Những người trẻ lội ngược dòng ở miền Tây – Kỳ 1: Mật ngọt của thạc sĩ Chal Thi
Đang có công việc ổn định ở TP.HCM, bỗng chốc cô nghỉ việc rồi kéo cả chồng con về quê… trèo dừa. Nhưng nhờ quyết định táo bạo mà giờ đây cô đã là chủ một công ty chuyên chế biến các sản phẩm mật hoa dừa, tạo việc làm cho nhiều đồng hương.
Chal Thi cùng chồng bỏ thành phố lớn, về quê làm dự án mật hoa dừa – Ảnh: T.NHƠN
Sắp tới tui muốn chuyển giao kỹ thuật lấy mật hoa dừa đến nông dân và mua mật từ bà con như các công ty chuyên mua sữa tươi. Tui muốn nông dân quê mình giàu hơn.
CHAL THI
Nhắc đến miền Tây gần đây là nhắc đến dòng chuyển dời của người dân châu thổ về TP.HCM, Bình Dương làm công nhân. Thậm chí, nhiều trí thức miền Tây cũng tin rằng lên được TP.HCM coi như đã cầm “nửa tấm vé thành công”.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người trẻ đã lội ngược dòng, quyết tâm khởi nghiệp trên quê hương mình.
Tìm “lối ra” mới cho cây dừa
Trà Vinh, những ngày đầu hè nắng oi ả, tôi theo chân cô thạc sĩ Khmer Thạch Thị Chal Thi (31 tuổi, ngụ huyện Tiểu Cần) đến vườn dừa xanh mướt đang thu mật với tấm biển: “ Nông trại dừa Sokfarm”.
“Tiệt trùng bình cẩn thận, cứ 12 tiếng thay bình một lần nghen anh em” – Chal Thi di chuyển nhanh thoăn thoắt, chỉ đạo nhóm công nhân đang làm việc trong vườn dừa.
Thoạt nhìn vườn dừa Sokfarm cũng giống bao vườn dừa bạt ngàn châu thổ. Nhưng lại gần ai cũng bất ngờ vì vườn dừa lại không hề thu hoạch trái, thay vào đó là hàng trăm bình chứa đang hứng trọn từng dòng mật ngọt tiết ra từ hoa dừa.
“Bận đầu người ta chửi tui điên đó. Ai đời mần chuyện bắt dừa tiết mật” – Chal Thi chia sẻ.
Rồi Chal Thi kể quê cô nghèo lắm. Người dân quanh năm chỉ sống dựa mấy công dừa, ruộng lúa. Ngày khăn gói rời quê lên TP.HCM học, cô hứa với gia đình sẽ cố gắng làm gì đó cho bà con phum, sóc mình. Mấy lần cha gọi điện lên rầu rĩ chuyện dừa rớt giá thê thảm càng thôi thúc cô phải làm gì đó cho quê hương.
“Có bận giá dừa chỉ còn 20.000 – 30.000 đồng/chục (12 trái). Không lẽ dân mình cứ chịu cảnh trúng mùa thất giá, nghèo hoài hay sao?” – Chal Thi đau đáu tìm câu trả lời.
Với kiến thức ngành công nghệ thực phẩm được học, cô gái Khmer quyết tìm “lối ra” mới cho cây dừa quê mình. Qua tìm hiểu, cô biết các nước như Thái Lan, Indonesia ngoài thu hoạch dừa lấy trái, người ta còn tạo ra các sản phẩm giá trị khác như mật hoa dừa…
Khát khao đổi thay cho quê nghèo, tháng 10-2018 cô cùng chồng là thạc sĩ Phạm Đình Ngãi (31 tuổi, quê Đồng Tháp) quyết định rời TP.HCM, bỏ lại công việc với thu nhập ổn định để trở về Trà Vinh.
Mất gần nửa năm thử mọi cách nhưng hoa dừa vẫn không chịu tiết mật, Chal Thi và chồng vẫn không chịu bỏ cuộc.
“Sau gần nửa năm tụi tui mới lấy được nửa lít mật đầu tiên. Nhưng từ mật tươi đó làm sao cô đặc lại thành mật hoa dừa lại là chặng đường gian nan khác” – Chal Thi nhớ lại.
Nhiều người ở quê lời ra tiếng vào vì những việc làm không giống ai của nữ thạc sĩ. Nhiều người còn bảo cô cố ý phá hoại mùa màng của bà con như mấy vụ mua lá mãng cầu khô, mua bưởi non hay nghe trên đài.
“Áp lực khủng khiếp mặc dù tui thực hiện trên chính mảnh vườn của gia đình mình. Bà con bao đời chỉ thấy người ta trồng dừa lấy trái, thu củ hủ dừa chứ có ai lấy mật đâu” – Chal Thi chia sẻ.
Thất bại. Làm lại. Lại thất bại. Lại làm lại. Gần một năm ròng nghiên cứu, cuối cùng những dòng mật ngọt cũng tuôn trào.
Theo Chal Thi, muốn cây dừa tiết mật cần có chế độ chăm sóc đặc biệt. Đầu tiên phải thường xuyên tưới nước giữ ẩm kết hợp tăng cường phân bón hữu cơ. Đặc biệt để dừa tiết nhiều mật, người thợ phải dùng tay massage làm nóng hoa dừa, dùng chày gõ nhẹ lên hoa thông tuyến mạch.
Video đang HOT
“Thợ lành nghề mới biết tác động lực mạnh nhẹ ra sao, bởi làm mạnh quá hoa dừa bị giập mà nhẹ quá thì dừa không tiết mật được. Nói thì nghe có vẻ vô lý, nhưng người thợ chăm dừa thường xuyên thì dừa ra nhiều mật hơn mấy anh lâu lâu mới lấy mật” – Chal Thi kể.
Ngoài ra, độ tuổi của hoa dừa cũng quyết định chất lượng mật bởi hoa non quá thì nước đục, còn để hoa già quá thì dừa ra ít nước. Hiện tất cả các giống dừa đều có thể thu mật. Một hoa dừa có thể cho mật từ 20-30 ngày, lượng mật thu được trong 24 giờ trung bình 1 lít.
“Hiện tại tui đang trồng thử giống dừa Mawa, loại dừa chuyên thu mật với năng suất khoảng 2,5-5 lít mật/24 giờ. Loại này có nhiều đặc điểm nổi bật so với các giống dừa bản địa” – Chal Thi cho biết.
Sau nhiều năm miệt mài với hàng trăm mẻ thành phẩm thất bại vì nước dừa không hài hòa độ ngọt và độ chua, độ cô đặc…, đến tháng 9-2019, sản phẩm mật hoa dừa của Chal Thi chính thức trình làng thị trường.
Những chai mật hoa dừa đầu tiên được gửi bạn bè, đồng nghiệp dùng thử và nhận được những tín hiệu tốt. Những người bạn góp phần giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo.
Nhờ chỉ số đường thấp, giàu khoáng và thuần thực vật nên sản phẩm nhanh chóng được đón nhận.
Công nhân nông trại Sokfarm thu mật dừa – Ảnh: T.NHƠN
Nông nghiệp hạnh phúc
Sokfarm là tên công ty, trong đó sok trong tiếng Khmer có nghĩa là “bình an, hạnh phúc”. Thông điệp mà Chal Thi gửi gắm chính là hướng đến nền nông nghiệp hạnh phúc, lấy lợi ích cộng đồng làm tiêu chí phát triển.
Chính vì vậy hiện cô đang liên kết với nhiều hộ dân bên ngoài để thu mua mật hoa dừa. Anh Trần Minh Luân (ngụ xã Hùng Hòa) dù chỉ có chín cây dừa nhưng hằng tháng đều thu về gần 3 triệu đồng từ việc bán mật hoa dừa cho công ty.
So với lợi nhuận bán trái bình quân chưa đến 1 triệu đồng/tháng thì đây là số tiền rất lớn. Hiện anh cũng được công ty thuê thu mật dừa từ những khu vườn khác với mức lương 6 triệu đồng/tháng.
“Nhiều người nghĩ bán dừa thu mật thì sau vài ba năm không thu nữa vườn dừa sẽ chết nhưng không phải vậy. Có vài cây trong vườn sau đợt thu mật để ra trái thì vẫn sai oằn” – anh Luân chia sẻ.
Nhiều người trồng dừa tại địa phương cũng đến Chal Thi để tìm cơ hội hợp tác. Anh Trần Văn Phương có hơn 5ha dừa tìm đến vườn dừa của Chal Thi để tìm cơ hội hợp tác.
“Thời điểm dừa xuống thấp, bán một thiên dừa (1.000 trái) chỉ thu được vài ba triệu đồng. Bấp bênh quá. Thấy hàng xóm mần ăn với Chal Thi có lý quá nên tui hợp tác” – anh Phương bày tỏ.
Hiện mỗi ngày công ty mua khoảng 300 lít mật hoa dừa tươi. Mỗi tháng cung ứng ra thị trường khoảng 4.000 chai mật hoa dừa, 1.000 hộp cacao mật hoa dừa và gần 100kg đường mật hoa dừa. Thị trường tiêu thụ chủ yếu của sản phẩm là TP.HCM, Hà Nội…
“Thời gian sắp tới công ty sẽ mở rộng thị trường, tăng quy mô lên 1 tấn mật hoa dừa thành phẩm mỗi tháng vào cuối năm” – Chal Thi cho biết.
Lợi nhuận gấp 4-5 lần thu trái
Hiện 1 lít mật hoa dừa tươi được mua với giá 9.000 đồng. Một hoa dừa trung bình cho 25 lít mật, thu nhập hơn 200.000 đồng. Trong khi một quầy dừa sai khoảng 10 trái chỉ cho lợi nhuận 50.000-60.000 đồng.
Một cây dừa có thể thu mật hoa liên tục trong chín tháng, sau đó nghỉ ngơi ba tháng để phục hồi.
————————
“Nhiều bạn bè tôi chọn ở lại thành phố lập nghiệp. Hồi đi học, tôi cũng tính ra trường sẽ làm ở Sài Gòn. Nhưng nghĩ lại sao mình không thử sức ở chính quê nhà?”.
Kỳ tới: Cô gái mê tinh dầu thôn dã
Nở rộ bệnh viện tư ở miền Tây
Hàng loạt bệnh viện tư ở Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Sóc Trăng... đem lại nhiều lựa chọn dịch vụ y tế cho người dân những vùng xa xôi, giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, đồng thời kích thích phát triển hệ thống y tế công lập.
Bệnh viện Đột quỵ tim mạch là một trong nhiều bệnh viện tư nhân vừa đưa vào hoạt động ở Cần Thơ. Bệnh viện này cùng với Bệnh viện Nhi đồng (đã hoàn thành) và Bệnh viện Ung bướu (đang xây dựng) tạo thành một khu chuyên điều trị y tế khu vực ven TP Cần Thơ - Ảnh: CHÍ QUỐC
Từ chủ trương xã hội hóa, nhiều bệnh viện tư nhân đã ra đời trải rộng khắp nhiều tỉnh, thành vùng Tây Nam Bộ.
Không chỉ góp phần mở rộng hệ thống y tế mà còn kích thích phát triển hệ thống y tế công lập, đem lại nhiều sự lựa chọn dịch vụ y tế cho người dân ở những vùng xa xôi và giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Từ năm 2011, công trình Bệnh viện Sản nhi Long An (phường 7, TP Tân An, Long An) được khởi công, với mục tiêu nâng cao hệ thống y tế công trên địa bàn đang chịu nhiều áp lực quá tải. Là công trình trọng điểm của tỉnh Long An nhiệm kỳ 2010 - 2015, thế nhưng vì nhiều lý do, nhất và do thiếu vốn, công trình này cứ ì ạch kéo dài quá thời hạn đề ra.
Sự đầu tư bài bản trong việc tiếp thị hình ảnh, cung cách phục vụ chu đáo của các bệnh viện tư đã góp phần rất lớn tạo sự khởi sắc cho bộ mặt y tế của TP Cần Thơ nói chung.
Bác sĩ Lý Hồng Khiêm (phó trưởng phòng kế hoạch - tài chính Sở Y tế TP Cần Thơ)
"Giải cứu" công trình bệnh viện ngàn tỉ
Theo đó, bệnh viện có quy mô thiết kế 500 giường bệnh này được xây dựng trên diện tích gần 14.000m2, với vốn đầu tư hơn 1.300 tỉ đồng. Do công trình cứ ì ạch mãi nên đến năm 2019, UBND tỉnh Long An phải thay đổi mục tiêu, xây dựng một đề án xã hội hóa, chuyển hướng mở gói thầu cho tư nhân vào khai thác.
Bác sĩ Huỳnh Minh Phúc - giám đốc Sở Y tế Long An - cho biết việc chuyển đổi chủ trương xây dựng đề án xã hội hóa kêu gọi tư nhân vào hoạt động xem như mở ra "lối thoát" cho công trình bệnh viện hơn ngàn tỉ. Sau khi trúng thầu, doanh nghiệp đã ngay lập tức chỉnh trang, xúc tiến các thủ tục để nhanh chóng đưa công trình thành cơ sở y tế chất lượng phục vụ cho người dân tỉnh Long An.
"Công ty cổ phần Tập đoàn Thế giới kỹ thuật (TWG, Q.Tân Phú, TP.HCM) trúng thầu hơn 23,5 tỉ đồng mỗi năm. Hiện tỉnh đã cấp phép hoạt động khám, chữa bệnh theo hình thức phòng khám đa khoa và đang trong quá trình lập thủ tục trình Bộ Y tế thẩm định cấp phép hoạt động", bác sĩ Phúc nói.
Trong khi đó, nhiều địa phương khác ở ĐBSCL cũng đã phát triển mạnh mẽ hệ thống bệnh viện tư nhân từ chủ trương xã hội hóa. Như tại Sóc Trăng, từ năm 2009, Trung tâm y khoa Hoàng Tuấn (phường 3, TP Sóc Trăng) chính thức hoạt động, đánh dấu sự kiện lần đầu tiên tư nhân đầu tư vào lĩnh vực y tế ở tỉnh này.
Đến năm 2016, trung tâm này phát triển thành Bệnh viện đa khoa Hoàng Tuấn với 10 khoa, phòng và trên 70 bác sĩ, trong đó 5 bác sĩ chuyên khoa II, còn lại đều chuyên khoa I. Ngoài khoa thận nhân tạo mới đưa vào hoạt động, bệnh viện đa khoa này cũng đang mở rộng quy mô xây thêm khoa khám, điều trị dịch vụ chât lương cao.
Ngoài bệnh viện tư nhân đầu tiên trên, Sóc Trăng còn có Bệnh viện chuyên khoa mắt tư nhân (đường Lê Hồng Phong, phường 3, TP Sóc Trăng) đã đi vào hoạt động. Bệnh viện Phương Châu (đường Phú Lợi, phường 2, TP Sóc Trăng) có kinh phí đầu tư 20 triệu USD, quy mô 6 tầng với 100 giường bệnh cũng sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay.
"Những bệnh viện tư này đa số đều được đầu tư trang thiết bị hiện đại. Trước đây, người dân Sóc Trăng thường nghĩ đến TP Cần Thơ hoặc TP.HCM mỗi khi có bệnh, nhưng nay tâm lý đó đã giảm dần, khi họ nhận thấy các bệnh viện gần nhà cũng hiện đại và chất lượng" - bác sĩ Trần Văn Khải, phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Sóc Trăng, nói.
Tại Vĩnh Long, tháng 7-2018, Bệnh viện đa khoa Triều An Loan Trâm (xã Tân Ngãi, TP Vĩnh Long) được đầu tư hơn 800 tỉ đồng đi vào hoạt động, với quy mô 500 giường, 6 phòng mổ hiện đại, khu điều trị VIP cùng trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến...
Đến tháng 10-2018, tỉnh này lại tiếp tục có Bệnh viện đa khoa Xuyên Á - Vĩnh Long (phường 9, TP Vĩnh Long) khánh thành vơi quy mô 10 tầng, tổng mức đầu tư 1.150 tỉ đồng, với 28 khoa lâm sàng và cận lâm sàng, gồm cả chuyên khoa sâu như can thiệp tim mạch, phẫu thuật tim hở, mạch máu, thần kinh - sọ não...
Bệnh viện Vinmec tại Cần Thơ đã xây dựng xong phần thô, đang hoàn thiện những hạng mục còn lại - Ảnh: CHÍ QUỐC
Thay đổi bộ mặt hạ tầng y tế
Việc xã hội hóa y tế ở TP Cần Thơ trong những năm qua cũng có kết quả rất rõ rệt khi đang có đến 6 bệnh viện ngoài công lập hoạt động gồm Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, Bệnh viện quốc tế Phương Châu, Bệnh viện Hòa Hảo Medic Cần Thơ, Bệnh viện Tâm Minh Đức, Bệnh viện Mắt Sài Gòn - Cần Thơ, Bệnh viện đa khoa quốc tế SIS.
Bên cạnh đó, 3 bệnh viện do tư nhân đầu tư khác cũng đang xây dựng là Bệnh viện quốc tế Vinmec (dự kiến hoạt động trong năm 2020), Bệnh viện đa khoa Nam Cần Thơ, Bệnh viện chuyên khoa tiêu hóa gan mật Trung Sơn.
Bác sĩ Lý Hồng Khiêm, phó trưởng phòng kế hoạch - tài chính Sở Y tế TP Cần Thơ, nhận định: "Để cạnh tranh, các bệnh viện tư thường triển khai đầu tư mạnh vào kỹ thuật cao và chuyên sâu như: can thiệp tim mạch, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, lưu giữ tinh trùng, lưu giữ phôi, chụp mạch vành, chụp MRI cản quang, chụp DSA và nhiều kỹ thuật mới khác...
Đồng thời, sự đầu tư bài bản trong việc tiếp thị hình ảnh, cung cách phục vụ chu đáo của các bệnh viện tư này cũng góp phần rất lớn tạo sự khởi sắc cho bộ mặt y tế của TP Cần Thơ nói chung".
Trong khi đó, ông Phạm Thành Nhơn, phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh An Giang, cho biết hiện tỉnh này có đến 5 bệnh viện tư nhân lớn đang hoạt động, góp phần rất lớn trong việc phát triển cơ sở hạ tầng y tế để phục vụ người dân từ TP Long Xuyên, TP Châu Đốc đến thị xã Tân Châu.
"Hiện tại, tỉnh An Giang đang khuyến khích các bệnh viện tư nhân này tiếp tục đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng, nâng cao các kỹ thuật chữa bệnh chuyên sâu nhằm góp phần tạo nên một hệ thống y tế hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho bà con vùng tứ giác Long Xuyên nói chung", ông Nhơn nói.
Còn ở Sóc Trăng, sau khi đầu tư bệnh viện đa khoa thành công, Công ty TNHH Hoàng Tuấn cũng đã tiếp tục phát triển đa dạng hơn về cơ sở y tế khi chi ra 45 tỉ đồng xây dựng Trung tâm an dưỡng Hoàng Tuấn ở ngay TP Sóc Trăng.
Đồng thời, chủ đầu tư này cũng chi ra tiếp 50 tỉ đồng để xây dựng Trung tâm y khoa Hoàng Tuấn ở thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng), dự kiến năm 2021 sẽ hoạt động.
Ông Trần Hoàng Thắng - chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu - cho biết một khi Trung tâm y khoa Hoàng Tuấn đi vào hoạt động, mỗi ngày khám và điều trị từ 200 đến 300 bệnh nhân, giảm áp lực rất lớn cho các bệnh viện công.
"Rất mừng là bà con dân tộc Khmer ven biển có điều kiện chăm sóc y tế tốt hơn, không phải mất nhiều thời gian chờ đợi, đi xa, rất thuận lợi cho bà con", ông Thắng hào hứng cho biết.
Nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư
Ngoài các chương trình thu hút đầu tư theo mục tiêu xã hội hóa chung của Chính phủ, nhiều địa phương ở ĐBSCL cũng uyển chuyển tạo thêm nhiều hình thức mời gọi doanh nghiệp quan tâm phát triển y tế địa phương.
Như tại TP Cần Thơ đang kêu gọi đầu tư xã hội hóa y tế trong thời gian tới với ưu đãi giảm 100% tiền thuê đất đối với dự án xã hội hóa trên địa bàn các huyện, giảm 80% tiền thuê đất đối với dự án trên địa bàn quận Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt... Đồng thời đang tiếp tục kêu gọi đầu tư nhiều dự án về y tế đa dạng, chuyên sâu hơn như bệnh viện điều dưỡng và chăm sóc người già, bệnh viện chuyên khoa nội tiết...
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hồ (giám đốc điều hành Bệnh viện quốc tế Phương Châu, TP Cần Thơ): Chăm sóc bệnh nhân tốt nhất
Là một bác sĩ chuyên khoa phụ sản 20 năm công tác trong ngành, tôi thấy nhu cầu của người dân trong lĩnh vực dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà đặc biệt là sản phụ khoa rất lớn. Do đó tôi quyết tâm vận động nguồn lực tài chính từ gia đình để xây dựng bệnh viện chuyên khoa phụ sản, cung cấp dịch vụ sản phụ khoa đạt tiêu chuẩn quốc tế cho người dân trong khu vực ĐBSCL.
Hiện bệnh viện hoạt động đa khoa nhưng chuyên sâu vẫn là lĩnh vực sản phụ khoa với 100 giường bệnh, chúng tôi đã mở rộng sang các địa phương lân cận như Bệnh viện Phương Châu Sa Đéc đã hoạt động, và sắp tới là Bệnh viện Phương Châu Sóc Trăng.
Chúng tôi coi bệnh nhân như khách hàng để chăm sóc một cách tốt nhất. Chủ trương xã hội hóa y tế đã có, tiềm năng ở miền Tây cũng còn rất nhiều, quan trọng là khi đầu tư phải giữ đúng cam kết về dịch vụ, chất lượng thì sẽ có khách hàng.
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn (giám đốc Công ty TNHH Hoàng Tuấn): Giúp người dân không đi xa, tốn kém
Chứng kiến cảnh người dân Sóc Trăng chập tối đón xe đò, thức trắng đêm đi TP.HCM để kịp lấy số khám bệnh là nguyên nhân thôi thúc chúng tôi đầu tư xây dựng phòng khám. Chúng tôi đã dồn hết sức vào việc trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, chiêu mộ bác sĩ giỏi khắp nơi để đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh, giúp người dân không phải lặn lội đường xa, tốn kém thêm chi phí.
Cũng nhờ có địa phương tạo điều kiện rất thuận lợi cho doanh nghiệp trong chủ trương xã hội hóa y tế nói chung mà chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư thêm nhiều cơ sở y tế như hiện nay. Và tôi cố gắng để sẽ còn đầu tư mở rộng, nâng cao chất lượng các cơ sở y tế hơn nữa.
Chàng trai hơn 22 năm tình nguyện Châu Thành Toàn vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng bằng xác lập Top kỷ lục thiện nguyện Việt Nam, để vinh danh những đóng góp của anh với 22 năm liên tục làm thiện nguyện (từ khi 15 tuổi). Anh Châu Thành Toàn (bìa trái) trao chiếc xe đạp cho một học sinh nghèo ở miền Tây - Ảnh:...