Những người sợ bị ‘ra rìa’ bầu cử Mỹ
Nghiên cứu sinh Mỹ Benjamin Cole đã không gặp vấn đề gì khi bỏ phiếu từ Đức vào năm 2016 và 2018 nhưng năm nay, anh đứng ngồi không yên.
Do lo ngại phiếu bầu qua thư sẽ chậm đến tay giới chức bang Georgia, Mỹ vì đại dịch, anh đã điền lá phiếu và gửi đi từ bưu điện ở Cologne, Đức ngay ngày nhận được nó hôm 16/9.
Trong những tuần tiếp theo, anh theo dõi hành trình thư, khi nó được chuyển đến New York và sau đó đến một cơ sở phân loại ở thành phố Macon, Georgia vào ngày 27/9.
Vào ngày 28, 29 và 30/9, anh nhận được thông báo rằng lá phiếu của anh đã được chuyển đến thành phố Warner Robins, cách đó khoảng 20 phút. Sau đó, anh không nhận được tin tức gì thêm.
Một nhân viên bầu cử phân loại phiếu bầu qua thư ở Doral, Florida ngày 26/10. Ảnh: AP.
Cole lo lắng suốt nhiều tuần về số phận lá phiếu của mình. Cuối cùng, anh kiểm tra trang web bầu cử của bang và biết rằng nó đã được giới chức tiếp nhận vào ngày 2/10. Trong khi đó, trang web của Bưu điện Mỹ vẫn hiển thị kết quả lá phiếu của anh đang được chuyển.
“Đó là một trải nghiệm rất mệt mỏi đối với tôi”, Cole nói.
Người Mỹ sống ở nước ngoài đã lên kế hoạch bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử năm nay từ mùa hè. Nhưng trong bối cảnh Covid-19 khiến dịch vụ bưu chính toàn cầu bị đình trệ, các lá phiếu của họ có nguy cơ không đến kịp để được tính vào ngày bầu cử 3/11. Tại một số bang, lá phiếu đến muộn sẽ bị coi là không hợp lệ.
Trong số 7,7 triệu quân nhân và công dân Mỹ sống ở nước ngoài, hơn 630.000 người gửi phiếu bầu qua thư hợp lệ vào năm 2016. Gần một nửa số đó ở các bang chiến trường, nơi cuộc đua sít sao đôi khi được định đoạt bằng những lá phiếu vắng mặt.
Nhiều người Mỹ ở nước ngoài nói rằng việc bỏ phiếu vắng mặt tương đối thoải mái hơn so với việc phải chờ đợi lâu và xếp hàng dài như cử tri tại quê nhà. Nhưng đối với những người khác, việc bỏ phiếu từ nước ngoài năm nay có nghĩa là họ phải di chuyển hàng giờ để bầu cử tại các đại sứ quán Mỹ hoặc sử dụng các dịch vụ chuyển phát nhanh như FedEx hay DHL.
Hơn 30 bang cho phép cử tri ở nước ngoài gửi phiếu bầu qua fax, trực tuyến hoặc cả hai, trong đó có Missouri, bang đã sửa đổi quy tắc bầu cử trong năm nay vì đại dịch. Nhưng các bang còn lại chỉ chấp nhận phiếu bầu qua đường bưu điện. Thư không chỉ mất nhiều thời gian di chuyển ở nước ngoài mà ngay cả khi đến Mỹ, chúng có thể mất nhiều tuần để đến đích.
Tháng trước, một nhóm 10 người Mỹ sống ở 7 quốc gia đã kiện các quan chức bầu cử ở 7 bang chỉ nhận thư gồm Georgia, Kentucky, New York, Ohio, Pennsylvania, Texas và Wisconsin, cho rằng quy định này tước đoạt quyền bầu cử của họ. Họ yêu cầu tòa ra phán quyết cho phép cử tri ở nước ngoài gửi lá phiếu qua email hoặc fax.
Trong khi đó, giới chức bầu cử của các bang này, cũng như những chuyên gia pháp lý, công nghệ và một số nhóm phi lợi nhuận thúc đẩy bỏ phiếu, lập luận rằng việc gửi lá phiếu bằng email hoặc fax làm tăng lo ngại về an ninh và quyền riêng tư. Hơn nữa, việc thay đổi quy định khi ngày bầu cử đã cận kề sẽ tạo thêm gánh nặng cho quan chức bầu cử và làm cử tri bối rối. Đầu năm nay, một số cơ quan liên bang đã ra khuyến cáo, coi việc gửi phiếu bầu bằng hình thức điện tử là có rủi ro cao.
Video đang HOT
J.Rémy Green, một trong những luật sư thúc đẩy vụ kiện, cho rằng không nên đánh đồng ý tưởng bầu trực tuyến qua Internet hoặc ứng dụng với việc gửi phiếu qua hình thức điện tử như email hay fax. Green cho rằng cách làm thứ hai sẽ khó bị can thiệp hơn vì nó liên quan đến tài khoản email cá nhân và đường truyền fax. Ông cũng lập luận rằng trong trường hợp này, lợi ích cho cử tri ở nước ngoài vượt qua rủi ro an ninh nên nó xứng đáng được tiến hành. Bộ Quốc phòng Mỹ thậm chí còn cung cấp dịch vụ nhận, gửi fax qua email miễn phí để phục vụ bầu cử.
Để bỏ phiếu qua thư, cử tri trước hết phải đăng ký bầu vắng mặt. Họ có thể gửi thư, gọi điện hoặc truy cập vào trang web bầu cử để yêu cầu giới chức bang gửi lá phiếu qua thư. Cử tri phải cung cấp thông tin cá nhân và địa chỉ khi gửi yêu cầu. Sau khi nhận được yêu cầu, giới chức bầu cử địa phương sẽ gửi phiếu bầu kèm hai phong bì về địa chỉ mà cử tri cung cấp.
Sau khi điền đầy đủ thông tin trong phiếu bầu, cử tri sẽ cho phiếu vào một phong bì thư dán lại, sau đó cho tiếp vào phong bì thư thứ hai và ký tên xác nhận bên ngoài. Quy trình soát và kiểm phiếu thông thường bắt đầu bằng việc xác minh chữ ký trên bì thư, để xem nó có trùng khớp với tên cử tri trong danh sách của bang và lá phiếu có được gửi từ đúng địa chỉ đã đăng ký hay không. Khi xác thực xong, họ sẽ xé bì thư có chữ ký cử tri bên ngoài và lấy bì thư đựng phiếu bầu.
George Sorrells, chuyên gia công nghệ thông tin Mỹ sống tại Thụy Sĩ, và vợ ông, Julie Sorrells, đã theo dõi hành trình lá phiếu của họ đến Wisconsin. Họ phát hiện ra lá phiếu của George đã được tiếp nhận nhưng Julie thì không. Sau khi xem xét lại, George nhận ra rằng mình đã quên ký vào lá phiếu của vợ với tư cách nhân chứng và bà phải gửi một lá phiếu mới từ Thụy Sĩ.
Vì cuộc bầu cử đang đến gần, họ gửi lá phiếu thứ hai qua dịch vụ chuyển phát nhanh FedEx. Vợ chồng Sorrells đã chi gần 80 USD để bỏ phiếu nhưng cho rằng điều đó xứng đáng. Tuy nhiên, George cho biết ông sẽ cảm thấy đảm bảo hơn nếu được gửi qua email.
“Tôi đã phải trả thêm tiền để theo dõi hành trình thư”, ông ấy nói. “Và sau đó tôi vẫn trăn trở gần hai tuần với câu hỏi liệu nó có đến được nơi không?”
Dana Rawls, cử tri quê ở Georgia đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông, cho biết bà đã bỏ phiếu từ Australia mà không gặp vấn đề gì kể từ năm 2006. “Nhưng năm nay thực sự là một cơn ác mộng”, bà nói.
Trong cuộc bầu cử sơ bộ ở Georgia vào tháng 6, Rawls đã rất thất vọng khi biết rằng văn phòng bầu cử địa phương không nhận được lá phiếu của mình. Vì vậy, bà quyết tâm không để bị “ra rìa” trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11.
Giống như Cole, Rawls điền và gửi lá phiếu ngay vào ngày bà nhận được hôm 18/9, trả khoảng 25 USD để gửi qua đường bưu điện quốc tế. Phải đến ngày 20/10, nó mới đến đến được Los Angeles và từ đó nó phải đi tiếp tới hạt Fulton ở Georgia. “Tôi vẫn sợ rằng nó sẽ không đến kịp”, Rawls nói.
Khi nhận ra lá phiếu ban đầu của mình dường như đã bị thất lạc, Rawls gửi một lá phiếu dự phòng khẩn cấp vào ngày 16/10 qua chuyển phát nhanh quốc tế. Thông báo duy nhất mà bà nhận được trong hệ thống theo dõi là “thư của bạn đang trên đường chuyển”.
Sau khi tốn 70 USD bưu phí cho hai lá phiếu, Rawls lo lắng rằng cả hai đều không đến nơi. “Thật là điên rồ và mệt mỏi”, bà nói.
Rawls cho biết bà sẽ bỏ phiếu qua email nếu có thể và đặt câu hỏi tại sao quy định cho cử tri ở nước ngoài của mỗi bang lại khác nhau. “Chúng ta đang ở thế kỷ 21 cơ mà, chỉ cần bỏ công sức ra là đồng bộ hóa được”, bà nói. “Tại sao không có lựa chọn nào cho những người như chúng tôi, những người sống ở nước ngoài nhưng vẫn muốn bỏ phiếu?”.
Truyền thông Mỹ đối mặt 'đêm bầu cử hỗn loạn'
AP đã công bố người chiến thắng vào ngày bầu cử Mỹ hơn 170 năm qua, nhưng đây là năm đầu tiên hãng tin này phải chuẩn bị kịch bản đêm bầu cử không rõ kết quả.
"Chúng tôi đã suy nghĩ về kịch bản này rất nhiều", Sally Buzbee, tổng biên tập AP, nói và cho biết hãng tin này sẵn sàng thách thức Tổng thống Donald Trump hoặc ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden nếu một trong hai người tuyên bố chiến thắng trước khi AP xác định ai là người giành được đa số phiếu đại cử tri.
"Chúng tôi sẽ trình bày rõ cả trên báo chí lẫn truyền hình lý do toán học mà chúng tôi chưa thể công bố người chiến thắng", Buzbee nói. "Chống lại thông tin không đúng sự thật là một phần quan trọng trong những gì chúng tôi đang nỗ lực làm năm nay".
Nhân viên bầu cử thiết lập bốt bỏ phiếu tại Oklahoma ngày 28/10. Ảnh: AP.
Truyền thông Mỹ đóng vai trò lớn trong đêm bầu cử hơn nhiều so với các nền dân chủ khác. Trong suốt tối bầu cử, khi các hãng truyền thông xác định một ứng viên đã dẫn trước ở một bang với khoảng cách đủ lớn để khiến ứng viên còn lại không có cơ hội gỡ hòa, họ sẽ kết luận ứng viên đó đã chiến thắng ở bang này, dù chưa có kết quả chính thức cuối cùng vì phiếu chưa được kiểm hết.
Các hãng tin làm vậy dựa trên dữ liệu thăm dò hậu bỏ phiếu (hỏi cử tri sau khi họ đã bỏ phiếu xong) kết hợp với kết quả kiểm phiếu đang diễn ra được cập nhật liên tục.
Với số lượng phiếu bầu qua thư và bỏ phiếu sớm chưa từng có vì Covid-19, nước Mỹ có thể mất vài ngày, thậm chí vài tuần, để định đoạt kết quả bầu cử. Người ủng hộ đảng Dân chủ có xu hướng bỏ phiếu qua thư nhiều hơn đảng Cộng hòa.
Arnon Mishkin, giám đốc "tổ quyết định" của Fox News, người chịu trách nhiệm xác định ứng viên chiến thắng cho hãng này, dự đoán rằng ở Pennsylvania, bang chiến trường không kiểm phiếu sớm trước Ngày Bầu cử, kết quả kiểm phiếu ban đầu sẽ "nghiêng về Trump hơn rất nhiều so với con số thực tế cuối cùng" vì phiếu bầu trực tiếp được kiểm trước phiếu bầu qua thư.
Điều ngược lại có thể xảy ra ở Florida, nơi bắt đầu kiểm phiếu sớm trước ngày 3/11. Kết quả ban đầu có thể nghiêng về Biden trước khi tất cả phiếu bầu trực tiếp được kiểm đếm.
Mishkin, đảng viên Dân chủ đã bỏ phiếu cho Hillary Clinton năm 2016, cho biết Fox News đã ra chỉ dẫn cho các phóng viên: không vội vàng đưa ra kết luận nếu thấy một ứng viên dẫn trước theo mô hình không khớp với kết quả thăm dò trước bầu cử.
" Mức độ không chắc chắn của cuộc bầu cử này là chưa từng có. Nhưng nó chỉ làm chậm quá trình. Chúng tôi phải lên kế hoạch để chuẩn bị cho kịch bản không thể xác định người chiến thắng ngay trong đêm bầu cử", James Goldston, chủ tịch của ABC News, cho biết.
Các hãng truyền thông đều nhấn mạnh một điểm: việc kiểm phiếu kéo dài không đồng nghĩa với gian lận.
Các hãng truyền thông Mỹ đã vướng vào rắc rối trong mùa bầu cử năm 2000 giữa ứng viên đảng Cộng hòa George W. Bush và ứng viên đảng Dân chủ Al Gore.
Kết quả chung cuộc của cuộc đua được định đoạt bởi 25 phiếu đại cử tri của Florida. Các hãng tin ban đầu cho rằng Gore chiến thắng ở Florida, nhưng sau đó lại xác định George W. Bush mới là người có nhiều phiếu phổ thông hơn, khiến Al Gore nhận thua.
Nhưng trong vài giờ ngắn ngủi của sáng hôm sau, kết quả bỏ phiếu cho thấy khoảng cách dẫn trước của ông Bush bị thu hẹp, khiến ông Gore rút lại lời nhận thua.
Chiến dịch của Gore đã yêu cầu các quan chức tại 4 trong số các hạt lớn nhất của Florida kiểm lại phiếu bằng tay. Những lá phiếu được bỏ theo hình thức cử tri đục vào lỗ bên cạnh tên ứng viên. Ba tuần sau Ngày bầu cử, Florida tuyên bố Bush đã thắng với cách biệt 537 phiếu.
Gore nghi ngờ về con số đó và tòa án cấp cao nhất của bang đã ra lệnh kiểm lại hàng nghìn lá phiếu đã bị máy đếm từ chối vì chúng không được đục lỗ hoàn toàn, vẫn còn mẩu giấy nhỏ dính vào lá phiếu. Tòa án Tối cao Mỹ ra lệnh dừng việc kiểm phiếu này vào ngày 12/12, 6 ngày trước khi cử tri đoàn họp. Tòa ra phán quyết rằng hiến pháp đã bị vi phạm bởi các hạt sử dụng các tiêu chuẩn kiểm phiếu khác nhau. Cuối cùng, sau một tháng lùm xùm, Gore quyết định nhận thua, nói rằng mình "không muốn gây thêm chia rẽ", và Bush trở thành tổng thống thứ 43 của Mỹ.
Kể từ đó, các hãng truyền thông đã thận trọng hơn trong công bố kết quả kiểm phiếu. Năm 2004, một ngày sau ngày bầu cử, họ mới tuyên bố người chiến thắng.
Tuy nhiên, cũng có những cuộc bầu cử mà người chiến thắng được xác định rất nhanh. Năm 2008 và 2012, người chiến thắng được tuyên bố vào lần lượt 23h và 23h15 giờ miền đông Mỹ ngày bầu cử.
Năm 2016, khi ứng viên Donald Trump được xác định thắng ở Pennsylvania, các hãng truyền thông mới chắc chắn ông đã đánh bại Hillary Clinton vào 1h35 giờ miền đông Mỹ hôm sau ngày bầu cử (13h35 giờ Hà Nội).
Susan Zirinsky, người đứng đầu CBS News, dự đoán đêm bầu cử năm nay "sẽ rất bất thường".
Một thay đổi lớn trong năm nay là sẽ có hai nhóm khác nhau tập hợp dữ liệu thăm dò ý kiến hậu bỏ phiếu. Các hãng truyền thông lớn trước đây đều dựa vào Nhóm Bầu cử Quốc gia, nhưng sau cuộc đua năm 2016, AP và Fox đã xây dựng một khảo sát cử tri mới, tập trung tiếp cận nhiều hơn vào những cử tri bầu cử sớm.
Do có nguy cơ hai bộ dữ liệu cho kết quả khác nhau, Zirinsky cảnh báo: "Vào đêm bầu cử, một số hãng tin có thể xác định ứng viên đã chiến thắng ở một số bang, trong khi những hãng khác thì không".
Theo dự án Bầu cử Mỹ, hơn 70 triệu người đã đi bỏ phiếu sớm, hình thức bầu cử không phải mới lạ ở Mỹ. Khoảng 40% người Mỹ đã bỏ phiếu trước ngày bầu cử vào năm 2016, thông qua phiếu bầu qua thư, phiếu vắng mặt hoặc bỏ phiếu trực tiếp sớm. Con số đó dự kiến tăng lên 60% vào năm nay vì đại dịch.
"Khoảng một nửa số bang chiến trường có rất nhiều kinh nghiệm kiểm phiếu bầu sớm và gửi qua thư", Noah Oppenheim, người đứng đầu NBC News, cho biết.
Biden đã duy trì thế thượng phong trước Trump trong các cuộc thăm dò quốc gia vài tháng qua, mặc dù khoảng cách giữa hai người sít sao hơn ở các bang chiến trường. Tuy nhiên, truyền thông Mỹ đang rất thận trọng vì bài học từ mùa bầu cử năm 2016, khi các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy Clinton dẫn trước Trump.
"Rất nhiều người trong chúng tôi đã sai lầm", Chris Wallace, người dẫn chương trình của Fox News, nói.
Wallace hy vọng Biden hoặc Trump có thể chiến thắng áp đảo đối thủ trong đêm bầu cử. "Dù là Biden hay Trump, chúng tôi muốn ứng viên giành chiến thắng thuyết phục để không thể có bất kỳ nghi vấn nào về gian lận lá phiếu hay đe dọa cử tri. Và chúng tôi có thể dõng dạc tuyên bố: đây là tổng thống của Mỹ".
Nói về 'những câu chuyện thần thoại bài Nga', Moscow kỳ vọng gì sau bầu cử Mỹ 2020? Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Moscow sẽ không đánh mất hy vọng rằng, sau các cuộc bầu cử Tổng thống, Mỹ sẽ nhận ra chính sách bài Nga gây tổn hại tới chính nước này. Moscow sẽ không đánh mất hy vọng rằng, sau các cuộc bầu cử Mỹ, Washington sẽ nhận ra chính sách bài Nga...