Nhũng nhiễu trong doanh nghiệp tư có thể bị phạt 100 triệu đồng
Dự thảo nghị định hướng dẫn luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi quy định, hành vi nhũng nhiễu trong các doanh nghiệp tư có thể chịu mức phạt lên tới 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ ẢNH LÊ HIỆP
Các quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi tham nhũng trong khu vực tư là một điểm mới, lần đầu tiên được đưa ra trong dự thảo được Thanh tra Chính phủ công bố tại hội thảo tham vấn diễn ra ngày 27.3.
Theo đó, dự thảo quy định hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5 -10 triệu đồng.
Đối với hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng.
Các hành vi nêu trên nếu như có các tình tiết tăng nặng như vi phạm có tổ chức, vi phạm nhiều lần,… sẽ bị phạt tiền từ 20 – 50 triệu đồng.
Cùng hành vi trên, nếu có biểu hiện nhũng nhiễu; lợi dụng hoạt động từ thiện hoặc hoàn cảnh khó khăn của tổ chức, cá nhân khác để vi phạm hoặc có hành vi trốn tránh, che giấu sau khi vi phạm có thể bị phạt tiền từ 50 – 100 triệu đồng.
Nhũng nhiễu trong khu vực công sẽ bị kỷ luật
Video đang HOT
Giải thích lý do đưa quy định xử phạt hành chính đối với hành vi nhũng nhiễu trong khu vực doanh nghiệp tư nhân, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, cho hay lâu nay, người ta vẫn cho rằng, các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước mới có hành vi nhũng nhiễu, nhưng đó chỉ là nhìn một phía.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, thực tế, những “biểu hiện nhũng nhiễu” trong khu vực doanh nghiệp tư nhân là khá phổ biến, đặc biệt là giữa doanh nghiệp, tập đoàn lớn với các doanh nghiệp nhỏ hơn.
“Ví dụ như nhà cung cấp tổ chức đấu thầu với nhau, muốn vào gói này phải thế nọ, thế kia. Đấy là biểu hiện nhũng nhiễu”, ông Tuấn Anh nói và cho biết, các hành vi nhũng nhiễu trong khu vực tư rất dễ xảy ra với những người phụ trách mua sắm, đấu thầu,…
“Nhũng nhiễu ở đây là khi người ta có quyền hành thì người ta làm khó dễ, gây phiền hà để được một lợi ích nào đó. Nói đơn giản như xin việc làm vào tập đoàn nào đó, người ta có quyền lực người ta có thể ban cho ai đó thì họ gây khó khăn, phiền hà thì là nhũng nhiễu, vòi vĩnh”, ông Tuấn Anh giải thích.
Mặc dù thừa nhận về kinh doanh, hành vi nhũng nhiễu trong doanh nghiệp là “tự làm hại mình”, tuy nhiên, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, cho rằng trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay chưa phải là công bằng thì hiện tượng nhũng nhiễu trong các doanh nghiệp tư không phải không có.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cũng cho hay, mức xử phạt hành chính đối với hành vi nhũng nhiễu chỉ áp dụng đối với khu vực tư còn đối với cán bộ, công chức của khu vực công thì sẽ phải xử lý kỷ luật chứ không xử lý hành chính được.
Là người đứng đầu tổ biên soạn dự thảo, ông Nguyễn Tuấn Anh cho hay, đây mới là dự thảo đầu tiên được đưa ra để tham vấn, góp ý. Dự kiến, tới đầu tháng 4, Thanh tra Chính phủ mới công bố dự thảo lấy ý kiến nhân dân và tới tháng 5 trình Chính phủ xin ý kiến, xem xét ban hành.
Theo TNO
"Lần đầu tiên chúng ta thu nhiều "tiền tươi" qua các vụ thanh tra"
Chiều nay (16.1), Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết ngành thanh tra năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo Hội nghị.
Phát biểu tại Hôi nghị, Thủ tướng nhấn mạnh năm 2018, đất nước đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, để đạt được điều đó có sự đóng góp của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra.
"Qua thanh tra, đã phát hiện, xử lý được nhiều vi phạm; góp phần chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở, bất cập trong quản lý nhà nước và ban hành chính sách, pháp luật", Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận Hội nghị tổng kết ngành Thanh tra năm 2018 (Ảnh; VOV)
Theo Thủ tướng, trong năm qua, ngành Thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế gần 34 nghìn tỷ đồng, gần 34 nghìn ha đất; kiến nghị thu hồi gần 30 nghìn tỷ đồng và hơn 1 nghìn ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính trên 2.000 tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 96 vụ, 151 đối tượng.... Bên cạnh đó, đã tăng cường xử lý sau thanh tra, thu hồi và xử lý khác trên 13 nghìn tỷ đồng đạt 85%, cao nhất từ trước tới nay.
"Kết quả này sự thể hiện quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn của toàn ngành thanh tra. Lần đầu tiên, chúng ta thu tiền tươi, thóc thật nhiều như thế qua các cuộc thanh tra", Thủ tướng nói.
Thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Thanh tra Chính phủ đóng góp tích cực vào kết quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hiện nghiêm những chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương, của lãnh đạo Chính phủ.
Thanh tra Chính phủ đã kết luận, kiến nghị xử lý nghiêm minh nhiều vụ việc trọng điểm, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là cuộc thanh tra AVG, Cảng Quy Nhơn, Hãng Phim truyện Việt Nam, đất đai tại Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, làm rõ các dự án liên quan đến Út Trọc, Vũ Nhôm để xử lý theo pháp luật... Qua đó, đã thu hồi được về cho nhà nước số tiền lớn.
Điều này góp phần quan trọng trong việc giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của đất nước, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân...
"Tôi rất hiểu các đồng chí chịu áp lực rất lớn khi tiến hành thanh tra các vụ việc phức tạp. Tuy nhiên, với bản lĩnh và trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, các đồng chí đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành hầu hết các cuộc thanh tra theo đúng kế hoạch, bảo đảm khách quan, chính xác theo đúng quy định của pháp luật", Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, Thanh tra đã phát huy vai trò tham mưu triển khai thực hiện các giải pháp và thực hiện tốt vai trò của mình trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Qua đó, giải quyết nhiều vụ việc bức xúc, bảo vệ lợi ích của nhà nước, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, "đây là việc rất nóng ". Số liệu cho thấy, ngành Thanh tra đã giúp Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước tiếp gần 395 nghìn lượt công với hơn 271 nghìn vụ việc, 4.475 lượt đoàn đông người; xử lý trên 177 nghìn đơn thư; giải quyết gần 24 nghìn vụ việc thuộc thẩm quyền, đạt 83,7% - cũng là kỷ lục cao.
Qua đó, kiến nghị thu hồi cho nhà nước và trả lại cho công dân gần 3 nghìn tỷ đồng, 100 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 469 người, chuyển cơ quan điều tra 6 vụ, 8 đối tượng...
Thành công nữa của ngành được Thủ tướng biểu dương là Thanh tra Chính phủ đã quan tâm, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) năm 2018. Đây là Luật quan trọng, cần triển khai mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đã triển khai quyết liệt ở tất cả các cấp, các ngành theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, đó là "không có vùng cấm, không có hạ cánh an toán".
"Chưa bao giờ, chúng ta làm được nhiều việc như năm vừa qua, rất nhiều cán bộ, kể cả ở cấp cao đã bị xử lý", Thủ tướng nói.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương nhiều những thành tích nổi bật khác trong năm 2018 của Thanh tra Chính phủ và toàn ngành Thanh tra đã đạt được.
Theo Danviet
Không "bó tay" với giải trình buôn chổi đót xây biệt phủ Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ), trong Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN - sửa đổi) có những quy định có thể xử lý được kiểu cán bộ giải trình xây biệt phủ, biệt thự nhờ đi buôn chổi đót. Luật mới đã quy định rõ thẩm quyền của cơ quan kiểm soát...