Những quán ăn kỳ lạ nhưng hút khách bậc nhất Sài Gòn
Xôi nhà xác, cơm tấm bãi rác hay xe chè “chảnh”,… là những cái tên không quá xa lạ với tín đồ sành ăn Sài Gòn. Mỗi quán ăn đều có sức hấp dẫn riêng, khiến thực khách đã ăn một lần thì phải vương vấn mãi.
Ai đi ngang qua con đường Trần Phú (quận 5, TP. HCM) đều không khỏi ngạc nhiên khi thấy, nằm lọt thỏm giữa nhà tang lễ và những cửa hàng kinh doanh đồ tang lại có một quán xôi nhỏ. Chính vì đặc điểm này mà thực khách “ưu ái” đặt cho quán cái tên Xôi nhà xác.
Quán ăn đã tồn tại gần 40 năm và luôn có khách nườm nượp mỗi ngày. Có người tìm đến vì bị thu hút bởi cái tên, cũng có người ghé qua vì quen vị thơm ngon của gói xôi giá 10.000 đồng.
“Xôi nhà xác” được gói trong lá chuối tươi. (Ảnh: baonguyen308)
So với các hàng quán khác thì “xôi nhà xác” không mấy nổi trội về hương vị, thậm chí còn ít lựa chọn thức ăn kèm. Quán chỉ bán duy nhất loại xôi mặn, các nguyên liệu chính gồm: xôi, lạp xưởng và chà bông (ruốc). Bên cạnh đó còn có mỡ hành và hành phi tạo mùi thơm. Bán tới đâu, chủ quán sẽ làm mỡ hành tới đó để giữ hương vị đặc trưng.
Hương vị của hàng xôi này cũng đặc biệt hơn vì có sự hòa quyện của đậu phộng giã nhỏ và nước tương được làm theo công thức gia truyền. Lạp xưởng được lấy về từ Sóc Trăng nên thực khách có thể yên tâm về độ an toàn. Thêm vào đó, xôi bán cho khách được gói trong lá chuối tươi, khi mở ra vẫn còn nghi ngút khói.
Cơm tấm bãi rác
Ở Sài Gòn, người ta có thể tìm được một đĩa cơm tấm ngon lành ở bất cứ đâu với cái giá không quá đắt đỏ. Thế nên, khi nghe đến một đĩa cơm tấm vỉa hè được bán với giá 100.000 đồng thì không ít người phải ngạc nhiên.
Các nguyên liệu có tại quán cơm tấm bãi rác. (Ảnh: belltran)
Quán cơm vốn không có biển hiệu, nhưng do nó nằm rất gần với bãi rác ở chợ Xóm Chiếu, quận 4 nên cũng được mang tên “cơm tấm bãi rác”. Suốt 30 năm qua, ngày nào quán cũng đều đều khách đến ăn. Một đĩa cơm tấm ở đây có giá dao động từ 70.000 đến 100.000 đồng và có thể cao hơn tùy vào sự lựa chọn thức ăn kèm như sườn nướng, thịt quay, gà rán, mực nhồi thịt…
Đĩa cơm khiến nhiều thực khách chịu chi giá cao để thưởng thức. (Ảnh: ntnamhair)
Một điểm khiến thực khách thích thú là hạt cơm được nấu hoàn toàn bằng gạo tấm vỡ. Cơm thổi vừa chín tới, hạt không nát, không khô mà có độ dẻo và thơm. Đĩa cơm trắng luôn được rưới thêm mỡ hành xanh xanh, bóng bẩy vô cùng kích thích. Tất cả thực phẩm chế biến đều do gia đình chủ quán mua nguyên liệu chọn lọc rồi về nấu, làm dần để đồ luôn nóng khi đến tay thực khách.
Bánh canh 200.000 đồng
Video đang HOT
Gánh bánh canh nhỏ trong chợ Hòa Bình được biết tới không chỉ vì hương vị thơm ngon mà còn bởi cái giá rất “đại gia”. Trung bình, một bát bánh canh ở đây khoảng 40.000 – 100.000 đồng, phần đặc biệt có giá lên tới hơn 200.000 đồng khiến nhiều người “khiếp vía”.
Một bát bánh canh đặc biệt gồm có đầy đủ các loại nguyên liệu như chả cá, thịt, giò… và nổi bật là con cua to đùng, đỏ rực khiến bạn khó có thể cầm lòng. Tuy nhiên, bát bánh canh “đại gia” này không được bán nhiều. Phần lớn khách tới quán chỉ chọn phần nhỏ với giá chưa tới 100.000 đồng, vừa túi tiền và sức ăn với phần thịt cua được tách ra.
Cận cảnh bát bánh canh “đại gia”. (Ảnh: foody)
Nước dùng của tô bánh canh có vị ngọt rất thanh và đậm đà. Thịt cua tươi, khách ăn tới đâu thì chủ quán gỡ tới đó. Bánh canh được trụng lâu trong nồi nước dùng nên thấm gia vị và hơi dai dai. Các loại thức ăn kèm như thịt giò, chả cá đều khá chất lượng. Miếng giò to, đầy thịt được ninh nhừ rất dễ ăn. Chả cá thì rất ngọt và có vị tanh của thịt cá chứ không bị trộn quá nhiều các loại phụ gia.
Tọa lạc ngay góc ngã tư đường Nguyễn Phi Khanh – Nguyễn Hữu Cầu (TP. HCM) hơn mấy chục năm nay là một xe chè không có gì nổi bật nhưng lại có lượng khách đến và đi không ngớt. Trong giới sành ăn ở TP. HCM, đây là một trong những quán chè được yêu thích và gắn với cái tên xe chè “chảnh”.
Cốc chè được nhiều người Sài Gòn ưa chuộng. (Ảnh: Internet)
Dù khách đông từ vòng trong đến vòng ngoài nhưng người bán vẫn chẳng có vẻ gì là vội vàng, miệng ngậm thuốc, tay múc chè, tuyệt nhiên không nói, không cười. Người mua cũng kiên nhẫn chờ đến lượt chứ không thúc hối hay lớn tiếng.
Các món của xe chè gồm chè đậu xanh đánh nhuyễn, đậu đen, đậu ván, bánh lọt nước cốt dừa và sương sa hạt lựu. Menu không có món đặc trưng nhưng ai ăn chè của quán đều không thể quên những hạt đậu bùi mềm tan trên đầu lưỡi hay vị ngọt thanh.
Quán hủ tiếu bán 24h không nghỉ
Nằm trên đường Cô Bắc (quận 1), quán Thành Đạt nổi tiếng vì mở cửa 24/24 giờ. Bất kể buổi sáng hay buổi tối quán đều đông khách. Quán chỉ bán duy nhất món hủ tiếu Nam Vang với vị nước lèo đậm đà khó đâu tìm được.
Quán bán hủ tiếu cả ngày nhưng lúc nào cũng đông khách. (Ảnh minh họa)
Theo chủ quán, nước lèo được hầm từ xương nên khi ăn sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh. Tô hủ tiếu thì đầy ắp thịt nạc, thịt bằm, tôm, trứng cút, gan, cật…, dĩ nhiên không thể thiếu sợi hủ tiếu dai truyền thống và hành phi thơm phức.
Rau ăn kèm luôn được đựng riêng, lúc nào cũng tươi. Nếu không thích ăn rau sống, bạn có thể yêu cầu nhân viên trụng sẵn. Điểm trừ là buổi tối quán khá đông, chỗ ngồi chật và phải đợi lâu để đến lượt, nhưng bù lại bạn sẽ được gửi xe miễn phí.
Theo Dân trí
Sài Gòn có những quán ăn "thách thức" thực khách nhưng chẳng ai thấy phiền, thậm chí còn chưa bao giờ bớt... đông
Không biết là do người Sài Gòn có tâm lý "càng đánh càng yêu", hay là những món ăn này thực sự ngon đến mức thực khách sẵn sàng "hi sinh".
Ở cái thời buổi mà các nhà hàng hạng sang trời Tây có quyền từ chối phục vụ khách chỉ vì một đôi giày, hay quán sushi ở Nhật không cho khách order mà bắt người ta ăn bất kì món gì mình làm cho, thì việc các "thượng đế" phải chịu... muối mặt để được ăn gần như là chuyện "ngày thường ở huyện". Từ cổ chí kim, có không biết bao nhiêu trường hợp người quân tử cúi đầu trước vẻ đẹp của hoa mai - hay trong tình huống này là người sành ăn cúi đầu trước món ngon - việc này là hoàn toàn bình thường và đáng được thông cảm.
Nhà hàng Nhật không cho khách tự chọn món, cho dù đó có là Obama.
Đây không chỉ nói lên xu thế "trèo lên đầu lên cổ" thực khách của lĩnh vực ăn uống nhà hàng, mà còn nói đến nhu cầu ăn ngon đã dần được tăng cao, cao đến mức vượt lên xa những nhu cầu còn lại (thời gian, công sức, cái tôi...). Tuy nhiên, ta sẽ thấy bình thường nếu bên "yêu sách" là nhà hàng năm sao, nhà hàng sang trọng, cho rằng đây là cái thú "rảnh rỗi" của tầng lớp thượng lưu. Còn lại, người bình thường chỉ cần ra hàng cơm bụi đầu ngõ là đã thoả mãn rồi. Thế nhưng, xin thưa là ngay cả ở những quán cơm, hàng ăn rất bình thường, thậm chí có phần gần gũi với thiên nhiên (nghĩa là ngoài đường ấy), thì vẫn có những sự "thách thức", chứng minh rằng cái sự "hi sinh rảnh rỗi" này không chỉ giới hạn ở các quán ăn đắt đỏ, mà là chuyện chẳng của riêng ai.
Nói nào xa, chỉ cần dạo một lượt những quán ăn Sài Gòn cũng có thể thấy ngay một số cái tên nổi tiếng "khó chiều", khách ăn có ấm ức gì cũng phải cười xoà:
Cơm tấm "bãi rác"
Nghe cái tên đã thấy hơi... sợ. Tuy nhiên bạn sẽ phải ngạc nhiên vì đây là một trong số những hàng cơm tấm đắt nhất Sài Gòn. Khi những hàng cơm bình thường khác, thậm chí là những quán với không gian đàng hoàng, mới chỉ có giá dao động từ 35k - 40k, thì cơm tấm bãi rác đã bán với cái giá 70k từ lâu rồi.
Cơm tấm bãi rác có cái tên như vậy là vì hàng cơm nằm ngay sau chợ Xóm Chiếu, nằm sát bên chỗ chứa rác mỗi ngày của cả chợ nên được gọi thế. Nói về hàng cơm này, ngạc nhiên thay là hiếm ai có ý kiến về vị trí không mấy "đắc địa" cũng như giá cả trên trời. Hầu hết người ta chỉ nói đến cái cách mà hạt tấm vỡ được nấu đến mềm thơm, cái cách thức ăn luôn nóng sốt và các món ăn kèm được nêm nếm vừa miệng. Mặc dù cũng có một số người cho rằng cơm ở đây cũng thường thường, nhưng lượng khách đều đặn bao năm cũng như độ nổi tiếng của cơm tấm bãi rác đã chứng minh rằng, "anh hùng không hỏi xuất xứ". Chỉ cần thực khách thấy hợp miệng thì cho dù có đắt, có bất lợi thế nào thì cũng sẽ ủng hộ.
Bắp "chờ" Nguyễn Kim
Bạn có thể chờ 45 phút chỉ để... ăn một quả bắp? Nếu câu trả lời là không thì bạn đúng là "khác người" rồi, bởi vì Sài Gòn có một hàng bắp ở đường Nguyễn Kim với thời gian chờ trung bình là 45 phút, và gần như này nào cũng thấy người ta xếp hàng dài ơi là dài. Thậm chí, có nhiều người mua đến mức hàng bắp này phải cho... bốc số thứ tự để tránh "bạo loạn". Bắp thì cũng chỉ là bắp, nhiều thêm miếng mỡ hành rưới lên trên, cũng chẳng phải sushi Michelin hay Mãn Hán toàn tịch, không hiểu vì sao mà vẫn có người dành ra 30 - 45 phút hoặc lâu hơn để chờ.
Mỗi trái bắp có giá 15k, không đắt cũng chẳng rẻ bèo, không đến mức "sale xập sàn" để người ta ào ào đi mua. Ấy vậy mà mấy năm nay, hàng bắp này vẫn cứ nổi như thế, đến mức đạt luôn danh hiệu bắp "chờ".
Bánh mì Huỳnh Hoa
Bánh mì Huỳnh Hoa là hàng bánh mì ngon có tiếng ở Sài Gòn, hầu như nhắc tới bánh mì Sài Gòn thì ai cũng nghĩ ngay đến bánh mì Huỳnh Hoa. Tuy nhiên có đôi lúc, người ta biết tới bánh mì Huỳnh Hoa không phải do hương vị, mà là do giá cứ "trèo" lên thong thả theo thời gian. Cứ lâu lâu, người ta lại thấy bánh mì Huỳnh Hoa tăng "nhẹ" khoảng 2k. Từ xưa lắm rồi, bánh mì Huỳnh Hoa từng có giá khoảng 32k/ổ, và nếu như thế vẫn được xem là đắt thì hãy chiêm ngưỡng giá tiền hiện tại: 40k/ổ, có ổ còn đội giá lên đến... 50k. Tuy vậy, giá lên thì mặc giá lên, số lượng thực khách vẫn tăng đều đều.
Mặt khác, đây cũng là một hàng ăn khiến bạn phải hoá thân "Hà Dĩ Thâm" si tình, chờ đợi trong mòn mỏi. Vào những giờ cao điểm, bạn có thể phải chờ đến gần 30 phút mới có thể chạm tay được vào ổ bánh mì đắt đỏ. Ấy vậy mà, nhờ vào yếu tố duy nhất là hương vị, bánh mì Huỳnh Hoa vẫn được săn đón suốt bao năm.
Bánh đúc Phan Đăng Lưu
Khi đi ăn bánh đúc Phan Đăng Lưu, bạn sẽ phải học thuộc lòng câu ca "đợi chờ là hạnh phúc", bởi vì muốn thưởng thức một chén bánh đúc nóng ở đây, bạn phải chờ khoảng 20 phút. Nguyên nhân là vì quán này quá nổi tiếng và cực kì đông khách. Ngoài ra, cô chủ quán đôi khi cũng được phản ánh rằng đã tỏ thái độ thiếu thân thiện khiến nhiều thực khách phải "chùn bước". Hôm nào đông khách quá và bị hối thúc, cô chủ còn có thể "nổi quạu" với chính thực khách của mình.
Tuy vậy, khách vẫn luôn đông. Khi nói đến bánh đúc Phan Đăng Lưu, người ta trước là nhớ nhung phần bột dẻo thơm, nhân bùi béo, nước mắm mặn ngọt cùng hành phi giòn ruộm, sau mới lầm bầm vài câu về những bất tiện mình gặp phải. Cuối cùng, ai nấy cũng chép miệng, kiểu như, ăn ngon thì phải chịu thôi. "Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời", vì ăn ngon nên mọi chuyện gần như đều có thể "tha thu".
Tạm kết:
Phía trên chỉ là một số cái tên khá tiêu biểu ở Sài Gòn mà thôi, ở Việt Nam và thậm chí là trên cả thế giới lúc nào cũng sẽ có một loạt những nhà hàng, tiệm ăn có thái độ "bất cần" khiến người người bức xúc. Ấy vậy mà dù thế nào thì những thực khách thiện lành cũng chỉ cười nhỏ nhẹ, dù bực dọc trong lòng nhưng vẫn "nuốt giận" vào trong. Thậm chí có khi chịu không nổi, đã thề thốt sẽ không ủng hộ nữa nhưng khi nhớ tới cái ngon, cái ngọt của món ăn thì hầu hết đều... "xuôi xị".
Theo Trí Thức Trẻ
Sài Gòn có các món ăn chua chua thanh thanh cho bạn "bật" chế độ thèm ăn mùa mưa nắng thất thường Trời mưa nóng thất thường khiến bạn biếng ăn? Không vấn đề, thử ngay các món chua chua này để "khởi động" vị giác ngay thôi! Sài Gòn độ này không mưa thì nắng nóng, lên xuống thất thường như vậy thật khiến người ta mất khẩu vị. Theo khoa học, những món có vị chua có tác dụng kích thích vị giác,...