Những phụ nữ chăm sóc thi thể Covid-19
Hàng chục túi đựng thi thể dán nhãn Covid-19 trong tầng hầm, đó là những gì bốn nữ nhân viên ở nhà tang lễ khu Harlem chưa bao giờ chứng kiến.
Trên tuyến đầu ứng phó với Covid-19, những y bác sĩ đang nỗ lực cứu sống các bệnh nhân. Tuy nhiên, còn có một mặt trận khác của những người chăm sóc cho người chết, đó là các nhân viên nhà tang lễ. Họ cũng sợ bị lây nhiễm và chết.
Lily Sage Weinrieb (trong ảnh), 25 tuổi, là một trong bốn nữ nhân viên làm việc tại Dịch vụ Tang lễ và Mai táng Quốc tế (IFCS) ở khu Harlem, thành phố New York. Cô đã rời khỏi căn nhà thuê chung với những người bạn ở Philadelphia vì sợ lây virus cho họ. Hơn một tháng nay, không ai dám ôm cô. Vài đêm trong tuần, Lily ngủ luôn ở nhà nguyện của nhà tang lễ.
Khi giới chức y tế bắt đầu chôn cất các nạn nhân Covid-19 trong một ngôi mộ tập thể trên Đảo Hart vào tuần lễ mà bang New York chứng kiến số ca tử vong cao nhất, bốn nữ nhân viên cũng bắt đầu bị quá tải.
Alisha Narvaez, 36 tuổi (trái), là người quản lý của nhà tang lễ, cùng Nicole Warring, 33 tuổi, một nữ nhân viên khác, khiêng một thi thể.
Từ đầu đại dịch, Narvaez đã gửi con gái 17 tuổi đến sống cùng chị em song sinh của cô, nhưng sau hai tuần xa cách, con gái cô muốn về với mẹ. Vì vậy, sau khi ướp xác, Alisha tắm luôn ở nhà tang lễ, cởi bỏ toàn bộ quần áo và tắm lại lần nữa khi về nhà. Cô xịt khử khuẩn túi xác và súc miệng cẩn thận để đảm bảo không gây nguy hiểm cho con gái.
“Dù con bé đã cách ly nhiều tuần rồi, mỗi ngày tôi đi làm về là con bé cách ly lại từ đầu”, cô nói.
Warring đẩy một xác chết vào tầng hầm. Warring lo lắng mình sẽ chết hoặc lây nhiễm cho con trai 10 tuổi. Bạn trai cô làm việc ở công ty sản xuất quan tài bị nhiễm virus nhưng may mắn hồi phục. Cô đã nghỉ làm một tuần vì lo lắng.
“Dịch bệnh gây đau thương cho mọi người. Không trường tang lễ nào dạy về những gì chúng ta đang chứng kiến lúc này”, cô nói.
Liy sắp xếp các thi thể. Có 48 thi thể trong tầng hầm của nhà tang lễ, trong đó 40 thi thể đã được đặt vào các thùng các-tông, sẵn sàng hoả táng. 8 thi thể còn lại đặt trong phòng lạnh để bảo quản và chôn cất. Các nhà cung cấp cho hay họ đã hết hàng quan tài và lọ đựng tro cốt.
Lily kiểm tra thẻ danh tính của nạn nhân. Cô đau đớn vì không thể đáp ứng những gì mà một người mong ước khi chết đi.
Video đang HOT
“Bạn muốn sáu chiếc limousine và muốn chúng được sơn màu hồng? Vâng. Nhưng bây giờ, chúng tôi sẽ hỏi là: bạn muốn hoả táng à? Tôi xin lỗi, không thể. Bạn muốn chôn cất và bạn đã có sẵn một mảnh đất? Xin lỗi, không được. Chúng tôi không còn phòng nữa”, cô nói. “Chúng tôi được xem là những anh hùng vì ở trên tuyến đầu của đại dịch này nhưng tôi cảm thấy mình đang khiến các gia đình thất vọng mỗi ngày”.
Nguyên nhân tử vong của những người nằm trong danh sách của nhà tang lễ hầu hết là mắc Covid-19. Với hơn 51.000 người chết, Mỹ là nước có số ca tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới, trong đó một phần ba là ở New York. Tuy nhiên, thành phố đông dân nhất Mỹ này chỉ có 4 nhà hoả táng.
Những chiếc xe tải đông lạnh không đủ chỗ chứa cho bệnh viện và đôi khi các thi thể bị xếp chồng lên nhau và đặt trên sàn nhà. Trước đây, các bệnh viện thường lưu thi thể 14 ngày, nhưng nay chỉ 6 ngày.
Trong ảnh, bộ dụng cụ chuẩn bị cho thi thể của nhà tang lễ.
Nữ nhân viên Jenny Adames (trái) cũng đã gửi con gái về bà ngoại. Gần đây, cô còn quát mắng con qua tin nhắn. “Trái tim tôi tan nát”, Jenny, 36 tuổi, nói. “Con bé cần mẹ. Nó không cần bà Jenny, người chủ trì tang lễ”.
Ông của Jenny đã qua đời vì Covid-19 hôm 6/4. Một tuần sau, dì cô cũng ra đi, nghi nhiễm Covid-19. Cô đã tự tay chăm sóc cả thi thể ông và dì (trong ảnh). “Tôi không muốn tỏ ra bình thản nhưng đó là công việc. Đó là những việc tôi phải làm”, cô nói.
Jenny ngồi trong phòng nguyện của nhà tang lễ. Cô không nhớ thi thể đầu tiên mà mình mai táng trong đại dịch, nhưng nhớ người đầu tiên khiến cô phải khóc. Một người đàn ông đã gọi đến ít nhất 4 lần trong ngày, nói rằng bạn mình đang nằm chết ở một nhà dưỡng lão, nhưng Jenny không thể làm gì vì nhà tang lễ đã hết chỗ.
“Không phải là chúng tôi chối bỏ họ. Chúng tôi chỉ cần thêm thời gian. Bạn nhìn thấy hàng tá túi đựng thi thể và hàng tá người được dán nhãn Covid-19, Covid-19, Covid-19. Đó giống như một cuộc trưng bày ghê rợn”, Jenny nói.
Lily đặt hoa lên quan tài của một người tử vong nghi mắc Covid-19.
Hầu hết bệnh nhân Covid-19 ra đi trong cô độc và gia đình đang được cách ly, vì thế các nữ nhân viên nhà tang lễ phải giúp họ nói lời từ biệt người thân. Jenny cho các gia đình số điện thoại và họ gửi tin nhắn cho cô vào ban đêm. Với những người được hoả táng, Lily cho phép các gia đình đổ tro vào lọ và nói vài câu.
Nhà tang lễ này cũng là một trong số ít nơi cho nhìn mặt người chết vì Covid-19. Chỉ 10 người được có mặt một lần, phải đeo găng tay và khẩu trang.
Không ai dám chắc các thi thể có lây nhiễm hay không. Hai tuần trước, 4 nữ nhân viên đã hết găng tay.
Bệnh viện New York trước lựa chọn sinh tử
Khi số bệnh nhân nguy kịch tăng lên, bệnh viện New York sẽ phải chấm điểm sinh tồn của họ. Nếu điểm số bằng nhau, bác sĩ có thể phải bốc thăm.
Trong một ca trực gần đây, bác sĩ cấp cứu Amanda Bates tại hệ thống y tế Mount Sinai ở thành phố New York, Mỹ, phải đặt máy thở cho 6 bệnh nhân và chuyển họ tới phòng chăm sóc tích cực. Trước khi Covid-19 bùng phát, Bates chưa từng phải xử lý nhiều ca đến vậy.
"Trước khi quyết định đặt nội khí quản, tôi luôn cố gắng gọi cho gia đình bệnh nhân nếu có thể. Nhưng gần đây nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy kịch đến mức tôi không có thời gian để làm điều đó nữa", Bates nói.
Một kỹ thuật viên lắp máy thở tại Trung tâm Y tế Javits ở thành phố New York. Ảnh: Reuters.
Mỹ đã ghi nhận hơn 435.000 người nhiễm và gần 15.000 người chết vì nCoV. New York, nơi được xem là tâm dịch của Mỹ, tiếp tục chứng kiến ngày chết chóc nhất vì Covid-19 khi ghi nhận 779 ca tử vong trong 24 giờ, nâng tổng số người chết lên gần 6.300, trong khi số ca nhiễm được báo cáo là hơn 149.000. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo nói số người chết vì nCoV vượt quá số nạn nhân trong vụ khủng bố 11/9, thảm kịch khiến 2.753 người thiệt mạng.
Khi số ca nhiễm vẫn tăng mạnh, trong đó có nhiều ca nguy kịch, nhiều bệnh biện ở thành phố New York đã phải chuẩn bị những kịch bản xấu nhất về việc phải lựa chọn "buông ai và cứu ai".
Một số bệnh viện và lãnh đạo cơ quan y tế bang New York đã đưa ra hướng dẫn về tiêu chí cho bệnh nhân dùng máy thở trong trường hợp bệnh viện cạn kiệt thiết bị y tế này. Những hướng dẫn này hé lộ cách các bác sĩ khắp New York đứng trước "lựa chọn sinh tử" khi đối phó với khủng hoảng y tế chưa có tiền lệ trong những ngày tới.
Hệ thống y tế Northwell Health với 23 bệnh viện thành viên có kế hoạch ưu tiên máy thở cho những bệnh nhân có khả năng sống sót cao nhất, dựa theo hệ thống tính điểm được giới chức bang New York ban hành năm 2015. Điểm số sẽ giúp phân loại bệnh nhân có tỷ lệ sống sót từ cao đến thấp dựa trên nhiều tiêu chí, trong đó có chức năng sống của những cơ quan trọng yếu trong cơ thể.
Lãnh đạo Northwell đang gặp khó khăn khi phải lựa chọn giữa những bệnh nhân có số điểm bằng nhau. Các hướng dẫn của bang khuyến nghị bệnh viện bốc thăm ngẫu nhiên để chọn người được dùng máy thở trong những trường hợp như vậy, tuy nhiên cần ưu tiên người trẻ hơn người cao tuổi nếu họ có cùng điểm số. Giới chức bệnh viện Northwell cho hay sẽ không sử dụng cách bốc thăm này bởi nó quá may rủi.
"Chúng tôi không ủng hộ việc xem nó như một trò may rủi. Chúng tôi muốn mỗi bệnh nhân đều được đối xử công bằng", Renee McLeod-Sordjan, giám đốc y đức của hệ thống Northwell, cho hay.
Northwell chỉ còn khoảng 1/4 số máy thở dự trữ và 88% số giường ở các khoa chăm sóc tích cực đã kín bệnh nhân.
Lãnh đạo hệ thống y tế Mount Sinai gần đây gửi chỉ thị tới bác sĩ tại 6 khoa cấp cứu rằng máy thở sẽ không dành cho bệnh nhân không có cơ hội sống sót, như những người bị ngừng tim hoặc không đáp ứng đủ các tiêu chí để được đưa vào phòng chăm sóc tích cực vì bệnh quá nặng hoặc tiến triển xấu nhanh, cũng như những người có bệnh lý nền có nguy cơ tử vong trong thời gian ngắn.
Brendan Carr, trưởng khoa cấp cứu tại Trường Y tế Icahn thuộc Mount Sinai, cho hay hướng dẫn này như một lời nhắc nhở về việc đưa ra lựa chọn tốt nhất. Ông cũng thêm rằng Mount Sinai hiện vẫn có đủ máy thở và đã tăng gấp đôi khả năng tiếp nhận bệnh nhân của khoa chăm sóc tích cực.
Mount Sinai cũng đang hướng dẫn bác sĩ cấp cứu cách trả lời đối với những câu hỏi khó từ gia đình bệnh nhân muốn kéo dài thời gian điều trị. Hướng dẫn cũng kèm theo những kịch bản cụ thể như người thân của một cụ bà 90 tuổi hỏi tại sao bà không được chuyển tới khoa chăm sóc tích cực.
"Tôi ước mọi thứ có thể khác đi. Đây là thời điểm không như bình thường. Tình trạng sức khỏe của bà bạn không đáp ứng tiêu chí để nhập phòng ICU hôm nay", kịch bản hướng dẫn nêu rõ cách trả lời của bác sĩ.
Một bệnh nhân được chuyến tới Trung tâm Y tế Wyckoff Heights, hạt Brooklyn, thành phố New York. Ảnh: AFP.
Sean Morrison, trưởng khoa lão khoa và chăm sóc giảm nhẹ tại Trường Y tế Icahn, cho biết hướng dẫn này được dành cho trường hợp bệnh viện phải đối mặt với "kịch bản tồi tệ nhất" về việc thiếu thiết bị y tế và đã được cập nhật kể từ khi được lưu hành cuối tháng trước. Tuy nhiên, bệnh viện không cung cấp chi tiết về những cập nhật mới này.
Theo giới chức y tế, những sự chuẩn bị như vậy là cần thiết để đối phó với cuộc khủng hoảng Covid-19 và số ca nhiễm không ngừng tăng hiện nay ở thành phố New York. Thị trưởng Bill de Blasio từng ước tính thành phố cần thêm 300 máy thở mỗi ngày vào thời gian này, nhưng các bệnh viện thành phố gần đây báo cáo tăng thêm khoảng 100 bệnh nhân cần đặt nội khí quản mỗi ngày.
Thống đốc Andrew Cuomo đầu tuần này cho biết cuộc khủng hoảng Covid-19 tại bang có thể đang đạt đỉnh và áp lực tại các bệnh viện đang giảm bớt nhờ có 1.000 máy thở từ Trung Quốc cùng hàng trăm chiếc từ các bang khác của Mỹ.
Lãnh đạo y tế bang đang cập nhật những hướng dẫn từ năm 2015 để giúp các bệnh viện có cách phân phối máy thở trường hợp hết máy dự trữ. Samuel Gorovitz, người từng là hiệu trưởng Đại học Syracuse và từng tham gia xây dựng hướng dẫn này năm 2015, cho biết một số người tham gia soạn thảo hướng dẫn mới muốn chúng mang tính bắt buộc để các bác sĩ không phải chịu áp lực khi đứng giữa lựa chọn sinh - tử.
"Những người phải ở trong tình thế buộc phải đưa ra sự lựa chọn đầy khó khăn biết rằng dù họ có làm thế nào, kết quả vẫn sẽ rất tồi tệ. Do đó, sẽ tốt hơn nếu để họ không phải chịu áp lực để tự cân nhắc những điều tốt đẹp và công bằng", ông nói.
Tuy nhiên, bản hướng dẫn mới cuối cùng vẫn chưa được công bố.
Các nhà lập pháp New York gần đây đã thông qua một biện pháp để bảo vệ những nhân viên y tế và bệnh viện trong các vụ kiện về sơ suất y khoa trong thời điểm hệ thống y tế quá tải vì Covid-19.
Bệnh viện dã chiến tại Công viên Trung tâm New York. Ảnh: Zuma Press.
Robert Femia, trưởng khoa cấp cứu của Bệnh viện NYU Langone, nói với các bác sĩ trong một email tháng trước rằng "hãy cân nhắc cẩn thận hơn" về bệnh nhân cần dùng máy thở. Người phát ngôn của NYU Langone cho biết bác sĩ tại bệnh viện này chưa từng phải đưa ra lựa chọn như vậy.
Cho đến nay, Bệnh viện NewYork-Presbyterian đang sử dụng những hướng dẫn về y đức có sẵn để xác định thời điểm "bệnh nhân không còn hy vọng" nên được rút máy thở, theo giám đốc điều hành Steven Corwin.
"Bệnh nhân phải dùng máy thở mà bị suy tạng hoặc suy phổi vĩnh viễn là những người chúng tôi sẽ ngắt máy hỗ trợ sống. Quy tắc đó được áp dụng ngay cả khi không có đại dịch, nhưng nó đã được nâng cấp", ông nói.
Tiến sĩ Corwin cho biết NewYork-Presbyterian sẽ không xây dựng chính sách hoàn toàn theo hướng dẫn của bang từ năm 2015, bởi cho rằng hệ thống chấm điểm bệnh nhân vẫn còn nhiều sai sót.
Việc tính điểm sinh tồn dựa trên các yếu tố như tuổi tác, bệnh mạn tính và suy tạng không phải cách tốt nhất và không thể thay thế các đánh giá lâm sàng, cũng như thảo luận giữa gia đình bệnh nhân và y bác sĩ điều trị, ông Corwin khẳng định.
Art Fougner, chủ tịch Hiệp hội Y khoa bang New York, cho biết giới chức y tế nên tránh để một bác sĩ phải chịu áp lực khi buộc phải lựa chọn để bệnh nhân nào phải chết. "Đó là tình huống thực sự đáng sợ", Fougner nói.
Thanh Tâm
New York đề nghị người dân đeo khẩu trang Giới chức y tế thành phố New York đề nghị người dân đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà để ngăn nCoV lây lan trong cộng đồng. "Khẩu trang có thể giúp các bạn không lây lan Covid-19 cho người khác, vì thế các bạn nên đeo khẩu trang bất cứ khi nào ra khỏi nhà", thông cáo của giới chức y tế...