Những người lính đi… bóc đá, tìm than
Chúng tôi có mặt ở khai trường của Tổng Công ty than Đông Bắc thuộc Bộ Quốc phòng (tại Hạ Long, Quảng Ninh) những ngày mà tình trạng thiếu than cho các nhà máy nhiệt điện trong nước đang là câu chuyện “ nóng”.
Mặc dù, việc “lật đá – tìm than” ở những khai trường của lính đôi khi là chuyện sống còn, song, người đứng đầu Tổng Công ty than Đông Bắc vẫn khẳng định: “Sẽ không để xảy ra việc thiếu than!”.
Lời cam kết của người lính
Mặc dù cuối năm, phải điều hành Tổng Công ty với hàng chục đầu mối và hàng nghìn con người, công việc rất bận rộn nhưng Đại tá Phương Kim Minh – Tổng Giám đốc Công ty than Đông Bắc vẫn tiếp chúng tôi trong buổi gặp thân tình. Ông chia sẻ: “Nước ta chỉ có 2 đơn vị được khai thác và kinh doanh than chính, đó là Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Than Đông Bắc thuộc Bộ Quốc phòng”. Là người đi lên từ một anh thợ mỏ, rồi đến giám đốc mỏ nay là Tổng Giám đốc nên ông Minh “hiểu” Đông Bắc hơn cả… nhà mình.
Thi công khai thác than tại khai trường Nam Khe Hùm. Ảnh: G.T
“Làm mỏ lộ thiên thì sợ trời mưa bão nhất, bãi đổ thải có thể sụt trượt mà vỉa khai thác thì nước ngập đầy. Có những năm đơn vị phải bơm nước 3 tháng dòng mới tìm được thấy than của mình bị ngập”.Đại úy Nguyễn Văn Quảng
So với ngành than, Tổng Công ty than Đông Bắc thuộc hàng sinh sau đẻ muộn. Được thành lập từ năm 2004, Đông Bắc chỉ “được” nhận những khai trường cũ hoặc quá phức tạp. Sau cơn bão vàng đen năm 2008, cứ ở đâu có tranh chấp, xích mích với “dân xã hội”, ở đâu mỏ than bị làm ẩu, làm bừa thì Đông Bắc mới được vào tiếp quản.
Đại tá Minh chia sẻ: “Bằng sự nghiêm khắc trong kỷ luật, phương thức quản trị chặt chẽ và không ngại khó khăn, gian khổ, những người lính làm than đôi khi phải chấp nhận cả những hi sinh trên khai trường. Kết quả, năm nào chúng tôi cũng hoàn thành nhiệm vụ mà Bộ Quốc phòng giao cho. Nộp thuế đầy đủ với Nhà nước, đảm bảo mức thu nhập khá và đời sống ổn định cho anh em”.
Video đang HOT
Câu chuyện của Đại tá Minh luôn bị ngắt quãng bởi các cuộc điện thoại đặt hàng mua than. Ai gọi tới Đại tá Minh cũng chỉ cười và hẹn sẽ đưa vào kế hoạch để sản xuất chứ thực sự để có than bán không phải là dễ. Phân trần với chúng tôi, Đại tá Minh nói: “Nếu ai không hiểu sẽ nghĩ rằng, chúng tôi khó khăn trong khâu tiêu thụ than với họ. Nhưng thực sự, khi bắt tay vào sản xuất mới hiểu được cái khó của chúng tôi”.
Để ra được một tấn than thành phẩm, mọi thứ đều phải đưa vào kế hoạch. Than phải có nguồn gốc, như giấy khai sinh của con người. Đơn vị phải nghiên cứu xây dựng mỏ, có những mỏ từ khâu thiết kế, xây dựng đến cho ra được sản phẩm phải mất từ 2 đến 3 năm. “Để có được 1 tấn than phải bóc đi hàng chục tấn đất đá, không ai đong đếm được mồ hôi và nước mắt của những người lính phải đổ ra ở khai trường” – Đại tá Minh chia sẻ.
Đại tá Minh nói thêm: “Trong các cuộc họp, chúng tôi nói sẽ sản xuất đúng đủ, có thể là vượt kế hoạch mà Nhà nước yêu cầu. Vì danh dự và bản lĩnh của những người lính, chúng tôi luôn coi hoàn thành nhiệm vụ là một lời cam kết trong mọi hoàn cảnh. Còn để thực mục sở thị để các bạn biết, Đông Bắc chúng tôi sản xuất trong điều kiện khắc nghiệt như thế nào? Mời các bạn xuống thăm những khai trường mà chúng tôi đang sản xuất”.
Bóc đá tìm… than
Đại úy Nguyễn Văn Quảng (phải) đang trao đổi với phóng viên. Ảnh: P.V
Đại tá Đỗ Mạnh Giáp – Chủ nhiệm chính trị đơn vị, đã đưa chúng tôi xuống khai trường Nam Khe Hùm – một trong nơi mà những người lính mỏ phải khai thác trong điều kiện vất vả, khắc nghiệt nhất.
Mặc dù được Chủ nhiệm chính trị “bảo lãnh” nhưng khi xuống khai trường, chúng tôi vẫn phải trải qua nhiều thủ tục bắt buộc để đảm bảo an toàn. Đại úy Nguyễn Văn Quảng (sinh năm 1984), Quản đốc đích thân chở chúng tôi trên chiếc xe 2 cầu vào trong khu mỏ. Trên đường đi, thi thoảng, xe của chúng tôi lại phải tránh những xe tải to như những trái núi ngược đường ì ạch cõng đá ra đổ ở bãi thải.
Đến miệng của vỉa khai thác, chúng tôi chọn một điểm cao dễ quan sát và tránh không làm cản trở đường di chuyển của xe tải đang tích cực làm việc. Đại úy Quảng nói: “Để ra được 1 tấn than ở đây, thực tế chúng tôi đang phải bốc đất đá với tỉ lệ 1/19,2. Có nghĩa là bốc đi 19,2 tấn đất đá mới có 1 tấn than. Trong khi đó, ở các khai trường khác tỉ lệ 1/14 là họ đã không làm rồi. Chúng tôi phải tính toán tăng chuyến xe chở đất đá, chi tiết tiêu hao bao nhiêu lít dầu, mòn lốp như thế nào? Hiện tại, đơn vị đang duy trì 3 dây truyền sản xuất liên tục, với 4 kíp, làm việc 24/24 giờ để kịp hoàn thành kế hoạch”.
Là người gắn bó nhiều năm ở khai trường lộ thiên Nam Khe Hùm, Đại úy Quảng kể một cách tỉ mỉ: “Trước kia, nơi này vốn là khai trường của Công ty Than Núi Béo. Họ đã tổ chức khai thác bằng hầm lò nên thỉnh thoảng chúng tôi vẫn móc lên được kèo lò bằng sắt và cột chống lò bằng gỗ. Sau đó, Núi Béo bán cho nhiều đơn vị tư nhân khác thì xảy ra tình trạng vô cùng phức tạp, rồi cuối cùng Đông Bắc vào làm và khai thác lộ thiên”.
Hiện nay, đơn vị đang đào mỏ ở mức cốt âm 50m, có nghĩa là năm vừa qua để có được 500.000 tấn than, những cỗ máy của khai trường Khe Sim do anh Quảng chỉ huy đã bốc dỡ, gánh đi 10 triệu tấn đất đá. Với tỉ lệ như này, chỉ có những người lính Đông Bắc mới dám làm, các đơn vị khác họ đều… bỏ của chạy lấy người.
Nghe Đại úy Quảng tâm sự, chúng tôi mới hiểu được sự vất vả của người lính bám khai trường là thế nào! “Nhà tôi cách khai trường chưa đến 10km nhưng đã hơn một tháng nay tôi chưa về nhà. Con thì phó thác cho vợ chăm sóc. Hiện tại đang là mùa khô nên chúng tôi phải tranh thủ từng giây từng phút để sản xuất. Chứ khai thác lộ thiên thế này, chỉ cần có vài hạt mưa, xe chạy khó khăn thì đốt dầu, ăn lốp kinh lắm. Nếu chỉ huy không bám sát ở khai trường để đưa ra những lệnh sản xuất kịp thời là hoạch toán biết lỗ ngay trong ngày”, Quảng nói.
Với những vất vả mà người lính Đông Bắc đang ngày đêm phải vượt qua trên khai trường, họ đã đạt được kết quả thu nhập từ 10 đến 14 triệu đồng/người/tháng. Tất cả những công nhân viên ở đây đều có một cuộc sống ổn định và trong họ ai cũng có một niềm tự hào, sẵn sàng chấp nhận gian khổ để khai những dòng than cho Tổ quốc.
Theo Danviet
Nụ hôn vĩnh biệt của người vợ trước khi hiến tạng chồng
Cầm tay chồng thật lâu trước lúc các bác sĩ đưa anh sang phòng mổ lấy tạng, chị nghẹn ngào rồi cúi người hôn lên môi chồng.
Người đàn ông nằm trên giường bệnh, trên đầu là máy sinh hiệu đang đo nhịp tim. Đường tim vẫn đang chạy hình sin. Thực chất anh đã chết não. Và người vợ cùng gia đình đã quyết định hiến tạng của anh để cứu nhiều bệnh nhân khác.
12/12 trở thành ngày không thể nào quên của chị cùng gia đình. Chị, không muốn nêu tên, tiễn biệt chồng để các bác sĩ đưa anh sang phòng mổ lấy tạng, tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Sau cái hôn vĩnh biệt của chị, anh được rút ống thở. Xung quanh hai vợ chồng, kíp y bác sĩ đứng cúi đầu một phút mặc niệm. Căn phòng tĩnh lặng, chỉ còn tiếng bíp bíp của máy móc, rồi sau đó hình sin duỗi dài thành đường thẳng.
Nụ hôn cuối cùng của người vợ từ biệt chồng trước khi thực hiện nguyện vọng hiến tạng cứu người của anh. Ảnh do bệnh viện cung cấp.
Anh trở thành người đầu tiên ở Việt Nam hiến một lúc đến 6 tạng. 500 y bác sĩ tham gia cùng lúc tiến hành 6 ca mổ trong đó có một ca mổ lấy tạng từ anh và 5 ca ghép tạng vào cơ thể bệnh nhân khác.
Trái tim, gan, hai phổi, hai thận của anh được ghép cho 5 người khác. Trong đó một thận được vận chuyển vào TP HCM ghép cho một em bé ở Bệnh viện Nhi đồng 2. Hai phổi của anh đang nằm trong lồng ngực một thiếu niên 17 tuổi, cũng là ca đầu tiên Bệnh viện Việt Đức ghép phổi từ người cho chết não.
Để có được các ca ghép tạng thành công này, người vợ đã phải trải qua những lúc tự đấu tranh mới đi đến quyết định hiến tạng của chồng. Khi còn sống, anh luôn mong muốn được hiến tạng sau khi chết nhưng chưa đăng ký để có thẻ hiến tạng. Vợ luôn phản đối ý nguyện này của chồng.
Đến khi anh bị tai biến mạch máu não, mổ ở Bệnh viện Bạch Mai và hôn mê sâu, những ngày chăm anh trên giường bệnh giúp chị đồng cảm hơn với các bệnh nhân. Cuối cùng chị thay đổi ý định.
Thông qua Hội chữ thập đỏ Ninh Bình, chị bày tỏ nguyện vọng hiến tạng của chồng và gọi điện đến Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia nhờ các bác sĩ hoàn thành tâm nguyện của anh.
Buổi họp báo ở Bệnh viện Việt Đức sáng 24/12 công bố 5 ca ghép tạng thành công từ tạng hiến của anh, không có mặt vợ người đã khuất. Tuy nhiên nghĩa cử của chị cũng như cả gia đình luôn được các bác sĩ lẫn bệnh nhân, thân nhân người ghép tạng nhắc đến tri ân.
Ông Bùi Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình, ghi nhận: "Bệnh nhân hiến tạng tình nguyện cho đi một phần cơ thể mình khi qua đời là điều nhân ái".
Từ TP HCM, em bé được ghép thận của anh đã có thể tự đi lại, nói cười, ăn uống trong khu vực cách ly ở Bệnh viện Nhi đồng 2. Mẹ của bé chia sẻ niềm tiếc nuối chưa được biết tên người đã hiến thận cho con mình và bày tỏ: "Anh ấy là người anh của gia đình tôi, gia đình anh ấy là gia đình thứ hai của con trai tôi".
Thúy Quỳnh
Theo VNE
Hơn 30ha đất rừng, đất nằm trong ranh giới quản lý tài nguyên bị "băm nát" như thế nào? Sau khi Dân trí có loạt bài về nghi vấn khai thác than trái phép núp bóng dự án xây dựng nghĩa trang nhân dân Đồng Khuôn (tại xã Quảng La, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh) gây bức xúc dư luận, phóng viên đã tiếp cận khu vực đất đai bị xẻ thịt, băm nát với diện tích lên tới 30ha nằm...