình dưới hàng cây cổ thụ trên đường Mạc Đĩnh Chi (quận 1), quán 31 là một trong số các địa chỉ bún bò Huế nổi...