Những quản giáo xinh đẹp giỏi việc nước, đảm việc nhà ở Trại giam Ninh Khánh
Gọi họ là những đóa hoa nhuận sắc cũng không ngoa chút nào bởi các nữ quản giáo mà chúng tôi gặp ở Trại giam Ninh Khánh đều rất xinh xắn và dịu dàng. Sự trẻ trung, tươi tắn của họ khiến cho những bộ sắc phục khoác trên người không còn thô cứng và trong một không gian khá ồn ào vì tiếng máy may của rất nhiều phạm nhân, tình người như xích lại.
Những nữ quản giáo mà chúng tôi gặp khi xông đất Trại giam Ninh Khánh ấy là Thiếu tá Trần Thị Huyền, Trưởng phân trại số 1 và hai quản giáo ở xưởng may mặc là Thượng úy Khương Thị Hương và Trung úy Đinh Thị Nguyệt. Nét xuân sắc trên gương mặt xinh tươi của các nữ quản giáo khiến cho mùa xuân như chậm lại. Ai đó từng nói con người ta khi đã đẹp thì mặc thứ gì cũng đẹp. Những bộ sắc phục thô cứng không làm mất đi dáng vẻ mềm mại, đầy nữ tính của các chị.
Trưởng phân trại và hai “chiến cơ” hiếu động
Đó là lời nói đùa của Thiếu tá Trần Thị Huyền khi nói về gia đình nhỏ của mình. Sinh năm 1979, chị Huyền đã có 18 năm công tác với xuất phát điểm của chị ban đầu là một cán bộ giáo dục. Chăm chỉ, cần mẫn và yêu nghề, từ một cán bộ giáo dục biết lắng nghe, nắm bắt tâm lý của các phạm nhân, nhất là với những chị em phạm nhân có hoàn cảnh, Huyền đã tạo sự yên tâm trong lòng họ. Khi được Ban giám thị tín nhiệm, giao nhiệm vụ làm Trưởng phân trại nữ, Huyền đã hơi do dự. Chị bảo không phải mình sợ đứng trước nhiều người trong đó có cả những đồng nghiệp nhiều tuổi mà vì lo sức mình không kham nổi.
“Cũng may là trước đó tôi làm công tác giáo dục nên mọi chế độ, chính sách với phạm nhân, kể cả những văn bản pháp luật, điều lệ, nội quy,… tôi đều nắm rất rõ. Nhiều phạm nhân, nhất là những đối tượng nhiều tiền án tiền sự, họ hiểu biết về luật, thấy tôi còn trẻ, cứ nghĩ “qua mặt” được nên giả vờ hỏi này nọ về chế độ, về tiêu chuẩn. Với những trường hợp ấy, nếu mình không cứng luật, khi được hỏi mà giải thích không rõ ràng, họ sẽ vin vào đó để tấn công mình”, Thiếu tá Huyền tâm sự.
Quản giáo Đinh Thị Nguyệt.
Theo chị thì một chiến sỹ Công an khi khoác trên mình nhiệm vụ quản giáo phải nắm chắc luật, biết được quyền hạn của cán bộ đến đâu, những quy định nào phạm nhân phải chấp hành thì phạm nhân sẽ nghe và không vặn lại.
Suốt ngày bận bịu với công việc, chưa kể nhiều đêm đang dọn dẹp thì có kẻng báo động, thế là quăng tất cả đấy để chạy. Chồng cùng công tác trong trại giam nên vợ chồng chị ngày nào cũng phải dậy từ mờ sáng. Chị bảo nhiều lúc thương con lắm mà không biết làm sao vì bố mẹ đôi bên đều ở xa nên phải “tự thân vận động”.
“Hai thằng con tôi cũng sinh hoạt theo hiệu lệnh nhà binh. Chúng nó thuộc từ tiếng kẻng báo thức đến kẻng báo động. Có hôm đang chơi ngoài cửa, nghe tiếng kẻng rồi thấy mẹ chạy vào khoác áo, thằng lớn vừa lôi xềnh xệch thằng em vừa nói: “Vào cho mẹ đi báo động”, chị Huyền kể.
Hai vợ chồng cùng bận, công việc đưa hai con đi học được phó thác cho bác xe ôm gần nhà, nhận tiền công theo tháng. Theo lời chị Huyền thì không riêng gì gia đình chị mà hầu hết những cặp vợ chồng cùng công tác ở Trại giam Ninh Khánh đều phải thuê người đưa đón con đi học. Mỗi khi về nhà, đánh vật với những nghịch ngợm của hai ông con, chị vẫn gọi đùa chúng là “chiến cơ” anh, “chiến cơ” em.
Lấy việc giáo dục dần dần để cảm hóa
26 tuổi, trắng trẻo và ưa nhìn, Trung úy Đinh Thị Nguyệt trông như một học viên đang thực tập. Ấy vậy mà cô đã công tác được 5 năm rồi. Mái tóc buộc cao, gọn gàng, Nguyệt đi lần lượt tới chỗ làm việc của từng phạm nhân, sát sao, chăm chú kiểm tra công việc họ đang làm. Hỏi Nguyệt có ngại không khi tiếp xúc với những phạm nhân cao tuổi, cô cười rất tươi: “Ngày đầu chưa làm, nghĩ đến cũng hơi ngại nhưng bắt tay vào việc là quen ngay”.
Video đang HOT
Dáng thon thả và nét mặt tươi tắn, Nguyệt giống một diễn viên hơn là một chiến sỹ Công an. Vậy mà cô không chỉ khoác trên người bộ trang phục Cảnh sát cứng nhắc mà còn là một nữ quản giáo, hàng ngày tiếp xúc với những con người có nhiều việc làm xấu trong xã hội, giờ đang phải trả giá. Họ tiêu biểu cho mặt trái của cuộc sống, luôn luôn tồn tại trong xã hội, chỉ vì một lúc xao lòng để cái xấu lấn lướt nên mới phải vào đây.
Quê Nguyệt cũng chính là nơi cô đang công tác. Mang tiếng gần nhà nhưng cũng phải nửa tháng, Nguyệt mới có dịp ghé qua nhà. Từ khi lập gia đình rồi có con, cô càng bận bịu hơn nên số lần tạt về qua nhà đếm trên đầu ngón tay.
“Ngày đầu làm quản giáo em thấy còn ngượng hơn về nhà chồng. Mình còn trẻ thế mà họ cứ một điều bà, hai điều xưng con, nghe đã thấy thế nào ý, nhiều lúc ngoài mặt thì cứ ra vẻ lạnh lùng nhưng trong bụng thì cứ lăn tăn không biết chọn cách xưng hô nào cho hợp”, Nguyệt tâm sự. Cô tiết lộ có nhiều đêm cô đứng trước gương, tập xưng hô với hình ảnh của mình đến khi không vấp, không ngượng mới thôi. Trong suy nghĩ của Nguyệt thì nghề quản giáo bắt buộc mình phải chuẩn chỉ, lúc cần thì phải thật nghiêm khắc nhưng cũng có lúc phải thể hiện tình cảm, thân thiện.
Quản giáo Trần Thị Huyền.
“Mình còn trẻ mà phạm nhân thì đông, lại rất ranh ma, chỉ cần một lần xưng hô không dứt khoát, một cử chỉ gượng gạo là họ nhờn ngay”, Nguyệt kể.
Từ ngày có nhà trẻ, tiếng trẻ con cũng khiến các phạm nhân mềm tính hơn nhưng một số phạm nhân đang nuôi con nhỏ, nhân cơ hội ấy luôn viện lý do này nọ để trốn việc. Là một quản giáo phụ trách đội có nhiều phạm nhân nuôi con nhỏ, Nguyệt phải tìm hiểu xem ai là người có lý do chính đáng, ai là người dựa hơi con để trốn việc. Thế nên trước một lời xin nghỉ, bao giờ Nguyệt cũng cân nhắc rồi mới đưa ra quyết định.
“Không chỉ lời ăn tiếng nói mà ngay cả cách viết cũng phải chọn từ, câu chữ sao cho chuẩn xác bởi mình chỉ có hai con mắt chứ phạm nhân thì có nhiều tai, nhiều mắt lắm. Họ nhìn mình, theo dõi mình rồi đánh giá nên lúc nào cũng phải thận trọng”, Nguyệt kể. Hỏi cô có bí quyết gì khi tiếp xúc với phạm nhân cao tuổi, phạm nhân nhiều tiền án tiền sự, Nguyệt lại cười: “Chẳng có bí quyết gì ngoài việc phải giáo dục dần dần”.
“Xã hội có người nọ người kia thì trong này cũng vậy. Với những người cố tình không nghe, chúng tôi lấy phương pháp mưa dầm thấm lâu để cảm hóa nhưng không phải chỉ có động viên, thuyết phục suông, cần thiết cũng phải có kiểm điểm, kỷ luật nếu bướng bỉnh, chống đối”, Nguyệt nói.
Bố mẹ là quản giáo, con cái chấp nhận thiệt thòi
“Ngày trước vào thăm em, mẹ em kêu trời bảo thương hai đứa cháu, giờ thấy chúng sáng dậy sớm tập thể dục lại khen chăm”, Thượng úy Khương Thu Hương kể.
Chồng Hương cũng làm quản giáo, quê chồng bên Nam Định nên gia đình Hương với 4 thành viên trở thành hạt nhân nữa cho khu tập thể hộ gia đình của trại thêm đông vui. Cũng giống như nhiều gia đình khác có vợ chồng cùng công tác trong trại giam, việc đưa đón con đi học ngoài xã Ninh Vân đều phải trông cậy vào những bác xe ôm láng giềng.
Do tính chất đặc thù công việc mà ở Ninh Vân bây giờ không chỉ hình thành một đội xe ôm, gồm những người đàn ông đứng tuổi chuyên có nhiệm vụ đưa đi đón về bọn trẻ con cán bộ trại giam mà còn có cả một đội những phụ nữ đã ở tuổi xế chiều. Họ giúp các gia đình cán bộ trại giam những công việc lặt vặt trong gia đình như chăm bà đẻ, chăm người ốm, thậm chí là cả việc đi chợ giúp cũng được nhờ đến những khi nhỡ nhàng hoặc có khách mà các chị lại chưa thể rời nơi làm việc.
“5h sáng đã phải ra khỏi nhà đến tối mịt mới về, nhiều khi họp hành rồi kẻng báo,… nên cởi được bộ sắc phục ra khỏi người thì con cũng ngủ say rồi”, Hương kể.
Quản giáo Khương Thu Hương.
Sinh năm 1984, Hương đã có thâm niên 8 năm công tác. Chồng cô cũng là quản giáo ở khác phân trại, lại đi đội lẻ (nghĩa là đi làm ngoài đồng hoặc làm đá-pv) nên việc chăm sóc hai đứa con nhỏ đều đến tay Hương. Nghề quản giáo không phân biệt nam nữ, mức độ nguy hiểm là ngang nhau nhưng khi được hỏi, ai cũng bảo rằng quen rồi, chỉ thấy thương con cái thiệt thòi.
Phần đông các quản giáo ở Trại giam Ninh Khánh, con cái thường gửi về quê nhờ ông bà, chú bác chăm sóc hộ; ai không có điều kiện gửi về quê khi con đến tuổi đi học lại phải tìm trường ngoài thị xã cho con theo học, hằng ngày thuê người đưa đón. Chính vì thế nên khi trong trại xuất hiện trẻ con là con các phạm nhân, mọi người đều thương chúng như thể con mình.
Thiếu tá Huyền bảo, quần áo của con không dùng đến hay mặc cộc rồi, chị lại mang vào trong này cho con phạm nhân. Các chị em thấy thế cũng làm theo. Trong mắt mọi người, trẻ con ở đâu cũng là trẻ con và những đứa trẻ thiếu thốn cần phải thương yêu nhiều hơn.
“Ở trong này các bé có tiêu chuẩn như phạm nhân nhưng nói là thế thôi chứ thịt cá, chỗ nào ngon mọi người cũng dành phần cho bọn trẻ. Thi thoảng anh em quản giáo lại cho cân đường, hộp sữa,…”, một quản giáo nam cho biết.
Lấy vợ ở quê, nửa tháng thậm chí có khi cả tháng mới về qua nhà nên những lúc nhớ con, anh lại vào nhà trẻ, bế ẵm, trêu đùa bọn trẻ con phạm nhân cho khuây khỏa. Dường như quá quen với cảnh đó nên hễ nhìn thấy cán bộ đi qua là bọn trẻ lại chìa tay đòi bế. Nhìn mấy quản giáo trẻ bế con phạm nhân, chúng tôi chợt hiểu rằng cho dù ở bất kỳ đâu, trong hoàn cảnh nào thì tình người mãi là chiếc cầu nối để con người xích lại gần nhau.
Theo Cảnh Sát Toàn Cầu
Lái xe đỡ căng thẳng hơn khi gặp nữ cảnh sát giao thông
Dù nắng hay mưa, những nữ CSGT của TP.Ninh Bình vẫn đều đặn ra đường điều tiết giao thông. Hình ảnh nữ CSGT xuống đường đã tạo ra một sự thân thiện với người tham gia giao thông.
TP.Ninh Bình đã chính thức có nữ CSGT điều tiết giao thông trên đường
Trao đổi với PV Báo Giao Thông, Trung tá Nguyễn Chí Kiều - Đội phó đội CSGT TP.Ninh Bình (Công an tỉnh Ninh Bình) cho biết, thực hiện kế hoạch của Giám đốc Công an tỉnh, từ tháng 11/2014, Công an TP.Ninh Bình đã tiếp nhận 12 cán bộ, chiến sỹ nữ về làm công tác điều tiết giao thông trong thành phố.
Theo đó, 12 nữ CSGT này làm nhiệm vụ điều hành, hướng dẫn giao thông tại các cụm đèn tín hiệu giao thông vào các giờ cao điểm trong ngày, mỗi nữ CSGT làm việc với tần suất 1 ngày 3 ca (từ 6h15'-8h sáng; 10h-12h trưa và từ 16h-18h chiều).
Cả tuần, dù mưa hay nắng, không có ngày nghỉ, cứ vào các khung giờ cao điểm lại thấy sự xuất hiện của các nữ CSGT xinh đẹp
Cũng theo Trung tá Kiều, từ thực tiễn, qua công tác đảm bảo giao thông thì tính từ tháng 11/2014 - tháng 3/2015, lực lượng CSGT TP.Ninh Bình đã xử lý được 3.151 trường hợp vi phạm. Trong đó, giữ phương tiện đối với 907 trường hợp, riêng lỗi về vượt đèn đỏ chiếm tỷ lệ "hiếm" khi có sự xuất hiện của những "bóng hồng" CSGT.
Nhiều lái xe đường dài qua Ninh Bình cũng chia sẻ với phóng viên, họ thấy đỡ căng thẳng, thậm chí thấy vui hơn khi thấy những nữ cảnh sát tại các chốt gác đảm bảo giao thông.
Trung tá Kiều cho hay: "Đa phần các nữ CSGT đều rất trẻ, chưa lập gia đình nên ban đầu khi ra điều hành giao thông cũng thường bị một số đối tượng trêu ghẹo, quấy rối... Song, khi phát hiện ra những trường hợp như vậy thì chúng tôi đã phối hợp với các lực lượng liên quan có hình thức xử lý nghiêm các đối tượng. Cho đến nay thì các CSGT nữ đã quen công việc và kiểm soát được tình hình".
Những nữ CSGT xinh đẹp nhận ca trực cùng các đồng nghiệp nam
Chia sẻ về công việc của mình, Thiếu úy Phạm Mỹ Hạnh tâm sự: "Ban đầu nhận nhiệm vụ, chúng em gặp không ít khó khăn, nhiều áp lực. Nhưng dần rồi cũng thấy quen và yêu nghề hơn, đối với em mỗi ngày xuống đường là một niềm vui".
Trung sĩ Đỗ Thị Minh Hà vẫn ngày ngày ra điều hành giao thông ở các ngã ba, ngã tư của TP.Ninh Bình.
Còn Trung sĩ Đỗ Thị Minh Hà chia sẻ: " Có những hôm mất điện, em phải mất hơn 4 tiếng đồng hồ giữa ngã tư để phân làn, hướng dẫn giao thông. Công việc tuy vất vả nhưng vẫn thấy tự hào và hạnh phúc khi mình hoàn thành nhiệm vụ, khi thấy mọi người không phải khổ sở giữa đám tắc đường".
Hình ảnh các nữ CSGT TP.Ninh Bình không còn gây xôn xao với người tham gia giao thông qua đây, nhiều lái xe cho biết họ thấy vui hơn, bớt căng thẳng hơn sau tay lái khi thấy những bóng hồng CSGT Trao đổi với PV Báo Giao Thông, Trung tá Vũ Văn Bằng - Phó trưởng Công an TP.Ninh Bình nhấn mạnh: "Việc đưa nữ CSGT xuống đường làm nhiệm vụ là kế hoạch lâu dài. Hình ảnh nữ CSGT xuất hiện đã góp phần làm mềm hóa tình hình trật tự giao thông tại các điểm nóng về giao thông, nhất là những nơi giao cắt tuyến QL 1A. Sau một thời gian triển khai mô hình này, chúng tôi thấy rất hiệu quả".
Theo Báo Giao Thông
Phụ nữ Tổng cục An ninh: Giỏi việc nước, đảm việc nhà "Chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, làm tốt thiên chức của người vợ, người mẹ; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người nữ chiến sĩ An ninh" là những ý kiến được đề ra tại Lễ mít tinh Kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và ra mắt Ban chấp hành Hội Phụ nữ Tổng cục An ninh tổ...