Những nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm thính giác
Suy giảm thính giác nghiêm trọng hay điếc được xem là một dạng khiếm thính. Dưới đây là những nguyên nhân có thể gây suy giảm thính giác nghiêm trọng.
Nhiễm trùng tai: Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây suy giảm thính giác là nhiễm trùng tai. Dịch lỏng có thể tích tụ trong tai giữa khi bạn bị nhiễm trùng tai. Nếu không được điều trị kịp thời, nhiễm trùng tai có thể gây các vấn đề nghiêm trọng về lâu dài như điếc. Sởi, quai bị, giang mai và viêm màng não cũng là các bệnh có thể gây suy giảm thính giác.
Tiếng ồn lớn: Tiếng ồn lớn có thể phá hủy các tế bào lông trong ốc tai và gây suy giảm thính giác nghiêm trọng. Những tiếng ồn này có thể là nhạc âm lượng lớn, tiếng động cơ máy bay hoặc tiếng ồn của các loại máy điện.
Vật thể lạ trong tai: Khi có vật thể lạ bị kẹt trong tai, khả năng nghe của bạn có thể bị ảnh hưởng. Vật thể lạ trong tai đôi khi có thể to và cứng dần lên do bụi bẩn bám vào, dẫn đến mất thính giác.
Video đang HOT
Thủng màng nhĩ: Rách hoặc thủng màng nhĩ – lớp màng ngăn giữa tai ngoài và tai giữa – có thể để lại một cái lỗ có hoặc không có khả năng phục hồi. Thủng màng nhĩ có thể do nhiễm trùng tai, tiếng ồn lớn, chấn thương đầu hoặc áp lực rất mạnh lên tai.
Viêm tai Cholesteatoma: Cholesteatoma là sự phát triển bất thường của của phần da ở tai giữa từ phần màng nhĩ bị rách hoặc do sự phát triển trong da xuyên qua lỗ thủng màng nhĩ. Ban đầu, chúng thường rất nhỏ, nhưng khi cholesteatoma phát triển, chúng có thể phá hủy xương tai giữa, gây mất thính giác.
Bệnh Meniere: Bệnh Meniere là một chứng rối loạn tai trong, có thể ảnh hưởng đến thính giác của một bên tai. Chóng mặt, thính giác chập chờn, ù tai hoặc cảm giác đầy tai là một số triệu chứng của chứng rối loạn tai trong. Theo thời gian, thính giác của người bệnh ngày càng kém đi.
Khối u: Các khối u – dù lành tính hay ác tính – đều có thể gây suy giảm thính giác nghiêm trọng. Khối u liên quan đến thính giác phổ biến nhất là khối u thần kinh thính giác, u tế bào cận hạch thần kinh và u màng não.
Tuổi tác: Cấu trúc của tai trở nên yếu và kém đàn hồi hơn theo thời gian. Lông tai ở những người lớn tuổi có thể bị tổn thương, làm giảm khả năng phản hồi các sóng âm. Sự suy giảm thính giác có thể càng nghiêm trọng hơn khi bạn già đi.
Các nguyên nhân khác: Những người có cấu trúc tai yếu bẩm sinh, có những chấn thương như rạn hộp sọ hoặc thủng màng nhĩ có thể bị mất khả năng nghe. Một số loại thuốc cũng có thể gây suy giảm thính giác. Khiếm thính cũng có thể là do di truyền; khiếm thính bẩm sinh có thể được chẩn đoán ngay khi trẻ sinh ra, hoặc có thể được phát hiện muộn hơn./.
CTV Ngọc Diệp/VOV.VN
Theo Onlymyhealth
Nam thanh niên bị gián chui vào tai lúc ngủ say
Nam thanh niên đột nhiên tỉnh giấc do tai đau dữ dội. Kết quả nội soi phát hiện một con gián chui vào tai khiến bác sĩ và bệnh nhân đều bất ngờ.
Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết các bác sĩ khoa Tai - Mũi - Họng vừa tiếp nhận bệnh nhân N.V.T. (31 tuổi, trú tại Quảng Ninh) tới khám do tai bỗng nhiên đau nhức nhối.
Theo người này, trong lúc ngủ, anh ta đột nhiên tỉnh giấc do đau tai dữ dội, kèm theo đó là buốt và ù tai. Tại bệnh viện, nam bệnh nhân được chỉ định nội soi kiểm tra tai. Kết quả đã phát hiện con gián nằm sâu trong ống tai khiến cả bác sĩ và bệnh nhân đều bất ngờ. Sau khi được gắp bỏ con gián và vệ sinh tai, tình trạng đau buốt của bệnh nhân cũng giảm dần.
Các bác sĩ cho biết gần đây, họ tiếp nhận nhiều trường hợp bị gián chui vào tai cắn. Ảnh: Người Lao Động.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, gần đây, khoa tiếp nhận nhiều người nhập viện do bị gián chui vào tai trong lúc ngủ. Với những trường hợp này, nếu không được gắp bỏ, gián có thể bò sâu vào lỗ tai, gây thủng màng nhĩ hoặc gây nhiễm trùng, viêm tai.
Giới chuyên môn lưu ý côn trùng chui vào tai hay dị vật nói chung khiến nạn nhân có các triệu chứng thường gặp như đau dữ dội đột ngột một bên tai mà trước đó không có bệnh gì liên quan bộ phận này.
Những cơn đau dữ dội có thể xen kẽ nhau và không đồng loạt cùng lúc. Nếu chỉ là bò trong ống tai, côn trùng sẽ gây cảm giác nhột, ngứa, khó chịu. Còn nếu gây sang chấn ống tai hoặc màng nhĩ, nạn nhân có thể bị những cơn đau đến "muốn ngất đi".
Vì vậy, ngay khi bị dị vật, đặc biệt là côn trùng chui vào tai, cách tốt nhất hãy đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không cố gắng lấy dị vật, côn trùng bởi như vậy có thể khiến dị vật vào sâu hơn trong lỗ tai, ảnh hưởng thính giác của người bệnh.
Theo Zing
Nhiễm trùng tai trông sẽ như thế nào? 9 hình ảnh này sẽ giúp bạn hiểu chính xác tình trạng này Giới chuyên gia chỉ rõ, khi thấy tai mình có dấu hiệu giống như những bức ảnh này chứng tỏ đã bị nhiễm trùng tai, cần các biện pháp điều trị đi kèm ngay. Mọi chuyện sẽ thật hoàn hảo nếu như bạn có thể xỏ lỗ tai và dành cả quãng đời còn lại để đeo những đôi bông tai dễ thương....