Những người Mỹ đi bỏ phiếu lúc nửa đêm
Felix Sylvester lái xe thẳng tới điểm bầu cử ở Houston sau giờ làm và chỉ mất vài phút để bỏ phiếu mà không phải xếp hàng, bởi khi đó mới 3h sáng.
Bãi đỗ xe cạnh điểm bầu cử không một bóng người, chỉ có những cột đèn cao áp chiếu sáng. Đa số người dân Houston, bang Texas lúc đó còn đang say ngủ, nhưng không phải tất cả. Sylvester, 65 tuổi, đã bỏ phiếu vào rạng sáng 30/10 tại một trong 8 điểm bỏ phiếu mở cửa suốt đêm ở hạt Harris, 5 ngày trước cuộc bầu cử.
Sylvester làm việc ở một kho ngũ cốc tại cảng Houston. Ông làm việc theo ca 8 hoặc 12 tiếng, khiến việc bỏ phiếu sớm gần như bất khả thi bởi các điểm bỏ phiếu thường mở từ 7h tới 19h.
“Giờ đó khiến việc đi bỏ phiếu không dễ dàng, bởi nếu tôi làm việc ban đêm, thì ban ngày sẽ phải ngủ”, ông nói. Hóa ra 3h sáng là thời gian hợp lý để ông đi bỏ phiếu.
Felix Sylvester, 65 tuổi, bỏ phiếu lúc 3h, sau ca làm việc dài 8 tiếng hôm 30/10. Ảnh: New York Times
Cuộc bầu cử năm 2020 có điểm chung với hệ thống cửa hàng tiện lợi 7-Eleven, đó là mở cửa 24/24.
Tại hạt Harris, hạt đông dân thứ ba nước Mỹ, nơi có thành phố Houston, chính quyền đã nỗ lực để cử tri có thể bỏ phiếu lúc 2h sáng như thể vào 14h chiều, nhằm tăng khả năng đi bỏ phiếu của người dân giữa đại dịch, trước khi thời hạn ba tuần bỏ phiếu sớm kết thúc hôm 30/10.
Các con số thực tế cho thấy nỗ lực này không vô nghĩa. Vào giờ cao điểm ban đêm từ 19h hôm trước tới 7h hôm sau, đã có 10.250 người bỏ phiếu tại 8 điểm. Các quan chức phụ trách bầu cử cho hay hơn 800 cử tri trong số này đã bỏ phiếu trong thời gian từ nửa đêm tới 7h sáng.
Những người đi bầu về đêm rất đa dạng, từ sinh viên tới người nghỉ hưu, đàn ông và phụ nữ, người đồng tính hoặc không, các bậc cha mẹ đưa cả con đi theo, công nhân đi làm vẫn đeo bảng tên nơi làm việc.
Leslie Johnson, 29 tuổi, nhân viên một công ty dịch vụ dầu mỏ, đi bỏ phiếu sau khi xong việc. Johnson tới nhầm điểm bỏ phiếu và cuối cùng cũng kịp bỏ phiếu tại một điểm mở cửa qua đêm vào giờ chót.
Richard Munive, 33 tuổi, nhân viên hỗ trợ pha chế trong quán bar, con trai một người nhập cư Colombia, hết giờ làm lúc 1h30, thay giày đi làm và đi bầu cử lúc 2h30, vài tiếng trước khi bắt đầu công việc thứ hai tại một xưởng in áo T-shirt.
Có ba điểm bỏ phiếu xuyên đêm nằm gần khu Astrodome cũ ở sân vận động NRG Park, trung tâm cộng đồng Tracy Gee trong một khu phố đa sắc tộc ở phía bắc Phố người Hoa và một cơ sở trong khu phố lâu đời Kashmere Gardens của người da màu.
Nhiều cử tri tại các điểm bỏ phiếu đó là người da màu, người gốc Tây Ban Nha hoặc châu Á, đa số cho biết là đảng viên Dân chủ và đã bầu cho Joe Biden. Một số người cho hay tranh thủ đi bỏ phiếu vào ban đêm bởi không muốn bỏ lỡ cuộc bầu cử lịch sử có thể thay đổi cục diện chính trị Texas. Những người khác thì đi bầu ban đêm đơn giản bởi luôn làm việc tới khuya hoặc dậy muộn.
Sylvester, người gốc đảo Trinidad ở Caribe, xong việc lúc 2h và đi tới điểm bỏ phiếu sau khi hay tin có điểm bầu cử mở cửa 24/24. Khi được hỏi ủng hộ ai, ông cười khúc khích.
“Tôi bầu cho người thắng”, ông nói.
Malea Hardeman, 24 tuổi, thường làm việc từ 7h tới 19h. Vì vậy, cô rất vui khi có thể đi bỏ phiếu lúc 23h30.
“Tôi đã rất đau đầu khi tìm cách đi bỏ phiếu”, Hardeman nói. “Tôi làm nghề bảo mẫu, vì vậy giờ làm không cố định. Chăm sóc trẻ sơ sinh là việc làm toàn thời gian”.
Hardeman bỏ phiếu tại một điểm bỏ phiếu xuyên đêm ở NRG Arena, khi một buổi hòa nhạc do nhóm vận động quyền công dân Move Texas tổ chức nhằm thu hút người dân tới các điểm bỏ phiếu ban đêm vừa kết thúc.
Khán giả ngồi trên ô tô xem một buổi hòa nhạc tổ chức gần NRG Arena nhằm thu hút người dân đi bỏ phiếu buổi đêm. Ảnh: New York Times
Bun B. For, ca sĩ nhạc rap nổi tiếng ở Houston, là tâm điểm buổi hòa nhạc. Ngoài ra còn có nhiều ngôi sao khác nữa, theo Chris Hollins, quan chức phụ trách các điểm bầu cử 24h ở hạt Harris, nói.
Hollins, 34 tuổi, là người trẻ nhất và là thư ký da màu đầu tiên của hạt Harris. Ông đã thúc đẩy tạo thuận lợi cho việc bỏ phiếu dễ dàng hơn trong thời kỳ đại dịch, như tăng gấp ba số điểm bỏ phiếu sớm và mở các điểm bỏ phiếu nhanh bên lề đường. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Texas các điểm bỏ phiếu mở cửa 24h.
Trong nhiều năm, các lãnh đạo đảng Cộng hòa của Texas đã tìm cách thắt chặt quy định bầu cử của bang như thông qua luật trình thẻ căn cước cá nhân và nhiều biện pháp khác. Những sáng kiến do Hollins, một đảng viên Dân chủ dẫn đầu, đã bị các quan chức đảng Cộng hòa và các nhà hoạt động bảo thủ thách thức trước tòa án.
Những chiến trường khốc liệt nhất trong bầu cử Mỹ. Video: Newsweek
Bất chấp cuộc chiến pháp lý, số cử tri đi bầu ở hạt Harris vượt qua tổng số người đi bầu cử sớm năm 2016, với 1,4 triệu người đi bỏ phiếu trực tiếp hoặc bỏ phiếu qua thư trước khi thời hạn bỏ phiếu sớm kết thúc hôm 30/10. Khắp Texas, số lượng cử tri bỏ phiếu sớm nhiều hơn tổng phiếu bầu năm 2016.
“Có rất nhiều người dân sinh sống lâu năm tại hạt này và khắp đất nước là những người làm việc không theo giờ giấc bình thường, sống nhịp sống khác người bình thường vì lý do chính đáng”, Hollins nói. “Chúng tôi đang trao cho họ cơ hội được bỏ phiếu vào thời điểm thuận tiện”.
Điểm bỏ phiếu xuyên đêm ở phía tây Houston gần Phố người Hoa có thứ mà không điểm nào khác có, đấy là bánh taco miễn phí. Gene Wu, nghị sĩ bang, một đảng viên Dân chủ tại Houston, đã chi tiền cho Boombox Taco để đặt một xe cung cấp đồ ăn phục vụ cử tri miễn phí tại bãi đỗ xe của trung tâm cộng đồng. Nhiều người đứng cạnh chiếc xe tải, tay cầm đĩa bánh taco, nán lại trò chuyện sau khi bỏ phiếu trong một đêm lạnh giá bất thường ở Houston.
Jovany Ramirez, 19 tuổi, vẫn mặc đồng phục Burger King khi bỏ phiếu lúc 1h. Còn Carlos Davis, 41, vẫn mặc đồng phục y tá.
“Bỏ phiếu cũng giống y tế, đều phản ánh quyền tiếp cận”, Davis nói. “Nếu không có quyền tiếp cận, bạn chẳng có gì cả”.
Jahaziel Ramos, 7 tuổi, cùng mẹ là Juanita, đi bỏ phiếu tại một điểm bầu cử 24h tại thành phố Houston hôm 30/10. Ảnh: AP.
Mọi thứ đôi khi diễn ra dồn dập, nhưng cũng có những lúc trôi qua chậm chạp. Sau khi Sylvester bỏ phiếu lúc 3h sáng tại một trung tâm cộng đồng ở Kashmere Gardens, nhân viên ở đây đếm từng phút trôi qua chậm chạp.
Và rồi, ngay trước lúc 4h, Brittany Hayes, 33 tuổi, đến và đi trong vài phút.
“Tôi làm việc ban đêm, thường xong việc lúc 21h30, khi mọi điểm bỏ phiếu đã đóng cửa”, Hayes, làm nghề đại diện dịch vụ khách hàng và là mẹ của hai đứa trẻ, tự nhận mình là con cú đêm, nói. “Lần nào tôi cũng đi bầu. Tôi cho rằng đây là cách để tiếng nói của mình được lắng nghe”.
Trong bãi đỗ xe lạnh lẽo, Hayes vớ lấy cái chăn hình quốc kỳ Mỹ cô luôn để sẵn trong ô tô, quấn chặt quanh người ngay sau khi bỏ phiếu, nhưng rất lâu trước khi bình minh ló dạng.
Nhà Trắng kêu gọi Trung Quốc không ăn miếng trả miếng
Quan chức Nhà Trắng đề nghị Bắc Kinh không trả đũa vụ Washington đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Houston.
"Động thái yêu cầu đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston được tiến hành để bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của Mỹ và thông tin cá nhân của người dân. Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc ngừng các hành động xấu, thay vì thực hiện biện pháp trả đũa kiểu ăn miếng trả miếng", phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Ullyot nói hôm 24/7.
Công nhân tháo phù hiệu tại tòa nhà Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô hôm 24/7. Ảnh: AFP.
Mỹ hôm 21/7 yêu cầu Trung Quốc đóng cửa Tổng lãnh sự quán ở thành phố Houston, bang Texas, trong 72 giờ. Bắc Kinh gọi đây là "sự leo thang chưa từng có", "khiêu khích chính trị đơn phương", phá hoại quan hệ song phương. Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Houston Thái Vĩ nói rất sốc trước yêu cầu đóng cửa của Mỹ.
Giới chức Trung Quốc sau đó yêu cầu đóng cửa Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân hôm 24/7 nói rằng một số nhân viên lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô "đã tiến hành các hoạt động không phù hợp với vị trí công việc của họ", gây tổn hại lợi ích an ninh của quốc gia này.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, các biện pháp này là phản ứng chính đáng và cần thiết đối với "hành động phi lý của Mỹ, phù hợp với luật pháp quốc tế, các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế và thông lệ ngoại giao".
Trong khi đó, quan chức Mỹ nói lệnh đóng cửa cơ quan ngoại giao Trung Quốc tại Houston là một thông điệp gửi tới Bắc Kinh, nhằm cảnh báo nước này chấm dứt các hoạt động đánh cắp bí mật khoa học và công nghệ của Mỹ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói cáo buộc của Mỹ là "vu khống hiểm độc".
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng gần đây quanh nhiều vấn đề như nguồn gốc và cách xử lý Covid-19, tranh chấp thương mại, yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh với Biển Đông, luật an ninh Hong Kong, vấn đề Đài Loan và Tân Cương.
Hoa kiều sốc, lo sợ sau lệnh đóng cửa lãnh sự quán Houston Cộng đồng người Hoa tại Houston lo ngại mâu thuẫn chính trị Mỹ - Trung có thể ảnh hưởng tới gia đình, sự nghiệp và an toàn của họ. Mỹ hồi đầu tuần yêu cầu Trung Quốc đóng cửa Tổng lãnh sự quán nước này tại thành phố Houston, bang Texas, trong vòng 72 giờ, động thái gây lo ngại trong cộng đồng...