Những phó tổng thống Mỹ từng chứng nhận thất bại của mình
Richard Nixon và Al Gore từng lâm vào thế khó xử khi phải chứng nhận chiến thắng của đối thủ trước bản thân, nhưng họ đã xử lý tình huống khéo léo.
Hiến pháp Mỹ quy định các phó tổng thống, trong vai trò chủ tịch thượng viện, là người chủ trì việc chứng nhận kết quả kiểm phiếu của đại cử tri trong cuộc họp của quốc hội, ngay cả khi điều đó có nghĩa là chuyển giao quyền lực cho phe đối lập. Hai phó tổng thống Mỹ thời hiện đại đã phải chứng nhận thất bại của chính mình.
Richard Nixon (phải) và John F. Kennedy tại Chicago tháng 9/1960. Ảnh: AP .
Trong mùa bầu cử năm 1960, ứng viên đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ John F. Kennedy đã đánh bại ứng viên đảng Cộng hòa là Phó tổng thống Richard Nixon với khoảng cách sít sao. Nhiều đảng viên Cộng hòa nghi ngờ có gian lận cử tri ở 11 bang và nộp đơn kiện ở hai bang nhưng các thẩm phán đã bác bỏ cả hai. Vì vậy, nhiều người đặt câu hỏi liệu Nixon có chấp nhận chứng nhận chiến thắng của đối thủ hay không.
Thực tế là vào ngày 6/1/1961, Nixon đã làm vậy một cách vui vẻ. Washington Post đưa tin vào thời điểm đó rằng Nixon có vẻ thoải mái, đưa sự hài hước vào cuộc họp và đồng thời nhấn mạnh ý thức chính trị của bản thân. Phó tổng thống cho biết ông có đôi lời muốn trình bày và nói một cách dí dỏm rằng ông sẽ tuân theo truyền thống của Hạ viện là chỉ phát biểu trong một phút, thay vì không giới hạn thời gian như Thượng viện.
“Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể có một ví dụ nổi bật và hùng hồn hơn về sự ổn định của hệ thống hiến pháp, và về truyền thống đáng tự hào của người dân Mỹ là phát triển, tôn trọng và tôn vinh các thể chế tự trị”, ông nói. “Trong các chiến dịch của chúng tôi, bất kể chúng tôi có đấu với nhau ác liệt đến đâu, bất kể kết quả bầu cử có sít sao đến mức nào, những người thua cuộc chấp nhận kết quả và ủng hộ những người chiến thắng”.
Ông xác nhận chiến thắng của Kennedy và các nghị sĩ đứng dậy vỗ tay hoan hô. Khoảnh khắc tưởng chừng khó xử đã được xử lý tốt.
Video đang HOT
Phó tổng thống Al Gore chứng nhận chiến thắng của George W. Bush trong cuộc họp quốc hội ngày 6/1/2001. Ảnh: Reuters .
4 thập kỷ sau, nước Mỹ rơi vào tình huống còn kịch tính hơn, khi Phó tổng thống Al Gore từ đảng Dân chủ phải chứng nhận chiến thắng của Thống đốc Texas George W. Bush từ đảng Cộng hòa, mặc dù Gore đã chiến thắng về số phiếu phổ thông.
Cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2000 là một trong những cuộc bầu cử gây tranh cãi nhất trong lịch sử bầu cử Mỹ. Kết quả chung cuộc được định đoạt bởi 25 phiếu đại cử tri của Florida và một loạt rắc rối xoay quanh bang này đã xảy ra.
Khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa ở Florida, nhiều hãng truyền thông tuyên bố Gore đã thắng bang này một cách dễ dàng. Nhưng khi thêm nhiều phiếu bầu được kiểm vào đêm đó, họ rút lại tuyên bố khi số phiếu của Bush tăng lên. Đến sáng, Bush dẫn trước Gore vài nghìn phiếu. Chiến dịch của Gore đã yêu cầu các quan chức tại 4 trong số các hạt lớn nhất của Florida kiểm lại phiếu bằng tay. Những lá phiếu được bỏ theo hình thức cử tri đục vào lỗ bên cạnh tên ứng viên. Ba tuần sau Ngày bầu cử, Florida tuyên bố Bush đã thắng với cách biệt 537 phiếu.
Gore nghi ngờ về con số đó và Tòa án Tối cao Florida ra lệnh kiểm lại hàng nghìn lá phiếu đã bị máy đếm từ chối vì chúng không được đục lỗ hoàn toàn, vẫn còn mẩu giấy nhỏ dính vào lá phiếu. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Mỹ ra lệnh dừng việc kiểm phiếu này vào ngày 12/12, đúng 6 ngày trước khi đại cử tri đoàn bỏ phiếu bầu tổng thống. Tòa phán quyết rằng hiến pháp đã bị vi phạm bởi các hạt sử dụng các tiêu chuẩn kiểm phiếu khác nhau. Cuối cùng, Gore nhận thua, nói rằng ông không muốn đất nước tiếp tục lâm vào cảnh đấu đá đảng phái.
Giống như Nixon vào năm 1960, Gore cố gắng tạo không khí vui vẻ cho phiên họp quốc hội ngày 6/1/2001. Phiếu đại cử tri của các bang được kiểm theo thứ tự bảng chữ cái. Khi đến California, nơi Gore giành chiến thắng, ông đã đùa vui bằng cách giơ nắm đấm lên cao.
Gore ngày hôm đó giống như một ngôi sao khi ký tặng cho các nhà lập pháp và nhân viên quốc hội. Thậm chí, Chủ tịch Hạ viện Dennis Hastert còn yêu cầu Gore ký tặng vào chiếc búa gỗ (để chủ trì cuộc họp) mà ông sử dụng ngày hôm đó. Giống như Nixon, khi ông tuyên bố Bush là người chiến thắng và xin Chúa phù hộ cho đối thủ của mình, Gore đã được các nghị sĩ đứng dậy hoan hô nhiệt liệt.
Tuy nhiên, vẫn có tình huống khó xử xảy ra vào hôm đó khi họ kiểm phiếu đến Florida và một số hạ nghị sĩ Dân chủ phản đối kết quả. Hầu hết là các hạ nghị sĩ da màu cảm thấy rằng phiếu bầu tại các khu bầu cử mà cử tri người Mỹ gốc Phi chiếm số đông đã không được tính, vì máy bỏ phiếu bị lỗi, một số cử tri da màu bị thách thức quyền bỏ phiếu và các yếu tố khác.
Theo luật năm 1887, cần phải có ít nhất một hạ nghị sĩ và một thượng nghị sĩ cùng nhau đệ trình văn bản để phản đối việc kiểm phiếu của một bang. Thượng viện và Hạ viện sau đó sẽ tranh luận riêng về kiến nghị này trong tối đa hai giờ và sẽ bỏ phiếu riêng rẽ về việc có chấp nhận kiến nghị phản đối kết quả bỏ phiếu của đại cử tri hay không.
Ngày 6/1/2001, không có thượng nghị sĩ nào ủng hộ nỗ lực phản đối của các hạ nghị sĩ. Vì vậy, kiến nghị “chết từ trong trứng nước” và không được trình bày.
Nhưng cuộc họp chứng nhận phiếu đại cử tri do Phó tổng thống Mike Pence chủ trì vào ngày 6/1 năm nay có thể sẽ rất khác. Một số thượng nghị sĩ đã tuyên bố ủng hộ nỗ lực “lật kèo” của các hạ nghị sĩ Cộng hòa, có nghĩa là phản đối sẽ được chấp thuận và phiên họp nhiều khả năng sẽ bị kéo dài, dù khó có thể thay đổi được kết quả chung cuộc, bởi đảng Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện Mỹ.
Người được Trump ân xá có thể làm chứng chống lại ông
Cựu luật sư Michael Cohen cảnh báo những người được Trump ân xá có thể phải làm chứng chống lại ông vì không còn được Hiến pháp bảo vệ.
Trong cuộc phỏng vấn với MSNBC ngày 29/12, Cohen, cựu luật sư riêng của Tổng thống Donald Trump, cho rằng ông chủ Nhà Trắng có thể hứng chịu hậu quả pháp lý từ việc ân xá cho một loạt đồng minh chính trị của mình.
"Hành động này tạo ra rắc rối lớn với Donald Trump, đó là một khi được ân xá, những người này không thể viện dẫn Tu chính án thứ năm, vì họ không thể bị buộc tội nữa", Cohen nói.
Tu chính án thứ năm trong Hiến pháp Mỹ quy định về quyền tự nhận tội, cho phép một người không bắt buộc phải trả lời câu hỏi của điều tra viên hoặc công tố viên, trong trường hợp những gì họ có thể nói được sử dụng để chống lại họ.
"Tất cả những người này cuối cùng có thể gây ra sự sụp đổ của Tổng thống Trump vì họ có thể sẽ làm chứng chống lại ông", cựu luật sư riêng của Trump cảnh báo.
Cựu luật sư của Trump Michael Cohen tại New York hôm 24/7. Ảnh: Reuters.
Theo luật sư Cohen, khi một số đồng minh của Trump được ông ân xá và không còn liên quan đến quy trình tố tụng hình sự, họ sẽ không thể viện dẫn Tu chính án thứ năm để bảo vệ bản thân. Điều này có thể khiến các công tố viên yêu cầu họ cung cấp lời khai chống lại Tổng thống.
Tổng thống Mỹ gần đây đã ân xá cho loạt đồng minh trung thành, bao gồm cố vấn lâu năm Roger Stone, cựu chủ tịch chiến dịch tranh cử Paul Manafort, cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn và cả ông thông gia Charles Kushner.
Cohen, 52 tuổi, đã bị kết án ba năm tù vào tháng 12/2018 với các tội danh lừa đảo, trốn thuế, liên quan đến các khoản đóng góp bất hợp pháp cho chiến dịch tranh cử của Trump và nói dối quốc hội.
Cohen sau đó liên tục chỉ trích Tổng thống Trump là kẻ lừa đảo, phân biệt chủng tộc và tham gia tranh cử để đánh bóng tên tuổi chứ không khiến đất nước trở nên vĩ đại. Hồi tháng 5, do lo ngại về đại dịch Covid-19, Cohen được phóng thích khỏi nhà tù liên bang và thi hành nốt bản án tại nhà.
Trump được cho là đang xem xét tự ban lệnh ân xá cho bản thân và các con khỏi nguy cơ bị truy tố sau khi ông mãn nhiệm. Tuy nhiên, lệnh ân xá tổng thống chỉ bảo vệ Trump trước các cuộc điều tra liên bang, trong khi các công tố viên bang New York đang tiến hành một số cuộc điều tra nhắm vào Trump và tập đoàn của ông.
Đặc quyền của phó tổng thống Mỹ Khi Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris nhậm chức vào tháng 1/2021, bà sẽ được nhận mức lương hơn 200.000 USD/năm và di chuyển bằng chuyên cơ Air Force Two. Trong khi lương của tổng thống Mỹ được quy định ở mức 400.000 USD/năm, lương của phó tổng thống linh hoạt hơn, có thể do hiến pháp Mỹ không quy định rõ...