Những ông bố, bà mẹ tuổi 15
Từ TP. Thanh Hóa, phải đi hết cả ngày trời với quãng đường gần 300 cây số, vượt qua những con dốc quanh co, dựng đứng mới đến huyện Mường Lát. Ở các xã xa xôi Mường Lý, Mường Chanh, Phù Nhi… của huyện, đường sá còn khó khăn, điện chưa về tới bản. Những nơi này vẫn còn phổ biến nạn tảo hôn với những câu chuyện cười ra nước mắt.
Từ trung tâm huyện Mường Lát, chúng tôi đi thêm hơn 30km cheo leo trên những cung đường đất. Chỉ sau một cơn mưa nhỏ, đường đã trơn trượt, lầy lội. Vừa lên tới đỉnh dốc Xa Lung, bản Xa Lung chúng tôi bắt gặp một cô gái đang ngồi bên ngôi nhà sàn, bế đứa con nhỏ với vẻ mặt nặng trĩu lo âu. Thấy khách lạ, cô gái này e ngại chạy ngay vào nhà. Chúng tôi hỏi thăm thì được biết bà mẹ “nhí” ấy tên là Hật Thị Dua. Dua vừa tròn 15 tuổi, lấy chồng từ năm 13.
Trước khi lấy chồng, Dua có đi học ở trường THCS Mường Lý. Sau buổi nghỉ cuối tuần em về nhà lấy thêm rau, gạo chuẩn bị cho tuần học mới thì bố mẹ không cho đến trường nữa. “Bố bảo học không ra được gạo, lấy chồng rồi thích làm gì cũng được. Em bảo chưa có ai lấy thì ngay hôm sau bố dẫn về một người hơn Dua một tuổi bảo cưới”, Dua tâm sự.
Hật Thị Dua ngượng ngùng khi trao đổi với PV.
Cũng như Dua, Lương Thị Tọa, 16 tuổi, ở bản Ún mới 16 tuổi nhưng đã có đến hai con. Năm 2009, trong một lần đi nương, Tọa bị đám thanh niên quây lại bắt về làm vợ. Khi về tới nhà người con trai bắt mình, đang chuẩn bị làm lễ cúng ma thì Tọa bỏ chạy ra ngoài nên lần bắt vợ đó không thành. Do nhà hoàn cảnh khó khăn, lại đông anh em nên cuối cùng Tọa cũng được gả chồng sớm.
Thầy Mai Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Mường Lý cho biết, trường có 308 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9. Khoảng 5 năm trở lại đây có tới 30-40 trường hợp nghỉ học giữa chừng để lấy vợ, lấy chồng. Vàng Pó Ly, học sinh lớp 9B mới 15 tuổi, nhưng đã lấy vợ được một năm. Vợ của Ly, Sùng Thị Dê (14 tuổi), không còn theo học nữa nên hàng ngày Dê lên nương làm rẫy cùng gia đình. “Một tuần, Ly về với vợ mấy lần?”, tôi hỏi. “Không về đâu, khi nào hết gạo, hết rau mới về. Về nhiều vợ lại không cho đi học nữa”, Ly cho biết.
Thào Thị Xoa, học sinh lớp 8A, ở bản Muống 1 đã lấy chồng sau đợt tết bắt vợ của người Mông năm ngoái. Xoa vốn là học sinh khá. Sau tết, Xoa vẫn lên lớp đi học bình thường. Mãi đến khi cái bụng dần to ra, em không thể đi học được nữa thì mọi người mới biết Xoa đã có chồng.
Video đang HOT
Vàng Pó Ly đã lấy vợ nhưng vẫn đi học.
Nói về việc học sinh của mình lấy vợ lấy chồng sớm, thầy Dũng cho biết, do phong tục tập quán của người dân tộc nên nhà trường không thể can thiệp. Trong mỗi giờ sinh hoạt, các thầy cô giáo cũng tuyên truyền, giáo dục các em về hôn nhân gia đình, nhưng dường như không mấy thay đổi.
Thầy Dũng lo lắng: “Theo phong tục của người Mông, con trai, con gái chỉ ở độ tuổi 13-15 đã được dựng vợ gả chồng. Cứ bắt đầu tháng 12 Dương lịch, người Mông lại ăn tết theo phong tục tập quán của họ. Trong các ngày tết Mông có nhiều hoạt động văn hóa truyền thống như chơi cù, chơi khẳng, các lễ hội khác… nhưng không thể thiếu tục bắt vợ. Chính vì vậy mà năm nào xã Mường Lý cũng có hàng chục đôi cưới xin theo hình thức tảo hôn”.
Ông Đinh Công Đại, Chủ tịch UBND xã Mường Lý cho biết, hàng năm xã Mường Lý chiếm tới 30-40% các đôi tảo hôn ở huyện Mường Lát, chủ yếu tập trung ở các bản người Mông như bản Muống 1, Xì Lồ, bản Ún, Trung Thắng, Sài Khao.
Theo Lâm Nguyên
Gái 'không chồng mà chửa' và biến tướng của tục ngủ thăm
Người dân tộc Thái ở vùng cao huyện Mường Lát, Thanh Hoá, từ xa xưa khi trai gái đến tuổi cập kê họ sẽ tìm đến nhau bằng việc ngủ thăm.
Những cô gái miền sơn cước ở độ tuổi 14-15 đã có con bồng con bế
Tục lệ ngủ thăm của người Thái là một nét văn hóa rất riêng của người dân tộc ở Thanh Hoá song cũng từ tục lệ này mà nó tiềm ẩn nhiều hệ luỵ về một cộng đồng người dân tộc khi chưa có điều kiện tiếp xúc với nhiều với xã hội bên ngoài. Những cô gái chỉ mới ở độ 14 đến 15 tuổi đã làm mẹ bất đắc dĩ.
Từ ngủ thăm. ..
Từ TP Thanh Hoá men theo quốc lộ 47 đến trung tâm Thị trấn Mường Lát phải đi mất cả ngày trời, rồi từ trung tâm thị trấn chúng tôi phải đi mất hàng giờ đồng hồ mới vào được bản Mường Lý. Là bản cuối cùng của huyện Mường Lát tiếp giáp với nước bạn Lào, đường sá khó khăn đến nỗi cán bộ tỉnh, huyện lên thăm phải hành quân bằng xe máy qua một con đường "độc đạo" mới có thể vào được trung tâm của xã đó là vào ngày trời nắng, còn khi trời mưa thì chỉ còn cách duy nhất là cuốc bộ, hay nếu có đi xe thì chiếc xe đó phải lắp bánh xích mới có thể đi vào bản được. Có lẽ vì vậy dân bản ở đây thường gọi Mường Lý là vùng đất "5 không".
Thấy có người lạ đi ngoài đường, hàng chục con mắt hiếu kỳ của người dân bản xứ "luôn săm soi" anh em tôi một cách ngạc nhiên như vật thể lạ. Khi đến UBND xã được ông Đinh Công Đại, Chủ tịch UBND xã Mường Lý cũng ngán ngẩm mà nói rằng: " Các anh ở xuôi nên không biết chớ ở đây chẳng mấy khi có người lạ đến thăm mô. Xa xôi đến nỗi năm thì, mười hoạ mới thấy cán bộ huyện ghé bản chớ huống hồ gì các anh từ tỉnh lên".Cũng từ chỗ khó khăn ấy mà đến nay nhiều thanh niên trong thôn bản không đi đâu xa được chưa lớn lên đã có gia đình và cũng vì đó mà Mường Lý vẫn đang còn tồn tại tục ngủ thăm ông Đại cho hay.
Tục ngủ thăm có từ khi nào, với người dân bản làng nơi đây cũng chẳng ai biết, mà người ta chỉ biết từ đời ông bà tổ tiên đã có, và khi họ lớn lên nó đã tồn tại như một nét văn hoá riêng không thể thiếu của bản làng. Xã Mường Lý có 856 hộ dân với 4 dân tộc sinh sống, gồm (Thái, Mường, Mông, Kinh) trong đó dân tộc thái chiếm tới 25%, đây cũng là nguyên nhân khiến bản Mường Lý có tỷ lệ "ăn cơm trước kẻng" lớn. Theo ông Đại, chỉ tính khoảng 5 năm trở lại đây, Mường Lý có tới cả trăm trường hợp ngủ thăm, chủ yếu là lứa tuổi từ 14-15. Chính từ việc ngủ thăm này dẫn đến nhiều học sinh trong bản phải nghỉ học về lấy vợ, lấy chồng, sinh con giữa chừng, thậm chí có những thiếu nữ đang tuổi trăng tròn do một lần ngủ thăm mà tìm đến cái chết một cách đau đớn bằng lá ngón do hậu quả của một lần ngủ thăm với chàng trai miền xuôi lên đây công tác.
Bản Trung Tiến I có 72 hộ dân thì chiếm tới 69 hộ là dân tộc Thái vì vậy tục ngủ thăm gần như vẫn còn nguyên vẹn. Ban ngày, bản Trung Tiến I yên bình đến kỳ lạ, nhưng buổi tối nơi đây lại náo nhiệt đến lạ thường bởi tiếng trêu đùa, gọi bạn ý ới của các thanh niên trong bản để đi ngủ thăm và bắt bạn tình. Thấy tôi tỏ ra tò mò về thủ tục ngủ thăm nơi đây, ông Đại bảo: "Tối nay tôi sẽ cho chú đi ngủ thăm". Tôi có cảm giác sợ sợ, nhưng lại thầm nghĩ đã cất công đến với đồng bào thì cứ thử xem " cái văn hoá ngủ thăm thực chất là thế nào".
Để minh chứng cho những gì ông Đại nói lúc trời còn sáng. Sau bữa cơm chiều với chén chú, chén anh làm cho không khí lạnh lẽo của mùa đông trở nên ấm áp hơn bởi hơi men của rượu. Với sự tò mò tôi mạnh dạn đề nghị ông Đại đưa tôi vào bản để được ngủ thăm xem thế nào, ông đưa tôi ghé thăm nhà một cô gái tên L. Em L năm nay chỉ mới 14 tuổi nhưng tối nào cũng có cả chục thanh niên bản đến theo đuổi "tán tỉnh". Khi thấy có người lạ vào nhà cũng không làm cho đám thanh niên này e thẹn gì mà vẫn tiếp tục tán chuyện sôi nổi cùng lũ bạn. Tiếp chúng tôi là anh Giàng A Tom (bố em L) năm nay a mới 30 tuổi nhưng đã có con gái chuẩn bị lấy chồng. Sau câu chuyện xã giao hỏi thăm thông thường tôi hỏi anh về em L: Cháu L nhà anh tối nào cũng có bạn trai đến chơi sao? anh Tom trả lời : ừ !, tối nào cũng có thanh niên đến chơi nhà để tán tỉnh cháu L cả. Tôi hỏi tiếp, phong tục ngủ thăm của người Thái thì ai cũng ngủ thăm được à?, có người lạ đến ngủ thế này có ngại không?. Anh Tom đáp: Đấy là phong tục riêng của người Thái nên chẳng ai ngại gì đâu. Ở đây không phải ai cũng ngủ thăm được đâu, chúng nó yêu thương nhau mới cho ngủ thăm thôi mà. Đúng như lời Tom nói, ngồi nói chuyện với gia đình anh Tom nhưng ngay chiếu bên cạnh góc nhà L đã ở trong "phòng" của mình hạ màn, thắp đèn lên sẵn để chờ bạn trai đến để cạy cửa vào ngủ cùng mình.
Tôi hỏi, ngủ thăm thế này liệu......? Câu hỏi lấp lửng khiến ông Đại ngơ ngác. Ông đáp: Không ổn là thế nào? Tôi trả lời: Nhỡ ngủ thăm mà hai người không kiềm chế được có thai thì sao?. Ông Đại cười phá lên nói: Đây là phong tục của bản rồi, không có chuyện đó đâu. Phải khi nào hai bên gia đình cho cưới mới được làm chuyện ấy chớ. Ông dẫn chứng: " Ở dưới xuôi các anh, con trai gái yêu nhau thì tán tỉnh, rủ đi chơi đâu đó, rồi hẹn hò... còn ở bản người Thái thì khác, họ yêu nhau được quyền cạy cửa ở bên nhau. Cũng không thể tránh được trường hợp như anh nói, quan trọng là do ý thức của chúng nó".
Tôi buông đùa, người ở xuôi lên có được ngủ thăm không? anh Tom cười bẽn miệng nói: " ở đây chỉ cần hai đứa ưng cái bụng nhau là ngủ được í mà, không phân biệt ai đâu anh không phải lo. Tôi nói tiếp, hay tối nay anh thử cho cháu cạy cửa nhà anh để vào ngủ với em L nhé? anh trả lời ngay rằng: Ô không khó lắm à, tuy con L nhà tôi chưa nói với gia đình về chàng trai nó ưng, song nhìn bề ngoài tôi đã thấy nó ưng cái bụng một đứa ở bản tê rồi. Một khi con gái bản đã ưng bụng thì không ai lay chuyển được ý nó đâu anh à. Anh có bỏ bao nhiêu thời gian ở trên này để ngủ thăm cũng vô ích thôi mà. vậy là chuyến ngủ thăm của tôi đã thất bại từ ngay ý định ban đầu".
Những cô gái miền sơn cước chỉ 14-15 tuổi đã có con bồng con bế.
... đến ngủ thật
Khi nói về chuyện ngủ thăm ông Đại luôn tự hào đó là một nét văn hoá riêng của người đồng bào mình. Song những năm gần đây chính điều đó đã làm ông là một cán bộ lại trăn trở nhiều hơn về sự biến tướng từ phong tục này. Đơn cử, đã không ít người lợi dụng vào ngủ thăm để làm bậy khiến con gái bản mang thai, để xảy ra điều đó chỉ có các tràng trai ở vùng xuôi lên đi xây dựng các công trình cơ bản. Các thanh niên dưới xuôi lên thấy con gái của bản phổng phao chúng giả vờ yêu thương, rồi cũng cạy cửa ngủ thăm, đến lúc con gái người ta có bầu thì cũng là lúc nó "bùng" mất. Điển hình tại bản Trung Tiến 1, cách đây hai năm trước cái chết của một cô gái Lường Thị D đang mang thai khiến người dân vô cùng đau xót. Cô gái này vừa tròn 15 tuổi, ngày đó xã Mường Lý có công trình đang thi công. Công nhân dưới xuôi lên làm nhiều lắm, tối nào các thanh niên họ cũng vào trong bản tán tỉnh con gái, nói lời yêu thương ngon ngọt. Đến khi cô D thấy ưng cái bụng rồi gật đầu đồng ý cho ngủ thăm, được một thời gian sau cô gái mang thai cũng là lúc công trình hoàn thành thì chàng trai này cũng "quất ngựa truy phong" để lại hậu quả sau những đêm ngủ thăm là đứa con trong bụng ngày một lớn lên. Không thấy "chồng hờ" lên thăm, cũng không địa chỉ liên lạc. Tủi nhục cho số phận, người con gái đã tự kết liễu đời mình bằng việc ăn lá ngón. Câu chuyện đau lòng này đến nay người bản Trung Tiến I vẫn còn xôn xao.
Theo ông Đại cho hay: Nói là ngủ thăm thực ra người ta toàn ngủ thật. Chỉ tính trong năm 2012, xã Mường Lý đã có gần chục trường hợp ngủ thăm thành ra là ngủ thật. "Một khi hai người đã nằm bên nhau trong màn đêm như vậy thì khó lòng tránh khỏi được dục vọng cá nhân. Ban đầu cô nào cũng ngại ngùng, nhưng có nhiều trường hợp các cô gái đã tự chủ động "bật đèn xanh" cho đối phương, vì vậy không tránh khỏi được việc mang bầu", ông Đại cho biết.
Tôi hỏi, khi một thanh niên làm cho con gái của bản có thai như vậy có bị bắt vạ gì không?. Ông Đại cho biết, ở đây chẳng có ai bắt vạ đâu. Mà có bắt vạ cũng biết được là con ai, bao nhiêu người vào ngủ thăm chứ riêng gì một người. Nói xong tôi lặng người!. Phải chăng những phong tục đẹp như vậy lại đang tiềm ẩn những biến tướng, khiến nhiều người con gái phải đau khổ, những đứa trẻ sinh ra không biết cha mình là ai dẫn đến người phụ nữ ở vậy nuôi con, người phá thai, người thì gửi con cho bố mẹ nuôi rồi đi nơi khác để kiếm lấy mảnh chồng...
Từ bi kịch của việc ngủ thăm đến ngủ thật, đến nay người ta vẫn nói đùa ông chủ tịch xã vỡ kế hoạch nên ông vẫn có con nhỏ. Ở cái tuổi gần 50, ông Đại đã có hai đứa con lập gia đình. Tuy nhiên, đến nay ông Đại vẫn còn đứa con gái nuôi mới hơn 3 tuổi, đó là kết quả của một đôi trai gái ngủ thăm. Hà Thị S, bản Nàng 1 trước đây là cô gái đẹp nhất bản. Nhiều thanh niên làng tán tỉnh nhưng S không ưng bụng. Mãi đến khi Hà Văn C (huyện Quan Hoá) lên nhà anh em ở bản Nàng 1 chơi thấy S xinh xắn, mang lòng yêu thương, tán tỉnh. Hai đứa yêu nhau một khoảng thời gian dài, đến nỗi mỗi khi C lên chơi nhà đều ngủ lại với S. Bố mẹ S cũng đã nhất chí cho hai đưa đến với nhau, tuy nhiên gia đình C không đồng ý và bỏ mặc S với cái thai sắp đến ngày sinh nở.
Bản làng heo hút nơi chỉ có một con đường duy nhất vào bản
Sinh con ra không biết mặt bố, mẹ không đủ khả năng nuôi con ông Đại đành phải nhận đứa con gái này về nuôi, đến nay cháu đã được hơn 4 tuổi. " Mình làm thế này không phải để dung túng hay cổ xuý cho việc ngủ thăm. Nhưng cứ nghĩ chúng nó vứt con đi thì tội lắm, mình nhận về nuôi cũng là để cho mẹ nó đi thêm bước nữa đỡ lỡ một đời con gái", ông Đại tâm sự.
Theo ông Đại, điều đáng lo ngại thời gian gần đây trên địa bàn xã có nhiều công trình thi công, các công nhân công trường lợi dụng phong tục ngủ thăm để làm chuyện bậy ở các bản làng dẫn đến hậu quả khó lường. Nguy hiểm hơn là tiềm ẩn bệnh tật khắp nơi điều đó khiến chúng tôi rất khó khăn khi kiểu ngủ thăm vô tội vạ thế này, tôi nghĩ vài năm nữa các bản nghèo của Mường Lý sẽ mất đi tụng cạy của ngủ thăm. Thay vào đó là biến tướng bởi tệ nạn mại dâm, HIV. Con cái trong bản lớn lên sẽ phải đối mặt với thảm hoạ của bệnh tật", ông Đại chia sẻ.
Theo xahoi
Đi tìm lời giải về những bí ẩn tục ngủ ngồi trong hang đá của người Rục (Kỳ cuối) Cố công tìm hiểu những thuật đi ngủ ngồi đầy bí hiểm của người Rục ở Quảng Bình, nhưng điều chúng tôi nhận được luôn là những cái lắc đầu. Mẹ con bà Cao Thị Mom (bản Ón) đang nghỉ trưa tại hang Khô Hiện nay, những thuật bí hiểm như ngủ ngồi, thuật thổi thắt, thổi mở, thuật hấp hơi... chỉ có...