Những nguyên nhân có thể khiến tàu ngầm Nhật đâm tàu hàng
Tàu hàng Ocean Artemis có thể đi vào “điểm mù” của tàu ngầm JS Soryu, hoặc hút chiến hạm Nhật khi nó đang nổi lên, gây va chạm nghiêm trọng.
Tàu ngầm Nhật Bản JS Soryu va chạm tàu tàu hàng Ocean Artemis đăng ký tại Hong Kong khi đang nổi lên ở vùng biển cách tỉnh Kochi, miền nam Nhật Bản, khoảng 40 km vào sáng 8/2.
Theo thông tin ban đầu, JS Soryo chỉ chịu hư hại nhẹ ở cụm kính tiềm vọng và ăng ten liên lạc. Tuy nhiên, ảnh chụp từ máy bay tuần thám cho thấy cánh lái bên phải của tàu gần như gãy hoàn toàn, một phần thượng tầng cũng bị móp và nhiều khối gạch hấp thụ sóng âm cũng bị bong tróc.
Sự cố khiến tàu ngầm phải di chuyển trong trạng thái nổi để về căn cứ. Thiết bị liên lạc trên tháp chỉ huy của tàu ngầm cũng hỏng hoàn toàn sau cú va chạm mạnh, khiến thủy thủ đoàn mất hơn 3 tiếng di chuyển đến nơi có sóng liên lạc để sử dụng điện thoại di động báo cáo sự cố với bộ chỉ huy.
Kỹ thuật viên kiểm tra hư hại của JS Soryu sau vụ va chạm. Ảnh: Cảnh sát biển Nhật Bản .
Nguyên nhân dẫn tới sự cố chưa được công bố, nhưng một số cựu sĩ quan tàu ngầm Mỹ nhận định nó có thể bắt nguồn từ “điểm mù” của tàu ngầm, khu vực mà các hệ thống cảm biến hiện đại của JS Soryu không thể phát hiện mục tiêu.
“Hệ thống nhận diện tự động (AIS) cho thấy Ocean Artemis đang di chuyển về phía bắc với tốc độ 14-20 km/h vào thời điểm va chạm. Có khả năng khi đó JS Soryu đang lặn gần mặt nước, nhưng lại sâu hơn mức có thể triển khai kính tiềm vọng. Nếu nó ở độ sâu kính tiềm vọng, rất khó để bỏ qua tàu hàng dài 221 m như Ocean Artemis trong điều kiện trời sáng và thời tiết tốt, trừ khi kíp lái hoàn toàn bất cẩn”, một cựu sĩ quan tàu ngầm Mỹ giấu tên nhận định.
Hình ảnh sau tai nạn cho thấy kính tiềm vọng của JS Soryu được nâng hết cỡ, đồng nghĩa với việc nó không bị va chạm với thân tàu hàng.
Video đang HOT
“Có thể nhận định rằng kính tiềm vọng không được nâng trước va chạm hoặc thoát được cú va chạm. Nếu không nó đã bị cong vẹo hoặc gãy hoàn toàn. Khó có thể khẳng định nguyên nhân tai nạn, nhưng họ chắc chắn phải thấy tàu hàng nếu ở độ sâu kính tiềm vọng giữa ban ngày”, người này nói thêm.
Cựu sĩ quan tàu ngầm Mỹ nhận định tàu hàng Ocean Artemis có thể đã tiến đến từ phía sau, nằm trong “điểm mù” của hệ thống định vị thủy âm (sonar) trên tàu ngầm Nhật Bản.
Tàu ngầm lớp Soyru được trang bị hàng loạt cảm biến, trong đó chủ lực là tổ hợp sonar Hughes/Oki ZQQ-7, với một sonar ở mũi, 4 cụm sonar sườn và một sonar kéo sau đuôi để tăng khả năng theo dõi. “Dàn sonar kéo, vốn dùng để phát hiện phương tiện ở phía sau và bên trên tàu ngầm, có thể đã được thu về để tàu ngầm chuẩn bị nổi lên. Nó cũng không có sonar hướng về phía sau, đòi hỏi tàu ngầm thường xuyên đổi hướng để dùng dàn sonar mũi và sườn để quan sát”, sĩ quan giấu tên cho hay.
Người này cho rằng kíp vận hành sonar trên tàu JS Soryu nhiều khả năng đã tập trung chú ý vào hướng phía trước và hai bên sườn, nhằm phát hiện mối đe dọa trước khi tàu ngầm nổi lên. “Các cảm biến ưu tiên những khu vực có nguy cơ uy hiếp an toàn nhất, thay vì nhìn bao quát, khiến nó không thể phát hiện tàu hàng Ocean Artemis tiến tới từ phía sau”, cựu sĩ quan nói.
Tàu ngầm JS Soryu có lượng giãn nước 2.900 tấn khi nổi và 4.200 tấn khi lặn, rất có thể đã bị hút về phía tàu hàng có lượng giãn nước 51.000 tấn và đang chở cả trăm nghìn tấn quặng sắt. Hiện tượng này từng khiến tàu ngầm hạt nhân tấn công USS Newport News của Mỹ va chạm với tàu chở dầu Mogamigawa của Nhật Bản trên eo biển Hormuz năm 2007. Sự việc khiến tàu ngầm Mỹ hư hỏng phần mũi và hạm trưởng bị cách chức sau đó.
Aaron Amick, cựu sĩ quan sonar có 20 năm kinh nghiệm trên tàu ngầm Mỹ, đồng quan điểm khi cho rằng JS Soryu có thể bị hút về phía thân tàu Ocean Artemis. Tuy nhiên, ông cho rằng tàu hàng Hong Kong có thể không di chuyển trong điểm mù của tàu ngầm Nhật.
“Rõ ràng cú đâm xảy ra ở phía phải tàu ngầm. Phần nóc và phía sau thượng tầng không bị hư hại cho thấy đây là một cú đâm bên sườn. Nếu đúng như vậy, tàu hàng không ở trong điểm mù và đáng lẽ phải xuất hiện trên sonar của JS Soryu trước vụ va chạm”, Amick nói.
JS Soryu trong một chuyến làm nhiệm vụ năm 2013. Ảnh: JMSDF .
Cựu sĩ quan giấu tên cho rằng có khả năng thủy thủ đoàn JS Soryu không quen với tín hiệu thủy âm trong vùng biển nông. Sự cố dường như xảy ra ở vùng thềm lục địa, nơi sóng âm lan truyền theo cách khác xa với biển sâu.
“Dữ liệu sonar thô tại biển nông và biển sâu có vẻ giống nhau, nhưng thể hiện những điều khác biệt hoàn toàn. Họ có thể nhầm giữa tín hiệu giữa tàu hàng với tín hiệu phản hồi từ đáy biển”, người này cho hay, nhưng chỉ ra rằng kíp tàu ngầm diesel-điện thường quen với địa hình biển nông thay vì biển sâu như tàu ngầm hạt nhân.
Các cựu sĩ quan Mỹ cũng cho rằng không thể bỏ qua yếu tố con người. “Thủy thủ đoàn có thể mệt mỏi hoặc căng thẳng, hoặc quá tự tin với năng lực của mình và dẫn tới chủ quan. Môi trường tác chiến phức tạp trên tàu ngầm có thể làm suy giảm khả năng nhận thức môi trường xung quanh. Những điều này thường xảy ra với thủy thủ đoàn tàu ngầm sau một cuộc diễn tập”, cựu sĩ quan Mỹ nhận xét.
“May mắn là chỉ có 3 thủy thủ tàu ngầm bị thương nhẹ. Nhưng sự phổ biến của các tàu hàng siêu trường siêu trọng đồng nghĩa với nguy cơ xảy ra các vụ va chạm như thế này trong tương lai sẽ ngày càng tăng”, Amick cảnh báo.
Tàu ngầm Nhật 'gãy cánh' khi đâm tàu hàng
Tàu ngầm JS Soryu bị gãy cánh lái, đứt liên lạc sau khi đâm tàu hàng, buộc thủy thủ phải dùng điện thoại di động để báo cáo sự cố.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm qua công bố thêm thông tin về vụ tàu ngầm va chạm tàu thương mại ngoài khơi tỉnh Kochi, cho biết sự việc xảy ra lúc 10h58 khi tàu ngầm JS Soryu nổi lên mặt nước và quệt mạnh vào thân tàu hàng Ocean Artemis đăng ký tại Hong Kong.
Theo thông tin ban đầu, JS Soryo chỉ chịu hư hại nhẹ ở cụm kính tiềm vọng và ăng ten liên lạc. Tuy nhiên, ảnh chụp từ máy bay tuần thám cho thấy cánh lái bên phải của tàu đã bị gãy gập, một phần thượng tầng cũng bị móp.
Sự cố khiến tàu ngầm phải di chuyển trong trạng thái nổi để về căn cứ. Thiết bị liên lạc trên tháp chỉ huy của tàu ngầm cũng đã hư hại sau cú va chạm mạnh.
"Tàu ngầm đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện thông thường và phát hiện tàu hàng qua kính tiềm vọng khi đang nổi lên, nhưng không kịp né tránh. Thiết bị thông tin liên lạc trên tàu ngầm bị hư hỏng, khiến thủy thủ đoàn mất hơn 3 tiếng di chuyển đến nơi có sóng điện thoại để báo cáo", Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho hay.
Phần thượng tầng bị hư hại nặng của JS Soryu sau vụ va chạm. Ảnh: Cảnh sát biển Nhật Bản .
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga chỉ đạo Bộ Quốc phòng Nhật Bản xác nhận tình trạng của tàu hàng và hỗ trợ nếu cần thiết, nhưng con tàu đã rời hiện trường sau sự cố. Khi được liên lạc, thủy thủ đoàn tàu Ocean Artemis cho biết không cảm nhận được va chạm và không phát hiện hư hại nào.
JS Soryu là chiếc đầu tiên trong lớp tàu ngầm diesel-điện cùng tên. Với lượng giãn nước 4.200 tấn khi lặn, đây là lớp tàu ngầm lớn nhất được Nhật Bản chế tạo từ sau Thế chiến II và được xếp vào nhóm những tàu ngầm phi hạt nhân có khả năng tàng hình tốt nhất thế giới.
Mỗi chiếc dài 84 m, rộng 9,1 m, có tầm hoạt động 11.300 km và độ sâu lặn tối đa 650 m. Đặc điểm nổi bật của lớp Soyru là cánh lái phần đuôi hình chữ X, được cho là giúp tăng khả năng cơ động ở vùng nước nông, yếu tố quan trọng trong chiến lược bảo vệ bờ biển và tuyến hàng hải của Nhật.
Tàu ngầm lớp Soyru được trang bị hàng loạt cảm biến, trong đó chủ lực là tổ hợp định vị thủy âm (sonar) Hughes/Oki ZQQ-7, với một sonar ở mũi, 4 cụm sonar sườn và một sonar kéo sau đuôi để tăng khả năng theo dõi. Bên cạnh đó là kính tiềm vọng quang điện tử và radar nhìn vòng cảnh giới đường không ZPS-6F cho mục tiêu mặt nước và máy bay.
Toàn bộ vỏ ngoài tàu ngầm được bọc vật liệu cao su hấp thụ sóng âm, triệt tiêu tiếng ồn của tàu và giảm phản xạ sóng âm từ sonar chủ động của đối phương. Nhật cũng trang bị hệ thống đối kháng điện tử ZLR-3-6 và hai cụm ống phóng mồi bẫy thủy âm để bảo vệ tàu ngầm lớp Soyru.
Sự kết hợp giữa phương án phòng vệ thụ động và chủ động biến Soyru thành một trong những tàu ngầm khó phát hiện nhất thế giới, ngang ngửa Đề án 636 của Nga và Type-209 Đức. Tuy nhiên, hiện chưa rõ tai nạn đâm va với tàu hàng là do lỗi kỹ thuật hay sơ suất của con người.
Trung Quốc có thể đang đóng tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới Ảnh vệ tinh cho thấy phần nghi là đuôi tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới của Trung Quốc đang được chế tạo tại nhà máy đóng tàu Bột Hải. Ảnh vệ tinh do hãng Maxar chụp hồi tháng 11/2020, song mới được công bố gần đây, cho thấy một bộ phận tàu ngầm mới đang được chế tạo tại nhà máy đóng...