Những ổ bệnh trong món khoái khẩu
Nhiều tác nhân gây sốt cao, sốt dai dẳng, viêm màng não, gây điếc… tồn tại trong tiết canh – món khoái khẩu của khá nhiều người.
Tiết canh và thực phẩm từ lợn chưa nấu chín có thể chứa mầm bệnh lây cho người – NGỌC THẮNG
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo, bệnh của loài lợn có thể dễ dàng lây sang người qua thức ăn không hợp vệ sinh, chưa nấu chín. Trong đó, nhiễm liên cầu khuẩn lợn và giun xoắn là hai bệnh có thể gây tử vong hoặc di chứng liệt, điếc…
Có thể điếc do ăn lợn chưa nấu chín
Theo Cục An toàn thực phẩm, liên cầu khuẩn lợn (vi khuẩn streptococcus suis) là bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra ở hầu hết các loài động vật máu nóng, trong đó lợn là chủ yếu.
Bệnh có nguy cơ trở thành dịch nếu không có biện pháp phòng tránh, điều trị. Vi khuẩn này “cư trú” trong hầu họng lợn, có thể lây truyền sang người qua vết thương ở da, đường hô hấp, tiếp xúc với máu hoặc các dịch tiết ở lợn bệnh, hoặc qua ăn uống không đảm bảo vệ sinh.
Đây là bệnh nguy hiểm bởi vi khuẩn có thể gây viêm màng não để lại những di chứng nặng nề với 60% bị ù tai giảm thính lực, 20% điếc hoàn toàn không hồi phục. Ở một số địa phương, 95 – 98% bệnh nhân nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn bị viêm màng não.
Người bị lây bệnh này do tiếp xúc với lợn bị bệnh, với thịt lợn và sản phẩm của lợn bệnh, do ăn phải thực phẩm nhiễm streptococcus suis, đặc biệt là món tiết canh lợn. Vi khuẩn streptococcus suis phát triển thuận lợi ở nhiệt độ bình thường, nhất là ở 37 – 38 độ C. Do đó thức ăn, nước uống bảo quản không đảm bảo vệ sinh rất dễ bị nhiễm khuẩn.
Video đang HOT
Đặc biệt, các thức ăn chế biến từ lợn như lòng lợn, tiết canh và các thức ăn nguội làm sẵn bày bán không hợp vệ sinh là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn nhiễm và sinh sôi.
Các bác sĩ lưu ý, có thể lợn vẫn mang liên cầu lợn nhưng không có biểu hiện bệnh, do đó ngay cả khi ăn thịt lợn “sạch” thì vẫn cần nấu chín.
Bệnh sốt do giun xoắn
Theo Cục An toàn thực phẩm, giun xoắn (trichinella spiralis) là ký sinh trùng đặc biệt nguy hiểm vượt hẳn ra ngoài giới hạn các bệnh giun sán thông thường. Nó cũng là bệnh giun duy nhất gây sốt cao kéo dài ở giai đoạn đầu có thể làm ta nhầm với các bệnh nhiễm khuẩn nặng như thương hàn, sốt rét…
Người mắc bệnh giun xoắn chủ yếu là do ăn phải thịt lợn bị nhiễm giun xoắn nấu chưa chín, nhất là món lòng lợn luộc chưa kỹ và món tiết canh vì trong thành ruột non và máu con vật này có rất nhiều giun xoắn và ấu trùng.
Giun xoắn rất nhỏ, mắt thường khó nhìn thấy. Thường con đực chỉ dài 1,4 – 1,6 mm, chiều ngang 40 micromet; giun cái dài 3 – 4 mm, ngang khoảng 60 micromet. Chúng sống chủ yếu trong ruột non một số loài vật, đặc biệt là lợn. Những ấu trùng giun xoắn khi mới sinh chỉ 90 – 100 micromet, theo máu đi khắp cơ thể rồi dừng lại ở các cơ và thành kén trong các cơ. Trong kén này (bào nang), ấu trùng cuộn tròn lại ẩn nấp và sống rất bền bỉ.
Các chuyên gia về ký sinh trùng cho hay, người bị nhiễm ấu trùng giun xoắn khi ăn phải thịt có kén mang ấu trùng giun xoắn chưa nấu chín. Vào cơ thể người, ấu trùng thoát kén tại dạ dày và di chuyển đến ruột non.
Ở ruột non, chỉ sau 24 giờ, ấu trùng nhanh chóng phát triển thành giun trưởng thành và xâm nhập ký sinh trong niêm mạc ruột non. Sau 4 – 5 ngày, giun cái có thể đẻ ấu trùng. Trong khoảng 4 – 6 tuần, ấu trùng xâm nhập hệ tuần hoàn đến tim trái và tới các tổ chức cơ vân, cơ hoành… ký sinh bất cứ nơi đâu, tạo kén.
Sau 10 – 15 ngày, các kén có ấu trùng này có khả năng lây nhiễm. Kén giun xoắn trong tổ chức cơ có thể tồn tại vài năm, thậm chí tới 20 – 30 năm và vẫn có khả năng lây nhiễm.
“Đây là các bệnh nặng, khó chữa, thậm chí dễ gây tử vong, di chứng nặng. Để phòng bệnh, không ăn lòng lợn, thịt lợn chưa nấu chín. Đặc biệt tiết canh là món ăn sống chứa quá nhiều nguy cơ tiềm ẩn mà chúng ta cần dứt khoát từ bỏ”, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo.
Theo thanhnien
Bát nháo trào lưu bán thực phẩm chức năng qua mạng xã hội
Chỉ cần vài phút truy cập mạng xã hội, người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với hàng loạt sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe khác nhau có giá rẻ bất ngờ. Cơ quan chức năng cảnh báo, các sản phẩm rao bán trên mạng xã hội không rõ nguồn gốc, kém chất lượng có thể nguy hại cho sức khỏe.
Các trang mạng xã hội, đặc biệt là cộng đồng facebook thời gian gần đây đang rộ lên trào lưu bán hàng online. Không chỉ dừng lại ở những mặt hàng gia dụng, hàng tiêu dùng thông thường, gần đây các mặt hàng thực phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc y học cổ truyền... được thổi phồng công dụng rao bán với giá rẻ bất ngờ.
Người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với những thông tin bán thực phẩm qua mạng
Trong Hội nghị triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm do Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức diễn ra tại TPHCM (ngày 9/10) đại diện cục nhận định: "Tình trạng bán hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe online, quảng cáo qua mạng xã hội, internet, tư vấn trực tiếp cho người tiêu dùng qua điện thoại, chat... đang diễn ra rầm rộ. Người mua, người bán lên đơn hàng với nhau qua những liên lạc trên và giao hàng qua đặt hàng online, bưu điện hoặc thuê người vận chuyển".
Với hình thức này, cá nhân hoặc tổ chức bán hàng không công khai nơi trưng bày, bảo quản hàng hóa, họ thường giao hàng với số lượng ít theo đơn đặt hàng qua điện thoại. Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho cộng đồng bởi khó có thể tránh khỏi tình trạng sản xuất kinh doanh các mặt hàng không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng nhái... đe dọa sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát, xử lý của cơ quan quản lý nhà nước lại trở nên rất khó khăn.
Nguy hiểm hơn, tình trạng giả danh bác sĩ, dược sĩ để tư vấn bán hàng qua điện thoại với những thông tin không đúng sự thật về các mặt hàng thực phẩm chức năng đang khá phổ biến. Tình trạng kinh doanh thực phẩm chức năng "xách tay" chưa được kiểm soát đang là kẽ hở cho nhưng đối tượng buôn bán thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái trên thị trường.
Cục An toàn Thực phẩm nhận định, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên xuất phát từ nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế, tâm lý ham rẻ lại "sính" hàng thương hiệu nên dễ "sập bẫy" trước những chiêu quảng cáo thổi phồng sự thật. Vì lợi nhuận nên những người bán hàng bất chấp mọi thủ đoạn để lừa người tiêu dùng. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng còn yếu và thiếu, nghiệp vụ hạn chế hoặc xử lý không triệt để co chế tài xử phạt liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm chưa hoàn thiện.
Một trong những loại thuốc y học cổ truyền rao bán trên facebook
Cục An toàn Thực phẩm cho biết sẽ kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện nghiêm Chỉ thị (17/CT-TTg ngày 19/6/2018) của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lân thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, kém chất lượng thuộc nhóm dược phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, thuốc y học cổ truyền...
Để tránh nguy cơ "tiền mất, tật mang" Cục An toàn Thực phẩm khuyến cáo mỗi người trong cộng đồng hãy là một người tiêu dùng thông minh. Việc mua bán, sử dụng các mặt hàng liên quan đến thực phẩm cần phải rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, có chứng nhận của cơ quan chức năng, còn trong thời hạn sử dụng. Tuyệt đối không mua bán, sử dụng các mặt hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng.
Ngày 9/10, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, qua tổng kết công tác thanh kiểm tra 9 tháng đầu năm 2018 về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cơ quan chức năng tại 63 tỉnh thành trên cả nước và Cục An toàn Thực phẩm đã phát hiện hơn 77.000 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm.
Hàng loạt sản phẩm sai phạm về ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm, thực phẩm không đảm bảo chất lượng, điều kiện cơ sở không đảm bảo vệ sinh, không thực hiện công bố sản phẩm theo quy định... đã bị đình chỉ lưu hành. Tổng số tiền phạt các cơ sở sai phạm lên tới hơn 46,5 tỷ đồng. Ngoài ra Cục An toàn Thực phẩm đã chuyển cơ quan điều tra 7 vụ việc có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh hàng giả để xử lý theo quy định của pháp luật.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Ngộ độc thực phẩm tại trường học: Con ăn ở trường, cha mẹ... run! Chỉ trong 3 ngày (3-5.10) đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm tại trường tiểu học khiến 500 trẻ phải nhập viện trong tình trạng buồn nôn, sốt nhẹ, đau bụng, đi ngoài. Thực trạng này khiến rất nhiều phụ huynh - những người có con học bán trú, ăn trưa và chiều tại trường - hết sức lo lắng cho...