Những người tố giác sớm về Covid-19 ở Trung Quốc vẫn ‘mất tích’
Hai ‘nhà báo công dân’ đăng video tiết lộ sự thật xảy ra ở Vũ Hán hồi tháng 2 cùng bác sĩ Ai Fen, người đầu tiên cảnh báo về nCoV, hiện vẫn chưa rõ tung tích.
Chen Quishi trong một video quay tại nhà trước khi bố mẹ anh được bảo rằng anh đã bị đưa đi cách ly hồi đầu tháng 2. Ảnh: Weibo.
Theo nhiều trang tin quốc tế, nhà báo công dân Chen Quishi và Fang Bin đã biến mất từ hồi tháng 2 sau khi tải lên mạng xã hội các video cho thấy thảm cảnh do Covid-19 gây ra tại thành phố Vũ Hán. Trong khi đó, bác sĩ Ai Fen – người đầu tiên cảnh báo về loại virus mới giống SARS – cũng không thể tìm thấy từ ngày 29/3. Hiện mới có thông tin xác nhận cô sẽ trở lại làm việc tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán vào cuối tuần này.
Các vụ “mất tích” được lật lại khi Trung Quốc áp đặt các lệnh hạn chế đối với việc xuất bản nghiên cứu học thuật về nguồn gốc của Covid-19. Chủ tịch RSF (Repoters Without Borders) Pierre Haski, cho tờ Le Parisian của Pháp biết rằng có “rất ít” thông tin về những chuyện đang xảy ra với những người mất tích.
Fang Bin, quản lý cửa hàng quần áo ở Vũ Hán, trước khi biến mất hồi đầu tháng 2. Ảnh: Weibo.
Trước đó, Chen Quishi, một luật sư nhân quyền 34 tuổi, đã quay được những thước phim bên trong một bệnh viện ở Vũ Hán hồi đầu tháng 2, cho thấy các nhân viên y tế bị choáng trước dòng bệnh nhân đổ vào. Một video khác của Quishi, đăng vào ngày 29/1, tiết lộ anh cảm thấy “sợ” – vì mắc kẹt giữa lựa chọn công khai sự thật và uy quyền. Tới 6/2, tài khoản Weibo của Quishi bị xoá. Vài ngày sau, bố mẹ của anh được thông báo rằng anh đã bị “cách ly” dù không có triệu chứng nhiễm bệnh. Từ đó tới nay không ai thấy bóng dáng của Quishi.
Video đang HOT
Tương tự với Quishi, Fang Bin, một quản lý cửa hàng quần áo, đã công bố một đoạn video dài 5 phút vào ngày 1/2. Trong video, 8 thi thể được Bin cho là của những bệnh nhân Covid-19 được tìm thấy trước cửa và bên trong một bệnh viện ở Vũ Hán. Video này đã đạt hơn 1 triệu lượt xem. Tuy nhiên, ngay sau đó Bin bị cảnh sát tịch thu máy tính xách tay và bị thẩm vấn kéo dài. Một video khác của Bin đăng ngày 4/2 cho thấy những người đàn ông mặc đồ bảo hộ màu trắng cố xông vào nhà anh. Và từ 8/2 đến nay, không có video nào khác của Bin được tải lên mạng xã hội. “Cho đến nay, gia đình anh ấy vẫn không có tin tức gì”, Pierre Haski tiết lộ.
Bác sĩ Ai Fen – trưởng khoa cấp cứu của Bệnh viện Trung ương Vũ Hán. Ảnh: Weibo.
Trường hợp “mất tích” của bác sĩ Ai Fen, trưởng khoa cấp cứu của Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, lần đầu được chương trình thời sự của truyền hình Australia, đưa tin vào ngày 29/3. Cô được cho là biệt tăm sau 2 tuần trả lời cuộc phỏng vấn chỉ trích bản quản lý bệnh viện vì bác bỏ những cảnh báo sớm về virus corona, trên tạp chí Ren Wu, thuộc People’s Daily.
Nội dung bài phỏng vấn được công bố vào ngày 10/3 nhưng nhanh chóng bị gỡ bỏ. Chỉ có các bản sao được người dùng mạng lưu lại và lan truyền. Gia đình cùng đồng nghiệp của Ai Fen lo sợ rằng cô đã bị bắt. Một số trang tin cũng cho biết không liên lạc được với cô. Tài khoản trên mạng của Ai Fen vẫn hoạt động và có một vài bài đăng trên đó. Tuy nhiên, tính xác thực của chúng bị công chúng nghi ngờ.
Được cho là phát tán từ Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm 2019, Covid-19 tới nay đã cướp đi mạng sống của hơn 127.000 người trên toàn cầu và khiến hơn 2 triệu người nhiễm bệnh. Hiện các nhà khoa học đang tranh luận tìm ra nguồn gốc và giải mã loại virus có thể gây chết người này.
Tùng Anh
Nữ bác sĩ đầu tiên cảnh báo về nCoV 'mất tích'
Bác sĩ Ai Fen của Vũ Hán - người đầu tiên chia sẻ nghi ngờ về loại virus mới với nhóm đồng nghiệp, trong đó có bác sĩ Lý Văn Lượng - 'biến mất' sau khi công khai sự việc trên báo chí.
Bác sĩ Ai Fen - trưởng khoa cấp cứu của Bệnh viện Trung ương Vũ Hán. Ảnh: Weibo.
Theo 60 Minutes Australia, bác sĩ Ai Fen, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, có thể đã mất tích, chỉ hai tuần sau khi cô trả lời phỏng vấn của People, chỉ trích ban quản lý bệnh viện vì bác bỏ những cảnh báo sớm về nCoV.
Việc không tìm thấy bác sĩ Ai được khui ra cùng lúc chính phủ Trung Quốc bị tố cáo nói dối và che đậy thông tin xung quanh đại dịch. Ban đầu, Bắc Kinh được cho là cố gắng che đậy sự bùng phát của dịch bệnh bằng cách phạt những nhân viên y tế phát hiện sớm, rồi sau đó phủ nhận việc virus có thể lây từ người sang người và trì hoãn phong toả các khu vực bị ảnh hưởng - làm giảm cơ hội kiểm soát nhanh Covid-19.
Trong cuộc phỏng vấn trước khi biến mất, bác sĩ Ai cho biết cô 'hối hận vì không truyền đi nhiều thông tin hơn' sau khi bốn đồng nghiệp của cô, bao gồm cả bác sĩ Lý Văn Lượng, đã bị nhiễm bệnh và qua đời. "Nếu tôi biết trước chuyện xảy ra, tôi sẽ không quan tâm đến lời khiển trách. Tôi sẽ nói với bất cứ người nào, chỗ nào tôi muốn", bác sĩ Ai nói.
Bác sĩ Ai Fen trong cuộc phỏng vấn đầu tháng 3. Ảnh: Weibo.
Trước đó, vào ngày 30/12/2019, Ai nhận được báo cáo của một bệnh nhân được dán nhãn "SARS coronavirus". Cô kể rằng mình đã toát mồ hôi khi đọc đi đọc lại kết quả thí nghiệm bởi dịch SARS 17 năm trước đã lây nhiễm cho hơn 8.000 người trên toàn thế giới và lấy đi mạng sống của hơn 800 người.
Nữ bác sĩ nhanh chóng quanh tròn chữ SARS và gửi ảnh chụp bản báo cáo cho một trong những bạn học cũ và một nhóm chat trong khoa của cô. Ai Fen cũng báo cho chính quyền về vụ việc. "Sau buổi tối hôm đó, nội dung được chia sẻ khắp nơi kèm ảnh chụp màn hình báo cáo khoanh tròn màu đỏ của tôi, trong đó có nhóm chat mà Lý Văn Lượng đã chia sẻ thông tin. Lúc đó tôi đã nghĩ chuyện tồi tệ có thể sắp xảy ra".
Hai ngày sau, Ai bị người đứng đầu Ủy ban kiểm tra kỷ luật của Bệnh viện Trung ương Vũ Hán triệu tập. Cô cho biết phải đối mặt với "những khiển trách vô cùng gay gắt, chưa từng có" và bị các quan chức bệnh viện buộc tội "truyền bá tin đồn".
Ai nói trong cuộc phỏng vấn với People: "Tôi bị sốc. Tôi đã làm gì sai nào? Khi biết có một loại virus đáng sợ được tìm thấy trên bệnh nhân, sao tôi có thể nói rằng mình không biết khi có một bác sĩ khác hỏi chứ?". Sau cuộc họp với ban lãnh đạo, Ai về nhà và nói với chồng rằng anh có thể sẽ phải một mình nuôi con nếu có chuyện gì xảy ra với cô.
Bác sĩ Lý Văn Lượng - một trong những người cảnh báo sớm về nCoV trước khi mất. Ảnh: Weibo.
Bác sĩ khoa mắt Lý Văn Lượng là một trong số 8 người đã chia sẻ ảnh của bác sĩ Ai trước khi bị cảnh sát khiển trách và cáo buộc truyền bá tin giả vì cảnh báo người dân về "dịch SARS tại chợ hải sản Vũ Hán" trên mạng xã hội. Vị bác sĩ 34 tuổi sau đó lây bệnh từ bệnh nhân và qua đời hồi đầu tháng 2.
Bác sĩ Ai nói cô không nghĩ đến bản thân khi tiết lộ thông tin này. Ai nói: "Tôi chính là người đã tiết lộ sớm về virus. Vụ việc này cho thấy rằng mọi người cần có ý chí độc lập, cần người bước lên để nói ra sự thật. Và thế giới cần thêm nhiều tiếng nói khác nữa".
Bài gốc về buổi phỏng vấn của Ai trên People đã bị xoá ngay sau khi đăng tải nhưng người dùng mạng đã copy, chụp lại được màn hình và chia sẻ không ngừng. Tuy nhiên, để tránh bị kiểm duyệt gỡ bài, họ phải dùng các biểu tượng để che chữ hoặc cố tình gõ sai chính tả.
Hiện không ai biết bác sĩ Ai Fen ở đâu và mọi nỗ lực liên lạc với cô đều thất bại. Tuy nhiên, theo tài khoản truyền thông xã hội của Ai Fen, cô dự kiến xuất hiện trong một cuộc họp trực tuyến vào 2/4. Tờ 60 Minutes Australia cho biết sẽ cập nhật tình hình nếu Ai Fen xuất hiện.
Tùng Anh
Chống Covid-19 suốt 33 ngày không nghỉ, bác sĩ trẻ ở Trung Quốc qua đời vì kiệt sức Sau 33 ngày làm việc không ngơi nghỉ trên tiền tuyến chống Covid-19, nam bác sĩ tại Trung tâm y tế thị trấn Linh Phong, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đã tử vong vì kiệt sức. Bác sĩ Zhong Jinxing ra đi ở tuổi 32 vì một cơn đau tim dữ dội lúc rạng sáng 28/2. Anh trải qua giây phút cuối đời...