Những phát ngôn đanh thép của Putin về khủng bố
Nhiều câu nói đanh thép của Tổng thống Putin đã trở thành biểu tượng về lập trường không khoan nhượng trước khủng bố.
Tổng thống Nga Putin. Ảnh: AP
Remi Maalouf, phóng viên kênh RT, hôm 17/11 đăng trên trang Twitter một tuyên bố mà cô cho là lời thách thức của ông Putin với Nhà nước Hồi giáo (IS): “Tha thứ cho chúng là việc của Chúa, còn gửi chúng đến ngài là việc của tôi”.
Câu nói được cho là của ông Putin lập tức gây “bão” và lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Tuy nhiên, Maalouf sau đó lên tiếng xin lỗi và thừa nhận rằng tuyên bố trên là không có thật.
Dù vậy, một tuyên bố khác, thực sự của Putin về khủng bố đã “trở lại ánh hào quang” sau vụ khủng bố Pháp hôm 13/11.
Năm 1999, khi ông Putin vào thời điểm đó là thủ tướng, Nga phải đối mặt với nguy cơ khủng bố trên quy mô lớn khi chiến đấu với các chiến binh jihad ở vùng Caucasus, trong Chiến dịch Chechnya lần thứ hai. Ông đã bình luận về hoạt động chống khủng bố của Nga tại thành phố Grozny, thủ phủ Cộng hòa Chechnya.
“Chúng tôi sẽ đuổi theo những tên khủng bố ở khắp mọi nơi. Nếu chúng ở sân bay, chúng tôi sẽ đuổi đến sân bay. Nếu chúng tôi bắt được chúng trong nhà vệ sinh, thì chúng tôi sẽ xả chúng đi trong bồn cầu”, ông nói.
Video đang HOT
Kể từ đó, câu nói này của Putin đã trở nên nổi tiếng và nhiều lần xuất hiện trở lại trên mạng xã hội, đặc biệt là sau các cuộc tấn công khủng bố. Nó được lan truyền rộng rãi trên Twitter sau vụ đánh bom giải marathon Boston, Mỹ, tháng 4/2013 và cuộc tấn công Charlie Hebdo, Pháp, tháng 1/2014.
Trong tuần qua, người sử dụng Twitter ở Pháp đã đăng lại câu nói nổi tiếng của Putin, kèm theo hình ảnh của ông, như một cách phản ứng với vụ khủng bố Paris.
Thực tế, Putin đã nhiều lần gây ấn tượng với ngôn từ rất thẳng thắn về khủng bố. Ngày 1/9/2004, cuộc khủng hoảng con tin Beslan ở Nga diễn ra trong ba ngày, khi một nhóm khủng bố Hồi giáo, phần lớn là người Ingushetia và Chechnya, khống chế một trường học. 1.100 người bị giữ làm con tin, trong đó có 777 trẻ em. Ít nhất 385 người thiệt mạng, trong đó có 186 trẻ em.
Sau thảm kịch này, ông Putin đã giải thích sự thất bại của lực lượng an ninh Nga bằng cách thẳng thắn thừa nhận: “Chúng ta đã yếu kém, và yếu thì bị đánh”.
Theo BBC, đáp trả lời kêu gọi của quốc tế về việc đàm phán với phần tử ly khai Chechnya sau cuộc khủng hoảng con tin Beslan, ông đã nói: “Thế sao các anh không gặp Osama bin Laden, sao không mời hắn ta đến Brussels hoặc Nhà Trắng mà đàm phán? Sao không hỏi hắn ta muốn gì và đáp ứng để hắn ta để các anh yên. Các anh tự thấy cần phải có giới hạn trong việc xử lý những tên khốn đó, thì tại sao chúng tôi lại phải nói chuyện với những kẻ giết trẻ em. Chẳng ai có đủ tư cách đạo đức để bảo chúng tôi phải nói chuyện với những kẻ giết trẻ em cả”.
Theo Moscow Times, khi một phóng viên hỏi tại sao chính quyền ông Putin không đàm phán với thủ lĩnh phần tử ly khai Chechnya, ông Putin trả lời: “Nga không đàm phán với những kẻ khủng bố. Nga triệt phá chúng”.
Khi được hỏi lý do tại sao ông mời đại diện của Phong trào Hồi giáo Hamas, lực lượng kiểm soát Dải Gaza, lãnh thổ Palestine, đến đối thoại tại điện Kremlin, ông Putin trả lời: “Thiêu cháy những cầu nối, đặc biệt trong chính trị, là việc dễ nhất, nhưng không phải là điều hiệu quả nhất. Đó là lý do tại sao chúng tôi không vội vàng tuyên bố một tổ chức là khủng bố và cố gắng làm việc với tất cả các bên tại điểm nóng này”.
Nga từ cuối tháng 9 tiến hành chiến dịch không kích IS và các mục tiêu nước này cho là khủng bố tại Syria. Tổng thống Putin hôm 22/10 so sánh chiến dịch chống khủng bố ở Syria với tuổi thơ của ông ở Leningrad. “Cách đây 50 năm, những con phố Leningrad dạy tôi một điều: Nếu không thể tránh khỏi một trận đánh, thì hãy tung cú đấm đầu tiên”, ông nói.
Sau khi chiếc máy bay Metrojet của Nga bị gài bom khiến 224 người thiệt mạng, ông Putin đã khẳng định quyết tâm tiêu diệt khủng bố để trả đũa cho thảm kịch này với câu nói: “Chúng tôi sẽ truy lùng chúng ở bất cứ nơi nào chúng ẩn náu. Chúng tôi sẽ truy tìm mọi ngóc ngách trên thế giới và trừng phạt chúng”.
Phương Vũ
Theo VNE
Liên Hợp Quốc cho phép dùng mọi biện pháp cần thiết chống IS
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm qua nhất trí thông qua nghị quyết cho phép các quốc gia "thực hiện mọi biện pháp cần thiết" để đối phó phiến quân Nhà nước Hồi giáo.
Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ảnh: Reuters.
15 quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhất trí thông qua nghị quyết do Pháp soạn thảo sau khi Paris bị Nhà nước Hồi giáo (IS) tấn công khủng bố cuối tuần trước làm 130 người chết, hàng trăm người bị thương.
"IS tạo ra một mối đe dọa toàn cầu và chưa từng có đối với hòa bình cũng như an ninh quốc tế", Reuters dẫn thông tin nghị quyết cho biết. Nghị quyết "kêu gọi các quốc gia thành viên có năng lực thực hiện mọi biện pháp cần thiết... trên phần lãnh thổ đang bị IS kiểm soát... ở Syria và Iraq".
Nghị quyết còn đề nghị các nước tăng cường nỗ lực chặn dòng phiến quân nước ngoài muốn đến Iraq và Syria tham chiến, ngăn và triệt phá nguồn tài chính của chủ nghĩa khủng bố.
"Hoan nghênh mọi người cuối cùng cũng tỉnh giấc và gia nhập câu lạc bộ chống khủng bố", Đại sứ về Syria của Liên Hợp Quốc Bashar Ja'afari phát biểu với báo giới trước khi biểu quyết nghị quyết do Pháp soạn thảo.
Nga ngày 18/11 tiếp tục thúc đẩy Liên Hợp Quốc thông qua các chiến dịch quân sự quốc tế chống IS bằng cách đưa ra một dự thảo nghị quyết đã được cập nhật thêm thông tin so với khi đệ trình lần đầu hôm 30/9. Dự thảo kêu gọi các quốc gia phối hợp hành động quân sự với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhưng bị Anh cùng một số thành viên Hội đồng Bảo an bác bỏ.
Nga, đồng minh thân thiết của Syria, và phương Tây có quan điểm trái ngược nhau về tương lai của ông al-Assad. Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin hôm qua tuyên bố Moscow sẽ tiếp tục thúc đẩy thông qua dự thảo nghị quyết trên.
IS lợi dụng sự hỗn loạn trong cuộc nội chiến dài gần 5 năm ở Syria để chiếm nhiều phần lãnh thổ Syria và Iraq, nơi liên minh do Mỹ dẫn đầu không kích nhóm phiến quân suốt hơn một năm qua. Nga bắt đầu không kích các phần tử khủng bố ở Syria từ ngày 30/9.
IS mới đây còn tuyên bố chịu trách nhiệm vụ một máy bay chở khách Nga rơi xuống bán đảo Sinai, Ai Cập, làm 224 người chết và tấn công ở Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia.
Như Tâm
Theo VNE
Tổng thống Putin: Chiến dịch quân sự Nga ở Syria tốt nhưng chưa đủ Tổng thống Vladmir Putin ngày 20.11 khẳng định chiến dịch quân sự của Nga tại Syria tới nay vẫn chưa đủ để quét sạch khủng bố và bảo vệ Nga khỏi mối đe dọa khủng bố. Tổng thống Vladmir Putin khẳng định chiến dịch quân sự của Nga tại Syria tới nay vẫn chưa đủ để quét sạch khủng bố và bảo vệ...