Những người mê chim trời
Bởi niềm đam mê, sự yêu thích các loài chim trời mà họ đã bỏ tiền, công lao động nhiều năm trời để gây dựng, phát triển nên những khu vườn nuôi chim, cò, vạc…
Nhờ có những người như anh Thanh, ông Tư Tỷ mà đàn cò có môi trường lý tưởng để trú ngụ.
Chiều chủ nhật, chúng tôi đến tham quan vườn cò của anh Nguyễn Văn Thanh (sinh năm 1972), ở ấp số 8, xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất (Kiên Giang). Khu vườn rộng hơn 22 ha, được anh Thanh trồng tràm tạo môi trường tự nhiên cho loài cò, vạc và một số loài chim trời sinh sống. Anh cho biết, vườn cò không tạo ra lợi nhuận về kinh tế, nhưng giúp anh thỏa mãn niềm đam mê, yêu thích đối với các loài chim. Cứ chiều về, anh thầm đứng trên tầm cao trong buổi hoàng hôn nhìn từng đàn cò bay về tổ, từng đàn vạc từ tổ bay đi ăn đêm. Ở cái tuổi chưa được gọi là già, việc làm của anh cốt chỉ thể hiện tình yêu đối với thiên nhiên, chim muông và anh đã vất vả gây dựng nên vườn sinh cảnh này cách đây ngót nghét 10 năm trời.
Anh bảo, lúc bắt tay vào làm khu vườn chỉ mới 40 tuổi. Anh đã tiêu tốn nhiều công sức, tiền của từ trồng tràm, đến thuần dưỡng cò giống và một số loài chim và còn phải chau chuốt, tỉa tót sao cho khu vườn vừa đẹp mắt vừa gần gũi với thiên nhiên. Nhưng để giữ cho vườn luôn là môi trường trú ngụ yên lành cho các loài chim, điều quan trọng hơn là phải giữ được không gian yên bình, không ồn ào, náo nhiệt.
“Tôi thường phải tâm sự với người dân trong khu vực, để họ hiểu được việc làm của mình – cốt là để tạo ra một môi trường sinh thái. Nhiều lần người dân vào săn bắt cò, tôi phải mua lại, rồi phân tích, giải thích để họ hiểu, lâu ngày dài tháng, mưa dầm thấm lâu, riết người dân cũng ủng hộ” – anh Thanh chia sẻ.
Anh Thanh chỉ về nơi đàn cò đang ăn.
Lâu ngày gắn bó với các loài chim trời, nên anh Thanh rất am hiểu đặc tính, tập quán của từng loài chim. Chỉ tay về phía một đàn cò đang bay về tổ, anh nói: “Hôm nay, cò bay về tổ sớm hơn thường lệ, báo hiệu trời sắp có cơn mưa”. Rồi anh giải thích về đặc tính của loài cò chung quanh việc tránh trú mưa. Lúc sau, một cơn mưa nhỏ đổ xuống giữa mùa hạn, giúp giải nhiệt, giải tỏa nguy cơ cháy luôn rình rập từ bao tháng qua.
Còn với ông Tư Tỷ, ngụ ấp Khánh Hòa, xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành (Kiên Giang) thì đã có hơn 30 năm gây dựng và gắn bó với vườn cò. Ông Tư Tỷ tên thật là Châu Văn Tỷ, năm nay đã 69 tuổi, nhưng tình yêu của ông đối với loài chim trời vẫn còn mãnh liệt. Nói như ông là, chơi không biết chán, khi xa đàn cò nhớ như nhớ người yêu. “Tôi nhớ tiếng cò kêu lúc chúng đi ăn, lúc trở về tổ khi ráng chiều nhuộm. Ngắm nhìn cò thật đã con mắt, nghe tiếng cò kêu thật sướng cái lỗ tai” – ông Tư Tỷ nói.
Video đang HOT
Ông Tư Tỷ kể, xa đàn cò chỉ vài ngày là nhớ không chịu được. Có lần gia đình sang Cà Mau dự đám cưới của đứa cháu, dự định đi ba ngày, nhưng mới được hơn ngày ông Tư đã “tách bầy” thuê xe ôm về nhà để được nhìn ngắm và nghe tiếng cò kêu. “Nói vậy, chứ đi xa tôi sợ không ai trông coi, người ta vào vườn săn bắt cò”.
Ông Tư Tỷ với loài cò đã gắn bó hơn 30 năm.
Ông Tư yêu và gắn bó với đàn cò đến độ cách đây 10 năm, ông cất hẳn căn chòi lá trong vườn để sống cùng với đàn cò, mặc cho sự can ngăn của bà Tư và những người con của ông. Ông bảo, tui yêu cò chứ có làm gì trái quấy đâu mà ngăn cản. Đặc tính của cò là cư trú trong không gian yên tĩnh. Có tiếng động thường xuyên, hay không gian ồn ào là đàn cò không về trú ngụ, sinh sản nữa. Vì vậy, tôi phải ngăn cản những người có ý định vào vườn săn bắn, giữ gìn không gian tốt nhất cho chúng.
Theo ông Tư Tỷ, để giữ, dẫn dụ được loài “chim trời” này về vườn, chủ vườn phải giữ được một môi trường sinh thái gần gũi hòa quyện với tự nhiên. Nghĩa là phải tái tạo được một quần thể cây tràm, bạch đàn hay cây bình bát, bên trong phải có một khu đầm lầy, ngập nước quanh năm, hạn chế có lối mòn hay có người thường xuyên đi lại trong vườn. Do đất đai hạn hẹp, vườn cò của ông Tư chỉ có 8 ha, nhưng nhìn vào như là một khu rừng nguyên sinh, không có người qua lại, chỉ có các loài cò, vạc, giang sen và nhiều loài chim khác.
Việc làm của ông Tư Tỷ hay của anh Thanh không phải ai cũng hiểu và chia sẻ. Có người còn nghĩ, đúng là làm việc vô ích. Còn người hiểu chuyện thì xuýt xoa khen ngợi. Bởi nhờ những con người “vô công rỗi nghề” như anh Thanh, ông Tư Tỷ mà đất nước có thêm nhiều cây xanh, nhiều cánh vườn, khu rừng… làm nơi trú ngụ cho chim muông và giúp nhiều loài thực, động vật phát triển, tạo nên một môi trường thân thiện, giúp ích cho cuộc sống của chúng ta.
Bài và ảnh: ĐỨC BÌNH
Kiên Giang: Kiếm tiền tỷ nhờ trồng lúa tiêu chuẩn toàn cầu-GlobalGAP
Nhắc đến ông Nguyễn Thanh Hồng, nhiều người dân ấp Tràm Dưỡng, xã Mỹ Phước (Hòn Đất, Kiêng Giang) rất nể phục. Bởi ông Hồng thu lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ sở hữu nhiều máy nông nghiệp và trồng lúa theo tiêu chuẩn toàn cầu-GlobalGAP, có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới.
Mê máy móc từ nhỏ
Tìm đến nhà ông Hồng trong giai đoạn địa phương thu hoạch lúa. Còn trong xưởng của gia đình ông, hàng chục chiếc máy cắt đang được ông và công nhân kiểm tra, sửa chữa trước khi ra đồng.
Vừa chỉ huy công nhân ông Hồng vừa liên tục nhận điện thoại đặt lịch thu hoạch lúa. Bận bịu đến tận giữa trưa, ông Hồng cười nói: "Sáng giờ chỉ mới có ly cà phê trong bụng, vô vụ là vậy đó. Làm ăn với nông dân là phải hứa thật, làm thật, hẹn ngày nào là đúng ngày đó thì bà con mới ủng hộ mình hoài".
Ông Hồng có niềm đam mê với máy móc từ nhỏ. Ảnh: NQ.
Nhờ lấy chữ tín làm đầu nên ông Hồng được khách hàng tin tưởng. Những năm giá lúa thấp, ông giảm giá công cắt để chia sẻ cùng nông dân. Với 15 máy cắt, ông Hồng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thu hoạch lúa của người dân địa phương mỗi khi vào vụ. Riêng khoản dịch vụ thu hoạch lúa và cày đất, ông Hồng lãi từ 600-700 triệu đồng/năm.
Ông Hồng chia sẻ: "Tôi mê máy móc từ nhỏ, nên quyết tâm học hành bài bản. Nhờ kiến thức đã học giúp tôi có nền tảng vững chắc để quản lý và sử dụng hiệu quả 15 máy cắt đập liên hợp, 8 máy cày của gia đình".
Gia đình có truyền thống cách mạng, 16 tuổi ông được học tập tại Trường Thiếu sinh quân. 4 năm học tập, rèn luyện, ông được học thêm sửa chữa cơ khí. Sau khi xuất ngũ, ông về lại quê nhà. Năm 1994, ông đăng ký học lớp cơ khí tại Trung tâm Cơ khí quận 5 (TP.HCM) để cập nhật kiến thức mới về máy móc.
"Tôi nghĩ, muốn làm việc gì phải hiểu rõ mới dám đầu tư. Nhờ hiểu máy móc nên trước giờ, dù máy có nằm đồng tôi đều xử lý dễ dàng mà không cần thuê thợ" - ông Hồng cho hay.
Trồng lúa sạch tiêu chuẩn toàn cầu để xuất khẩu
Năm 2007, ông là người đầu tiên ở địa phương sở hữu máy cắt đập liên hợp trị giá 175 triệu đồng. Cố gắng làm lụng để con cái được học hành đàng hoàng, dần dần vợ chồng ông mua thêm 5ha đất ruộng, nâng tổng số đất gia đình sở hữu hiện nay lên 7ha.
Từ ngày anh Nguyễn Thanh Hà, con trai ông quyết định thôi việc tại một công ty với mức thu nhập khá cao về phụ giúp gia đình làm ruộng, cũng là bước ngoặt giúp ông hiện thực hóa giấc mơ làm gạo sạch xuất khẩu.
Từ những kiến thức tích lũy khi học tại Trường Đại học Nông lâm TP.HCM, anh Hà cùng cha chuyển đổi 2,5ha ruộng sản xuất theo quy trình sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế SRP (Sustainable Rice Platform).
Toàn bộ gạo được bán lẻ theo đơn đặt hàng của các đại lý, vựa gạo và người dân trong huyện. Còn lại 5ha, ông liên kết sản xuất theo chuỗi với doanh nghiệp sản xuất lúa theo chuẩn GlobalGAP để xuất khẩu.
Ông Hồng đang bảo trì máy cắt đập liên hợp chuẩn bị ra đồng. Ảnh: NQ.
Anh Hà nói: "So cách làm truyền thống, năng suất sản xuất lúa theo chuẩn GlobalGAP vẫn đạt 7 tấn/ha, nhưng giảm 40-50% chi phí, sức khỏe và môi trường nông thôn an toàn hơn. Trừ chi phí, bình quân gia đình lãi 25 triệu đồng/ha/vụ".
"Tôi chỉ trăn trở một điều là bà con mình đa phần vẫn chưa thích ứng được với xu hướng sản xuất nông nghiệp. Nhà nước cần có quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp để vận động người dân chuyển đổi sản xuất theo quy trình canh tác lúa gạo bền vững, bởi đó là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp trong tương lai" - ông Hồng bộc bạch.
Trong 70 lao động có nhiều người gắn bó với ông Hồng gần chục năm, có người tuổi cao vẫn tiếp tục cộng tác cùng ông, được ông tạo điều kiện bố trí làm việc nhẹ để có thu nhập.
Anh Danh Hạnh (ngụ ấp Tà Keo, xã Phi Thông, TP. Rạch Giá), chia sẻ: "Mỗi năm Tết đến, ông Hồng lại cho gia đình tôi gạo, vợ ông thì tìm mua cho sắp nhỏ mấy bộ quần áo. Khi gia đình tôi sửa nhà, hoặc có người bệnh đột ngột, vợ chồng ông luôn sẵn lòng giúp đỡ".
Theo bà Đồng Thị Thu - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Phước, không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Hồng còn tích cực tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới do địa phương phát động như ủng hộ kinh phí làm cầu, đường giao thông nông thôn, xây nhà đại đoàn kết, giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học... với mức đóng góp mỗi năm hàng chục triệu đồng.
Ngọc Quyên - Chúc Ly
Không để người dân thiếu nước ngọt! 5 tỉnh khu vực ĐBSCL đã phải công bố tình huống khẩn cấp về xâm nhập mặn Chiều 8-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến tỉnh Bến Tre chỉ đạo công tác chống hạn, mặn đối với các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL. Công bố tình huống khẩn cấp Thủ tướng cho biết dự báo năm nay tình hình diễn biến...