Những người thầm lặng trong cuộc chiến corona
Điều dưỡng Mai nhận cuộc gọi vào đường dây nóng về ca nghi nhiễm nCoV liền nhanh chóng mặc trang phục bảo hộ, sẵn sàng đón người bệnh.
Bệnh nhân nữ nhập viện trong tình trạng sốt cao, khó thở, ho liên tục, tâm lý lo lắng. Sau khi đo thân nhiệt, chị dành thêm thời gian ở bên cạnh để trấn an, giúp bệnh nhân ổn định tinh thần.
“Hầu hết bệnh nhân corona vào viện khám đều có chung lo lắng hoang mang, không chỉ do sự nguy hiểm của bệnh mà còn lo ngại sự xa lánh, kỳ thị từ những người xung quanh. Là người sát với bệnh nhân nhất, tôi có trách nhiệm giúp họ yên tâm điều trị”, Điều dưỡng trưởng Khoa Các bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Phạm Thị Hồng Mai chia sẻ.
Từ ngoài nhìn vào, khu cách ly bệnh nhân nghi nghiễm Covid-19 ở Khoa Các bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa Hà Đông khá vắng vẻ. Phía sau tấm bảng khu vực cách ly là hai nhân viên tiếp đón trong trang phục bảo hộ màu xanh.
Đợt dịch này, ngay khi quyết định nhận nhiệm vụ tại khu cách ly bệnh nhân, chị Mai đã tiến hành “công tác tư tưởng” cho chồng, nhờ chồng chăm sóc các con. Bản thân cũng xác định nếu không may có bệnh nhân dương tính cũng sẽ ở lại bệnh viện để cách ly chăm sóc.
Với điều dưỡng Mai, mỗi bệnh truyền nhiễm đều có đặc điểm, tính chất riêng. Khó khăn nhất là phải cách ly vì sợ mang mầm bệnh về nhà. Chị cho biết, người điều dưỡng luôn phải trực tiếp tiếp xúc gần, nguy cơ lây nhiễm cao hơn nên “những mong ước riêng tư đành gác lại để hoàn thành công việc tốt nhất”.
Bác sĩ Vương Trương Trọng, Phó Trưởng Khoa Các bệnh Nhiệt đới, cho biết khi có dịch, nhân viên y tế hoạt động với phương châm “cách ly sớm, điều trị hiệu quả”. Các biện pháp phòng ngừa bắt buộc tuân thủ như mặc trang phục bảo hộ và đeo khẩu trang. Tất cả đều phải cảnh giác cao độ, bất kỳ ai có biểu hiện sốt nhẹ đều được chuyển đến phòng khám để kiểm tra.
“Hiện tại, bệnh viện chưa phát hiện ca dương tính nhưng đội ngũ y bác sĩ vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng, tiên phong để ứng biến kịp thời, hiệu quả”, bác sĩ Trọng nói.
Điều dưỡng Mai (bên trái) đang sửa lại trang phục bảo hộ cho đồng nghiệp. Ảnh: Thùy An
Nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cũng hoạt động với cường độ cao, thậm chí phải cách ly với gia đình dài ngày.
Nữ bác sĩ Ngọc Anh, Khoa Truyền nhiễm, bị sỏi thận, phải điều trị cấp cứu trong đêm nhưng vẫn xung phong tham gia chống dịch. Một bác sĩ khác phải phẫu thuật ruột thừa khi đang chống dịch đã đề xuất bệnh viện được quay trở lại làm việc sau một tuần để hỗ trợ đồng nghiệp.
Theo bác sĩ Nguyễn Thái Minh, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, bệnh viện tăng cường thêm nhân sự cho khoa truyền nhiễm, nhưng chỉ có thể trực khám và chăm sóc các bệnh nhân sau khi ổn định hoặc trực khám cho các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm thông thường. Riêng khu cách ly bệnh nhân nCoV vẫn do các bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm đảm nhiệm chính, trực 24/24h.
Ngoài ra, bệnh viện còn phải căng mình xử lý tin đồn thất thiệt. “Người dân ở ngoài cổng thấy các đoàn xe cứu thương, trên xe có người mặc trang phục phòng hộ kín mít, thì đồn nhau trong bệnh viện có ca dương tính, trong khi thực tế không có”, bác sĩ Minh nói.
Video đang HOT
Sự hợp tác từ người đến khám cũng là bài toán khó của nhân viên y tế. Người bệnh thường nói dối về tiền sử dịch tễ, người ngại đến viện, sợ kỳ thị có thể khiến bác sĩ nhận định sai và để lọt ca bệnh. Nhiều bệnh nhân cũng chưa có ý thức tự cách ly gây nguy cơ mất kiểm soát nhiễm khuẩn.
Bác sĩ Thái Minh đang kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đống Đa. Ảnh: Lê Chi
Một số bệnh viện tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát dịch bệnh.
Tại Bệnh viện Bưu điện Hà Nội, bác sĩ Trần Hùng Mạnh, Phó Giám đốc, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nhấn mạnh bệnh viện vẫn đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Các nhân viên y tế có tiếp xúc gần với người bệnh phải chấp hành nghiêm túc, đúng quy định về vệ sinh, bảo hộ, bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng nhằm hạn chế bị lây nhiễm nếu có trường hợp người nhiễm dịch bệnh xuất hiện tại Bệnh viện.
Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội nghiêm túc thực hiện khử khuẩn, tiệt trùng, vệ sinh bệnh viện theo đúng quy định. 100% cán bộ, nhân viên y tế, người lao động của bệnh viện thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang, vệ sinh tay… Tại tất cả khu vực khám và điều trị đều trang bị dung dịch sát khuẩn tay.
Bệnh viện còn tiến hành sàng lọc đối với tất cả người bệnh, người thân, khách… đến bệnh viện bằng đo thân nhiệt, kết hợp điều tra yếu tố dịch tễ nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ. Bố trí khu vực cách ly đối với bệnh nhân nghi ngờ nhiễm nCoV. Đảm bảo công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện, không để xảy ra trường hợp lây nhiễm chéo.
Bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng sốt, ho đến từ vùng dịch cần đến bệnh viện kiểm tra, theo dõi, cách ly, ngừa dịch bệnh lan rộng. Ảnh: Thùy An
Theo các bác sĩ, công việc dự phòng không nhiều nhưng áp lực nặng nề không khác gì tuyến đầu, nhất là khi số lượng nhân viên y tế nhiễm bệnh trên thế giới ngày càng tăng. Cuộc chiến chống virus Corona không chỉ là nhiệm vụ của đội ngũ y, bác sĩ mà còn là chung tay của cả cộng đồng trong việc phòng ngừa, giữ gìn vệ sinh và đến khám sàng lọc khi có biểu hiện nghi ngờ.
Cởi bỏ trang phục bảo hộ, chị Mai khoác lên mình chiếc áo trắng quen thuộc rồi quay lại phòng riêng. Hít một hơi thật dài, chị nói rằng dịch bệnh nào rồi cũng sẽ được khống chế. SARS, MERS, H5N1… hay Covid-19 lần này cũng vậy.
“Khi hết dịch, tôi sẽ về nhà, nấu cho các con bữa ăn thật ngon và kể cho con nghe về công việc thầm lặng mà ý nghĩa của mình”, chị nói, ánh mắt chị tràn đầy sự lạc quan.
Thùy An – Lê Chi
Theo VNE
Lời kể của người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân COVID-19
Điều dưỡng, nhân viên vệ sinh góp phần không nhỏ trong quá trình điều trị bệnh nhân COVID-19.
"Sáng 23-1 (29 tháng Chạp), tôi chuẩn bị đi làm thì cả nhà ngăn lại rồi nói: "Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy tiếp nhận hai cha con người Trung Quốc bị nhiễm virus Corona kìa. Bệnh này dễ lây lan lắm, thôi nghỉ làm đi. Khi nào họ hết bệnh rồi đi làm lại". "Một chút hoang mang và lo lắng thoáng hiện trong suy nghĩ của tôi" - bà Huỳnh Thị Sáu (50 tuổi), nhân viên vệ sinh hợp đồng Khoa bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, chia sẻ.
Tết không dám sang thăm láng giềng
Bà Sáu kể: "Do chị em trong tổ vệ sinh nhà xa nên tôi đăng ký làm suốt tết. Đùng một cái, ngày hai cha con người Trung Quốc nhập viện do COVID-19 trùng với lịch trực làm việc nên tôi không thể bỏ. Tôi nói cả nhà yên tâm rồi dắt xe chạy tới BV. Trên đường đi, tôi nghĩ miên man những việc phải làm để tránh nhiễm bệnh".
6 giờ sáng mỗi ngày, bà Sáu mặc đồ bảo hộ lau sạch hành lang trước phòng hai bệnh nhân. Tiếp theo, bà Sáu vào phòng người bệnh lau sạch sàn nhà, chùi kỹ giường nằm, bàn ghế, tủ đồ. Sau đó bà thu gom vỏ trái cây, hộp đựng cơm bệnh nhân đã dùng rồi mang khử nhiệt trước khi cho vào thùng rác. Bà quần quật với công việc độ hai tiếng mới xong. Chiều tầm 14 giờ, bà lại tiếp tục những việc làm nói trên.
"Do gần môi trường dễ lây nhiễm nên tôi thận trọng từng chút. Nhiều người hỏi tôi có sợ nhiễm bệnh không, tôi trả lời rằng không sợ lây là không thiệt lòng. Tôi nói do được BV hướng dẫn kỹ càng cách ngừa lây nhiễm và cung cấp đầy đủ đồ bảo hộ nên tôi luôn an tâm" - bà Sáu trải lòng.
Bà Sáu dọn dẹp vệ sinh phòng ở cho hai bệnh nhân COVID-19 kéo dài từ ngày 23-1 đến ngày ông Li Ding xuất viện (ngày 12-2), tính ra cũng 20 ngày. Suốt 20 ngày, bà Sáu nghỉ đúng một ngày vì nhà có giỗ. "Xong công việc ở BV, tôi về tới nhà thì trời chập choạng tối. Tết nhất tôi chỉ ở nhà bên người thân, không dám thăm láng giềng hàng xóm vì sợ mọi người ái ngại" - bà Sáu bộc bạch.
Anh Nguyễn Minh Tâm kiểm tra thiết bị căn phòng anh Li Zichao đã nằm trị bệnh COVID-19. Ảnh: TRẦN NGỌC
Uống ít nước, có khát cũng phải chịu
"Tôi được phân công trực từ ngày 23 đến 25-1 (29, 30 tháng Chạp và mùng 1 tết Canh Tý 2020). Thời điểm này trùng với ngày cha con người Trung Quốc nhiễm bệnh COVID-19 và được điều trị tại BV" - anh Nguyễn Minh Tâm (40 tuổi), điều dưỡng Khoa bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, cho biết.
Công việc hằng ngày của anh Tâm là mang thức ăn vào phòng hai bệnh nhân rồi cho uống thuốc và vệ sinh giường bệnh. Người con do trẻ, khỏe nên tự ăn và tự uống thuốc. Riêng người cha đã lớn tuổi, hai tay run rẩy nên anh Tâm phải đút từng muỗng cơm.
"Tôi không đứng trực diện mà đứng chéo góc với người cha khi đút cơm để phòng hờ tình huống bệnh nhân vô tình hắt hơi, văng cơm vô người tôi. Cho uống thuốc cũng vậy, tôi cho thuốc vô miệng bệnh nhân rồi cầm ly nước cho uống. Tôi cũng đứng xệch một bên để tránh trường hợp người cha ho và văng nước vào người tôi. Chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tận tình nhưng phải cẩn thận để tránh lây nhiễm" - anh Tâm nói.
Vui với công việc nhỏ bé mà giúp họ khỏi bệnh
Ngày công bố người con (anh Li Zichao) hết bệnh, tôi rất vui. Đến khi người cha (ông Li Ding) được xuất viện do đã khỏi bệnh, tôi mừng lắm. Công việc tôi làm hằng ngày cho dù nhỏ bé, không ai biết nhưng phần nào cũng giúp cha con người Trung Quốc khỏe mạnh.
Bà HUỲNH THỊ SÁU, nhân viên vệ sinh Khoa bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy
Phòng bệnh nhân nằm không sử dụng máy lạnh, chỉ mở cửa sổ cho thông thoáng. Với lại, mỗi khi vô phòng cha con người bệnh là anh Tâm phải mặc đồ bảo hộ kín mít nên người rất nóng. Khi xong công việc, áo quần anh Tâm đẫm mồ hôi.
"Thật tình mà nói, công việc của tôi kéo dài trên dưới hai tiếng nên luôn nóng trong người, khát nước kinh khủng. Thế nhưng tôi không dám uống nước nhiều trước khi vào công việc vì không thể đi tiểu tiện trong lúc đang chăm sóc bệnh nhân. Tương tự, cho dù cháy khô cổ họng tôi cố chịu, không thể uống nước trong lúc thay drap giường, theo dõi tình trạng bệnh nhân" - anh Tâm chia sẻ.
Anh Tâm được nghỉ tết vài ngày, đến ngày 30-1 (mùng 6 tết), anh tiếp tục công việc chăm sóc y tế hai bệnh nhân COVID-19 như trước đây. Nhiều người biết việc anh Tâm đang làm dễ có nguy cơ nhiễm bệnh nếu sơ sẩy nên khuyên tạm thời xin nghỉ hoặc chuyển công việc khác. "Người thân, bạn bè lo cho tôi nên nói vậy nhưng tôi nghĩ nếu ai cũng sợ lây nhiễm thì hai bệnh nhân COVID-19 bị bỏ mặc à? Họ chẳng may mắc bệnh, mình làm được gì cho họ thì làm. Thiệt tình mà nói, khi nghe hai cha con người Trung Quốc hoàn toàn khỏe mạnh, tôi vui lắm" - anh Tâm tỏ lòng.
Sự góp sức không nhỏ của những người thầm lặng
Ngoài anh Nguyễn Minh Tâm và bà Huỳnh Thị Sáu, hai bệnh nhân Trung Quốc hết bệnh COVID-19 có công lao góp sức của BS Nguyễn Thị Thanh Bình (Khoa bệnh nhiệt đới) và nhân viên y tế Khoa xét nghiệm BV Chợ Rẫy cùng nhiều nhân viên y tế khác.
BS Thanh Bình là người trực tiếp khám ông Li Ding và anh Li Zichao khi cả hai được đưa vào phòng cách ly ở Khoa cấp cứu vào chiều 22-1 (28 tháng Chạp). Nghi ngờ cả hai bị COVID-19, BS Thanh Bình báo Khoa bệnh nhiệt đới chuẩn bị phòng cách ly để tiếp nhận. Mặc dù sức khỏe có hạn nhưng BS Thanh Bình vẫn chạy nhanh trên đoạn đường đưa hai bệnh nhân từ Khoa cấp cứu tới Khoa bệnh nhiệt đới. Những ngày sau, BS Thanh Bình mặc kín đồ bảo hộ trực tiếp thăm khám hai bệnh nhân.
Trong khi đó, nhân viên Khoa xét nghiệm thường xuyên tiếp cận hai bệnh nhân để lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Công việc này đòi hỏi hết sức cẩn thận để phòng tránh sự lây nhiễm.
Có thể nói hai bệnh nhân người Trung Quốc khỏi bệnh COVID-19 là nhờ sự góp sức không nhỏ của những người gánh vác công việc ít người nghĩ tới.
BS VÕ NGỌC ANH THƠ, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy
TRẦN NGỌC
Theo PLO
3 người Trung Quốc tự rời khỏi khu cách ly ở TP.HCM Dù đang trong thời gian cách ly tại quận 12, 3 người Trung Quốc vừa quay lại Việt Nam đã tự ý rời đi và chuyển đến quận khác tại TP.HCM. Ngày 11/2, bác sĩ Vũ Đức Diễn, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật (Trung tâm Y tế quận 12), xác nhận với Zing.vn về vụ việc 3 người Trung Quốc tự động...