Những phận đời mưu sinh để… chạy thận
Mang căn bệnh hiểm nghèo, chấp nhận sống chung thân với bệnh tật từ số phận, cuộc sống trăm bề khó khăn nhưng họ không đầu hàng hoàn cảnh. Vừa đấu tranh chống lại nỗi đớn đau của thân xác, vừa cặm cụi lao động mưu sinh bằng chút sức tàn còn lại, với những người bệnh này, Bệnh viện Nhân dân 115 TP Hồ Chí Minh, trở thành ngôi nhà nương náu qua ngày.
Đoạn trần ai của một cựu nhà giáo và tấm bằng đại học cho con
Câu chuyện tình cờ của nữ điều dưỡng Ngọc Mai tại khu chạy thận nhân tạo, Bệnh viện Nhân dân 115 TP Hồ Chí Minh về người bệnh, cựu nhà giáo Dương Tận 14 năm chạy thận, bán vé số mưu sinh vẫn nuôi con ăn học nên người thôi thúc chúng tôi trở lại khu vực đặc biệt dành cho những người vướng căn bệnh nan y này.
Vừa cất lời hỏi về người bệnh từng là nhà giáo đang bán vé số ở đây, nữ bệnh nhân Dương Thị Thu Hương đang ngồi chờ đến lượt chạy thận ngoài hành lang đã nhanh nhảu: ông ấy vừa ở trong (vừa chạy thận – PV) ra, hình như đang đi lấy thuốc giúp người ta. Nói rồi chị vội kêu người quen, cũng là người nhà người bệnh chạy đi kiếm giúp. Vài mươi phút sau, một người đàn ông gày gò, luống tuổi mới tất tả chạy về, vừa thở vừa hổn hển vừa nói như thanh minh rằng ông phải xếp hàng đợi lấy thuốc xong mới về được. Người ta nhờ mình không thể bỏ ngang…
Về chuyện bán vé số nuôi con học đại học, ông cười ngượng nghịu bảo: Đừng nói to tát thế! Tôi chỉ lo kinh phí chữa trị, nuôi thân cũng đã mệt. Chủ yếu là làm điểm tựa tinh thần cho con, đôi khi nhún nhít sinh hoạt được vài ba trăm giúp con lúc kẹt tiền đóng học thôi.
Quê ông ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. 15 năm trước, ông còn là thầy giáo dạy văn của các học trò Trường PTTH Lộc Thanh. Đến khi bệnh nặng, sức yếu, thời gian chạy chữa nhiều, không thể tiếp tục đứng trên bục giảng, ông buộc phải xin nghỉ mất sức. Bệnh nặng, phải về TP HCM chữa trị, đồng lương hưu “nghỉ non” không đủ, khó khăn chất chồng, đã có lúc ông chán nản, muốn buông xuôi tất cả. Chỉ đến khi phát hiện người con thứ chán gia cảnh, bỏ nhà đi bụi, ông như chợt bừng tỉnh, tự nhủ mình phải sống bởi không sống cho mình cũng phải sống vì con.
Bệnh viện ở xa, chạy thận liên tục, không thể đi về mãi, ông thuê trọ, vận dụng hết sức lực còn lại đi kiếm việc làm thêm vừa cố gắng kèm cặp, động viên người con cả học hành. Mấy năm gần đây, bệnh nặng, sức khỏe yếu, không thể lao động nữa, ông lân la ở lại hẳn bệnh viện, nửa tháng hoặc một tháng mới về thăm nhà. Lấy hành lang làm chỗ ngả lưng nên mỗi ngày của ông đều bắt đầu từ 5h sáng đến 10h đêm.
Ngoài 3 buổi chạy thận mỗi tuần, thời gian nhàn rỗi, ông lấy vé số về bán, làm mấy việc lặt vặt bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân nhờ. Với ông, 5.000 đồng, 10.000 đồng tiền công đều rất quý, nhưng nếu chỉ có lời cảm ơn, ông vẫn vui vẻ giúp.
Cựu nhà giáo năm nào chia sẻ rằng, 13 năm đấu tranh với bệnh tật, hàng ngày chứng kiến không ít những người bệnh còn rất trẻ đã phải chịu đựng nỗi đau thân xác, ông thấy mình vẫn còn may mắn hơn. Lòng tự trọng của một người thầy không cho phép ông sống dựa vào lòng thương hại của người đời. Cố gắng sống lạc quan, nỗi niềm riêng ông chôn chặt trong lòng. Chỉ những đêm bị bệnh hành, mệt không ngủ được, trằn trọc cô đơn ngoài hành lang bệnh viện, cái tủi tràn về, nghĩ mình cũng có nhà, có vợ, có con đàng hoàng mà sao trơ trọi quá… Rất may, những đêm dài như thế không quá nhiều.
Video đang HOT
Những “Tầm gửi” không khuất phục số phận
Thực tế, ông Dương Tận không phải là trường hợp duy nhất người bệnh lấy bệnh viện là nhà và nơi mưu sinh mà chúng tôi gặp. Dương Thị Thu Hương, nữ bệnh nhân mau mắn chúng tôi đề cập ở trên cũng từng là một trong những người bệnh sống kiếp tầm gửi nhờ Bệnh viện 115. Chị Hương cho biết chị quê gốc ở một tỉnh miền Tây.
Hai mẹ con thuê trọ ở quận 6. Trước còn khỏe chút ít, chị Hương bán vé số kiếm thêm thu nhập. Nay sức yếu, mọi sinh hoạt thuốc men đều trông chờ vào sạp giày dép của bà mẹ 75 tuổi ở chợ Trần Nhân Tông, nhưng là “chợ chạy” (chợ vỉa hè, vừa bán vừa trông chừng trật tự đô thị thu hồi)…
Người bạn đồng hành không thể không kể đến của ông Dương Tận, chị Thu Hương nhiều năm nay là anh Huỳnh Văn Nhơ ở Long Hải, Bà Rịa – Vũng Tàu. Cũng là bệnh nhân lâu năm, Huỳnh Văn Nhơ vừa chạy thận vừa chạy việc vặt, bán vé số kiếm tiền chữa trị, sinh sống, ăn nhờ ở đậu bệnh viện nhiều năm trở lại đây…
Mỗi người mỗi quê, mỗi cảnh nhưng những người bệnh đặc biệt quen mặt này ở Bệnh viện Nhân dân 115 đều tự hào rằng họ vẫn cố gắng sống lạc quan, lương thiện dẫu biết rằng sẽ bị bệnh tật đeo đuổi đến cuối cuộc đời. Bởi với họ, cuộc đời này không có con đường cùng…
Chia tay những người bệnh ở khu chạy thận Bệnh viện Nhân dân 115, chúng tôi cứ nhớ mãi lời chia sẻ chân thành của cựu nhà giáo Dương Tận rằng: Mỗi người, dù trong hoàn cảnh nào biết chủ động trong cuộc sống, biết sống chân thành, trân trọng và có trách nhiệm với bản thân, với những người thân yêu quanh mình thì không lo không có chỗ đứng của riêng mình trong xã hội…
Theo 24h
Việt 'xóm chạy thận' vào đại học
Tin Tuấn Việt đỗ ĐH Bách khoa, khiến cả "xóm chạy thận" (ngõ 121 Lê Thanh Nghị, gần Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) vui mừng. Nhưng con đường học của Việt còn quá gian nan phía trước khi gánh hàng rong của mẹ lo cho bố chạy thận đã quá sức rồi...
Dù hoàn cảnh khó khăn, Việt vẫn cố gắng vươn lên trong học tập.
Tuổi thơ ở "xóm chạy thận"
Theo mẹ (chị Lê Thị Thủy, Thọ Xuân, Thanh Hóa) ra Thủ đô để chạy thận cho bố khi mới được 18 tháng tuổi, tuổi thơ của Việt không được những đứa trẻ khác.
Bố phải điều trị ngoài viện, mẹ đi làm kiếm tiền, khi học mẫu giáo cho đến tiểu học, trung học, Việt phải tự nấu mỳ để ăn rồi tự đi đến trường.
Có thời gian, cả ngày Việt không được nhìn mặt mẹ vì mẹ đi làm từ khi em chưa thức dậy và trở về nhà khi đã quá nửa đêm.
Không có nhiều tiền nên bố Việt phải chạy thận lúc nửa đêm vì khi đó mới thừa máy, mẹ lại thức trọn đêm để trông nom, chăm sóc.
Những hôm không may bố bị tai biến phải đi cấp cứu, mẹ chạy đi gõ cửa từng phòng trọ nhưng cả xóm chạy thận nghèo hỏi mãi mới lo được vài trăm nghìn nhập viện cho bố.
Đã gần hai chục năm kể từ ngày chồng ốm, chị Thủy phải gồng mình lên chèo chống mọi công việc lớn bé của gia đình.
"Bố mắc bệnh này nên cháu Việt chịu nhiều thiệt thòi so với chúng bạn. Một mình tôi quay cuồng trong nỗi lo cơm áo, gạo tiền, chạy chữa cho bố nên từ bé cháu đã phải tự làm mọi việc. Có khi hai năm trời tôi không có đủ tiền mua cho con bộ quần áo mới", chị Thủy nói.
Dù bệnh tật, ốm yếu liên miên nhưng bố lại là người thầy đầu tiên rèn giũa từng nét bút và kiên nhẫn giảng giải từng bài toán cho Việt.
"Ngày trước bố em từng học ĐH Dược, sau này em học tốt môn Hóa và đỗ lớp chuyên Hóa phần lớn là do bố đã dạy em" - Việt chia sẻ.
Học để bố mẹ vui lòng
Trong tâm trí, Việt nhớ như in hình ảnh mẹ ngày ngày xách nước sôi ra viện bán để có thêm tiền lo cho cả gia đình. Những đêm đông buốt giá, đôi tay chai sần ấy hằn lên những vết nứt sâu rồi túa máu.
"Mỗi sáng mẹ xách cả trăm lượt phích nước vào viện, vì nhà chỉ có hai chiếc phích do bác chủ nhà cho nên mẹ chạy đi chạy lại như con thoi để mượn phích của các phòng trong khu trọ. Hè năm học lớp 11, em bị ốm sốt 41 độ C, nằm hôn mê 2 ngày liền. Trong 2 ngày đó mẹ phải thức trắng, vừa lo cho bố, vừa lo cho em nên kiệt sức mà sốt. Khi ấy bố nằm viện phải nhờ người trông, hai mẹ con ở nhà nằm bệt giường, lúc đói lại lết ra bàn lấy mỳ tôm ăn tạm và nước lọc để uống chờ mấy ngày sau cậu ở quê mới lên giúp" - Việt tâm sự.
Việt sợ những cuộc trò chuyện của bố mẹ sau lần mẹ đưa bố chạy thận từ viện trở về phòng trọ. Đó là những lúc bố mệt mỏi, đau đớn muốn buông xuôi và nói: "Chỉ chạy thận hết tuần này thôi...".
Thương mẹ vất vả, lo cho bố ốm đau, Việt tự nhủ luôn phải cố gắng vươn lên trong học tập để bố mẹ vui lòng.
Ngoài giờ lên lớp cậu tự vẽ tranh, gấp giấy Origami (nghệ thuật gấp giấy Nhật Bản), làm đồ hand - made đem bán. Với số tiền nhỏ kiếm thêm từ sự khéo léo, bền bỉ, dần dần Việt có thể mua thêm sách vở, đồ dùng học tập.
Tạm gác ước mơ trở thành dược sĩ để nối nghiệp bố, năm vừa rồi Việt chỉ đăng ký thi khối A (Toán, Lý, Hóa) khoa Hóa ĐH Bách khoa Hà Nội và Việt muốn trong thời gian tới vừa học trên trường vừa ôn thêm môn sinh để năm sau thi khối B vào Học viện Y học cổ truyền.
"Bố bảo ở quê người có bằng cấp về dược và làm giỏi còn ít trong khi người bệnh lại nhiều nên muốn em học và làm dược sĩ", Việt cho biết.
Việt bảo thời gian tới sẽ tính chuyện làm gia sư, vừa trau dồi củng cố kiến thức để thi thêm trường nữa, vừa có tiền lo chi phí ăn học, đỡ phần nào gánh nặng cho mẹ dù phía trước vẫn đầy khó khăn.
Theo TPO
Cậu học sinh nghèo không có tiền chạy thận Gia cảnh khó khăn, không có đủ tiền để lọc máu và thay thận, ngày ngày em Nguyễn Văn Long, học sinh lớp 9 trường THCS Quảng Chính, huyện Quảng Xương đang phải đối diện với cái chết do bị căn bệnh suy thận quái ác giai đoạn cuối. Theo lời giới thiệu của các thầy cô trường THCS Quảng Chính, huyện Quảng...