Những người xây cầu nhân ái
Họ là những nhà quản lí, cán bộ quản giáo, trinh sát, y, bác sĩ… nhưng đều có chung một nhiệm vụ là giáo dục, cảm hóa và tạo môi trường thuận lợi để mỗi phạm nhân, trại viên, học sinh cải tạo tiến bộ, để khi hòa nhập cộng đồng, trở thành những công dân lương thiện, có ích cho xã hội. Đó chính là cán bộ, chiến sỹ công tác trong lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp – những người được trao sứ mệnh đi xây cầu nhân ái, giúp những người lầm lỡ hoàn lương.
Có lần, trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp về việc cải tạo những người lầm lỗi, đặc biệt là các đối tượng cộm cán, ông bảo rằng: “Việc trừng phạt những người phạm tội không đơn giản là loại họ ra khỏi đời sống xã hội, mà phải bằng chính tấm lòng của mình để giáo dục, cảm hóa và tạo môi trường thuận lợi giúp họ nhận ra lỗi lầm của mình để phấn đấu vươn lên. Các đối tượng cộm cán cũng vậy, ngoài việc quản lí, giam giữ đúng pháp luật, còn nắm tình hình, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của họ, từ đó có biện pháp giáo dục, cảm hóa phù hợp, khích lệ họ cố gắng cải tạo”.
Quả vậy, việc xác định đúng đối tượng để có biện pháp quản lí, giáo dục phù hợp thì sẽ đạt được hiệu quả rất cao. Như việc Đại úy Hoàng Thị Hiệp, Phó đội trưởng thuộc Trại giam Ninh Khánh cảm hóa phạm nhân Chu Diệp Ngà, phạm tội mua bán trái phép chất ma túy với mức án 15 năm.
Với mức án dài, Ngà chán nản, thường xuyên vi phạm kỷ luật, không muốn lao động. Nhưng bằng tấm lòng của mình, chị Hiệp đã tìm hiểu hoàn cảnh, trích lương của mình giúp Ngà đóng tiền hình phạt bổ sung; tặng quà Ngà lúc ốm đau, lễ, Tết.
Tấm lòng của Đại úy Hiệp đã khiến Ngà cảm động, cố gắng cải tạo tốt, được giảm án về trước thời hạn. Khi đã trở về cộng đồng, Ngà vẫn thường xuyên liên lạc với chị Hiệp, kể về cuộc sống hiện tại của mình, tuy khó khăn nhưng lương thiện, đồng thời không quên cảm ơn người cán bộ giáo dục đã giúp mình hoàn lương.
Cán bộ, chiến sỹ Trại giam Ninh Khánh làm thủ tục trao giấy chứng nhận đặc xá cho phạm nhân
Còn như bác sĩ, Thượng tá Ngô Kim Thảo – người hơn 30 năm gắn bó với Trại giam Gia Trung đã cùng đồng đội không ngại hiểm nguy, vất vả chăm sóc các phạm nhân, bởi đối với anh và những người làm công tác y tế trong trại giam thì việc chăm sóc tốt sức khỏe cho phạm nhân, cũng là giúp họ làm lại cuộc đời.
Đặc thù của y tế trại giam là thường xuyên cấp cứu, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe phạm nhân, trong đó một số phạm nhân do nghiện ma túy, mắc các bệnh mạn tính, nan y thường bi quan, chán nản nên không hợp tác trong điều trị hoặc manh động, chống phá, tự gây thương tích để khước từ cải tạo, hoặc chống đối, dùng vũ khí, máu nhiễm HIV đe dọa, tấn công cán bộ, chiến sỹ và cán bộ y tế. Nhưng chưa một lần Thượng tá Thảo và những người làm công tác y tế ở trong Trại giam Gia Trung than thở, bởi đó không chỉ là công việc, mà còn là lương tâm, đạo đức của những người “dính” nghiệp này.
Từ năm 2010 đến nay, Trại giam Gia Trung đã có 32 đồng chí phơi nhiễm, 12 đồng chí mắc bệnh lao, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe, tính mạng của cán bộ, chiến sỹ nói chung, cán bộ y tế nói riêng. Điều kiện về cơ sở vật chất bệnh xá của Trại còn hạn chế, tuy vất vả, các anh, chị vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ở Trại giam Thủ Đức, công luôn được đổi mới theo phương châm thuyết phục, cảm hóa kết hợp với giáo dục chính trị, pháp luật, giáo dục công dân gắn với đào tạo nghề. Ngoài ra, các hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao cũng được duy trì thường xuyên và xem đây là biện pháp tốt giúp phạm nhân giải tỏa tâm lý trong quá trình học tập, cải tạo…
Video đang HOT
Mỗi một chiến công, mỗi một tấm gương điển hình tiên tiến của tập thể, cá nhân là một sự hy sinh thầm lặng, biểu trưng cho phẩm chất cao quý của người chiến sỹ Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp…
5 năm qua, các đơn vị trong Tổng cục đã được tặng thưởng 5 Huân chương Độc lập hạng ba, 9 Huân chương Quân công các hạng, cùng hàng trăm huân, huy chương, Cờ thi đua và Bằng khen; hàng chục chiến sỹ thi đua toàn lực lượng Công an nhân dân, Chiến sỹ thi đua toàn quốc, gần 10 nghìn lượt Chiến sỹ thi đua cơ sở.
Nhưng, với họ, trên những danh hiệu, việc giáo dục, cảm hóa những con người lầm lỗi trở thành người có ích trở thành nghĩa vụ thiêng liêng. Bởi công tác trong lực lượng này, các anh, chị hiểu, nếu một người tiến bộ, một gia đình, một cộng đồng sẽ bớt đi một nỗi đau…
Trong 5 năm 2010 – 2015, các đơn vị trại giam, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục đã tổ chức hàng ngàn lớp dạy nghề, truyền nghề cho hàng trăm ngàn lượt phạm nhân.
Nhiều phạm nhân khi được đặc xá, hết thời hạn chấp hành hình phạt tù trở về đã phát huy tốt tay nghề được học để tăng gia, sản xuất, tạo thu nhập chính đáng, ổn định cuộc sống, không tái phạm tội.
Lực lượng chức năng đã tổ chức xét tha, xét giảm, xét đặc xá cho hàng trăm nghìn lượt phạm nhân, trong đó có hơn 300.000 lượt phạm nhân được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù; gần 11.000 lượt trại viên, trên 5.700 lượt học sinh được giảm thời hạn chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính và đặc biệt có 43.589 phạm nhân cải tạo tiến bộ được đặc xá tha tù trước thời hạn.
Theo Công An Nhân Dân
Chuyện cảm động về cựu phạm nhân trở lại tặng quản giáo chiếc ác cày
Thành vi phạm pháp luật và bị bắt vào năm 2010 về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Được sự động viên, giúp đỡ của một cán bộ quản giáo, Thành đã chấp hành xong bản án. Cảm kích trước tấm lòng của người quản giáo ấy, Thành trở lại trại với món quà là hai chiếc... ách cày.
Người quản giáo công tâm
Tại Hội nghị điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc" của Trại giam số 3 (Tổng cục VIII - bộ Công an) tổ chức vào cuối tháng 1/2015 vừa qua, tôi đã được nghe câu chuyện rất cảm động từ lời kể của một cán bộ quản giáo.
Đại úy Võ Tuấn Anh, cán bộ quản giáo thuộc Phân trại số 1 đã mang đến hội nghị câu chuyện của cá nhân anh với một "cựu" phạm nhân, khiến cho nhiều đại biểu tham dự xúc động. Tôi tạm đặt tên cho câu chuyện đó là: Hai chiếc ách cày.
Đại úy Võ Tuấn Anh tham gia giao lưu tại Hội nghị điển hình tiên tiến phong trào thi đua Vì ANTQ.
Đại úy Anh cho biết, gắn bó với công việc của một quản giáo đã nhiều năm, chứng kiến nhiều câu chuyện buồn vui trong trại, trong đó cuộc đời của "cựu" phạm nhân Võ Khắc Thành (SN 1970, quê ở huyện Kim Bôi, Hòa Bình) để lại trong anh nhiều suy tư hơn cả.
Phạm nhân này bị bắt vào ngày 19/7/2010 về tội tàng trữ trái phép chất ma túy và đã từng có một tiền án cùng tội danh trên. Đại úy Anh để ý từ khi vào Trại giam số 3, Thành rất tích cực lao động, luôn hoàn thành chỉ tiêu trại đặt ra, thái độ cải tạo tốt, thậm chí có nhiều sáng kiến đóng góp tích cực trong lao động sản xuất, nhưng kết quả xếp loại cải tạo không vượt quá mức trung bình. Hỏi ra mới hay, chỉ vì phạm nhân này không có số tiền 5,2 triệu đồng nộp hình phạt bổ sung.
Tìm hiểu thêm về trường hợp này, Đại úy Anh được biết, Võ Khắc Thành có 2 vợ và 3 đứa con. Thành từng có một tổ ấm hạnh phúc ở quê nhà. Nhưng sau 20 năm chung sống với gia tài là 3 đứa con gái, hạnh phúc ấy bị rạn nứt, dẫn đến tan vỡ, đường ai nấy đi. Chán nản chuyện gia đình, Thành dạt vào Thanh Hóa lập nghiệp.
Tại đây, Thành gặp người đàn bà thứ hai. Không có nghề nghiệp ổn định, Thành làm đủ mọi việc, miễn là có tiền, từ lái xe ôm, phụ hồ, bốc vác... Sau đó, do không làm chủ được bản thân trước cám dỗ của đồng tiền, Thành sa chân vào con đường buôn bán ma túy. Đến tháng 7/2010, Thành bị bắt.
Kể từ khi vào trại, Thành chưa một lần được người thân thăm nuôi. Khi biết chuyện, Đại úy Anh luôn trăn trở về trường hợp này. Suy nghĩ tìm cách để giúp cho phạm nhân Thành được xếp loại khá và xét giảm án theo tiêu chuẩn luôn thường trực trong anh. Anh trực tiếp đến gặp riêng Võ Khắc Thành, động viên phạm nhân này viết thư về cho gia đình trình bày hoàn cảnh, xin tiền đóng án phí.
Tuy nhiên, bức thư Thành gửi về cho gia đình, suốt một thời gian dài không có hồi âm. Cả phạm nhân Thành lẫn cán bộ quản giáo đều thấp thỏm chờ đợi. Thời gian này, Đại úy Võ Tuấn Anh cũng hướng dẫn Thành viết tiếp đơn trình bày hoàn cảnh gửi tới các cơ quan pháp luật.
Sau khi Thành bị bắt, cuộc sống gia đình ở quê có nhiều biến động, mọi người đều đã ly tán, tha phương cầu thực xứ người. Bức thư Thành gửi về đã lâu nhưng không có hồi âm là vậy. Người quản giáo ấy vẫn không bỏ cuộc, anh tiếp tục động viên Thành viết bức thư gửi tới những người hàng xóm, nơi Thành sống trước đây để nhờ giúp đỡ. Cũng trong bức thư ấy, anh viết thêm mấy dòng gửi gắm.
Không ngờ một tháng sau, Thành nhận được thư hồi âm của hàng xóm cũ. Phạm nhân này tay run run cầm lá thư mà ứa nước mắt vì xúc động. Còn Đại úy Anh nhận tin đó như chính niềm vui của mình. Nhờ sự chia sẻ, giúp đỡ của những người hàng xóm tốt bụng cho mượn, phạm nhân Võ Khắc Thành đã nộp được khoản tiền phạt và được xếp loại khá, đồng thời được xét giảm án theo quy định. Một thời gian sau, Thành được ra tù trước thời hạn.
Nhớ lại ngày về của phạm nhân này, Đại úy Anh cho biết, khi nhìn thấy Thành lủi thủi bước ra khỏi cánh cổng trại giam mà không có một người thân nào tới đón, anh thương lắm. Như có một điều gì đó thôi thúc khiến anh chạy đuổi theo Thành, dúi vào tay Thành 600 nghìn đồng làm lộ phí về quê và chiếc điện thoại "cục gạch" của mình, để Thành tiện liên lạc. Thành tạm biệt người quản giáo mà nước mắt lăn dài.
Và món quà đặc biệt
Sau khi bước ra khỏi cánh cổng trại giam, với số tiền người quản giáo dúi vội lúc chia tay, Thành trở về Thanh Hóa cùng vợ hai làm lại cuộc đời. Nghĩ đến tấm lòng của Đại úy Anh và những hàng xóm tốt bụng đã giúp đỡ mình, Thành quyết tâm hoàn lương. Thành chăm chỉ lao động, không sa vào các tệ nạn xã hội, nên dần dần cũng tích góp và trả đủ số tiền đã mượn để nộp hình phạt bổ sung.
Thời gian đầu tái hòa nhập cộng đồng, với hai bàn tay trắng, không người thân thích, Thành gặp không ít khó khăn. Nhưng nghĩ đến ánh mắt hy vọng của vị quản giáo nhân hậu ấy, Thành lại quyết chí vượt qua, quyết không nghe theo những lời rủ rê quay về đường cũ của nhóm người xấu.
Giữa tháng 3/2014, sau khi cuộc sống đang dần ổn định, Thành trở lại Trại giam số 3 để xin gặp Đại úy Anh. Thành muốn để người quản giáo ấy biết được rằng mình đã thực sự hoàn lương. Hai người đàn ông gặp nhau vẫn còn những khoảng cách cán bộ - phạm nhân, nhưng họ đều thấy vui.
Điều khiến Đại úy Anh ngạc nhiên và xúc động hơn cả, chính là món quà mà Thành mang đến. Hai chiếc ách cày đã được Thành buộc chặt sau xe máy chạy một quãng đường dài từ Thanh Hóa vào tận huyện Tân Kỳ (Nghệ An) để làm quà cho Đại úy Anh và Đội 12, nơi anh đang quản lý. Món quà này do chính tay Thành tự đục đẽo lấy, gắn liền với công việc thường ngày của cả đội. Anh rất trân trọng món quà mộc mạc này, bởi đó còn là tình cảm chân thành của một con người lầm lỗi đã biết quay đầu hướng thiện.
Sau lần trở lại trại đó, Thành về gia đình, tiếp tục công việc, cần mẫn, rèn giũa bản thân trên bước đường hoàn lương của mình. Còn Đại úy Anh, mỗi lần nhìn hai chiếc ách cày mà "cựu" phạm nhân Võ Khắc Thành tặng, anh luôn dặn lòng phải biết đồng cảm với những người xung quanh hơn, dẫu họ đã từng có quá khứ lệch lạc.
Nói thêm về Đại úy Võ Tuấn Anh, theo chia sẻ của một số cán bộ Trại giam số 3, chúng tôi được biết, trong thời gian công tác tại Đội 12, anh Anh được đánh giá là người có trái tim nhân hậu, luôn hết lòng giúp đỡ người khác, được đồng nghiệp tin yêu, phạm nhân kính trọng. Gặp bất cứ ai khó khăn, anh đều giúp. Trong câu chuyện góp vui bên bát nước chè trong trại, các quản giáo đã kể cho tôi nghe một ví dụ cụ thể. Hôm đó là một ngày đầu tháng 6/2013, trong lúc đang làm nhiệm vụ đưa các phạm nhân trong đội đi lao động sản xuất bên ngoài khuôn viên trại, Đại úy Anh gặp một người bị tai nạn giao thông, nằm bất tỉnh bên lề đường. Không một phút suy nghĩ, anh chạy lại làm công tác sơ cứu, rồi nhờ người đi đường cùng mình đưa nạn nhân vào bệnh viện.
Trong lúc cứu người, anh Võ Tuấn Anh đã nhặt được chiếc ví (bên trong có nhiều tiền) và chiếc điện thoại của nạn nhân. Sau khi người gặp nạn được đưa đi cấp cứu, anh đã đến UBND xã gần đó để giao nộp lại toàn bộ tài sản trên. Đây chỉ là một trong số những việc tốt anh đã từng làm để giúp đỡ người khác. Những hành động thiết thực này đã khiến người dân và chính quyền địa phương, đặc biệt là gia đình những người gặp nạn rất cảm động, khâm phục.
Đại úy Anh tâm niệm, làm người là phải có tâm, biết giúp đỡ lẫn nhau. Thấy người khó khăn, hoạn nạn, mình giúp được gì cho họ thì nên giúp. Những phạm nhân tuy có một quá khứ lầm lỗi, nhưng cần cho họ một niềm tin để có động lực hướng thiện.
Theo Đời Sống Pháp Luật
Nữ quản giáo xinh đẹp cảm hóa phạm nhân bằng sự chân thành Bằng sự tận tình, chu đáo, sự quan tâm chân thành đến những phạm nhân, Trung úy Trần Thị Mai - cán bộ quản giáo tại Phân trại 3, Trại giam số 6, Bộ Công an - đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục phạm nhân, được nhiều phạm nhân yêu quý. Giáo dục phạm nhân bằng tấm...