Những phim Việt gắn mác cấm người vị thành niên vì cảnh nóng
Trong khi “Bước khẽ tới hạnh phúc” gắn mác 16 vì cảnh nude 100% của diễn viên chính, “Săn đàn ông”, “Cô dâu đại chiến” cũng bị giới hạn độ tuổi khán giả vì hình ảnh không phù hợp.
Bước khẽ tới hạnh phúc: Là bộ phim mới của đạo diễn kỳ cựu – Lưu Trọng Ninh, Bước khẽ tới hạnh phúc với sự tham gia của dàn diễn viên trẻ đẹp đang thu hút sự chú ý của người hâm mộ. Trailer chính thức vừa được tung ra chứa khá nhiều cảnh nóng của Quách Ngọc Ngoan và Ngân Khánh. Bên cạnh cảnh khóa môi trong ô tô, hai diễn viên còn có cảnh nude hoàn toàn quay từ phía sau. Chính vì vậy Bước khẽ tới hạnh phúc đã bị dán nhãn 16 .
Nội dung phim xoay quanh Vivean (Ngân Khánh đóng), một người Mỹ gốc Việt làm việc trong một tổ chức quốc tế tài trợ thiết bị y tế cho Việt Nam. Trong lần đầu về nước để kiểm tra chất lượng lô hàng thiết bị y tế mổ tim cho trẻ em bị tim bẩm sinh, Vivean phát hiện ra một nhóm Việt kiều muốn “xà xẻo” gói thiết bị đó. Nhưng trong chuyến đi hoàn toàn vì mục đích công việc này, cô đã tìm thấy tình yêu của mình với anh chàng điển trai do Quách Ngọc Ngoan đóng.
Chia sẻ về việc đóng cảnh nóng cùng Quách Ngọc Ngoan, Ngân Khánh từng cho biết, cô không tránh được cảm giác căng thẳng. “Dù là diễn viên đóng nhiều cảnh tình cảm, nhưng lần nào tôi cũng thấy bị áp lực. Diễn viên Việt Nam chưa được đả thông tư tưởng khi đóng cảnh nóng. Chính vì thế, tôi thường tạo ra sự thoải mái với bạn diễn để cả hai tự nhiên, diễn tốt từ lần đầu để không phải quay lại nhiều lần” – nữ diễn viên xinh đẹp thú nhận.
Với Cô dâu đại chiến 2, lần đầu tiên khán giả màn ảnh rộng được thưởng thức cảnh nóng của Lê Khánh. Người đóng cùng nữ diễn viên là cựu người mẫu Bình Minh. Vì cảnh này, Cô dâu đại chiến 2 bị gắn mác phim người lớn, cấm trẻ em dưới 16 tuổi.
Nói về cảnh nóng, Lê Khánh hóm hỉnh cho biết: “Tôi cười đau cả ruột khi diễn cảnh này với Bình Minh. Anh chàng rất biết cách tung hứng cùng tôi trong cảnh quay này. Chắc chắn sẽ là một cảnh ấn tượng đối với khán giả”.
Ngoài ra, nội dung, trang phục và một số tình tiết “nhạy cảm” của phim không phù hợp với lứa tuổi dưới 16.
Ngôi nhà trong hẻm: Bộ phim kinh dị của đạo diễn Lê Văn Kiệt cũng đóng mác 16 . Sau khi trải qua phần kiểm duyệt của Hội đồng duyệt phim Quốc gia, phim bị xếp vào loại cấm khán giả dưới 16 tuổi vì có một số hình ảnh không phù hợp.
Ngay từ phút đầu tiên, bộ phim khiến người xem rùng mình vì khung cảnh đẫm máu. Sự hồi hộp, căng thẳng, dồn dập được đẩy đến tận cùng khi khán giả dõi theo bước chân gấp gáp của người đàn bà chạy vào hẻm nhỏ, rồi lần theo vết máu để lên căn phòng, nơi có người vợ trẻ đang quằn quại vì đau sảy thai và người chồng đang quẫn trí. Những trường đoạn khiến khán giả “rớt tim” xuất hiện nhiều trong phim.
Ngoài ra, Ngôi nhà trong hẻm cũng có không ít cảnh nóng táo bạo của Ngô Thanh Vân và Trần Bảo Sơn.
Ngô Thanh Vân cũng là kiều nữ từng có kinh nghiệm trong việc đóng cảnh giường chiếu khi từng “đốt mắt” khán giả trong các phim Bẫy rồng, Dòng máu anh hùng…
Video đang HOT
Giữa hai thế giới : Thêm một phim kinh dị nữa gắn mác 16 là Giữa hai thế giới. Lấy ý tưởng từ thuyết “nhân – quả”, phim mở đầu bằng những ký ức của cô sinh viên trường nhạc trẻ trung, xinh đẹp (Đinh Ngọc Diệp) mắc căn bệnh trầm uất và từng tìm tới cái chết nhưng không thành. Cô quyết định kết hôn với một chủ thầu xây dựng (Dustin Nguyễn) với hy vọng có một cuộc sống mới, giàu sang và hạnh phúc hơn.
Tuy nhiên, sau khi lấy chồng, cô gái vẫn có cảm giác lạc lõng, cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Căn bệnh trầm cảm vẫn ngày ngày bám đuổi cô. Ngày đầu tiên tới ngôi nhà, nhiều điều khác thường đã xảy đến với cô gái, như có một cậu bé bị bệnh down luôn đứng trước cổng nhà nhìn vào bên trong, gã thanh niên lạ mặt lởn vởn trước nhà, hay âm thanh quái dị phát ra từ trên tầng thượng…
Quyết tâm khám phá bí ẩn trong ngôi nhà, cô gái lén chồng mở căn phòng bí ẩn luôn bị khóa trái trên sân thượng. Tại đây, cô phát hiện ra sự thật về ngôi nhà rộng lớn mà mình đang ở…
Ngoài những yếu tố kinh dị “hù doạ” người xem xuyên suốt bộ phim, cảnh nóng của hai nhân vật chính cũng là một trong những lý do phim gắn mác 16 .
Săn đàn ông – bộ phim của đạo diễn Vũ Quốc Thành và Khánh Ly – khiến nhiều khán giả bất ngờ khi thuộc thể loại phim đại trà như phim hài Việt song lại bị dán nhãn 16 . Tuy nhiên, khi theo dõi trailer phim, khán giả có thể hiểu phần nào lý do Săn đàn ông lại phải cấm trẻ em dưới 16 tuổi. Phim có không ít cảnh “nóng mắt”, cộng với một số phục trang nữ diễn viên khá hở hang, còn nam diễn viên cũng cởi trần mát mẻ không kém.
Câu chuyện xoay quanh công cuộc “săn” chồng của 3 người phụ nữ thành công trong cuộc sống nhưng thất bại trong tình yêu. Họ luôn kiếm tìm người đàn ông lý tưởng của đời mình giữa những hoài nghi và ảo vọng, để rồi cuối cùng nhận ra: tất cả những yêu cầu chỉ là lý thuyết vì thứ họ cần là con người chứ không phải thánh sống.
Điểm đặc biệt dễ nhận thấy trong trailer Săn đàn ông không có gương mặt ngôi sao quen thuộc. Ê-kíp làm phim chia sẻ, họ đã mạnh dạn chọn các diễn viên mới vào nghề, chưa có nhiều tên tuổi nhưng nhiệt huyết và có khả năng diễn xuất. Những cảnh nóng táo bạo xuất hiện ngay trong trailer của phim.
Bi, đừng sợ là phim Việt bị gắn mác 18 do có những tình tiết nhạy cảm và không ít trường đoạn cảnh nóng.
Cảnh nóng của Kiều Trinh và Kiều Phong trong Bi, Đừng sợ dù đã bị cắt một phần nhưng vẫn gây shock cho khán giả Việt.
Bi, đừng sợ kể về một cuộc sống gia đình đầy những nỗi niềm, trong đó có cả chuyện “bị ức chế tình dục”. Cậu bé Bi từng nhìn thấy những cơ thể lõa lồ như khi ông chủ hãng nước đá đứng tắm, một chàng trai trần truồng ngồi khóc…
Những cảnh khác của phim gây phản ứng dữ dội nơi người xem là cảnh diễn của diễn viên Hoa Thúy (đóng vai người cô của Bi). Cô đang đêm lén ra tủ lạnh, lấy đá để… thủ dâm với những tiếng kêu phát ra nghe “hiện thực quá trần trụi”. Hoặc lúc cô thể hiện sự ham muốn khi nhìn thấy một chàng trai trẻ đứng tiểu trước mặt mình, rồi làm tình đầy cuồng nhiệt với người yêu trên bãi biển…
Không cân sức mang đến một câu chuyện khá kịch tính. Phó phòng xây dựng Ba Quang vì đứng ra tố cáo và chống lại những kẻ tham nhũng trong huyện nên bị cho nghỉ việc, phải chạy xe thồ để kiếm sống. Trong khi đó, vợ anh là Mai Duyên lại đi ngoại tình với Hai Hùng, người bạn thân nhất của anh (người sau này Ba Quang mới biết là kẻ đứng sau những tên quan tham nhũng mà anh đang đương đầu).
Trong cuộc chiến không cân sức giữa một cán bộ thanh liêm và những kẻ tham nhũng, Ba Quang bị vu oan là buôn ma túy và bị xử tử hình. Chính bản án dành cho Ba Quang khiến Mai Duyên ân hận và lên đường tìm lại công lý cho chồng. Cô còn đứng ra tự thú nhận mối quan hệ mờ ám của mình với Hai Hùng và đưa ra những chứng cứ giúp chồng được minh oan…
Để tạo thêm yếu tố ăn khách và khai thác những nguyên nhân gây mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng, nhà làm phim đã khá mạnh tay khi quay những cảnh phòng the… Chính điều này đã khiến Không cân sức bị giới hạn độ tuổi khán giả tới xem phim và gắn mác 18 . Diễn xuất của nữ chính khiến nhiều khán giả lớn tuổi đỏ mặt.
Theo Zing
Những phim độc lập Việt giành giải tại Liên hoan phim Quốc tế
Cùng điểm lại những phim độc lập Việt từng được vinh danh tại các Liên hoan phim Quốc tế.
Không đóng khung trong những khuôn mẫu cũ kỹ, những đề tài mang tính chất "phục tùng" tuyệt đối với lễ giáo hay đạo đức chính thống; phim độc lập khai thác nhiều góc khuất bình dị nhất của mỗi con người, phô bày thẳng thắn hiện thực bằng sự trau chuốt đầy nghệ thuật, trân quý con người nhưng không phủ nhận những giá trị đạo đức.
Một số bộ phim độc lập của Việt Nam đã tạo nên tiếng vang trên trường quốc tế như Trần Anh Hùng với Xích Lô, Phan Đăng Di với Bi, Đừng sợ, Tony Bùi - Ba mùa, Nguyễn Võ Minh Nghiêm và Mùa len trâu, Chơi vơi của Bùi Thạc Chuyên... Gần đây nhất là Đập Cánh Giữa Không Trung của nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Điệp.
Hãy cùng điểm lại những phim độc lập Việt từng được vinh danh tại các Liên hoan phim Quốc tế!
Đập Cánh Giữa Không Trung
"Đập Cánh Giữa Không Trung là một câu chuyện buồn về nỗi cô đơn đến tận cùng" theo lời đạo diễn cũng là tác giả của bộ phim - Nguyễn Hoàng Điệp. Phim là câu chuyện của 3 người đàn ông xoay quanh một cô gái tuổi teen tên Huyền. Trong một phút bồng bột, Huyền đã mang thai với bạn trai - một kẻ đam mê cá cược chọi gà, không hề quan tâm đến cô.
Trong lúc đau đớn định phá thai, Huyền gặp Hoàng - một người đàn ông hào hoa, giàu có nhưng đam mê kì lạ với thai nhi. Những biến đổi tâm lý thú vị dẫn dắt câu chuyện của Huyền đến một kết thúc bất ngờ cho người xem. Theo như dự kiến, phim sẽ ra mắt khán giả Việt Nam vào cuối năm nay.
Thanh Duy Idol vào vai "chị" bạn thân nhất của Huyền
Trần Bảo Sơn vào vai người đàn ông hào hoa có sở thích kỳ lạ
Đập cánh giữa không trung được Hội đồng tuyển phim của LHP Venice lựa chọn công chiếu trong Tuần lễ phê bình phim năm nay tại Ý ngay khi còn là bản thô (chưa nhạc, chưa hòa âm, chỉnh màu...). Tác phẩm lọt vào Top 7 phim được đề cử cho giải Luigi De Laurentiis dành cho các phim truyện đầu tay xuất sắc với giải thưởng trị giá đến 100.000 USD (2,1 tỷ đồng).
Bi, Đừng Sợ
Bi, Đừng Sợ của Phan Đăng Di là một bộ phim tạo ra cơn sốt dư luận trái chiều tại Việt Nam trong suốt một thời gian dài công chiếu chính thức và cho đến tận bây giờ. Nhiều cảnh phim đã bị cắt bỏ với lý do không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Tuy nhiên, điện ảnh thế giới đã công nhận Bi, Đừng Sợ là một tác phẩm nghệ thuật thành công vang dội qua một loạt các giải thưởng lớn nhỏ trong các kì liên hoan phim quốc tế: LHP Quốc tế Stockholm (Thụy Điển, 2 giải), LHP Quốc tế Cannes (Pháp), Giải Special Mention của LHP Quốc tế Vancouver và giải phim hay nhất tại LHP châu Á - Hongkong.
Hình ảnh trong veo của Bi
Bộ phim là câu chuyện xoay quanh một gia đình Hà Nội. Một gia đình với nhiều thế hệ, những khác biệt về tư tưởng và những mối quan hệ chồng chéo, những bế tắc và ẩn uất sâu trong tâm tưởng của mỗi thành viên. Đối nghịch với tấm màn đen u ám bao phủ người lớn và những viên đá buốt lạnh xuất hiện xuyên suốt bộ phim là Bi, ánh mắt trẻ thơ, trong trẻo của em làm ám ảnh và nhức nhối trái tim người xem. Từng nhân vật hiện lên vừa đáng giận, vừa đáng thương, những khát khao dục vọng tầm thường được cho là dung tục và trái đạo đức của người cô giáo, cách cư xử lạnh nhạt của người con dâu với bố mẹ chồng... được mổ xẻ theo một góc nhìn khác, rất nhân văn.
Bữa cơm gia đình lạnh lẽo
Xích Lô
Xích Lô là tác phẩm mang "án oan" của đạo diễn Trần Anh Hùng trong bối cảnh nền điện ảnh Việt Nam năm 1995. Phim bị cấm chiếu do nội dung được xem là trái thuần phong mỹ tục và quá nhạy cảm ở thời kì đó.
Xích Lô được hợp tác sản xuất bởi hãng phim Giải Phóng và Salon Film Studio (Hongkong). Một sự kết hợp độc đáo giữa tài tử hàng đầu Hongkong Lương Triều Vĩ và một anh chàng lơ xe 20 tuổi tên Lê Văn Lộc, chưa từng có bất kỳ kinh nghiệm diễn xuất nào. Các nhân vật trong phim hầu như không hề có tên họ: vai chị của Xích Lô được gọi là Chị, tên bà trùm là Buồn và tên người yêu của Chị là Nhà Thơ - một tên giang hồ tàn ác và cũng là một nhà thơ. Phim đã đoạt giải Sư tử vàng tại LHP Venezia vào năm 1995.
Cảnh Xích Lô (Lộc) săm soi dao găm trong Cyclo khá đáng sợ
Chuyện phim xoay quanh cuộc đời của anh đạp xích lô chất phác, bị cuốn vào băng đảng tội ác một cách bất đắc dĩ, cầm đầu là Nhà Thơ làm vô số chuyện tàn ác xấu xa: cướp của, giết người... Những giằng xé nội tâm cùng cực của nhân vật Xích Lô khi bước qua lằn ranh tội lỗi, trở thành con rối trong tay bà Buồn và cánh tay phải đắc lực của bà ta là Nhà Thơ, khiến khán giả rung động.
Nhân vật Xích Lô khiến người xem liên tưởng đến nhân vật Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, càng cố vùng vẫy thoát ra khỏi bùn lầy tội lỗi càng tuyệt vọng. Đến cuối cùng, khi những thế lực tàn ác kìm kẹp cuộc đời Xích Lô biến mất cũng là lúc anh và Chị trở lại là những con người lương thiện như phút ban đầu. Phim kết thúc trong bản hợp tấu đàn manđôlin của một lớp tiểu học mang tênRửa mặt như mèo với nhiều suy ngẫm.
Chơi Vơi
Chơi Vơi khai thác một chủ đề nhạy cảm "giới tính". Chuyện kể về Duyên, một cô gái xinh đẹp, kết hôn với một cậu ấm nhỏ hơn mình 2 tuổi. Những ẩn uất trong đời sống vợ chồng đẩy cô ngã vào vòng tay Thổ - một tên sở khanh đến với Duyên chỉ vì tình dục và vụ lợi. Kịch tính của bộ phim được đẩy lên cao khi Duyên và Cẩm (bạn thân của Duyên) nảy sinh mối quan hệ đồng giới.
Chơi vơi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã giành giải thưởng của Hiệp hội phê bình điện ảnh thế giới (Fipresci) tại LHP Venice; 3 đề cử Giải thưởng phim châu Á 2010; giải đạo diễn, quay phim, thiết kế mỹ thuật xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam 2009 và được tuyển chọn chính thức vào các LHP Toronto 2009, London 2009, Vancouver 2009, Pusan 2009, Bangkok 2009, Jerusalem 2010 và nhiều Liên hoan phim trên thế giới.
Chơi Vơi khai thác mối quan hệ đồng giới nữ nhạy cảm
Nhìn chung, những bộ phim độc lập đã thổi một làn gió mới vào nghệ thuật điện ảnh Việt Nam. Đây là mảnh đất màu mỡ để các đạo diễn sáng tạo nhưng cũng đầy chông gai vì khán giả Việt Nam cần có thời gian để thẩm thấu giá trị của những sáng tạo táo bạo, đầy ẩn ý mà tác giả muốn truyền tải đến người xem.
Theo sách Lịch sử điện ảnh thế giới của Kristin Thompson và David Bordwell, cụm từ phim độc lập xuất phát từ Mỹ - một quốc gia mà nền điện ảnh bị thống trị bởi Hollywood, nơi mà phim được xem là những thương phẩm không hơn không kém, nghệ thuật bị bó buộc trong một công thức nhất định để đảm bảo doanh thu. Những bộ phim độc lập ra đời là sự bứt phá lớn trong lịch sử điện ảnh thế giới; có thể xem đây là một cuộc cách tân điện ảnh của những hãng phim nhỏ, những nhà làm phim cá nhân cực kỳ nhiệt huyết với nghệ thuật và tính thương mại hoàn toàn không có khả năng chi phối niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật của họ. Nhiều bộ phim độc lập đã đoạt những giải thưởng danh giá tại các Liên hoan phim quốc tế uy tín như Slumdog Millionaire, The Hurt Locker...
Theo Mask online
"Triệu kiểu chết miền Viễn Tây": Vừa cười vừa... sốc! Xem "Triệu kiểu chết miền Viễn Tây - A Million Ways To Die in The West", khán giả sẽ được tận hưởng cảm giác vừa cười vừa sốc vì cách gây hài kiểu "mạnh tay". Nếu có một lời cảnh báo nào dành cho Triệu kiểu chết miền Viễn Tây - A Million Ways To Die in The West, thì ngoài giới hạn...