Những người mẹ mang trái tim “chiến binh”
Đứa con sinh ra là niềm hạnh phúc tột cùng của mẹ, nhưng nếu con bị bệnh trọng cũng khiến người mẹ đau đến tận cùng. Nhưng trái tim người mẹ luôn cho họ sức mạnh để chiến đấu với bệnh tật cùng con.
Con khóc, mẹ sẽ gượng cười
Sải bước dọc hành lang Bệnh viện K T.Ư, tôi bắt gặp chị Nguyễn Thị Vui (Đà Nẵng) trên tay cầm con búp bê bước vội về phòng bệnh. Hỏi chuyện, chị cười buồn cho biết, bé Ngọc Phương, con gái chị (5 tuổi) vừa truyền xong hóa chất nên chị mua món quà bất ngờ thưởng cho con.
“Mẹ chải tóc cho con đi, lỡ sau này tóc rụng đi rồi, không chải được nữa đâu” – bé Ngọc Phương và mẹ Vui. Ảnh: Thùy Dương
Theo TS – bác sĩ Phạm Thị Việt Hương (Bệnh viện K T.Ư), ung thư ở trẻ em là bệnh có cơ hội điều trị. 85% các bệnh ung thư ở trẻ đều có các dấu hiệu chung: Trẻ sốt kéo dài không rõ nguyên nhân dài ngày; trẻ có sưng nề bất thường không do ngã; trẻ có đốm trắng đồng tử ở mắt (đặc biệt với trẻ dưới 3 tuổi); trẻ xanh xao, thiếu máu bất thường; trẻ thay đổi hành vi đi đứng, loạng choạng mất thăng bằng; trẻ đau đầu nôn, buồn nôn, liệt, co giật; trẻ trẻ sút cân nhanh…
Chị Vui tâm sự, tháng 5 vừa qua, khi thấy bé Phương có những biểu hiện sốt triền miên lạ thường, linh cảm của người mẹ mách bảo chị có điều chẳng lành. “Khi gia đình đưa Phương đến bệnh viện, tôi biết có điều gì đó không ổn và hình như Phương cũng cảm nhận được điều đó. Khoảnh khắc bác sĩ nói với tôi nghi ngờ Phương bị ung thư máu, trái tim tôi như chết lặng” – chị Vui nhớ lại. Bác sĩ khuyên chị cho con đến Bệnh viện K T.Ư ở Hà Nội để xét nghiệm và điều trị. Đó cũng là một quyết định rất khó khăn với gia đình bởi việc di chuyển từ Đà Nẵng ra Hà Nội rất xa mà hoàn cảnh kinh tế gia đình thì không khấm khá gì.
“Tôi đã hy vọng trên đời có phép màu cho đến ngày lên Hà Nội” – chị Vui nhớ lại. Gom góp, vay mượn được ít tiền, chị Vui tức tốc mang con lên Bệnh viện K T.Ư (điểm Tân Triều, Hà Nội). Lòng chị Vui như lửa cháy mong ngóng những chẩn đoán của bác sĩ rằng kết quả cũ là sai. Nhưng rồi, sự thật bé K vẫn bị ung thư máu, chị Vui gần như sụp đổ hoàn toàn.
“Tôi đau lắm, chỉ ước mình có thể ốm hộ con. Nhưng nếu tôi gục ngã, ai sẽ lo cho đứa con bé bỏng của tôi. Vì thế, tôi lại mạnh mẽ, lại gạt nước mắt, vui cười, pha trò để đứa con gái bé bỏng của tôi không sợ hãi” – chị Vui chia sẻ.
5 tháng chiến đấu với bệnh tật, hầu như chỉ có hai mẹ con chị Vui cùng nhau chống chọi. Vì chồng chị phải ở nhà trông con thứ hai và lao động quần quật để kiếm thêm tiền cho con điều trị. Chị Vui tâm sự: “Mỗi khi thấy giường bệnh bên cạnh có người nhà đến thăm, bố mẹ thay nhau chăm con, tôi lại thấy chạnh lòng lắm. Hai mẹ con chỉ biết lủi thủi trong bệnh viện. Nhưng hai mẹ con tôi vẫn biết, ở nhà bố và con thứ hai đang lo lắng, xót xa cho hai mẹ con biết bao”.
Điều thường xuyên tra tấn chị Vui chính là những cơn đau của con. “Có những đêm Phương không ngủ, nằm chịu đau mà chẳng than với mẹ, càng khiến tôi xót xa hơn. Nhưng hai mẹ con đều động viên nhau. Quặn thắt nhất khi cháu quay sang nói với tôi: “Mẹ chải tóc cho con đi, lỡ sau này tóc con rụng rồi thì không chải được đâu”. Sợ nhất là mỗi tối chủ nhật, con gái tôi đều trằn trọc không ngủ vì sợ lấy máu. Nhưng mà cháu chỉ nghẹn ngào nói lí nhí với mẹ: “Con sợ lắm”. Tôi ước gì có thể đau cùng con, muốn khóc mà chỉ có thể nuốt nước mắt vào trong, cười tươi động viên con”.
Chị Vui cho biết, hiện bé Phương đã điều trị xong lần đầu và tiếp tục sẽ phải chịu đựng truyền hóa chất, xạ trị những lần tiếp theo. Hiện bác sĩ đưa ra hai phương án: Ghép tủy – khả năng thành công rất ít mà kinh phí lại rất lớn; hai là truyền hóa chất mạnh. “Tôi sẽ làm mọi cách để con được sống” – chị Vui nói chắc chắn.
Con phẫu thuật, mẹ cũng vào phòng mổ
Video đang HOT
Bé Minh Thư luôn quấn quýt mẹ. Ảnh: T.D
Trong căn phòng bệnh vốn tĩnh lặng, thỉnh thoảng lại có tiếng đọc thơ của một em bé và tiếng vỗ tay của mọi người xung quanh. Hỏi thăm thì ai cũng biết đó là “cây văn nghệ” của khoa Nhi Bệnh viện K T.Ư. Dù hai mẹ con ngồi cạnh nhau nhưng lúc nào Minh Thư (6 tuổi) cũng ôm chặt lấy mẹ. Chị Nguyễn Thị Vân (quê Hưng Yên) – mẹ của Thư chia sẻ: “Thư chẳng bao giờ muốn xa mẹ dù chỉ là nửa bước”.
Minh Thư không may bị ung thư vỏ thượng thận trái – căn bệnh hiếm có ở Việt Nam. Mới 6 tuổi nhưng Thư đã phải chịu bao đau đớn từ những đợt hóa trị kéo dài, ngay đến mái tóc mà em rất yêu thích cũng rụng hết, thế nhưng điều đặc biệt ở cô bé này là sự nũng nịu đáng yêu, luôn mỉm cười với mọi người xung quanh.
Hơn nửa năm nay, kể từ ngày Thư bị bệnh, gia đình đã chuyển mọi bệnh viện rồi dừng chân tại Bệnh viện K T.Ư. “Ngày mình đưa con đến khoa Ung bướu, nhìn các cháu bệnh nhi đầu rụng tóc, gào khóc trong đau đớn, mình sợ lắm. Không thể tưởng tượng ra cảnh một ngày con mình cũng sẽ như thế” – chị Vân nói.
Tưởng như gia đình sẽ có một niềm vui bù đắp cho những tháng ngày tuyệt vọng khi chị Vân mang bầu được 5 tháng. Thế nhưng, bệnh tình của Thư khiến chị suy sụp hoàn toàn, tinh thần hoảng loạn nên chị đã bị sảy thai. “Ngày Thư phải phẫu thuật cũng là ngày mẹ bước vào phòng mổ. Lúc đấy mình đau đớn cảm tưởng không thể thở được nữa, nhưng nghĩ đến con mình lại phải gượng dậy” – chị Vân nói trong nước mắt.
Vì căn bệnh của Thư ở Việt Nam không có thuốc, phải mua ở Singapore với giá 58 triệu đồng cho hai lọ, nên mọi nguồn kinh tế của gia đình đều lo cho Thư. Nỗi buồn lại chồng chất khi chồng chị bị tai nạn nên công việc lao động trở nên khó khăn hơn. Để tiết kiệm chi phí, mọi sinh hoạt của mẹ con chị đều diễn ra tại bệnh viện – căn nhà thứ hai của hai mẹ con. Những chiếc ghế bên ngoài hành lang trở thành chiếc giường của chị Vân mỗi khi đêm đến. Từ khi Thư nằm viện, chưa đêm nào chị có thể ngủ ngon giấc. Thỉnh thoảng, trong giấc ngủ, chị lại giật mình tỉnh rồi trằn trọc, lo lắng cho đứa con tội nghiệp của mình.
Khi được hỏi về những kỷ niệm của hai mẹ con trong thời gian điều trị bệnh, ánh mắt chị Vân không giấu nổi niềm hạnh phúc. Chị kể: “Nhiều khi ngồi nhìn con mà hai hàng nước mắt lại rơi, Thư thấy thế nên lúc nào cũng ôm chặt rồi nói yêu mẹ lắm. Những lúc đó mình lại càng thấy có thêm sức mạnh để chiến đấu cùng con”.
“Ông trời đã lấy của nó cái này thì sẽ bù cho nó cái kia” – chị Vân nói. Dù bệnh tật khiến em đau đớn nhưng Thư là một cô bé ngoan, rất thích hát và đọc thơ, lúc nào giọng em cũng líu lo khắp con căn phòng.
Tạm biệt hai mẹ con chị Vân, chúng tôi ra về nhưng văng vẳng bên tai là giọng hát của Thư: “Tạm biệt búp bê xinh xinh. Tạm biệt gấu Misa nhé…”.
Theo một số nghiên cứu tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 4.200 bệnh nhi dưới 19 tuổi mắc mới các thể ung thư, trong số đó có 2.000 ca ung thư máu, 900 ca u não, còn lại là u nguyên bào thần kinh, u thận, u xương, u phần mềm… Theo các bác sĩ, cơ thể trẻ cũng non nớt nên tế bào ung thư tăng sinh rất mạnh, diễn biến nhanh, nếu không phát hiện sớm thì bệnh sẽ tiến triển nhanh, không kịp điều trị.
Đồng thời, cơ thể trẻ non nớt nên “nhận” thuốc tốt hơn, tỷ lệ sống thêm ở trẻ cao hơn, lên đến 70% ở tất cả các bệnh ung thư. Do đó, việc phát hiện sớm, đưa con đến viện ở giai đoạn sớm quyết định cao đến sự khỏi bệnh của trẻ.
Theo Danviet
Đìu hiu trạm y tế xã, quá tải bệnh viện tuyến trên
Trong khi những bệnh viện tuyến tỉnh luôn trong tình cảnh quá tải thì nhiều trạm y tế xã ở các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL luôn thưa thớt, vắng vẻ.
Trong khi những bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương luôn trong tình cảnh quá tải, đông đúc, một giường bệnh có khi phải nằm ghép 2 bệnh nhân, ngoài hành lang, người thân bệnh nhân nằm, ngồi chật kín thì nhiều trạm y tế xã ở các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL luôn trong tình cảnh thưa thớt, vắng vẻ.
Trạm Y tế cơ sở bị hạn chế chức năng do thiếu bác sĩ và các trang thiết bị.
Nỗi sợ hãi của bệnh nhân
Gia đình bà Phan Thị May, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau nhiều năm qua chỉ quen với việc làm lúa, trồng màu. Mới ngoài bốn mươi nhưng xương khớp bà May đã đau nhức mỗi khi trái gió, trở trời.
Vài năm trở lại đây, tình hình trở nặng khi tay chân bà có dấu hiệu sưng phù. Rút kinh nghiệm của những lần khám tại Trạm y tế xã chỉ được vài viên thuốc, mang tính "trấn an tâm lý". Hai năm nay bà May đăng ký BHYT và khám chữa bệnh thẳng trên Bệnh viện TP. Cà Mau nhưng vẫn thất vọng: "Khám thì khám, nhưng điều trị cũng chỉ thấy bớt bớt, rồi về nhà lại đau lại như cũ, đâu lại vào đấy. Tôi xin chuyển sang bệnh viện tỉnh Cà Mau cũng không cho, mà chuyển đi lên bệnh viện trên Sài Gòn cũng không được. Cứ giữ ở đấy mà uống thuốc hoài không hết".
Sau thời gian dài điều trị tại đây không thuyên giảm, người phụ nữ chưa một lần biết đến TP.Hồ Chí Minh nghe lời những người bạn có "kinh nghiệm" mò mẫm lên Bệnh viện Chợ Rẫy tìm căn nguyên bệnh tình của mình. "Mỗi một lần đi lên Sài Gòn đi một chuyến đầu, mà khám bệnh cũng phải hết 5 -7 triệu. Còn nếu đi tái khám, lúc nào cũng phải có 3 - 4 triệu"- bà May chia sẻ.
Cũng trong hoàn cảnh như vậy, trường hợp của bệnh nhân Bùi Văn Hải, 74 tuổi, quê ở ấp Tường Thịnh, xã Thới Hòa, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long đã nhiều lần đến trạm y tế xã khám nhưng không thuyên giảm. Ông đã cố gắng vượt chặng đường xa đến bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ điều trị do bị cụp xương sống và viêm thần kinh liên sườn.
Ông Bùi Văn Hải kể điều trị ở tuyến dưới không hết, cũng chỉ uống thuốc giảm đau nhức nên bệnh cứ tái đi tái lại nhiều lần. Do vậy, người nhà quyết định chuyển lên bệnh viện đa khoa thành phố để các bác sĩ điều trị. Đến nay, cũng đã hồi phục dần.
Tâm sự của những bệnh nhân chịu vất vả để khám ở bệnh viện tuyến trên cho thấy, chất lượng điều trị tại các trạm y tế cơ sở chưa đảm bảo; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế chưa được đầu tư đồng bộ và xuống cấp trầm trọng.
Đìu hiu trạm y tế xã
Trạm y tế xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre vừa được đầu tư gần 3 tỷ đồng để xây dựng trên diện tích hơn 1.000 mét vuông mặt tiền đường tỉnh lộ rất hoành tráng. Tuy nhiên, trạm y tế này chưa có bác sĩ, chưa được trang bị các thiết bị cần thiết như máy đo điện tim. Mỗi ngày, trạm y tế này chỉ khám trị bệnh chưa đến 20 bệnh nhân.
Y sĩ Võ Thị Loan, Phó trưởng trạm y tế xã An Khánh chia sẻ: "Cái khó khăn của chúng tôi là thiếu bác sĩ. Bác sĩ là quan trọng nhất, vì tuyến dưới rất đông. Tuyến xã người dân gần gũi rất cần có một bác sĩ để phục vụ cho người dân. Cần có máy móc thiết bị nhưng cũng phải cần con người để sử dụng. Thứ hai là cần một cán bộ y học cổ truyền để điều trị Đông- Tây y kết hợp. Một số người dân không đi được nằm liệt một chỗ nên người ta cần cán bộ y học cổ truyền đến nơi châm cứu, trị vật lý trị liệu cho người ta".
Tại Đồng Tháp, số liệu của Sở Y tế địa phương thống kê đến nay tất cả xã, phường thị trấn đều có trạm y tế đạt chuẩn. Việc đầu tư trang thiết bị y tế để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến cơ sở trong thời gian qua cũng có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn còn tình trạng thiếu cán bộ y tế có chuyên môn dẫn đến việc đầu tư trang thiết bị chưa thật sự phát huy hiệu quả. Trạm y tế xã An Nhơn, huyện Châu Thành được xây dựng mới năm 2010, trong gói mua sắm trang thiết bị, Trạm đã được trang bị 1 máy đo điện tim và 1 máy xét nghiệm nước tiểu. Thế nhưng chỉ sử dụng được khoảng 1 năm thì bác sĩ về hưu. Thế là trong thời gian dài, 2 thiết bị này phải phải nằm chờ bác sĩ.
Y sĩ Nguyễn Hòa Hiệp, Trưởng Trạm y tế xã An Nhơn nói: "Nhân lực thì được BGĐ Trung tâm bổ sung về cho mình được 1 bác sĩ, tuy nhiên BS mới ra trường trong khoảng thời gian công tác cũng chưa qua đào tạo tập huấn qua lớp điện tim nên cũng chưa đưa vào sử dụng được".
Tình trạng bệnh nhân và người nhà nằm, ngồi la liệt ngoài hành lang trước các phòng bệnh.
Từ thực tế này cho thấy, theo các chỉ tiêu tại Quyết định số 122 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đến năm 2020, mỗi địa phương trong cả nước phải có 9 bác sĩ và 2,2 dược sĩ/vạn dân. Tuy nhiên, so với các chỉ tiêu của Quyết định 122 và tỷ lệ bình quân cả nước đạt được thì khu vực ĐBSCL vẫn còn ở mức thấp.
Theo số liệu của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, năm 2016, ĐBSCL mới đạt 6,8 bác sĩ và 1 dược sĩ /vạn dân, trong khi tỷ lệ bình quân cả nước là 8,6 bác sĩ và 1,9 dược sĩ/vạn dân. Cùng với đó, khảo sát gần đây của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cũng cho thấy, hiện bác sĩ và dược sĩ trình độ đại học tại khu vực này đang thiếu hụt trầm trọng. Trong năm 2017 này, tất cả địa phương ở khu vực ĐBSCL đều không đạt tỷ lệ 2 dược sĩ /vạn dân, trong đó thấp nhất là các tỉnh: Long An (0,66 dược sĩ/vạn dân), Tiền Giang (0,83 dược sĩ/vạn dân), An Giang (1,03 dược sĩ/vạn dân). Từ đó, thực trạng ở các tuyến y tế xã chưa thu hút nguồn nhân lực phục vụ cho công tác khám chữa bệnh vẫn còn là một tồn tại.
Một số nghiên cứu về thực trạng cung ứng dịch vụ của trạm y tế xã ở một số vùng, miền và yếu tố ảnh hưởng đã chỉ ra nhiều vấn đề của y tế tuyến xã hiện nay. Cán bộ y tế ở các trạm y tế xã không chỉ thiếu về số lượng mà còn yếu về chuyên môn, chưa tạo được sự tin tưởng cao cho người bệnh. Ở Tiền Giang, có 162/173 trạm, y tế có bác sĩ, đạt tỷ lệ hơn 93%. Tổng số giường bệnh tại các trạm y tế xã là 845 giường. Đặc biệt 100% trạm y tế có y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh. Tuy cơ sở vật chất, đội ngũ y bác sĩ ở trạm y tế cơ sở từng bước được nâng lên nhưng số bệnh nhân đến điều trị tại tuyến cơ sở này vẫn chưa cao.
Ở Trạm y tế phường 1, thành phố Mỹ Tho, mỗi tháng chỉ có khoảng 20 bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Có ngày, trạm y tế này không có bệnh nhân nào. Do đó, cán bộ nhân viên trạm y tế chỉ tập trung làm công tác phòng dịch, tiêm chủng cho trẻ em theo các Chương trình y tế Quốc gia. Về việc trạm y tế vắng bệnh nhân, y sĩ Cao Văn Hải, Trưởng Trạm Y tế phường 1 lý giải: "Đặc điểm tình hình của trạm y tế phường 1 là gần các bệnh viện lớn. Diện khám bảo hiểm y tế người dân đa số không khám ở đây. Bây giờ thông tuyến rồi, họ lên trên không cần chuyển viện nên ở trên quá tải. Bây giờ không gọi là vượt tuyến mà bảo hiểm y tế thông tuyến, khám ở đâu cũng được, dân xã này khám xã kia cũng được. Nên người ta đi lên tuyến trên nhiều hơn".
Trong khi nhiều trạm y tế xã có chung thực trạng đìu hiu thì ngược lại, bệnh viện tuyến trên luôn phải gồng mình vì quá tải. Tại Khoa Thần kinh - Cơ xương khớp, bệnh viện Đa khoa Thành phố Cần Thơ, trung bình mỗi ngày tiếp nhận và điều trị hơn 73 lượt bệnh nhân. Bộ phận phụ trách điều dưỡng Khoa này cho biết: Tình trạng quá tải không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tốn kém chi phí đi lại, ăn ở của bệnh nhân mà còn gây khó khăn trong việc chăm sóc bệnh nhân do phải bố trí thêm giường bệnh; khoảng cách đường đi lại hẹp, khó di chuyển bệnh nhân, nhất trong các trường hợp cấp cứu bệnh nặng.
Cơ chế nào để tăng năng lực trạm y tế cơ sở?
Theo bác sĩ chuyên khoa II Võ Hồng Sở - Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ, hiện nay nguyên nhân gây quá tải ở các tuyến trên là do các bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt là tuyến quận, huyện và các tuyến phường, xã không phát triển các kỹ thuật mới để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tại phương. Trong khi nhu cầu của người bệnh cần được chăm sóc về y tế ngày càng cao:
"Bây giờ, các bệnh viện tuyến quận, huyện gặp bệnh nhân bị bệnh viêm ruột thừa mà mổ mở thì bệnh nhân không đồng ý mà yêu cầu phải mổ nội soi. Nhưng nếu mổ nội soi thì ít nhất phải có máy phẫu thuật nội so, phải có đủ nhân lực, ê kíp để đi đào tạo về mới triển khai được. Từ những nguyên nhân này, dẫn đến bệnh nhân có tâm lý và có xu thế phải chuyển lên các bệnh viện tuyến thành phố hoặc tuyến trung ương để điều trị. Mặc dù có những bệnh có thể ở dưới cơ sở phát triển, tự nhận để điều trị ở tuyến cơ sở được", ông Sở cho biết.
Ông Huỳnh Quốc Việt, Giám đốc Sở Y tế Cà Mau cho biết: Cà Mau có 101 trạm y tế. Trong đó có 7 phòng khám đa khoa khu vực, 84 trạm y tế xã, còn lại là các trạm thuộc phường, thị trấn. Hiện nay, tất cả các trạm trên địa bàn tỉnh đã đạt chuẩn Quốc gia. Tuy nhiên, từ sự hoàn thiện tương đối này mà trong vấn đề khám chữa bệnh BHYT địa phương đang thấy những hạn chế.
"Danh mục kỹ thuật khám chữa bệnh" do Bộ Y tế ban hành chung cho cả nước chưa sát với từng địa phương, làm chức năng của trạm y tế xã bị bó hẹp. Nhiều trạm y tế trang thiết bị được trang bị đầy đủ, có cả bác sỹ chuyên khoa I, II nhưng áp vào danh mục khám chữa bệnh, chức năng của trạm chỉ tới đó, cơ số thuốc chỉ được bấy nhiêu nên người bệnh phải chuyển lên tuyến trên. Thực tế này làm tốn thời gian, công sức, tiền bạc của người dân và còn làm tăng áp lực cho các bệnh viện tuyến trên. Từ vấn đề bất cập này, ông Việt cho rằng, việc ban hành Danh mục kỹ thuật khám chữa bệnh của các trạm y tế xã nên giao cho Sở y tế các tỉnh thực hiện.
"Đừng có bình quân trạm y tế thì cơ số thuốc như thế này, rồi danh mục bệnh như thế này. Nó bó lại lắm. Phải mở ra, phải xác định trạm y tế đó có bác sỹ chuyên khoa I thì phải được khám tương đương. Danh mục kỹ thuật nên phân tuyến cho sở làm. Xã thì sở làm, còn riêng bệnh viện những cái sâu thì bộ làm. Sở làm thì sở chịu trách nhiệm, anh này được cái gì, cho anh bao nhiêu danh mục. Nó là phù hợp thực tiễn. Nếu cho cơ số thuốc về đó nhiều hơn, cho danh mục thuốc được điều trị nhiều hơn và đồng thời quản lý chặt chẽ hơn thì coi như trạm y tế là nơi giải quyết rất ngoạn mục", ông Việt nói.
Những khó khăn về nhân lực, tài chính, trang thiết bị của trạm y tế tuyến xã đã tồn tại từ rất lâu, là lực cản không nhỏ đến việc hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Từ đó dẫn đến nhiều vấn đề như tình trạng người dân thiếu niềm tin vào chất lượng điều trị khiến cho y tế tuyến trên bị quá tải. Trong khi đó, một thực tế cho thấy khả năng tiếp cận dịch vụ tại các cơ sở y tế nói chung và trạm y tế nói riêng của người dân chủ yếu liên quan đến các yếu tố về địa lý, văn hóa, kinh tế, xã hội. Quyết định của người dân làm gì, đến đâu khi bị bệnh phụ thuộc khá nhiều vào chất lượng dịch vụ y tế, giá thành, mức thu nhập, loại bệnh và mức độ bệnh cũng như khoảng cách từ nhà đến cơ sở y tế.
(Theo VOV)
Hủy án tử hình "giết mẹ" ở Bắc Giang, làm rõ tình tiết đáng ngờ Quá trình điều tra xét xử vụ án còn nhiều thiếu sót, mâu thuẫn trong việc đánh giá chứng cứ kết tội với Vi Văn Phượng. Ngày 4.4.2013, TAND tỉnh Bắc Giang tuyên án tử hình Vi Văn Phượng (48 tuổi, ở Bắc Giang) vì tội Giết người. Nạn nhân là bà Nguyễn Thị Vui (90 tuổi), mẹ bị cáo. Theo nội dung...