Những phụ nữ giam mình trong nhà tù hôn nhân
Chồng liên tục mang nợ lớn vì cờ bạc, “săn gái”, chị Minh vẫn cố chịu đựng 4 năm qua chỉ vì con nhỏ quấn bố.
Chị và chồng kết hôn sau 4 năm yêu đương với rất nhiều lần chia tay rồi tái hợp. Sau ngày cưới chưa đầy một tháng, chị không hiểu sao số vàng được tặng làm của hồi môn, thậm chí cả nhẫn cưới không cánh mà bay. Chỉ đến khi có côn đồ đòi nợ thuê đến ép bán nhà do chồng chị mang sổ đỏ của gia đình đi cắm, chị mới té ngửa ra bản chất mê đỏ đen của chồng. Vợ chồng chị sống cùng bố mẹ chồng, chị là nhân viên nhân sự của một công ty liên doanh còn anh làm công chức nhà nước.
Khi đứa con đầu lòng ra đời, chị tưởng anh chồng sẽ tu tỉnh. Nhưng sau một năm yên ổn, chị lại phải tiếp đón những đòi nợ thuê tại nhà. Lần này, số nợ của anh ít đi nhưng ước tính cũng phải 2 năm mới trả hết. Không những thế, chồng chị còn giấu vợ, tự vay ngân hàng một khoản mà chị không biết anh tiêu cho việc gì, hàng tháng trích lương trả dần. Mấy năm lấy chồng, tiền lương của chị chủ yếu để trả nợ thay chồng, chị gần như không sắm sửa được gì cho bản thân.
Tuy nhiên, tất cả không khiến chị sốc bằng một lần phát hiện những tin nhắn mùi mẫn trong máy điện thoại của chồng. Âm thầm tìm hiểu, chị biết anh thường xuyên lên mạng tìm gái. Chị cảm thấy bế tắc, bỏ thì thương, vương thì tội, nhất là khi đứa con mới 27 tháng tuổi và rất quấn bố.
Nhiều người cam chịu thói hư tật xấu của chồng vì muốn giữ bố cho con. Ảnh:jeremystatton.com
Chồng là mối tình đầu, yêu nhau từ thời cấp ba, đẹp trai, hào hoa, kiếm ra tiền nhưng cuộc sống của Hiền không hạnh phúc như cô tưởng. Gia đình Long bình thường còn bố mẹ Hiền rất khá giả, bản thân cô là bác sĩ của một bệnh viện lớn tại Hà Nội. Hiền không quan tâm đến thu nhập của Long. Cô chỉ biết có những tháng anh chàng kỹ sư xây dựng mang cả một phong bì mấy chục triệu về đưa vợ nhưng có những tháng, không những không đưa tiền, anh còn xin lại vợ. Hiền biết tính chồng vốn phóng khoáng, cô nghĩ chồng cho bạn bè vay mượn nên cũng không hỏi nhiều.
Cho đến một hôm, khi một nhóm xã hội đen đến tận nhà đòi tiền Long, cô mới biết chồng mình là một con nghiện cá độ. Tất cả những gì thuộc về cờ bạc đỏ đen Long đều rành, và mỗi lần chơi, anh đều đặt cửa tiền triệu. Tiền Long kiếm ra không đủ để phục vụ nhu cầu cờ bạc của anh. Đưa vợ con đi nghỉ mát cùng công ty tại Vũng Tàu, Long bỏ mặc vợ con ở bãi biển, trốn đi xem đua chó và tranh thủ chơi trò đỏ đen. Cưới nhau được 8 năm, Hiền đã 3 lần phải thay chồng trả nợ, thậm chí đã phải về cầu cứu bố mẹ đẻ với những món nợ lên đến hàng trăm triệu. Bố mẹ Hiền tuyên bố, nếu lần nữa xảy ra thì cô phải ly dị.
Video đang HOT
Còn chồng chị Hằng (quận Thủ Đức, TP HCM) tuy không cá độ nhiều tiền nhưng cũng rất mê đánh bài và là một người vô cùng lười nhác.Ngày Hằng hết kỳ nghỉ thai sản cũng là lúc công ty nơi chồng cô làm việc phá sản khiến Khoa mất việc. Sau khi đi thử việc hai nơi không hợp, Khoa nghỉ luôn, lấy cớ ở nhà trông con dù đã có bà nội từ quê ra chăm cháu. Trong lúc vợ đi làm, Khoa ở nhà trọ ngủ, lúc thức thì chơi bài, đánh cờ với mấy ông bạn cũng dãy nhà trọ, có khi thâu đêm suốt sáng. Hai vợ chồng sống bằng lương công nhân của Hằng, thỉnh thoảng mẹ Khoa dúi cho anh ta ít tiền tiêu vặt.
Bây giờ, dù con gái đã 4 tuổi nhưng Khoa vẫn sống ăn bám vợ và mẹ. Ba cái Tết liền, Hằng không về quê, xin làm tăng ca để có thêm thu nhập trong khi Khoa ở nhà, ngồi chầu các bàn cờ, mặc kệ con gái chạy sang hàng xóm ăn nhờ. Nếu Hằng nhỏ nhẹ khuyên chồng đi tìm việc thì Khoa chỉ ậm ừ hứa hẹn, nhưng chỉ cần Hằng tỏ thái độ chê bai chồng là Khoa thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Mấy bà hàng xóm chép miệng khuyên Hằng bỏ chồng thì cô bảo, bị mẹ Khoa làm bùa ngải nên cô không bỏ được.
Theo tiến sĩ tâm lý Trần Thị Giồng, nguyên chủ tịch Hội Tâm lý TP HCM,nhiều người vợ vẫn cố chịu đựng những ông chồng có nhiều thói hư tật xấu vì phần lớn phụ nữ đều có quan điểm sống vì con. Phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là những người sống ở nông thôn vẫn còn thói quen chịu đựng. Thực tế, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn rất đậm nét trong văn hóa của người Việt, người phụ nữ dễ dàng chấp nhận việc người đàn ông có nhiều đặc quyền hơn trong gia đình.
Bà nhận xét, tuy nhiên, những người chồng đó không phải lúc nào cũng thể hiện thái độ xấu, cũng có lúc tỏ ra ăn năn hối lỗi nên những cuộc hôn nhân đó mới có thể tồn tại lâu như vậy. Chỉ cần người chồng tỏ ra hối lỗi, tỏ ra biết tu tỉnh là người vợ lại dễ mềm lòng, tha thứ. Thực tế, cuộc sống gia đình là một đồ thị hình sin, có lúc xuống đáy, mệt mỏi chán chường nhưng lại có lúc lên đỉnh, người ta lại thấy vui vẻ và bằng lòng.
Giáo sư tiến sĩ tâm lý Vũ Gia Hiền bổ sung thêm, những người vợ cam chịu sống chung với thói hư tật xấu của chồng thực ra là những vợ quá yêu chồng, yêu đến mức mù quáng. Khi tình cảm quá cao thì lý trí bé lại, tình cảm sẽ chấp nhận những gì mà lý trí vốn cho là không đúng.
Có một người cha từng dặn con gái 4 mẫu đàn ông không được lấy làm chồng, nếu lỡ lấy rồi thì cần phải bỏ ngay, dó là bạo hành với vợ, cờ bạc, nghiện ngập và trai gái. Tuy nhiên, theo giáo sư Hiền rất khó để xác định mức độ tệ bạc với vợ con, vô trách nhiệm với gia đình như thế nào thì người đàn ông đáng bị vợ bỏ, bởi vì mẫu hạnh phúc không có đại lượng chỉ số chung, trường hợp người này thấy không thể chấp nhận được nhưng người kia lại thấy vẫn có thể níu kéo. Tình cảm tâm lý là cái cá nhân nên không thể mang cái chung ra áp đặt cho từng trường hợp.
Tuy nhiên, nếu người vợ đã quá mệt mỏi với chồng vô trách nhiệm nhưng vẫn cố níu kéo để giữ bố cho con, vì thấy con quá quấn bố, thì họ đã lầm. Theo tiến sĩ Trần Thị Giồng, đứa trẻ sẽ bình yên hơn nếu chỉ sống với mẹ. Sống trong một gia đình mà thường xuyên có người đòi nợ, trong một gia đình mà bố mẹ cứ cãi lộn nhau theo chu kỳ, đứa trẻ sẽ phải chịu đựng cảm giác bất an.
Với những đứa trẻ chưa biết gì về cuộc đời, giáo sư Vũ Gia Hiền cho rằng, trẻ em trước hết cần có tiền để nuôi dưỡng, đóng học, sau đó mới đến thương yêu. Sự thương yêu vô trách nhiệm rất dễ, còn thương yêu có trách nhiệm mới khó. Đứa trẻ sẽ khó tồn tại nếu cha mẹ không có tiền và sức khỏe. Nếu sống với người chồng mà tiền bạc và sức khỏe của người phụ nữ bị đe dọa thì cần phải chấm dứt. Người mẹ cần phải quan tâm đến sự tồn tại của chính mình và con mình trước đã. Chỉ khi sống được mới tiếp tục vun đắp các giá trị khác. Không sống được mà cứ nghĩ đến những tình thương thì đó là ảo giác. Người mẹ nên ly hôn để cứu mình và cứu con mình, còn chuyện tình cảm của đứa trẻ với cha cứ để diễn biến bình thường như cuộc sống của nó.
Theo VNE
Đàn bà luôn có lỗi?
Chị điện thoại mời ba má và các anh chị chồng đến nhà, nói có việc cần thưa. Ai cũng thắc mắc, không biết đã xảy ra chuyện gì.
Mọi người đông đủ, chị bày đĩa trái cây và mấy ly nước. Má chồng sốt ruột, hối: "Có chuyện gì bây cứ nói, bày đặt nước nôi". Chị vừa mở lời thì mắt đã ầng ậng nước. Chị thưa, anh Tiến chồng con đang có bồ. Trước đây là cô đối tác, giờ là cô thư ký mới vào làm.
Quay sang chồng, chị nghẹn ngào: "Trước mặt ba má và các anh chị đây, anh nói xem em có lỗi gì khiến anh chán chê, phải đi tìm người khác". Má chồng vừa nghe đã nổi nóng: "Vợ mày nói đúng, mày nói coi, nó có lỗi gì?". Anh bối rối cúi đầu, tự hỏi lòng: Vợ có lỗi gì?...
Chị sụt sịt kể, ngày mới cưới, thấy anh đi làm bằng chiếc xe cà tàng, chị không nỡ, nên gom hết vàng cưới, tiền mừng, đổi chiếc xe mới cho anh. Hàng tháng, anh chỉ đưa chị ít tiền, phần còn lại là để xã giao bạn bè, mở rộng quan hệ, chị cũng không dám cằn nhằn. Để có tiền chi tiêu cho gia đình, chị phải nhận sổ sách về làm thêm, còn tranh thủ đi bán bảo hiểm.
Từ chiếc ti vi, tủ lạnh, máy giặt... đều từ chị cày bừa, nhịn ăn nhịn mặc, dành dụm từng đồng để mua. Anh muốn đổi điện thoại, mua laptop, chị đều đáp ứng. Lâu lâu, anh lại nói chị đưa tiền để hùn hạp với bạn bè làm ăn. Dù tiền lời anh đưa về chẳng bao nhiêu, chị cũng không hạch hỏi, để anh "tập tành làm ăn cho vui". Ở nhà, việc đưa đón con, chợ búa, cơm nước, chị đều gánh hết, để chồng... yên tâm phấn đấu cho sự nghiệp.
Mỗi chiều anh đi làm về, mâm cơm nóng sốt đã được dọn ra. Ăn xong, anh chỉ việc nhàn tản thả bộ ra đầu hẻm chơi cờ, tán gẫu hoặc hứng lên, rủ chiến hữu ra quán chém gió, mặc chị với mớ công việc bộn bề. Tối muộn, khi con đã lên giường, chị mới lôi sổ sách ra làm thêm và đợi cửa chồng.
Không những chu toàn việc nhà, việc nhà chồng chị cũng tình nguyện gánh vác. Nhà chồng có đám, chị về trước một ngày lo dọn dẹp, nấu nướng. Ba má chồng nằm viện, chị xin nghỉ mấy hôm để chăm lo. Có món gì ngon, chị lụi hụi xách về biếu...
Cần mẫn như con ong thợ bấy nhiêu năm, có lúc chị cũng mỏi mệt, cũng tủi thân, nhưng rồi chị tự an ủi, gái có công chồng chẳng phụ. Chị nghĩ, đàn ông ra ngoài tòm tem là để tìm em nào chiều chuộng, ngọt ngào, không càm ràm những chuyện vặt vãnh. Những thứ đó chị đã cho chồng đủ, hẳn anh sẽ không có nhu cầu... kiếm thêm.
Từ ngày anh lên chức trưởng phòng, chị rất hãnh diện, sắm ngay cho chồng chiếc xe tay ga, mua một loạt quần áo mới để anh... ra dáng sếp. Chị thì quanh năm vẫn tới lui mấy bộ, vẫn kiểu tóc kẹp sau gáy. Bạn bè cảnh báo "diện cho chồng lắm vào, bản thân thì không chịu nâng cấp, có ngày mất chồng". Chị tỉnh rụi: "Dễ gì, ổng tìm đỏ mắt cũng chẳng thấy có em nào chiều chuộng được hơn em này"...
Giờ thì lời cảnh báo của bạn bè đã thành sự thật. Chị đau như có ai cầm dao đâm thấu tim. Những hy sinh của chị, nhọc nhằn của chị, coi như đổ sông đổ biển.
Thấy anh cứ ngồi cúi đầu im lặng, má chồng lại quát: "Giờ muốn ở hay thôi? Mày mà bỏ vợ, ba má từ luôn". Chị chồng cũng bênh em dâu: "Vợ em đảm đang vén khéo, đốt đuốc cũng khó tìm, em dại thiệt, muốn tan cửa nát nhà mới chịu sao?". Anh ấp úng xin lỗi vợ, nói vợ không có lỗi gì, chỉ tại anh ham vui.
Chị chồng kéo chị sang một bên, thầm thì: "Chị nói thẳng em đừng buồn, thằng Tiến có bồ cũng là tại em... cũ quá, mòn mẻ nhiều quá, lại không chịu làm mới bản thân. Đàn bà biết nâng cấp chồng lên thì bản thân cũng phải nhón lên để ngang ngửa với chồng. Em cứ lẹt đẹt tuốt đằng xa, nên đã lạc mất chồng".
Má chồng nắm lấy tay choàng lấy vai chị dỗ: "Thôi, tha thứ cho nó đi con. Đàn ông mà, đi ta bà tứ xứ rồi cũng quay về với vợ con. Má thấy chị con nói đúng, lỗi cũng có phần tại con. Thời nay đã khác thời của má, đâu cứ phải nhịn ăn nhịn mặc, hy sinh hết cho chồng là giữ được chồng.
Thời bây giờ đàn bà phải biết yêu bản thân, sống cho mình mới được. Vậy chồng mới không chán". Chị mếu máo: "Đàn bà mình sao khổ vậy má? Chồng có bồ, chung quy lại cũng là lỗi tại vợ. Vậy có công bằng không?". Má thở dài: "Số phận là vậy rồi, biết làm sao được, hả con?".
Chị không cãi má, bụng nhủ thầm: "Ừ thì con trai má, má phải bênh vực thôi, chứ mình mà se sua, chưng diện thử xem, liệu cái gia đình này có được như bây giờ, liệu chồng mình có chễm chệ cái chức trưởng phòng mà dòm em này ngó em kia. Mà thôi, nói gì thì cuối cùng lỗi cũng là tại mình. Từ giờ, không thèm khóc nữa, chăm con, chăm chồng nhưng sẽ "chăm" cả mình, để xem ai liếc ai".
Theo VNE
Vợ chồng chán "chuyện yêu" Chị thổ lộ: "Nằm cạnh chồng mà cứ như người xa lạ không có cảm xúc. Hai vợ chồng đúng kiểu chán nhau. Chồng cũng không thèm yêu chiều, không có nhu cầu gần vợ..." Vợ chồng anh Cảnh chị Nhuần (Hoàng Mai - Hà Nội) cưới nhau chưa đầy một năm thế nhưng theo lời chị Nhuần chia sẻ thì cả hai...