Những phân tích mới nhất về dịch COVID-19 tại Việt Nam
Ngày 30/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với Nhóm các nhà khoa học, chuyên gia, tình nguyện viên phân tích dữ liệu và truy vết theo dấu dịch tễ phục vụ chống dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Thế Trung (thành viên Tổ tư vấn Chính phủ điện tử), Phó trưởng nhóm nhận định cho biết: “Kết quả phân tích dữ liệu đến thời điểm hiện tại có 2 điểm đáng chú ý. Thứ nhất, chưa phát hiện thông tin cho thấy khả năng có ổ dịch khác ngoài Đà Nẵng. Thứ hai, ổ dịch tại khu 3 bệnh viện ở TP. Đà Nẵng khá giống với ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai”.
Theo ông Trung, điểm khác là dự báo số người nhiễm bệnh sẽ cao hơn ở Bạch Mai, số ca nặng cũng nhiều hơn, nhất là liên quan tới các bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo. Các chuyên gia cũng nhận xét việc giải tỏa bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ở bệnh viện Bạch Mai làm nhanh hơn.
Các chuyên gia đã phân tích dữ liệu, kết nối trực tuyến với các đội “đặc nhiệm” do Bộ Y tế cử vào Đà Nẵng để đưa ra các nhận định, dự báo.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với các tình nguyện viên. Ảnh: VGP
Nhiều dữ liệu đã được nhóm phân tích trong đó có các dữ liệu về xét nghiệm những người có triệu chứng tại các cơ sở y tế ở các địa phương. Ví dụ tại Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 4/5 đến nay đã thực hiện xét nghiệm 320 ca có triệu chứng nghi nhiễm COVID-19. Riêng từ ngày 1/7 đến nay đã xét nghiệm là 138 ca. Kết quả âm đều âm tính với COVID-19…
Theo phân tích của nhóm, tới nay dù chưa thể kết luận chắc chắn nhưng có thể nhận định, khả năng cao nguồn bệnh xuất hiện ban đầu từ Đà Nẵng. Trong những ngày tới nhóm tiếp tục theo dõi, cập nhật và phân tích dữ liệu để có thể khẳng định.
Nhận định này rất quan trọng vì một khi xác định là dịch từ Đà Nẵng chỉ cần thực hiện khoanh vùng dập dịch tại Đà Nẵng còn các địa phương khác tập trung quản lý thật chặt chẽ, theo dõi sức khỏe những người đã đến, đi qua Đà Nẵng. Ngược lại nếu các dữ liệu cho thấy khả năng dịch có thể xuất hiện đồng thời ở nhiều địa phương cần có các giải pháp mạnh trên quy mô rộng hơn, thậm chí là toàn quốc.
Cũng theo phân tích của nhóm, trên địa bàn Đà Nẵng, dù có một số ca ngoài cộng đồng nhưng “ổ dịch” lớn nhất cần tập trung là cụm 3 bệnh viện. Trong các bệnh viện này cũng tập trung ở một số khoa. Tình trạng khá tương đồng với ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trước đây. Nhóm dự báo trong vài ngày tới đây có thể sẽ liên tục phát hiện thêm hàng chục ca nhiễm mỗi ngày, chủ yếu liên quan tới “ổ dịch” này.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: “Tình hình diễn biến dịch bệnh ở Đà Nẵng diễn ra khá trùng với các dự báo. Kết quả xét nghiệm và điều tra dịch tễ cho thấy nhiều khả năng đầu tháng 7 dịch mới phát ở Đà Nẵng, bởi kết quả xét nghiệm những ca có triệu chứng nghi ngờ nhưng chưa đến Đà Nẵng đến nay đều âm tính”.
Đề xuất giải pháp thực hiện cách ly xã hội sau ngày 15/4
Nhóm các nhà khoa học, các chuyên gia giúp Ban Chỉ đạo quốc gia hoàn thiện phương án kiến nghị với Thủ tướng về việc tiếp tục thực hiện "cách ly xã hội".
Ngày 14/4, Nhóm các nhà khoa học, các chuyên gia công nghệ thông tin do Bộ KH&CN và Bộ TT&TT chủ trì đã rà lại các kết quả nghiên cứu của Nhóm để giúp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 hoàn thiện phương án kiến nghị với Thủ tướng, Thường trực Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện "cách ly xã hội" theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì phiên họp. (Ảnh: VGP)
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia, trực tiếp là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, từ đầu tháng 3, cùng với việc thực hiện truy vết các ca F0 để xác định các đối tượng F1, F2, F3 phục vụ mục tiêu cách ly, khoanh vùng, dập dịch, nhóm đã bắt tay xây dựng dữ liệu, phân tích dữ liệu và mô hình dự báo nguy cơ theo từng tỉnh, thành phố.
Mức độ nguy cơ được xác định bởi nhiều chỉ số, trong đó có các chỉ số về năng lực phản ứng của từng địa phương.
Dự báo này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, điều kiện, tình hình các địa phương khác nhau, nên cần có các yêu cầu, giải pháp khác nhau nhằm mục tiêu kép vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội.
Các địa phương được phân theo 3 nhóm: Nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp.Các chuyên gia tập trung rà soát nhóm các địa phương được dự báo là nguy cơ cao, cần tiếp tục áp dụng "cách ly xã hội" như quy định tại Chỉ thị 16 thêm một thời gian.
Hai nhóm còn lại sẽ thực hiện "nới lỏng". Đặc biệt, Nhóm cũng thảo luận những biện pháp cần thống nhất áp dụng trên quy mô cả nước (cho cả 3 nhóm) để Ban Chỉ đạo báo cáo Thủ tướng trong ngày 15/4.
Theo đó, các biện pháp cần tiếp tục áp dụng trên quy mô cả nước bao gồm: Yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc khi ra khỏi nhà, giữ khoảng cách tiếp xúc, cấm tụ tập đông người (kể cả các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng), chưa kinh doanh các dịch vụ vui chơi, giải trí...
Đối với các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của chính quyền thì những người tham gia phải được giám sát y tế theo quy định riêng.
Ngoài các biện pháp quy định chung, người đứng đầu chính quyền địa phương căn cứ tình hình thực tiễn trên địa bàn để quy định các biện pháp bổ sung nhằm đảm bảo mục tiêu kép.
Mức độ nguy cơ của từng địa phương thay đổi theo tình hình, dữ liệu được cập nhật hàng ngày và phụ thuộc rất nhiều vào năng lực ứng phó của từng địa phương đặc biệt là năng lực đảm bảo việc thực hiện các quy định chung; năng lực sẵn sàng truy vết, khoanh vùng khi có ca lây nhiễm; năng lực thăm khám bệnh tại nhà của hệ thống y tế đối với nhóm người cao tuổi, có bệnh nền, nhiều khả năng lây nhiễm.
Các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh tính kỷ cương trong phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong thực hiện các quy định theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của BCĐ quốc gia, đơn cử như việc không đeo khẩu trang, tụ tập đông người.
Nếu các biện pháp cơ bản đó được thực hiện nghiêm thì nguy cơ bùng phát sẽ giảm đáng kể.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy. (Ảnh: VGP)
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy đề nghị các địa phương cần sớm phân công đầu mối (cán bộ thuộc sở y tế) để cập nhật dữ liệu và sẵn sàng thực hiện truy vết khi xuất hiện ca bệnh trên địa bàn, Nhóm sẽ thực hiện kết nối, hướng dẫn, tập huấn để hình thành mạng lưới phản ứng đều khắp trên cả nước.
Khi dữ liệu được cập nhật các tỉnh thành phố có thể phân mức độ nguy cơ tới quy mô quận, huyện và ngày càng nhỏ để có các biện pháp kiểm soát dịch phù hợp, linh hoạt, hiệu quả hơn.
Sáng 13/4, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh phải sẵn sàng cho tình huống dịch bệnh còn dài nên "cách ly xã hội" sau ngày 15/4 cần tính đến yếu tố địa bàn, nhóm đối tượng, nhóm ngành nghề với tinh thần không được chủ quan, lơi lỏng, đồng thời vừa kiểm soát được dịch bệnh vừa phát triển sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.
Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia chiều 13/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Ban Chỉ đạo quốc gia hoàn thiện các phương án cụ thể về thực hiện "cách ly xã hội" để báo cáo Thủ tướng quyết định trong ngày 15/4.
Nhóm chuyên gia do BCĐ quốc gia tổ chức gồm khoảng 300 tình nguyện viên bao gồm các cán bộ của Bộ Y tế, Bộ KH&CN, Bộ TT&TT, một số viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, các bạn sinh viên ở trong nước và cả nước ngoài.
Nhóm được Bộ Y tế và sau đó được Văn phòng Chính phủ hỗ trợ về điều kiện làm việc, sinh hoạt. Đóng góp của Nhóm trong việc truy vết các ca bệnh đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương trong phiên họp với BCĐ quốc gia vào chiều 13/4.
Ông Nguyễn Thế Trung, thành viên Tổ tư vấn Chính phủ điện tử của Văn phòng Chính phủ, Giám đốc Đề án Tri thức Việt số hóa, Phó trưởng Nhóm cho biết, Nhóm rất vui và tự hào vì đã được tham gia vào cuộc chiến chống dịch COVID-19.
" Khi nhận các đầu bài của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, anh em rất hào hứng, nhưng khi triển khai thấy thực sự đó đều là những bài toàn rất khó. Với bài toán dự báo nguy cơ theo địa phương, từ gần 2 tháng trước Phó Thủ tướng đã nói vui là sẽ phải 'trường kỳ kháng chiến'. Nếu dịch ngắn thì cả nước xung trận, đánh xong về cày ruộng. Nhưng nếu dịch kéo dài thì phải 'tay cày, tay súng' và các địa phương sẽ có 'tiền tuyến, hậu phương'. Lúc đó anh em cũng có hiểu nhưng tới hôm nay càng thấy thấm, vì thế càng quyết tâm, cố gắng tập hợp thêm anh em không kể ngày đêm để đáp ứng yêu cầu".
Video: Hành trình 40 ngày của bệnh nhân thứ 22 tái mắc COVID-19
XUÂN TRƯỜNG
Liệu việc bắt tay chào hỏi có bị 'khai tử' vì Covid-19 Bắt tay là một trong những nguyên nhân gây các bệnh truyền nhiễm, trong đó có Covid-19. Vậy liệu thế giới có cần kiểu chào hỏi khác trong giao tiếp xã hội? Xuất hiện từ nhiều thế kỷ trước, cái bắt tay là một cử chỉ của hòa bình, chứng minh rằng bạn không đem theo vũ khí trong người. Qua thời gian,...