Những người ‘thích’… cháy trên phim trường
Người Khương bốc lửa cao ngùn ngụt, tiếng la hét át cả phim trường. 15 giây, 20, rồi 30 giây trôi qua, Khương gục ngã ngay vị trí quy định sẵn, đạo diễn lo nhìn khung hình quên cả việc cắt cảnh quay, chỉ đến khi anh đập tay ra hiệu… nóng, nóng…
Nhà cháy, xe cháy, rừng cháy… dễ ẹt, chẳng có gì là khó, chỉ sợ tiền không nhiều. Nhưng người cháy? Cũng hoàn toàn không khó, bởi với một chặng đường 15 năm đầy kinh nghiệm, cascadeur Việt Nam nhà ta đã có đủ cách để làm nên những cảnh cháy tuyệt vời. Và trong quá trình diễn cháy cho hàng chục phim, lực lượng này cũng đã lâm vào hàng loạt phi vụ dở khóc dở cười.
Những người… thích cháy
Trong nghề cascadeur, cứ mỗi lần đứng trước một pha nguy hiểm, ai cũng kiêu hãnh, trước là chứng minh bản lĩnh của mình, lấy số má với bạn bè, người thân, và điều sau đó không ai nói ra, nhưng ai cũng hiểu, đó là… tiền, dù rằng thu nhập ấy so với nghề khác chẳng nhằm nhò gì.
Cascadeur Việt Nam đóng cảnh cháy trên phim trường ở Ấn Độ.
Về nguyên tắc, một pha cháy dao động từ 3 – 5 triệu đồng, tùy theo đoàn phim đó giàu hay nghèo, đạo diễn đó dễ thương hay hách dịch. Mỗi pha cháy cũng có nhiều công đoạn khác nhau, cháy một người, hay cháy tập thể.
Cháy từ trên tàu nhảy xuống, hay cháy từ kíp nổ chạy ra. Có lúc vừa cháy vừa bay vù vù trên không với đoạn đường dài hơn 300m. Mỗi pha cháy là mỗi pha rùng rợn khác nhau, chỉ có những ai từng bị cháy, mới hiểu được, bà hỏa nhà mình nó nóng và khủng khiếp như thế nào.
Bà hỏa ấy như một “người tình” ôm ấp lấy mình chỉ khoảng 30 giây, có thể cho một ta chiến công vang dội, hay bà hỏa ấy tạo cho cascadeur nhà mình những giây phút hãi hùng. Và chỉ có những ai “sành điệu” trong nghề mới có thể biến một bà hỏa hung tợn thành một bà hỏa nghệ thuật trong từng thước phim.
Để có một vụ cháy người trong phim, người ta sẽ chuẩn bị những gì? Ở Việt Nam được tổ chức khá đơn giản: Bình xịt xăng, bình xịt tắt lửa, bao bố dập lửa, và bộ áo bảo hộ chống cháy… Trung Thành – một cascadeur của Hội Điện ảnh TP.HCM – cho biết: “Thực hiện các cảnh này, hầu như cascadeur không nghĩ đến thu nhập, bởi một cảnh quay cháy, sau khi trừ tất cả các chi phí bảo hiểm, chúng em chỉ còn dư tiền mời anh em ăn uống một chầu ở… hè đường là hết”.
Thế còn cảm giác? Trung Thành cười: “Lần đầu mặc áo bảo hộ vào là bắt đầu tim em… đập, dù em biết rằng sẽ có nhiều đồng đội bên ngoài bảo hiểm, nhưng cảm giác nặng nề vẫn cứ ám ảnh trong lòng. Khi ngọn lửa bốc lên cao, em chỉ cố gắng diễn sao cho đúng đường dây kịch bản.
Thường thì lúc đang cháy chưa nóng lắm, nhưng khi dập tắt lửa rồi hơi nóng mới bắt đầu lan tỏa trong người, ví dụ nếu như độ nóng trong phòng xông hơi khoảng 100 độ C thì con người em lúc đó có cảm giác như nóng 1.000 độ C vậy! Nếu không ứng cứu kịp thời có lẽ người cháy sẽ thành… con tôm luộc mất”.
Văn Khương, người có thâm niên gần 10 năm trong nghề, bình thản hơn: “Cháy, em nghĩ đó chỉ là một… trò chơi cảm giác mạnh, tất cả đã có bảo hiểm rồi lo gì, cháy như là một vinh dự của một cascadeur, chứ làm nghề mà không thi thố với những pha mạo hiểm thì còn gì là thú vị”. Có lẽ vì vậy mà trước khi “lâm trận” mọi người trong đoàn phim hay thấy Khương vẫy tay chào vui vẻ. Tiếng đạo diễn la to trên hiện trường: “Máy! Diễn!”.
Video đang HOT
Lập tức ngọn đuốc được châm vào, người Khương bốc lửa cao ngùn ngụt, tiếng la hét của người bị cháy cứ như át cả phim trường, 15 giây, 20, rồi 30 giây nặng nề trôi qua, Khương gục ngã ngay vị trí quy định sẵn, ông đạo diễn lo nhìn khung hình quên cả việc cắt cảnh quay, chỉ đến khi Khương đập tay ra hiệu… nóng, nóng…
Lúc đó anh em mới ào vô hiện trường, người xịt, người đập bao bố cứu Khương, lôi từng lớp áo trong người Khương ra, thấy anh ta còn cười được, cả đội đồng thanh la hét, như ăn mừng cho một cảnh quay… hoàn hảo.
Một lần cháy ở xứ người
Cảnh cháy mà diễn không đạt ngay từ đúp đầu thì chỉ có… “chết “.
Lần đầu tiên 10 cascadeur sang Ấn Độ đóng phim, khi nghe đạo diễn yêu cầu 4 người cháy trong một cảnh quay đánh nhau với diễn viên chính, lúc đầu ai cũng vui mừng vì sắp được trổ tài. Nhưng khi ra hiện trường mọi người muốn té ngửa khi thấy một cái hố sâu khoảng 1m, dài 10m, ngang 5m. Toàn bộ hố này được thiết kế đường ống dẫn ga chằng chịt với hơn 50 bình ga đặt ở phía trên.
Theo quy định, anh chàng vai chính sau vài đòn đánh nhau, sẽ tung cao lên không với cú đá xoay vòng, khiến bốn tay cascadeur thiện nghệ của Việt Nam vừa bị cháy vừa xoắn trên không. Để làm được điều này, tất cả đều có một hệ thống kéo dây do một lực lượng cascadeur phía sau yểm trợ, và hệ thống lửa cũng được một chuyên viên thứ thiệt điều khiển sao cho thích hợp nhất với cảnh quay. Đây được xem là một pha hấp dẫn, gay cấn nhất từ trước đến nay, nên cả đoàn phim hơn 100 người đã được điều động đến chuẩn bị từ sáng sớm.
Điều ngạc nhiên nhất với các thành viên cascadeur Việt là với một cảnh quay hoành tráng như thế này, nhưng phía Ấn Độ chỉ bảo hiểm rất sơ sài. Không có chất chống cháy đặc biệt, bốn cặp chân của cascadeur bị cháy chỉ được trang bị an toàn bằng những miếng vải quấn xung quanh. Điều này ít nhiều gây ảnh hưởng tâm lý đến người thực hiện rất nhiều. Sau quá trình chuẩn bị và tập luyện, cuối cùng cảnh quay cũng được thực hiện.
“Camera, action!” Tiếng đạo diễn lảnh lót vang lên, tay diễn viên chính bay người lên không tung cú đá song phi rồi lộn luôn một vòng, bốn tay cascadeur nhà mình bị trúng đòn cũng bay xoắn 3 vòng trên không, cảnh quay phải nói là quá đẹp, ai cũng thấp thỏm vui trong lòng, nhưng bỗng nhiên tiếng của Thanh Tuấn thất thanh: “Nóng, nóng quá…”.
Thì ra, thay vì bốn cặp chân cháy theo bốn hướng khác nhau, đằng này, do sợi dây xoắn quá đà, khiến phần đầu của Tuấn xoay ngay cặp chân đang cháy ngùn ngụt của người bạn kế bên, ngọn lửa cứ thế mà đốt gương mặt của Tuấn.
Cả nhóm bảo hiểm lao vào dập lửa, nhưng khổ nổi lúc này Tuấn đang ở trên không, mà tổ kéo dây lại nằm tuốt phía xa cảnh, hai bên không kịp phối hợp với nhau để hạ dây xuống mà dập tắt lửa, và Tuấn phải bị đốt như thế khoảng 30 giây ở trên không. Khi hạ dây xuống cũng là lúc Tuấn nhắm nghiền đôi mắt, gương mặt đỏ bừng, tóc bị cháy rụi cả một phần lớn. Hiện trường lúc này náo loạn cả lên, vì không ai ngờ tình huống xấu này sẽ xảy ra.
Nước bên ngoài cứ xối vào người anh để giảm nhiệt. Mất gần 10 phút sơ cứu, Tuấn mới hoàn hồn, và đôi mắt không bị ảnh hưởng gì ghê gớm. Sau cảnh cháy này, anh ngồi lặng người vì sự ác nghiệt của bà hỏa, nếu không có sự nhiệt tình của đồng đội, không biết chuyện gì sẽ xảy ra trên xứ người, có lẽ đây là một trong những kỷ niệm “đẹp” nhất của anh trong hành trình làm người hùng của màn ảnh.
Sau cảnh quay “khủng” này, anh cho biết: “Lúc ấy tôi chỉ biết nhắm mắt kêu cứu và trông chờ vào phép mầu, bởi mình hoàn toàn bị động vào sợi dây, muốn nhảy xuống cũng không được, mà muốn xoay qua chỗ khác cũng không xong, chỉ biết lấy tay che lại bảo vệ gương mặt của mình, sức nóng của lửa quá khiếp đảm…”.
Từng có dịp tiếp xúc với nhiều đoàn phim nước ngoài, người viết cũng ít nhiều biết được những chất chống cháy của cascadeur nước bạn rất an toàn và hiệu quả. Trong phim Xích lô của đạo diễn Trần Anh Hùng có cảnh quay người ngồi trong căn nhà bị cháy ở quận 1.
Người cháy được thoa lên một chất dạng thạch cao và cứ thế mà ngồi cháy một cách rất tự nhiên. Còn phim Người Mỹ trầm lặng, khi ngồi vào chiếc xe đang cháy, cascadeur được bôi kem lạnh, khiến toàn thân lạnh như một cái tủ lạnh di động, không hề có cảm giác nóng là gì, nên cứ an tâm mà đùa với bà hỏa.
Tuy nhiên, đến giờ chúng ta vẫn chưa biết các vật liệu họ làm bằng chất gì. Đây có lẽ là một bí kíp mà phải mất nhiều năm nữa chúng ta mới có thể nghiên cứu được. Ở phim ảnh của chúng ta hiện nay, đa số chỉ sự dụng áo thật dày, thâm nước đá, thoa gel và cứ thế mà … “chơi”, nên sức chịu nóng chỉ giới hạn trong một thời gian nhất định.
Bởi vậy, không có gì lạ khi một cảnh quay, đoàn phim phải sử dụng đến ba người cháy liên tiếp, để nối cảnh lại với nhau thì mới mong được một cảnh quay… hiệu quả.
Theo Thê giới & Hôi nhâp
Đạo diễn Phillip Noyce thăm phim trường TP.HCM
Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, đạo diễn bộ phim "Người Mỹ trầm lặng" đã có thời gian tham quan hệ thống làm phim truyền hình tại TP.HCM, đồng thời có buổi giao lưu với giới trẻ.
Hình ảnh về chuyến đi của ông:
Địa điểm dừng chân đầu tiên của Đạo diễn Phillip Noyce là Phim trường TVM-DFS Studio (2 Bis Nguyễn Thị Minh Khai, Q1) - được TVM đầu tư hơn 1,2 triệu USD và đã đi vào khai thác trong hơn một năm qua. Ông thể hiện sự hài lòng và đánh giá cao về sự đầu tư của TVM về các thiết bị chuyên nghiệp. Sau đó Phillip Noyce tiếp tục đến với Phim trường TVM- SBS Drama Studio .
Hệ thống đèn và phòng control với các máy móc chuyên dụng hiện đại
Phillip Noyce được giới thiệu về các máy móc trong phòng Control...
...Và trao đổi với bà Lê Thị Phương Thủy - Tổng Giám đốc của TVM về việc công ty đã áp dụng thành công hệ thống làm phim mới này cho bộ phim Cuối đường băng.
Chăm chú theo dõi đoạn clip giới thiệu phim Cuối đường băng. Phillip Noyce đã đưa ra những lời nhận xét, đánh giá tốt cho "bộ phim về cái đẹp" này: diễn viên đẹp, cảnh quay đẹp, màu sắc đẹp rất giống với kỹ thuật của phim điện ảnh... Đặc biệt, kỹ thuật quay phim bằng cách sử dụng các máy quay phim chuyên dụng di động trong phim đã tạo nên những góc quay, hình ảnh rất tốt!
Sau đó Phillip Noyce tiếp tục ghé thăm Học viện TVM-SBS Academy (7-9-11 Trần Xuân Hòa, Q.5). Và tại đây, Huy Khánh đang thực hiện những cảnh quay trong phim Cuối đường băng. Ông có những ấn tượng tốt về anh cũng như là dàn diễn viên trẻ như cặp đôi đạt Giải vàng Ngôi sao - Người mẫu 2011, Nam Thành - Khánh My. Sau đó ông chụp hình giao lưu cùng các diễn viên của phim Cuối đường băng tại Học viện truyền thông TVM- SBS Academy
Ông còn tham gia chương trình Nhịp Cầu Tuổi Trẻ với vai trò khách mời đặc biệt
Tham quan phòng Studio nơi đào tạo các diễn viên lồng tiếng của TVM- SBS Academy
Chụp hình lưu niệm
Theo Bưu Điện Việt Nam
Chân dung Phillip Noyce qua poster của bạn trẻ Việt Sinh viên TP HCM bày tỏ suy nghĩ và tình cảm của bản thân dành cho vị đạo diễn tài năng trên các poster. Sự mạnh mẽ trên phim trường cùng tình yêu cháy bỏng mà Phillip Noyce dành cho điện ảnh được khắc họa sống động. Cuộc thi "Thiết kế nhanh Poster chào mừng Phillip Noyce trở lại Việt Nam" do đại...