Những người biến ‘ước mơ đi dép’ của cậu bé Nghệ An thành sự thật
Sau chuyến đi từ thiện tại huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), nhóm từ thiện Phước Hạnh đã tìm cách đưa cậu bé Xeo Văn Xay về TP.HCM để giúp bé thực hiện ước mơ được đi dép.
Mới đây, cậu bé Xeo Văn Xay (9 tuổi, là người dân tộc Khơ Mú, trú tại bản Khe Linh, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) đã được trợ giúp để hiện thực hóa ước mơ được đi dép của mình.
Hành trình thực hiện ước mơ của em gian khó nhưng ngập tràn hạnh phúc với sự giúp đỡ của của Bộ đội Biên phòng Nghệ An và các mạnh thường quân tại TP.HCM.
Chị Đỗ Thị Nhung là đầu mối đưa bé Xay vào TP.HCM. Đến khi ca phẫu thuật thành công, bé Xay được ra viện về nhà thì chị mới chia sẻ với chúng tôi về hành trình gian khó ấy.
Theo lời chị Nhung, trong chuyến đi từ thiện tại huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), nhóm của chị đã phát hiện ra cậu bé Xay. Dù đã 9 tuổi nhưng cậu vẫn phải nhờ người nhà bế khi di chuyển vì chân cậu có tật.
Chị Nhung cho biết hôm nhóm thiện nguyện vào bản của Xay, chị không gặp được cậu bé vì còn ở ngoài thị trấn lo công tác hậu cần. Tới lúc về TP.HCM, thấy mọi người chia sẻ ảnh và mong muốn được đi dép của bé Xay, chị Nhung mới nghĩ tại sao mình không thể giúp bé thực hiện ước nguyện.
Thế là chị Nhung đã liên hệ với bác sĩ Nguyễn Xuân Anh, một bác sĩ chấn thương chỉnh hình tại TP.HCM, để nói về câu chuyện của bé Xay.
Sau khi được bác sĩ Xuân Anh đồng ý trực tiếp phẫu thuật chữa bàn chân cho cậu bé, chị Nhung lại liên lạc với Bộ Chỉ huy Bội đội Biên phòng tỉnh Nghệ An để nhờ hỗ trợ đưa bé vào TP.HCM. Cháu bé đã được xác minh hoàn cảnh và hỏi ý kiến gia đình.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Anh, chị Đỗ Thị Nhung (bìa phải) và mẹ con bé Xay.
Để đưa bé ra TP. Vinh đã là hành trình vô cùng vất vả vì gia đình của em cách trung tâm thị trấn Kỳ Sơn 70km, đi lại vô cùng khó khăn. Sau đó chị Nhung đi Hải Phòng công tác về đã qua TP. Vinh trực tiếp đưa bé vào TP.HCM. Chuyến đi có mẹ con Xay cùng với một em bé bị đa u sụn khác.
Khi vào TP.HCM, chị Nhung đã đưa bé tới chỗ bác sĩ Xuân Anh để làm phẫu thuật bàn chân. Tiếp nhận bé Xay, bác sĩ Nguyễn Xuân Anh nhận định đây là ca phì đại bàn chân không rõ nguyên nhân, có thể do đột biến trong quá trình mang thai.
Các đồng chí Bộ đội Biên phòng Nghệ An cùng với mạnh thường quân giúp bé Xay thực hiện ước mơ đi dép của mình.
Trước phẫu thuật, bác sĩ cho bé làm xét nghiệm thì bạch cầu của bé Xay tăng rất cao. Lúc kiểm tra cho bé mới biết cháu bị viêm da, lở loét một vài vùng da.
Bác sĩ Xuân Anh cho biết, ca phẫu thuật được thực hiện vào trưa 21/12 kéo dài hơn 2 tiếng. Khi thực hiện ca phẫu thuật, bác sĩ phải tỉ mỉ bóc tách loại bỏ các mô phì đại, bất thường và tránh làm tổn thương mạch máu, dây thần kinh các ngón chân bình thường kế bên.
Mục đích của ca phẫu thuật là tạo hình cho bàn chân thon nhỏ lại. Bé được ra viện sau phẫu thuật 2 ngày. Một tuần sau, bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng chân sau phẫu thuật. Dự kiến sau 2 tuần vết thương lành, bé có thể đi lại bình thường và mang được giày dép.
Hơn 20 năm thực hiện các ca chấn thương chỉnh hình, bác sĩ Xuân Anh mới chỉ tiếp nhận 5- 7 ca giống như trường hợp của bé Xay. Sau phẫu thuật, khả năng phì đại có thể tái phát nhưng sẽ không phì đại khổng lồ như ban đầu.
Chiều 22/12, bé Xay đã được chị Nhung đưa về nhà riêng của mình để cùng sinh hoạt với gia đình. Chị Nhung cho biết hành trình đưa bé Xay từ Nghệ An vào TP.HCM đều do Bộ Chỉ huy Bội đội Biên phòng tỉnh Nghệ An và các mạnh thường quân tại TP.HCM hỗ trợ. Chi phí nằm viện của bé Xay hết hơn 20 triệu đồng. Nhóm từ thiện Phước Hạnh giúp chi trả 15 triệu đồng, chi phí còn lại bác sĩ Xuân Anh sẽ tặng cháu bé.
Chị Nhung cho biết trong quá trình đưa bé từ Nghệ An vào TP.HCM chị luôn cố gắng để bé có thể được hưởng những điều tốt nhất. Phòng bệnh của bé cũng được đăng ký phòng dịch vụ chất lượng tốt nhất. Các mạnh thường quân cũng đến tặng quà cho bé Xay.
” Nhìn cháu bé cười nói rạng rỡ khi bàn chân “bất thường” được sửa chữa, cả bác sĩ và những người hỗ trợ bé đều rưng rưng hạnh phúc. Mang dép là điều bình thường của bất cứ ai nhưng với cậu bé Xay nó là ước mơ lớn. Tới đây cậu bé sẽ mang đôi dép trên bàn chân của mình trở về với vùng quê Kỳ Sơn”, chị Nhung xúc động chia sẻ.
Chú chó quạu khi sen cho đi dép
"Tao là trò cười của sen đấy à", chó said.
Người thầy xây ước mơ cho học sinh vùng khó Tôi muốn trở thành một thầy giáo để truyền kiến thức, cảm hứng học tập và cũng như những giá trị của Toán học đến cho các thế hệ sau. Thầy Bùi Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường THPT Văn Lãng - huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh NVCC. Đó là chia sẻ của thầy Bùi Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường...