Những người âm thầm tiếp sức bác sĩ chống dịch
Những ly cà phê nóng, bánh mì dinh dưỡng cao được người dân gửi tặng các y bác sĩ chống Covid-19 kèm thông điệp: Hãy chiến đấu kiên cường để về nhà khỏe mạnh.
Từ ngày 6/3, Hà Nột xuất hiện ca dương tính với nCoV đầu tiên. Sau hơn nửa tháng, con số này đã lên 44 người. Nhiều hàng quán trong thành phố đã đóng cửa, nhưng có một cửa hàng cà phê trên phố Hoàng Đạo Thúy ( Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn hoạt động nhưng chỉ để phục vụ khách hàng là nhân viên y tế tại điểm nóng căng thẳng nhất thủ đô lúc này – Bệnh viện Nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (Đông Anh) – nơi đang điều trị cho hàng chục bệnh nhân Covid-19.
Chị Kiều Oanh, quản lý cửa hàng cho biết, một số khách hàng quen thuộc của chị là các y bác sĩ “nhưng khi có dịch, họ trở thành tuyến đầu và giờ này bận đến nỗi chẳng có thời gian để thưởng thức một ly cà phê thông thường”.
Những cốc cà phê và trà nóng được gửi tới các y bác sĩ tại Bệnh viện Viện Nhiệt đới TW cơ sở 2 mỗi ngày. Chương trình của quán cà phê này dự định gửi 10.000 cốc cà phê với 10.000 lời nhắn động viên tới các y bác sĩ trong dịch Covid-19. Ảnh: Thủy Nguyễn.
Để để tiếp sức những người tuyến đầu, từ ngày 19/3, cửa hàng triển khai sáng kiến “tặng cà phê, trà miễn phí kèm lời nhắn động viên các y bác sĩ”. Chỉ sau 5 ngày, cửa hàng nhận được hàng trăm lời nhắn của khách hàng trên cả nước. Những lời chúc, lời động viên của nhân dân được các nhân viên của quán nắn nót viết lại và chuyển tới tận tay y bác sĩ.
Hàng ngày, 7 nhân viên của quán tập trung làm việc từ 5h sáng để pha chế. Đến 7h30 việc pha chế và đóng gói khoảng 300 ly cà phê, trà nóng kết thúc. Khoảng 7h45, xe của đơn vị độc lập sẽ vận chuyển tới Viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh để đảm bảo trước 9h số cà phê này đến tay các y bác sĩ.
Sợ đồ uống đến tay nhân viên y tế bị nguội, quán đã sử dụng loại cốc giấy chuyên dụng và tất cả đều phải làm việc hối hả nhất có thể, đảm bảo thời gian từ lúc đóng gói, vận chuyển đến bệnh viện không quá 60 phút. “Chúng tôi hy vọng mọi cốc cà phê đến tay người nhận đều còn nóng”, Mai Trang, một nhân viên của quán chia sẻ.
Trên mỗi ly cà phê đều có gắn mẩu giấy nhỏ kèm lời chúc như “Chút nắng mong manh sao thành mùa hạ/Chút Covid xa lạ sao đánh bại được chúng ta”; “Dù cuộc sống đau đầu, các bác sĩ hãy thật ngầu để đánh tan Covid”; “Chống dịch như chống giặc. Hãy mạnh mẽ lên các chiến binh áo trắng” hay “Hãy chiến đấu kiên cường để về nhà khỏe mạnh”… Đây là những thông điệp từ nhân viên của cửa hàng, của khách hàng đến quán mỗi ngày và của những người từ nơi xa gửi tặng những “chiến binh áo trắng”.
Nhân viên quán cà phê nắn nót ghi lại lời nhắn của hàng trăm khách hàng trên cả nước gửi tới các y bác sĩ trong tuyến đầu chống dịch Covid-19. Ảnh: Thủy Nguyễn.
Để tránh lây nhiễm, mỗi khi ôtô vận chuyển tới viện, đồ uống được giao tại khu vực được phép để hàng. Người giao hàng cũng được trang bị quần áo bảo hộ theo đúng quy định phòng dịch.
“Hành động của các bạn cho chúng tôi biết, ngành y không đơn độc. Những cốc trà, cafe tuy đắng mà lại rất ngọt, bởi chúng chứa rất nhiều tình cảm của người làm dành gửi cho anh chị em tụi mình. Cảm ơn rất nhiều!”, một bác sĩ của bệnh viện viết lời cảm ơn dành cho cửa hàng.
Câu chuyện phát cà phê miễn phí của chuỗi cửa hàng này tại Hà Nội đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều người. Nhiều đơn vị và cá nhân ngỏ ý muốn cùng chung tay gửi những ly cà phê đến y bác sĩ trong thời gian tới. Đã có người gửi tặng 3-5 ly cà phê, người thì nhiều hơn.
“Chúng tôi sẽ tìm giải pháp để có thể chuyển món quà của mọi người đến tay người nhận trong thời gian sớm nhất”, quản lý cửa hàng cho biết.
Ông Kao Siêu Lực cùng đồng nghiệp sản xuất ra những chiếc bánh mì dinh dưỡng dành tặng cho các nhân viên y tế. Ảnh: Huy Minh.
Khi những cốc cà phê ấm nóng được gửi tới các bác sĩ ở Hà Nội thì tại TP HCM những chiếc bánh mì “siêu dinh dưỡng” cũng được “Vua bánh mì” Kao Siêu Lực gửi tặng các nhân viên y tế tại Bệnh viện dã chiến ở Bình Dương.
Bánh được làm từ bột mì đen, sữa, bơ, khoai lang, nho khô, hạt óc chó, mè (vừng), phô mai nhuyễn và mật ong thay thế đường. Việc nghiên cứu ra chiếc bánh dinh dưỡng cũng tiêu tốn 14 ngày của ông Lực. Thời gian hoàn thành chiếc bánh từ trộn nguyên liệu đến ủ bột mất khoảng 20 giờ. Với sự giúp sức của cộng sự, mỗi ngày ông Lực sản xuất được 1.500 chiếc. Giá mỗi chiếc bánh từ 90.000 đến 100.000 đồng.
3.000 cái trong mẻ bánh đầu tiên được ông gửi tặng tới đội ngũ y tế của thành phố. Ngày 23/3, 750 chiếc bánh đã được vận chuyển tới bệnh viện dã chiến tại Bình Dương. Thời gian tới ông sẽ sản xuất nhiều bánh mì “siêu dinh dưỡng” hơn để gửi tới các y bác sĩ và nhân viên y tế đang chống Covid-19.
“Bệnh nhân cách ly được chăm sóc rất tốt và kỹ càng trong khi không ai chăm sóc các y bác sĩ và nhân viên phục vụ. Tôi muốn góp sức nhỏ để gửi chút quà nhỏ tới những người hy sinh nhiều nhất trong trận chiến cam go này”, ông Lực nói.
Bà Kao Huy Minh – con gái ông Kao Siêu Lực chia sẻ, trong quá trình nghiên cứu bánh, bà đã đề nghị ông điều chỉnh hàm lượng nguyên liệu để giảm bớt chi phí, bởi riêng thành phần hạt óc chó trong mỗi chiếc cũng đã lên tới 22.000 đồng nhưng ông không đồng ý.
“Phải cung cấp đủ dưỡng chất cho các y bác sĩ trong dịch bệnh này. Họ có khỏe thì mới chăm sóc được cho cộng đồng”, ông Lực cho biết mỗi chiếc bánh đầy đủ chất dinh dưỡng có thể thay thế một bữa ăn. “Họ có thể ăn ngay sau khi phẫu thuật hay đang trên ca trực”, ông nói.
Trên mỗi chiếc bánh mì đều ghi lời cảm ơn tới đội ngũ y bác sĩ – những người hy sinh nhiều nhất trong trận chiến Covid-19. Ảnh: Huy Minh.
Hạn sử dụng cho bánh tươi là 3 ngày, có thể trữ đông được 3 tháng. Tuy nhiên do thiết bị trữ đông tại bệnh viện ưu tiên chứa thuốc nên thay vì làm bánh trọng lượng 500 gram mỗi chiếc, ông Lực đã giảm xuống 250 gram để cho các nhân viên y tế có thể dùng ngay, hạn chế lây nhiễm chéo trong môi trường làm việc.
Cách đây hơn một tháng, ông Lực đã tạo ra chiếc bánh mì thanh long đầu tiên nhằm giải cứu cho nông sản Việt Nam gặp khó khi bị hạn chế giao thương với Trung Quốc bởi dịch bệnh. Sáng kiến của ông đã tạo nguồn cảm hứng cho nhiều sản phẩm hỗ trợ nông sản khác xuất hiện trên cả nước như bánh tráng thanh long, bún dưa hấu…
“Việc tặng bánh của ông Lực sẽ trở thành một xu hướng mới trong cộng đồng, khiến nhiều người theo gương ông dành tặng nhu yếu phẩm cần thiết cho các y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch, như những gì ông đã làm được với bánh mì thanh long”, một độc giả bình luận.
Trong khi người khác ghi cảm nhận: “Thiện chí của ông, dù âm thầm nhưng vẫn mang đủ sự ấm áp đến mọi người”.
Cùng VnExpress hỗ trợ tuyến đầu chống dịch 30
Hải Hiền
Chốt chặn 24/24h ở vùng dịch Covid-19 tại Vĩnh Phúc
Dù là địa phương có nhiều người nhiễm virus corona nhất Việt Nam nhưng cuộc sống người dân xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) vẫn diễn ra bình thường, không nhiều xáo trộn.
Con đường dẫn vào xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc những ngày này luôn có lực lượng an ninh chốt chặn 24/24h làm công tác đo thân nhiệt người ra vào, hướng dẫn người dân đeo khẩu trang đúng cách.
Anh Tuấn (cán bộ y tế xã Sơn Lôi) cho biết những người đi qua chốt kiểm tra dịch bệnh đều phải kiểm tra thân nhiệt. Thời gian hoạt động vất vả nhất của chốt thường vào lúc 6h30 sáng khi bà con ra đồng làm ruộng, công nhân bắt đầu đi làm tại khu công nghiệp Bình Xuyên gần đó.
Phiên chợ chiều đìu hiu vắng vẻ ở thôn Ngọc Bảo (xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên) khi lượng người bán còn đông hơn cả người ghé chợ mua đồ.
"Rau củ quả đều của nhà trồng, đồ sạch lắm nhưng mấy hôm nay người ta nghe trong xã có dịch nên ít người qua lại lối này, chợ cũng ế ẩm hơn ngày thường", bà Nhu (người dân xã Sơn Lôi) trầm ngâm nói.
Con đường dẫn vào thôn Ái Văn (xã Sơn Lôi) vắng bóng người qua lại. Được biết tỉnh Vĩnh Phúc có số ca nhiễm virus corona cao nhất cả nước với tổng số 10 trường hợp.
Các khẩu hiệu tuyên truyền cho người dân về virus corona được treo ở khắp đường làng ngõ xóm trong xã Sơn Lôi.
Trong ngày 12/2, UBND huyện Bình Xuyên đã tổ chức phun thuốc khử trùng trên toàn bộ địa bàn xã Sơn Lôi, tuy nhiên do địa bàn rộng lớn với diện tích 959,08 ha và gần 2.500 hộ dân, tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng cường thêm cán bộ và máy phun thuốc của huyện Vĩnh Tường sang hỗ trợ.
Anh Nguyễn Văn Thu (công nhân phun thuốc khử trùng) cho biết hóa chất để khử trùng là loại Cloramin B. Vị trí được khuyến cáo phun thuốc là trong nhà và sân vườn xung quanh.
Bà Thung (người dân xã Sơn Lôi) ngày thường vốn chẳng bao giờ đeo khẩu trang. Nhưng từ khi có dịch về đến địa phương, mỗi khi ra đường bà cũng tự trang bị để bảo vệ sức khỏe cho mình và người xung quanh. Mọi nhu yếu phẩm hàng ngày như thịt gà, rau đều được bà tận dụng đồ có sẵn trong nhà để không phải đi chợ, hạn chế tiếp xúc trực tiếp.
Anh Nguyễn Quốc Khanh (người dân xã Sơn Lôi) phải ở nhà cách ly do yêu cầu của công ty. Thời gian không phải đi làm anh dành để chăm sóc cậu con trai 5 tuổi phải nghỉ học vì virus corona.
6 thôn khác của xã Sơn Lôi như Ái Văn, An Lão, Bá Cầu, Lương Câu, Ngọc Bảo, Nhân Nghĩa cũng được lực lượng chức năng lâp chốt nhằm kiểm soát lượng người và xe ra vào.
Những điều dưỡng, lao công thầm lặng nơi cách ly virus corona
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vắng hoe vì nỗi sợ lây nhiễm. Ở đây chỉ còn bóng dáng thầm lặng của những y bác sĩ, điều dưỡng chiến đấu cùng bệnh nhân.
Theo news.zing.vn
Bệnh viện ở TP.HCM trả lời trước tin đồn cần 1.000 hộp khẩu trang y tế "giải cứu" bác sĩ Lãnh đạo Bệnh viện Quận 2 (TP.HCM) khẳng định không thiếu khẩu trang y tế dùng cho các y, bác sĩ như tin đồn gây xôn xao dư luận trên mạng xã hội. Ít giờ qua, mạng xã hội xôn xao trước tin đồn về việc Bệnh viện (BV) Quận 2 (TP.HCM) - đơn vị y tế công lập trực thuộc Sở Y...