Những nguyên tắc cách ly khi bị tay chân miệng có thể bạn chưa biết
Đối mặt với căn bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan cao trong cộng đồng và chưa có vaccine phòng bệnh, việc cách ly khi bị tay chân miệng là vô cùng cần thiết.
Bệnh tay chân miệng là một căn bệnh truyền nhiễm khá phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh khá lành tính và thường sẽ tự khỏi nếu được chăm sóc đúng cách và không cần điều trị y tế.
Tuy nhiên, bệnh tay chân miệng có thể lây lan nhanh trong cộng đồng và bùng phát thành dịch. Do vậy việc nắm bắt các nguyên tắc cách ly khi bị tay chân miệng là vô cùng cần thiết để hạn chế lây nhiễm một cách tối đa.
1. Cơ chế lây lan của bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng gây ra bởi virus thuộc họ Enterovirus, nổi bật là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71. Người mắc bệnh do virus Coxsackievirus A16 có thể tự khỏi sau một thời gian nghỉ ngơi. Ngược lại người mắc tay chân miệng do virus Enterovirus 71 có nguy cơ tử vong rất cao.
Tay chân miệng có thể truyền từ người này sang người khác thông qua dịch tiết mũi họng, các chất lỏng tiết ra từ mụn nước và phân. Bệnh có thể lây lan từ người sang người qua:
- Hít thở không khí có chứa dịch tiết sau khi người bệnh ho hoặc hắt hơi.
- Chạm vào người bệnh hoặc hôn, ôm, hay dùng chung cốc và dụng cụ ăn uống.
- Bơi cũng có thể là một yếu tố nguy cơ lây nhiễm bệnh nếu nước trong hồ không được xử lý đúng cách.
Hiểu rõ những cơ chế lây lan của bệnh tay chân miệng sẽ giúp mọi người nhận thấy được sự cần thiết của việc cách ly khi bị tay chân miệng. Từ đó giảm thiểu tối đa khả năng bùng phát dịch trong cộng đồng.
Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm khá phổ biến ở trẻ em (Ảnh: Internet)
2. Nguyên tắc cách ly khi bị tay chân miệng
Video đang HOT
2.1. Đối với trẻ nhỏ đang đi học mẫu giáo, nhà trẻ
Nếu trẻ mắc bệnh tay chân miệng, phụ huynh tuyệt đối không để trẻ đến lớp ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh. Trẻ chỉ nên đến lớp khi hết loét miệng và các phỏng nước đã lặn hoàn toàn.
Đặc biệt, khi trong lớp xuất hiện từ 2 trẻ trở lên bị mắc bệnh trong vòng 7 ngày, nhà trường cần cho lớp nghỉ học 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng để cắt đứt đường lây truyền.
Các thầy, cô giáo hay người hướng dẫn tại nhà trẻ cần phải theo dõi tình trạng của trẻ một cách thường xuyên. Chú ý nếu thấy trẻ xuất hiện các biểu hiện như sốt, loét miệng, phỏng nước cần thông báo cho gia đình và cơ sở y tế để cách ly, khử trùng kịp thời.
2.2. Với các đối tượng khác mắc bệnh tay chân miệng
Người bệnh tay chân miệng cần được cách ly triệt để. Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác, che miệng khi ho, hắt hơi và giữ khoảng cách khi nói chuyện, không để virus lây lan ra ngoài môi trường.
Bên cạnh đó, người nhà bệnh nhân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như vệ sinh răng miệng, rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn thường xuyên trước và sau khi nấu ăn, sau khi đi vệ sinh và đặc biệt là sau khi thay tã cho trẻ nhỏ bị bệnh.
Đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc với người khác trong suốt thời gian mắc bệnh tay chân miệng (Ảnh: Internet)
Các dụng cụ, vật dụng được sử dụng hằng ngày cũng cần được rửa sạch bằng xà phòng diệt khuẩn, sau đó lau bằng chloramin B 2% để tránh virus bám và lây lan cho người khác. Dụng cụ ăn uống như bát, đũa, cốc,… cần ngâm và tráng nước sôi trước khi dùng.
Khi người bệnh vẫn còn triệu chứng của bệnh tay chân miệng như sốt, mụn nước,… tuyệt đối không tham gia các hoạt động, gặp gỡ đông người khác như đi học, đi bơi,… Theo dõi các biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước đối với các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em để có thông báo cho cơ quan y tế xử lý, điều trị.
Ngoài ra, khi có tiếp xúc với chất tiết và bài tiết của bệnh nhân, cần mang găng tay dùng một lần và gói kỹ, vứt vào thùng rác cẩn thận sau khi sử dụng. Mang trang phục phòng hộ cá nhân khi làm những thủ thuật trên bệnh nhân có nguy cơ tạo giọt bắn tới niêm mạc.
Cần lưu ý các tình trạng của bệnh nhân và người thân trong gia đình, khi có biểu hiện sốt, phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng mông, đầu gối, niêm mạc miệng. Đặc biệt kèm theo biến chứng thần kinh hoặc tim mạch như rung giật cơ, đi loạng choạng, ngủ gà, yếu liệt chi, mạch nhanh, sốt cao lớn hơn 39,5 độ C, thì phải đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Bệnh tay chân miệng ở trẻ em và cách phòng tránh nguy cơ lây nhiễm tại trường học
Bệnh tay, chân, miệng là bệnh truyền nhiễm do virus gây nên. Đặc biệt, bệnh tay, chân, miệng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm và có tính lây lan nhanh.
Vì đặc tính lây lan của bệnh tay chân miệng ở trẻ em càng trở nên nguy hiểm khi trẻ đang đi học tại trường học nơi tập trung rất đông học sinh.
1. Trường học là nơi dễ bùng phát dịch bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng thường xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, nhất là ở lứa tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo.
Virus gây bệnh tay chân miệng lây qua tiếp xúc từ người sang người. Vì thế, đây là loại bệnh có khả năng lây nhiễm cao, dễ bùng phát thành dịch. Trẻ nhỏ sức đề kháng kém, lại trong độ tuổi còn nghịch ngợm nên dễ bị mắc bệnh. Chúng ta cần có biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng cụ thể, giảm nguy cơ lây nhiễm cho các bé tại trường học
Bệnh tay chân miệng thường xảy ra ở trẻ em trong độ tuổi đi nhà trẻ và trường mẫu giáo- Ảnh Internet
2. Cách phòng tránh nguy cơ lây nhiễm tay chân miệng tại trường học
Bệnh tay chân, miệng ở trẻ không hiếm gặp, xảy ra quanh năm. Hai mốc thời gian từ tháng 2 đến tháng 4 và từ tháng 9 đến tháng 12 thường có nhiều ổ dịch bùng phát, nhất là tại các trường học. Nhiều ca có biến chứng nặng.
Đến thời điểm này, tại Việt Nam vẫn chưa có vaccine phòng bệnh tay chân, miệng. Do đó, chúng ta cần có biện pháp phòng ngừa bệnh lây lan. Tránh các tiếp xúc trực tiếp với người bệnh và tất cả các nguồn lây nhiễm.
2.1. Đối với nhà trường
Để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm tay chân miệng tại trường học nhà trường cần tiến hành khử khuẩn khuôn viên và các đồ dùng trong trường học. Nhà trường cần thường xuyên vệ sinh phòng học, khu vực vui chơi, bếp ăn, đặc biệt là nhà vệ sinh cần khử khuẩn sạch sẽ.
Quá trình dọn dẹp cần sử dụng xà phòng, dung dịch, chất tẩy rửa để khử trùng bề mặt và các vật dụng. Chú ý khi lau chùi sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn xong, phải để trong thời gian 15 phút để đủ khả năng diệt khuẩn; sau đó chùi sàn nhà bằng nước sạch để làm sạch chất khử khuẩn đã sử dụng. Công việc khử khuẩn cần phải thực hiện hàng ngày.
Chú ý nhất là khu vực nhà bếp, đối với các trường có học sinh bán trú, ăn uống tại trường. Các dụng cụ chế biến thức ăn phải sạch sẽ, rửa sạch thường xuyên. Nhân viên chế biến thức ăn phải cắt ngắn móng tay không đeo đồ trang sức.
Nhà trường cần đảm bảo nguồn nước sạch và xà phòng để trẻ rửa tay thường xuyên- Ảnh Internet
Tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo, cần ngâm rửa đồ chơi của trẻ với dung dịch khử khuẩn này rồi lau khô hoặc phơi nắng.
Nhà trường cần đảm bảo nước sạch và xà phòng, dung dịch sát khuẩn cho các bé. Người giữ trẻ, giáo viên mầm non sau khi thay quần áo, tã lót cho trẻ phải rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy.
Ngoài ra, các trường học cần có các biện pháp phòng tránh bệnh tay chân, miệng cho trẻ em. Đây là môi trường có nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh cho trẻ. Khi bệnh phát tán không kiểm soát sẽ gây ra những nguy có khó lường và khó dập dịch. Các cơ sở y tế địa phương, nhà trường, gia đình, và cả các em nhỏ cần chung tay đẩy lùi bệnh tay chân, miệng.
2.2. Đối với gia đình và trẻ nhỏ
Tuyệt đối không tiếp xúc thân mật với trẻ nhỏ bị nhiễm bệnh, không hôn hít, vuốt ve.
Giáo viên và gia đình cần hướng dẫn trẻ vệ sinh cá nhân hàng ngày, hình thành cho trẻ thói quen sạch sẽ, ăn chín, uống sôi, không ăn những món đồ không vệ sinh như ăn quả cả vỏ, ăn đồ rơi xuống đất, đồ chưa rửa,...
Dạy trẻ phải dùng khăn giấy hoặc tay che miệng khi ho, hắt hơi. Người nhà và giáo viên chăm trẻ cần thay quần áo, cắt móng tay móng chân thường xuyên cho trẻ, không cho trẻ dùng chung vật dụng cá nhân với các trẻ khác để phòng ngừa lây nhiễm.
Trẻ mắc tay chân, miệng cần được chữa trị kịp thời và nghỉ học cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn- Ảnh Internet
Khi trẻ bị mắc bệnh, không đưa trẻ đến nhà trẻ, trường học để ngăn ngừa lây lan. Trong thời gian chữa trị, cần cách ly trẻ tại nhà hoặc cơ sở y tế. Khi phát hiện hay nghi ngờ học sinh, trẻ nhỏ bị mắc bệnh tay chân miệng, gia đình và nhà trường phải phối hợp, thông báo cho cơ sở y tế để trẻ được chữa trị và cách ly kịp thời, tránh nguy cơ lây nhiễm tại trường học và bùng phát thành dịch tại khu vực.
Đặc biệt, phụ huynh cần cho trẻ nghỉ học đến khi bệnh tay chân, miệng đã được chữa khỏi hoàn toàn.
Với đặc tính lây lan nhanh chóng của bệnh, cả phụ huynh, gia đình, nhà trường cũng như cơ sở y tế cần chủ động, cùng nhau phối hợp để dịch tay chân miệng không lây lan, bùng phát trong cộng đồng trường học gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.
Những ai không nên ăn hạt macca Là loại quả đắt đỏ và bổ dưỡng, nhưng không phải đối tượng nào cũng có thể sử dụng thường xuyên hạt macca. Hạt macca còn được mọi người phiên âm ra tiếng Việt là hạt mắc ca. Hiện nay, loại quả mắc ca này được mệnh danh là hoàng hậu của các loại hạt. Đặc biệt rất tốt cho trẻ nhỏ và...