Những người con Gạc Ma trở về đất mẹ
Cụm tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma đã được đầu tư xây dựng trang trọng tại Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở tỉnh Khánh Hòa
Các đơn vị thi công phối hợp với hội đồng nghệ thuật đang khẩn trương hoàn thành những hạng mục cuối cùng để đưa Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở Khu Du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) khánh thành đúng ngày 14-3.
Hào quang người chiến sĩ
Sau gần 2 năm kể từ ngày đặt viên đá đầu tiên, Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã hoàn thành cơ bản giai đoạn 1. Trong đó, nổi bật là cụm tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” – tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma – được đặt ở vị trí trang trọng trong khuôn viên của khu tưởng niệm.
Video đang HOT
Tại buổi nghiệm thu và kiểm tra tiến độ thi công cụm tượng đài vào ngày 18-1, ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cùng các thành viên đoàn chủ tịch, hội đồng nghệ thuật rất xúc động khi đứng trước tượng đài uy nghi khắc họa hình ảnh những chiến sĩ dũng cảm hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) vào ngày 14-3-1988.
Cụm tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” do tác giả Lâm Quang Nới (TP HCM) và các cộng sự thực hiện miệt mài trong nhiều tháng qua. Về tổng thể, cụm tượng cao 12 m (chưa tính đế), bề ngang 12 m, có 9 nhân vật với nhiều sắc thái tượng trưng cho các chiến sĩ hải quân anh dũng bảo vệ biển đảo Tổ quốc. Phía trên cụm tượng là kiến trúc “vòng tròn bất tử”. Mỗi bình minh, đứng từ chân đồi nhìn lên, cụm tượng đài tỏa sáng như một vầng hào quang rực rỡ. Nhà điêu khắc Lâm Quang Nới cho biết chất liệu của tượng bằng đá granit rất phù hợp để tạo hình và hồn cho cụm tượng. Các nghệ nhân đã gửi gắm lòng trân trọng trong từng chi tiết để thể hiện được tinh thần của người chiến sĩ dũng cảm hy sinh vì đất nước.
Đoàn cán bộ lãnh đạo Tổng LĐLĐ trân trọng những kỷ vật của các chiến sĩ hy sinh ở Gạc Ma
Khi nói về cụm tượng đài, bà Đỗ Thị Hà, vợ liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh (hy sinh trên tàu HQ 604 khi bảo vệ đảo Gạc Ma), cho biết gần 30 năm qua, thân xác của chồng vẫn còn nằm lại Gạc Ma. Khi thấy cụm tượng hình thành, bà không kìm được cảm xúc. “Tôi có cảm giác mình được chạm vào phần mộ của chồng. Nghĩ thế, trong lòng vơi bớt nỗi buồn, nỗi nhớ mà mẹ con tôi đau đáu nhiều năm nay. Các anh em ngã xuống ở đảo xa coi như đã về với đất mẹ” – bà Hà bày tỏ.
Ông Bùi Văn Cường thay mặt đoàn công tác ghi nhận sự nỗ lực của các đơn vị thiết kế, thi công đã không quản mưa nắng hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Các công trình như cụm tượng, bậc thang, khuôn viên cây xanh đã cơ bản hoàn thành. Về mặt mỹ thuật và kỹ thuật đã được các đơn vị thi công tuân thủ nghiêm ngặt. Trong thời gian tới, các đơn vị tiếp tục hoàn thiện những phần mà hội đồng nghệ thuật đề nghị chỉnh sửa cũng như điều chỉnh cảnh quan để có thể sớm khánh thành công trình.
Tư liệu quý về chiến sĩ Gạc Ma
Tại lễ nghiệm thu, đại diện Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động đã bàn giao kỷ vật của 7 liệt sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma cho lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa quản lý. Các kỷ vật gồm: 1 bộ đồ hải quân, 1 chiếc áo sơ mi, 1 tấm huy chương, 1 chiếc ba lô, 2 lá thư… Đây là những kỷ vật cuối cùng của các liệt sĩ được chính bố mẹ, thân nhân tin tưởng và trân trọng giao lại cho Tổng LĐLĐ Việt Nam, Quỹ Tấm lòng vàng, LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa để làm tư liệu lịch sử trưng bày tại Khu Trưng bày kỷ vật chiến sĩ Gạc Ma (nằm trong Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma).
Ông Bùi Văn Cường thay mặt Tổng LĐLĐ Việt Nam kêu gọi thân nhân các gia đình, các cựu binh, bà con trong cả nước… hiến tặng các kỷ vật cho Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Khu tưởng niệm sẽ là nơi trân trọng lưu giữ những kỷ vật của những liệt sĩ đã ngã xuống vì hòa bình hôm nay.
Ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa, cho biết Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma là một sáng kiến của Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện để tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma vào ngày 14-3-1988. “Với nhiệm vụ được giao quản lý, vận hành Khu Tưởng niệm, chúng tôi hết sức xúc động khi tiếp nhận những kỷ vật đầu tiên mà các thân nhân liệt sĩ trao gửi. Những hiện vật này chúng tôi rất trân trọng và sẽ được bảo quản cẩn thận. Những tư liệu quý trên sẽ giúp người xem, thế hệ trẻ cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc về cuộc sống, tình yêu cũng như sự hy sinh của các anh hùng, chiến sĩ trên đảo Gạc Ma” – ông Hòa nói.
Dự kiến, Khu Trưng bày kỷ vật chiến sĩ Gạc Ma có diện tích hơn 900 m2 với kinh phí nghiên cứu, sưu tầm hiện vật khoảng 3,6 tỉ đồng. Hiện đơn vị thực hiện đang tiếp tục nghiên cứu phương án xây dựng để tạo được điểm nhấn cho khu tưởng niệm thể hiện sự linh thiêng, tạo xúc động, tưởng nhớ cho người dân và du khách khi tới tham quan, thắp hương nơi đây.
Khơi dậy lòng tự hào dân tộc
Theo ông Nguyễn Hòa, Khu Tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma giai đoạn 1 được xây dựng trên khuôn viên rộng 2,5 ha, gồm các hạng mục tượng đài, nhà trưng bày, hệ thống cây xanh, chiếu sáng… Khu tưởng niệm nằm trong Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh sẽ tạo thêm một điểm đến cho người lao động, đoàn viên, du khách trong và ngoài nước tham quan, thắp hương tri ân các chiến sĩ, đồng thời khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tấm gương quật cường bảo vệ biển đảo Tổ quốc.
(Theo Người Lao Động)