Những người sống sót thần kỳ trong thảm họa động đất
Dù hiếm hoi, nhưng những trường hợp này đang làm lóe lên một tia hy vọng trong việc tìm kiếm thêm được những người còn sống đang bị chôn vùi dưới đống đổ nát do động đất.
Số nạn nhân thiệt mạng trong vụ động đất mạnh 7,8 độ richter ngày càng tăng cao, lên đến hơn 5.000 người và dự đoán có thể tăng gấp đôi. Cùng với đó, hi vọng tìm được người sống sót bị vùi lấp trong những tòa nhà đổ nát ngày càng trở nên mong manh.
Bà Tanka Maya Sitoula, 40 tuổi đã được cứu sống nhờ chồng không ngừng kêu gọi giúp đỡ
Dù vậy, thời gian qua có nhiều trường hợp nạn nhân đã sống sót một cách kỳ diệu. Theo Reuters, mới đây, đội cứu hộ Pháp đã giải cứu thành công thanh niên 28 tuổi Rishi Khanal ra khỏi khu chung cư bị sập ở Kathmandu. Anh Khanal đã mắc kẹt gần 80 giờ đồng hồ, trong một căn phòng bị sập cùng với thi thể của 3 nạn nhân không may thiệt mạng.
Trong suốt gần 4 ngày, Khanal không hề có thực phẩm và nước uống. Akhilesh Shrestha, một bác sĩ chăm sóc cho Khanal kinh ngạc nói: “Dường như cậu thanh niên này sống sót chỉ nhờ vào ý chí”.
Khanal cho hay, anh đang ở tầng 2 tại khu chung cư cao 7 tầng khi xảy ra động đất. Bị mắc kẹt, Khanal đã kêu cứu bằng tiếng Nepal. May mắn là giọng nói của anh đã được đội cứu hộ nghe thấy. Họ phải khoan từ trên xuống, xuyên qua tầng thượng còn nguyên vẹn của tòa nhà để cứu anh.
Cuộc giải cứu kéo dài trong suốt 5 giờ đồng hồ. Dù bị gãy 1 chân, Khanal vẫn được coi là một trường hợp vô cùng may mắn, so với hàng nghìn nạn nhân khác đã thiệt mạng do bị các tòa nhà sụp đổ vùi lấp.
Video đang HOT
CNN đưa tin, một trường hợp sống sót thần kỳ khác là bà mẹ 40 tuổi có tên Tanka Maya Sitoula. Mắc kẹt 36 giờ ở một căn phòng tại tầng thấp nhất trong tòa nhà cao 5 tầng, bà Sitoula đã được đội cứu hộ đến từ Ấn Độ tìm thấy và đáng ngạc nhiên nhất là không hề có vết thương nghiêm trọng nào.
Khi được hỏi đã làm gì trong suốt một ngày rưỡi, bà Sitoula nói: “Tôi chỉ nằm yên. Hoặc tôi có thể cử động đôi chút sang hai bên” – bà cho biết – “Tôi nghe thấy nhiều âm thanh ồn ào bên ngoài, nên tôi nghĩ mình sẽ được cứu thoát.”
Bà mẹ 40 tuổi được cứu nhờ nỗ lực của chồng là ông Mahendra, là một người bán thịt. Ông tin rằng vợ mình đã mắc kẹt trong căn nhà bị sập và kiên trì kêu gọi giúp đỡ suốt nhiều giờ đồng hồ: “Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng vợ mình đang ở đó. Tôi gọi liên tục, và nghe thấy tiếng vợ vọng lên từ bên dưới”.
Anh Rishi Khanal được cứu sống sau 80 tiếng bị mắc kẹt trong đống đổ nát. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Một thanh niên 21 tuổi có tên John Keisi cũng may mắn được đội cứu nạn GEA từ Thổ Nhĩ Kỳ cứu thoát sau 13 giờ bị kẹt trong gạch và bê tông vụn vỡ.
Theo Reuters, tại làng Jharibarở huyện đồi Gorkha, gần tâm chấn của trận động đất, một bé trai 4 tuổi đã được chính mẹ của mình cứu thoát. Mẹ của bé, cô Sunthalia đã đào bới suốt nhiều giờ đồng hồ để quyết tìm 3 con nhỏ bằng được. Dù hai đứa con đầu tiên đã tử vong khi được tìm thấy, nhưng bé trai nhỏ nhất, mới 4 tuổi đã sống sót một cách kỳ diệu.
Theo Lan Phương
Vietnamnet
Tường thuật của PV Cẩm Tú: Khóc ở Nepal
Mấy giờ sau khi mặt đất chao đảo, chú hướng dẫn viên bảo Kathmandu xảy ra chuyện lớn rồi. Động đất rất lớn, nhiều toà nhà sụp đổ, rất rất nhiều người chết.
Lời Tòa soạn: Phóng viên Cẩm Tú, người đã mất liên lạc với cơ quan và gia đình những ngày qua đang trên đường trở về Kathmandu (Nepal) sau cung đường leo núi đầy hiểm trở. Cô gửi về tòa soạn những cảm xúc mới nhất của người trong cuộc.
PV Cẩm Tú
Tối qua trằn trọc mãi không ngủ được, mình quá bất ngờ và cảm động trước tình cảm của mọi người dành cho mình. Hôm nay mình chia sẻ một số chuyện từ chuyến đi của mình và Nepal.
Theo chương trình, mình qua Nepal với ba người bạn để trekking cung Annapurna Circuit trong vòng 10 đến 12 ngày. Còn lại sẽ thăm thú Kathmandu và Pokhara. Ngày hôm qua là ngày khó khăn nhất trong hành trình trekking.
Trekking Annapurna Circuit, hiểu nôm na là đi vòng quanh dãy Annapunar (đỉnh của nó cao thứ nhì trong rặng Hymalaya, chỉ thua đỉnh Everest). Điểm nhấn của cung này là đèo Thorung La cao 5.416m. Vấn đề không chỉ là cao mà Thorong La Pass còn là điểm tử thần với trận lở tuyết hơn 39 người chết tháng 10 vừa qua báo chí đưa tin suốt mấy ngày. Tuần rồi tại đây lại có 4 người chết vì rơi xuống vực. Và hôm qua, mình đã đi qua đó...
Thật sự, Thorong La Pass còn hơn những gì mình ám ảnh. Một bên là núi tuyết, một bên là vực thẳm. Còn lối đi vừa đủ bàn chân, chênh vênh bên mép vực và cũng phủ tuyết trắng xoá. Nhìn từ trên xuống nó như sợi chỉ vắt ngang lưng núi vậy. Trượt một bước chân thì không thể mong còn mạng sống. Sợ nhất là những trận gió, cuốn theo đám tuyết bay đập vào mặt mũi. Mình nhớ hoài cảm giác đứng im mỗi khi gió thổi qua, lạnh run người. Và hoàn toàn chịu trận. Không dám nghĩ những người đã chết tại đây là ở đoạn nào, không dám nghĩ nếu mình rơi xuống thì phải làm sao. Chỉ cắm đầu tập trung nhìn con đường nhỏ xíu trước mắt mà bước. Đứng lại thì lạnh không chịu nổi, mà đi hoài thì mệt. Lên độ cao 5.000m đâu phải chuyện đùa.
Tới Thorong La Pass, cô gái Israel ôm chầm mình chúc mừng đã thành công. Còn mình thì nói mình không tin nổi mình làm được. Đến Thorong được vài phút thì phải xuống. Còn nguy hiểm hơn lúc lên với con đường tuyết trơn trợt chông chênh bên miệng vực. Đến giờ mình vẫn nghĩ, hẳn thần linh đã giúp đỡ mình, một người vốn đâu có mạnh khoẻ, dũng cảm thích những trò cảm giác mạnh. Giờ thì mình đã ở Muktinath, chỉ cao 3.800m thôi và an toàn.
Nói về vụ động đất ở Nepal. Lúc đang trek từ Manang lên Yak Kharka, mình dừng lại chụp ảnh thì bỗng thấy đất rung chuyển dưới chân. Cảm giác kỳ lạ quá, chưa kịp hỏi thì chú guide la lên " Động đất" rồi bảo mình ngồi xuống ngay. Định thần nhìn, chim chóc từng đàn kêu quang quác, bay hốt hoảng. Đá trên núi lăn rào rào. Đám cây bụi rung cành lá. Nhưng rồi ổn, bọn mình đi tiếp.
Tới Yak Khari, lại một trận động đất nhỏ xảy ra. Mấy người Tây bỏ chạy tán loạn ra ngoài, chỉ có mình không có kinh nghiệm ngồi trơ nhìn. Cũng may không sao. Chú hướng dẫn nói Nepal thỉnh thoảng có những trận động đất nhỏ vậy. Không ngờ mấy giờ sau chú bảo Kathmandu xảy ra chuyện lớn rồi. Động đất rất lớn, nhiều toà nhà sụp đổ, rất rất nhiều người chết. Nhưng Kathmandu cũng chưa là tâm chấn, nặng nhất là một tỉnh cách đó khoảng 60km. Hỏi gia đình chú có sao không, chú bảo tất cả số điện thoại không gọi được. Hôm sau thì mọi người thông tin đã hơn 2.000 người chết. Chú nói nhà chú ở Kathmandu không sao, nhưng nhà ở quê lại ngay vùng tâm chấn nên sập rồi. Hành trình đã đi hơn 2/3, chặng kế tiếp gian nan nhất nên vẫn tiếp tục lên đường. Hôm sau mới nhớ ra, mình hỏi thăm hai bạn porter nhà có ổn không, bạn bảo nhà bạn sập hết rồi. Vậy mà họ, guide lẫn porter vẫn chu đáo, làm tròn trách nhiệm với bọn mình, không một chút nề hà. Chỉ thỉnh thoảng đến lúc nghỉ, họ lại cầm điện thoại trầm tư. Mình chỉ biết nói lời chia sẻ.
Hôm nay, theo lịch mình trek tiếp đến Jomson rồi bay trực thăng về Pokhara. Nhưng lịch trình thay đổi. Các bạn nhóm mình muốn về Việt Nam ngay. Còn mình thì muốn về Kathmandu, muốn đến vùng tâm chấn của trận động đất.
Xem hình thấy Kathmandu tan hoang, Dupar Square sụp đổ mình đau xót quá. Mình còn dịp nào sáng sáng chiều chiều lại ra Dupar Square uống trà sữa Masala, đi tìm nàng Thánh nữ Kumari như trước nữa không? Cái guest house với anh chủ hiền lành ở Thamel gần đó có bình yên không? Bạn Bhari, anh giám đốc công ty du lịch của bọn mình đến giờ vẫn chưa liên lạc được. Bọn mình sốt ruột, và đang tìm cách.
Mình có đọc vài comment, đại ý nói là mình có lãi rồi, tranh thủ viết bài độc quyền...Mình rất mong đó chỉ là sự vô ý mà thôi. Mình đã đến Nepal hai lần. Lần này ở lâu hơn nên thấy rõ Nepal nghèo vô cùng. Nhiều ngôi nhà không thể gọi là nhà được, nhiều ngôi làng cứ tưởng bỏ hoang vì tiêu điều. Nhưng người Nepal rất hiền lành, chất phác. Nếu bạn nhìn thấy nụ cười hiền queo và sự nhiệt tình, trách nhiệm của hai bạn porter và chú hướng dẫn của mình, hẳn bạn cũng như mình, chỉ mong họ và Nepal bình yên. Thương Nepal rất nhiều...
Mình đọc câu này trên đường trekking và rất thích. " Chúng ta thuộc về thiên nhiên, không phải thiên nhiên thuộc về chúng ta".
Theo Cẩm Tú
Pháp luật TPHCM
Du khách tuyệt vọng tìm đường chạy khỏi vùng động đất Nepal Michael Mackey là một trong số hàng ngàn du khách đổ tới Nepal để tận hưởng kỳ nghỉ mùa Xuân. Nhưng sau trận động đất đã gây thiệt hại lớn về người và của ở đây, anh lại nằm trong nhóm những người tuyệt vọng muốn rời khỏi Nepal để về nhà. Cảnh tan hoang sau trận động đất tại Kathmandu, Nepal. (Nguồn:...