Những nguyên nhân gây mất kinh đột ngột
Đột nhiên mất kinh không có thai có thể là hiện tượng khác thường như bất thường tuyến giáp, triệu chứng buồng trứng đa nang, hay suy buồng trứng sớm.
Dưới đây, bác sĩ sản phụ khoa Alyssa Dweck, đồng tác giả của cuốn V is for Vagina, đã chỉ ra một số nguyên nhân tiềm ẩn khiến bạn bị mất kinh:
Ảnh: beautyhealthtips.
1. Giảm cân nhiều hoặc tập thể dục quá sức
Đây là một lý do không thường xuyên. Nếu chỉ số khối cơ thể (BMI) của bạn nhanh chóng bị xuống dưới 18 hoặc 19, bạn có thể bắt đầu bị chậm kinh. Mặc dù mất kinh không hoàn toàn do BMI. Các bệnh nghiêm trọng như chán ăn và ăn uống vô độ có thể gây chậm kinh.
Tình trạng này cũng có thể xảy ra nếu bạn phải tập luyện nhiều hơn bình thường để chuẩn bị cho một cuộc đua hoặc những sự kiện lớn khác. Một cách tự nhiên, cơ thể bạn bị căng thẳng quá mức như vậy sẽ khó có thai. Cơ thể sẽ ngăn ngừa rụng trứng, vì vậy bạn không có nhiều estrogen, không hình thành lớp màng nhày tử cung lớn và sau đó không có kinh.
2. Căng thẳng
Một sự kiện đáng sợ lớn trong cuộc sống có thể gây vô kinh vùng dưới đồi. Đây là khu vực đặc biệt của não, vùng dưới đồi là nơi có nhiều hormone giúp điều tiết chu kỳ kinh nguyệt. Tâm trạng căng thẳng gây ảnh hưởng rất lớn lên vùng dưới đồi. Nếu bạn đang đối diện với một bước ngoặt lớn, cái chết của người thân trong gia đình hoặc bất cứ một sự kiện nào khác trong cuộc sống, đó có thể là nguyên nhân.
3. Bất thường tuyến giáp
Tuyến giáp nằm trên cổ giúp điều tiết chuyển hóa. Nó cũng tương tác với nhiều cơ quan khác trong cơ thể để giúp mọi thứ hoạt động trơn tru. Nếu bạn đang bị mất cân bằng tuyến giáp dưới bất cứ hình thức nào, cho dù đó là thiểu năng hay cường năng tuyến giáp đều có thể ảnh hưởng tới chu kì kinh nguyệt. Nếu bạn thấy có các triệu chứng của rối loạn tuyến giáp, hãy đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.
Video đang HOT
4. Triệu chứng buồng trứng đa nang
Buồng trứng đa nang (PCOS) là sự mất cân bằng hormone dẫn tới thiếu hụt rụng trứng, vì vậy hàm lượng estrogen, proesteron và testosterone bị thay đổi ở các mức độ khác nhau. Nó có thể khiến bạn mất kinh hoàn toàn hoặc không có kinh thường xuyên. Các triệu chứng PCOS khác gồm mọc lông ở nhiều nơi như mặt, ngực, khó giảm cân và tiềm ẩn những vấn đề về sinh sản. Bác sĩ có thể giúp bạn đưa ra một kế hoạch điều trị để kiểm soát tình trạng này.
5. Các bệnh mạn tính như Celiac đường ruột
Celiac là căn bệnh đặc trưng bởi tình trạng không dung nạp gluten. “Bất kỳ một căn bệnh mạn tính nào không được điều trị hoặc chẩn đoán đều là tác nhân gây căng thẳng lên cơ thể bạn và có thể gây mất kinh. Celiac có thể là một nguyên nhân như vậy”.
6. Các phương pháp tránh thai
Mất kinh có thể là một tác dụng phụ vô hại của những biện pháp tránh thai. Một số loại thuốc tránh thai liều thấp sẽ gây kinh nguyệt không đều, tác dụng phụ này vốn không nguy hiểm. Điều tương tự cũng xảy ra với những biện pháp như vòng tránh thai nội tiết, que cấy dưới da tránh thai hoặc tiêm. Cũng cần một thời gian để kinh nguyệt của bạn có trở lại nếu bạn ngừng các phương pháp tránh thai, nhưng thông thường nó sẽ trở lại bình thường trong vòng vài tháng.
7. Mãn kinh sớm
Khi phụ nữ dưới 40 tuổi bị suy giảm nội tiết tố một cách đáng kể, họ có thể bị mãn kinh sớm còn được gọi là suy buồng trứng sớm. Cùng với đó là mất kinh, các dấu hiệu gồm những cơn bốc hỏa, đổ mồ hôi về đêm và khô âm đạo. Điều này rất ít khi xảy ra, vì vậy bạn không nên ngay lập tức lo lắng mà hãy đi khám phụ khoa. Bác sĩ phụ khoa sẽ loại trừ các nguyên nhân gây nên tình trạng này.
Theo Hải Ngân – VnExpress
Mãn kinh sớm - kẻ phá bĩnh
Hiện tượng mãn kinh ở phụ nữ trẻ hiện nay xảy ra ngày càng nhiều.
Đột ngột giảm hoặc mất kinh ở tuổi gần 40, bạn có thể đã bị mãn kinh sớm. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của chị em mà còn gây ra những khó khăn trong cuộc sống vợ chồng.
Phụ nữ mãn kinh sớm do đâu?
Trung bình, phụ nữ mãn kinh ở độ tuổi 45-50. Đối với một số người, thời kỳ mãn kinh có thể đến sớm hơn, đôi khi ngay từ tuổi 30. Nghiên cứu cho thấy tình trạng mãn kinh sớm đang trên đà gia tăng bởi một số lý do.
Ung thư: Một số bệnh ung thư như ung thư buồng trứng có thể gây mãn kinh sớm. Tuy nhiên, phương pháp điều trị bệnh cũng có thể là nguyên nhân. Hóa trị và xạ trị có thể làm hỏng buồng trứng hoặc làm gián đoạn nghiêm trọng chức năng nội tiết bình thường của cơ thể. Điều này có thể gây ra sự chấm dứt kinh nguyệt và xuất hiện triệu chứng của thời kỳ mãn kinh sớm hơn nhiều so với bình thường.
Hội chứng buồng trứng đa nang: Cứ 40 phụ nữ ngày nay có 1 người mắc hội chứng buồng trứng đa nang. Tình trạng này được đặc trưng bởi u nang trên buồng trứng, có thể gây ra sẹo và viêm. Hội chứng này thường được gắn liền với vô sinh, mất cân bằng nội tiết, kinh nguyệt không đều, giảm ham muốn tình dục; lông, tóc tăng trưởng quá mức và thậm chí mãn kinh sớm.
Suy buồng trứng sớm: Suy buồng trứng sớm là tình trạng khá phổ biến ước tính ảnh hưởng đến khoảng 1/ 10.000 phụ nữ. Các nhà nghiên cứu không chắc chắn nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này, nhưng họ tin rằng một loạt bệnh có thể gây ra nó. Nếu bạn bắt đầu các triệu chứng mãn kinh ở độ tuổi 30, bác sĩ có thể chẩn đoán bạn mắc bệnh này.
Tiền mãn kinh và mãn kinh là khoảng thời gian khiến nhiều chị em sợ hãi.
Căng thẳng: Stress là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe trong cuộc sống hiện đại, nhưng cũng là một trong những yếu tố dễ bị bỏ qua nhất. Căng thẳng làm ức chế miễn dịch, gây ra trầm cảm và lo âu, góp phần dẫn đến bệnh béo phì và thậm chí có thể gây ra bệnh tim. Tuy nhiên, người ta ít chú trọng đến những tác động của sự căng thẳng tới cơ quan sinh sản, trong đó có mãn kinh sớm.
Bệnh tuyến giáp: Phụ nữ bị rối loạn tuyến giáp cũng gặp biến động nội tiết bất thường có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của họ, dẫn đến sự khởi phát sớm của thời kỳ mãn kinh.
Đặc điểm sinh học: Một điều thực tế là mãn kinh sớm là do đặc điểm sinh học của chính người đó quy định. Những người phụ nữ mà có "tố chất" của đàn ông thì thường bị mãn kinh sớm. Đây là trường hợp phụ nữ ít estrogen - một hormon đặc thù của nữ giới.
Hút thuốc lá và uống rượu: là hai thói quen kích thích gây ra mãn kinh sớm. Hai chất này kích thích cơ quan nội tiết sản sinh nhiều hơn hormon sinh dục nam giới trong cơ thể và dần ức chế sự sản xuất hormon sinh dục nữ giới. Sự giảm dần hormon sinh dục nữ giới dần dẫn đến mãn kinh sớm.
Làm việc quá sức: dễ dẫn đến suy nhược sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, bao gồm cả sức khỏe sinh sản, từ đó dễ làm tăng nguy cơ mãn kinh sớm.
Một số thói quen có hại khác cũng ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ như kiêng khem quá kỹ đến mức gầy mòn, suy dinh dưỡng, thức quá khuya dẫn đến sự rối loạn sản xuất hormon, lao động trong môi trường quá độc hại, làm việc trong môi trường có nhiều tia phóng xạ...
Dấu hiệu mãn kinh sớm
Tiền mãn kinh và mãn kinh là khoảng thời gian khiến nhiều chị em sợ hãi khi đối mặt, thường có các triệu chứng như: rối loạn chu kỳ kinh nguyệt; gặp các vấn đề về giấc ngủ như khó ngủ, mất ngủ, tỉnh giấc giữa đêm; khô hạn; bốc hỏa, đổ mồ hôi về đêm; tâm lý thay đổi, dễ cáu gắt; tóc bạc sớm, da lão hóa...
Tác hại khôn lường khi mãn kinh sớm
Tiền mãn kinh và mãn kinh là một quá trình chứ không phải diễn ra ngày một ngày hai nên nhiều chị em vẫn còn chủ quan trước những tác hại khôn lường của mãn kinh sớm. Nếu vẫn đang trong độ tuổi sinh đẻ nhưng lại bị mãn kinh, điều này đồng nghĩa với việc người phụ nữ sẽ bị vô sinh bởi khi đó buồng trứng đã ngưng hoạt động. Mãn kinh sớm, estrogen suy giảm. Như một hệ quả tất yếu, mật độ canxi trong xương cũng vì thế suy giảm dẫn đến các vấn đề về xương khớp như loãng xương, viêm khớp, giòn xương, đau nhức các khớp...
Suy giảm nội tiết tố nữ do mãn kinh sớm có thể làm nhu cầu sinh lý của phái đẹp giảm mạnh. Khô hạn cũng là một nguyên nhân khiến chị em sợ hãi khi gần gũi chồng. Tình trạng này nếu kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân và đời sống vợ chồng.
Lời khuyên của thầy thuốc
Thời kỳ mãn kinh là không thể không xảy ra nhưng việc điều trị và thay đổi lối sống có thể giúp trì hoãn hoặc giảm các triệu chứng của mãn kinh, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho chị em. Vì vậy, chị em nên tích cực áp dụng các biện pháp không dùng thuốc như: tích cực tập luyện thể dục phù hợp sức khỏe; tắm nắng hàng ngày; ăn uống đủ chất, giàu chất xơ, hạn chế chất béo no; bỏ hút thuốc lá, không sử dụng các chất kích thích... Khi thấy có các dấu hiệu bệnh thì cần đi khám và điều trị kịp thời..
Theo Sức khỏe đời sống
Cảnh báo sức khỏe qua kinh nguyệt Cảnh báo sức khỏe qua kinh nguyệt sẽ giúp bạn hiểu rõ sức khỏe của mình. Hãy quan tâm tới vấn đề này để biết cách khắc phục kịp thời vấn đề về sức khỏe. Bị rong kinh Rong kinh là tình trạng máu chảy ra quá nhiều khiến bạn phải thay băng vệ sinh quá thường xuyên và kỳ kinh nguyệt kéo...